Ăn chay giúp cơ thể chống lại bệnh tật

17/05/2021 08:19 GMT+7

Các nhà khoa học thuộc Đại học Glasgow (Scotland) vừa công bố tại hội thảo của Hiệp hội Nghiên cứu về bệnh tiểu đường châu Âu (EASO) nghiên cứu mới nhất về việc người ăn chay có dấu ấn sinh học - chỉ dấu về mức độ nghiêm trọng hay sự hiện diện của một số trạng thái bệnh tật hoặc trạng thái sinh lý của cơ thể - tốt hơn người ăn thịt.

Theo trang USNews, sau khi thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy nhóm người ăn chay có 13 loại dấu ấn sinh học ở mức thấp hơn người ăn thịt, bao gồm: cholesterol toàn phần, cholesterol xấu, apolipoprotein A, B (liên quan đến bệnh tim mạch), gamma-glutamyl transferase (GGT) và alanine aminotransferase (AST) (chỉ dấu chức năng gan phát hiện các tế bào bị viêm hoặc hư hại), IGF-l (hormone khuyến khích sự tăng trưởng của các tế bào ung thư), protein toàn phần, urate và creatinine (chỉ dấu suy giảm chức năng thận).
"Ngoài việc không ăn nhiều thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, người ăn chay thường có xu hướng ăn nhiều rau, thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất xơ và các loại hợp chất có lợi khác. Điều này giải thích vì sao người ăn chay có các loại dấu ấn sinh học xấu ở mức thấp", học giả đứng đầu nghiên cứu, tiến sĩ Carlos Celis-Morales thuộc Đại học Glasgow, cho biết.
Ông cũng đề cập những người ăn chay ngược lại cũng bị thiếu đi một số loại dấu ấn sinh học có lợi như cholesterol tốt, vitamin D, canxi…
Christine Santori, người chịu trách nhiệm về chế độ ăn uống tại Trung tâm quản lý cân nặng thuộc Bệnh viện Northwell Health (New York, Mỹ) cho hay không phải tất cả người ăn chay mặc nhiên đều có sức khỏe tốt.
Bà lưu ý, chế độ ăn chay nếu chỉ tập trung chủ yếu vào carbohydrate tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn thì sẽ kém lành mạnh, do đó nên tiêu thụ trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, quả hạch, hạt, những thực phẩm cung cấp chất xơ và ít chất béo bão hòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.