Bạn có hiểu đúng yoga và tập đúng cách?

04/01/2018 09:01 GMT+7

Yoga gần đây là xu hướng nở rộ với nhiều trung tâm và ngày càng nhiều người tập luyện. Nhiều người muốn tập yoga nhưng còn nghi ngại.

Vậy cần hiểu đúng về yoga, tác dụng trong bảo vệ sức khỏe để tập đúng và an toàn.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ (Đơn vị Điều trị ban ngày, Cơ sở 3, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM): Yoga là một phương pháp tập luyện cổ xưa (có nguồn gốc ở Ấn Độ khoảng 5.000 năm trước đây), tập trung vào sức mạnh, sự linh hoạt và hơi thở để tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần. Các nội dung chính của yoga là tư thế (một loạt các động tác được thiết kế để tăng sức mạnh và tính linh hoạt) và hơi thở. Hiện nay, việc thực hành yoga đã được lưu truyền ở các nước khác với nhiều biến thể và hướng phát triển khác nhau.
Nhiều thử nghiệm khoa học đã được công bố cho thấy yoga là một cách an toàn và hiệu quả để tăng cường hoạt động thể chất, đặc biệt là sức mạnh, sự linh hoạt và cân bằng. Thực hành yoga thường xuyên có lợi cho những người bị huyết áp cao, bệnh tim, đau nhức - bao gồm đau lưng dưới - trầm cảm và căng thẳng.
Cải thiện sự linh hoạt, dẻo dai
“Liệu cơ thể tôi không dẻo dai và linh hoạt có thể tập yoga?”. Không cần thiết. Yoga sẽ cải thiện tính linh hoạt, dẻo dai của bạn và giúp bạn đi xa hơn giới hạn bình thường của cơ thể, qua đó giúp cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn.
Tập yoga ít nhất hai buổi một tuần sẽ giúp bạn đáp ứng được việc đảm bảo hoạt động cơ bắp dẻo dai. Các hoạt động như yoga và thái cực cũng được khuyến cáo cho người lớn tuổi có nguy cơ té ngã để giúp cải thiện sự cân bằng và phối hợp.
Giúp ngăn ngừa té ngã
Yoga cải thiện sự cân bằng bằng cách tăng cường sức mạnh cơ thể, đặc biệt là mắt cá chân và đầu gối, tăng khả năng giữ thăng bằng của não. Do đó làm giảm nguy cơ té ngã.
Cải thiện bệnh viêm khớp
Yoga thường được khuyên dùng cho những người bị viêm khớp do cách tập nhẹ nhàng thúc đẩy tính linh hoạt và sức mạnh. Một số nghiên cứu cho thấy yoga có thể làm giảm đau ở những người bị viêm khớp gối. Tuy nhiên, một số động tác yoga không thích hợp cho những người đau khớp. Do đó, giáo viên hướng dẫn cần phải hiểu bệnh viêm khớp và có bài tập phù hợp cho nhu cầu của từng cá nhân.
Hiện nay, tại các khoa y học cổ truyền của các bệnh viện lớn có thiết kế riêng các bài tập yoga cụ thể cho từng bệnh nhân.
Thích hợp cho cả người cao tuổi
Nhiều người tự hỏi: “Tôi có quá già để tập yoga?”. Chắc chắn không. Nhiều người bắt đầu tập yoga ở tuổi 70 và nhiều người nói ước gì họ đã bắt đầu sớm hơn. Có các lớp học yoga dành cho mọi lứa tuổi. Yoga là một hình thức tập thể dục có thể được thực hành từ khi còn rất trẻ đến khi đã lớn tuổi. Vấn đề là nên tập các động tác phù hợp với lứa tuổi và tình trạng sức khỏe của mình.
Những chấn thương hoặc nguy hiểm do tập yoga
Chấn thương gây ra do yoga là không nhiều. Chấn thương khi tập yoga chủ yếu do tập luyện quá sức, nhất là đối với những người mới bắt đầu tập luyện. Một số chấn thương có thể gây ra bởi các động tác đòi hỏi sự căng giãn quá sức hoặc lặp đi lặp lại các động tác này.
Người lớn tuổi vẫn có thể tập yoga và đây là cách cải thiện sự cân bằng, phối hợp, giúp giảm nguy cơ té ngã ShutterStock
Những ảnh hưởng thường gặp là: đau xương khớp, sau khi tập xong cảm thấy chóng mặt mà không biết nguyên nhân, có người mất ngủ…
Riêng về lớp thiền, vẫn được lồng vào các lớp yoga thì càng phải đề phòng, vì thiền là đỉnh cao của yoga, phải có quá trình luyện tập lâu dài nếu không sẽ dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma”.
Theo tạp chí Time, hiện toàn thế giới có hơn 14 triệu người luyện tập yoga. Số người phải phẫu thuật chỉnh hình, vật lý trị liệu và nắn khớp xương do tập luyện yoga cũng theo đó tăng lên.
“Yoga cũng có những nguyên tắc an toàn của nó giống như bất cứ môn thể thao nào khác. Nó hoàn toàn an toàn nếu được hướng dẫn và tập luyện đúng cách từ những giáo viên, người am hiểu có trình độ, kinh nghiệm. Yoga có lợi cho sức khỏe nhưng nguyên tắc là phải phù hợp lứa tuổi: có bài tập dành riêng người già, có bài tập chỉ dành cho lớp trẻ và phải đi từ thấp đến cao”, bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Hiện nay, các phòng tập yoga mở ra rất nhiều. Các trường phái yoga rất đa dạng với đủ loại biến thể. Tuy nhiên, tại TP.HCM, hiện nay, có 3 trường phái phổ biến nhất là Hatha yoga - kết hợp điều hòa âm dương giữa tinh thần và thể chất; Tantra yoga - du nhập từ Ấn Độ với sự vận động thể chất kết hợp động tác với xoa bóp, ăn chay và thiền; những động tác yoga cơ bản của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế) đã được công nhận. Phương pháp của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đang được một số bệnh viện như Cơ sở 3 của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM sử dụng trong hỗ trợ điều trị vì dễ thực hiện và có tác dụng cải thiện cho nhiều bệnh mạn tính.
Bác sĩ Vũ khuyến cáo: Tùy theo nhu cầu mà chọn hình thức yoga phù hợp. Cần chọn nơi có uy tín để tập yoga. Thêm một lưu ý nữa là tập yoga phải dưới sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm, không nên tự mua sách về tập luyện vì tập sai lâu ngày dẫn đến nhiều nguy hại cho sức khỏe. Có nhiều vấn đề khó trong yoga, không chỉ đơn thuần là bắt chước về động tác mà còn cách thở, động tác phù hợp với từng cá thể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.