Bản tin Covid-19 ngày 11.1: Cả nước 16.035 ca | Hàng ngàn học sinh TP.HCM chuyển về quê

11/01/2022 20:01 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 11.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 11.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.035 ca Covid-19, 6.866 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 11.1.2022 cho biết tính từ 16h ngày 10.1 đến 16h ngày 11.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.035 ca nhiễm mới, 6.866 ca khỏi bệnh. Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 256 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 34.787 ca.

Ngày 11.1: Cả nước 16.035 ca Covid-19, 6.866 ca khỏi | Hà Nội 2.884 ca | TP.HCM 558 ca

Thông tin về 16.035 ca nhiễm mới như sau:

  • 16 ca nhập cảnh.
  • 16.019 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.236 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.691 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.884), Khánh Hòa (782), Cà Mau (762), Bình Định (671), Bình Phước (667), TP.HCM (558), Đà Nẵng (543), Hải Phòng (514), Bến Tre (498), Tây Ninh (462), Đắk Lắk (381), Bắc Ninh (380), Vĩnh Long (377), Hưng Yên (347), Trà Vinh (326), Thanh Hóa (319), Bà Rịa - Vũng Tàu (294), Quảng Ninh (240), Lâm Đồng (235), Quảng Ngãi (224), Thừa Thiên-Huế (222), Bạc Liêu (193), Hà Giang (186), Nghệ An (185), Thái Nguyên (184), Vĩnh Phúc (177), Hậu Giang (175), Cần Thơ (169), Hải Dương (168), Hòa Bình (161), Bình Thuận (156), Bắc Giang (155), Quảng Nam (154), Nam Định (145), An Giang (117), Đắk Nông (114), Đồng Tháp (109), Phú Thọ (108), Quảng Bình (105), Thái Bình (104), Kiên Giang (103), Ninh Bình (102), Yên Bái (101), Hà Nam (98), Sóc Trăng (92), Lạng Sơn (87), Lào Cai (81), Đồng Nai (81), Sơn La (79), Phú Yên (77), Hà Tĩnh (66), Quảng Trị (66), Tiền Giang (65), Tuyên Quang (59), Ninh Thuận (50), Điện Biên (49), Long An (44), Lai Châu (39), Kon Tum (38), Cao Bằng (37), Bắc Kạn (26), Bình Dương (25), Gia Lai (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-139), Lạng Sơn (-90), Hải Phòng (-78).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (+222), Bà Rịa - Vũng Tàu (+161), Bến Tre (+128).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 16.105 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 31 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.930.428 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 19.564 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.924.372 ca, trong đó có 1.594.139 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (508.805), Bình Dương (291.526), Đồng Nai (98.872), Tây Ninh (83.146), Hà Nội (73.490).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.866 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.596.956 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.317 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.541 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 909 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 125 ca
  • Thở máy xâm lấn: 722 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 10.1 đến 17h30 ngày 11.1 ghi nhận 256 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (19) trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến: Đồng Nai (4), Bình Dương (2), Tây Ninh (2).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Long An (30 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (24 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (21 ca trong 2 ngày), Đồng Tháp (15), Vĩnh Long (15), Bến Tre (11), Tây Ninh (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (11), Tiền Giang (11), Cần Thơ (11), Sóc Trăng (11), An Giang (9), Hà Nội (9), Trà Vinh (7), Hậu Giang (7), Bình Dương (6), Bạc Liêu (6), Bình Định (5), Thừa Thiên - Huế (4), Cà Mau (4), Hà Giang (4 ca trong 2 ngày), Bình Thuận (2), Quảng Ngãi (1), Quảng Nam (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 220 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 34.787 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.135.667 mẫu tương đương 75.857.329 lượt người.

Trong ngày 10.1 có 1.063.758 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 162.375.421 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.389.408 liều, tiêm mũi 2 là 71.386.323 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 12.599.690 liều.

Giấy xác nhận tiêm vắc xin có thể thay thế “hộ chiếu vắc xin”

Theo Quyết định số 43 ngày 7.1.2022 của Bộ Y tế, khi người dân tiêm vắc xin Covid-19 sẽ được cấp giấy xác nhận chi tiết các mũi tiêm gồm các liều: cơ bản tối đa có 3 mũi; liều bổ sung 1 mũi và liều nhắc lại tối đa 3 mũi. Theo đó, tùy loại vắc xin Covid-19 được tiêm (loại tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi và cần tiêm bổ sung), một người có thể tiêm đến 7 mũi.

Giấy xác nhận tiêm vắc xin Covid-19 có thể thay thế “hộ chiếu vắc xin”

Theo Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 được ban hành tại Quyết định 43 có thể cập nhật phù hợp với tất cả các loại vắc xin đã được lưu hành trong nước, cũng như phù hợp với lịch tiêm chủng của mỗi người.

Hiện nay, ở các nước trên thế giới, lịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đều bao gồm các mũi tiêm cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại.

Về tiêm các liều cơ bản: các vắc xin tiêm 2 mũi là: AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V…; riêng vắc xin Abdala tiêm 3 mũi (chiếm 1 - 2% số người đã tiêm).

Về tiêm bổ sung: áp dụng tiêm 1 mũi cho đối tượng tiêm là người từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng (chiếm khoảng 2,5% số đã tiêm); người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V (chiếm khoảng 25% số đã tiêm).

Về tiêm nhắc lại: tiêm 1 mũi sau 3 tháng (kể từ khi tiêm mũi cuối của liều cơ bản) để tăng cường miễn dịch.

Hiện một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại. Việc tiêm các mũi nhắc tiếp theo được triển khai khi có những thông tin khoa học, kinh nghiệm thực tiễn của các nước cũng như khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Như vậy, hiện nay tại Việt Nam tiêm nhắc là 1 mũi. Phần lớn người dân VN chỉ tiêm 3 mũi (gồm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại), một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vắc xin thì tiêm 4 mũi (gồm 2 mũi cơ bản, 1 mũi bổ sung và 1 mũi nhắc lại).

Trên cơ sở cập nhật những thay đổi trong việc khuyến cáo tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại trên thế giới, Bộ Y tế đã sửa đổi mẫu xác nhận tiêm vắc xin Covid-19. Giấy xác nhận này đảm bảo việc điền được các thông tin của lịch tiêm liều cơ bản, liều bổ sung và 1 mũi tiêm nhắc.

Ngoài ra, giấy này cũng có 2 vị trí có thể những người nước ngoài đến Việt Nam từ các nước đã tiêm hơn 1 mũi tiêm nhắc lại, có thể điền thêm khi tiêm mũi tiếp theo.

Theo Cục Y tế dự phòng, mẫu giấy xác nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 mới ban hành tích hợp thông tin đã tiêm chủng tại thời điểm hiện tại; đồng thời có thể sử dụng lâu dài, khi có các mũi tiêm cần thiết thêm theo khuyến cáo của WHO.

Giấy xác nhận các loại vắc xin đã tiêm là căn cứ để cơ quan y tế chỉ định loại vắc xin sẽ được tiêm bổ sung và nhắc lại với mỗi cá nhân.

Ông Đỗ Trường Duy, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết hiện một số quốc gia chưa liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên phần mềm nên việc sử dụng chứng nhận đã tiêm chủng bản giấy với đầy đủ các mũi đã tiêm nhằm thuận lợi khi sử dụng”.

Ngoài ra, không phải tất cả người dân đều sử dụng điện thoại có phần mềm cập nhật mũi tiêm vắc xin. Do đó, các điểm tiêm chủng vẫn thực hiện việc cấp giấy chứng nhận cho người dân để thuận tiện trong việc sinh hoạt, đi lại, làm việc.

Với mũi tiêm bổ sung và mũi nhắc lại (tức mũi 3), Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương, điểm tiêm chủng nhanh chóng cập nhật số mũi tiêm, đảm bảo dữ liệu tiêm chủng kịp thời cho người dân trên hệ thống phần mềm.

100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 15h ngày 11.1.2022, cả nước đã tiêm trên 162,2 triệu liều vắc xin phòng Covid-19; riêng ngày 10.1, có gần 1,1 triệu liều vắc xin được tiêm chủng.

100% dân số từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 vắc xin Covid-19

Đến ngày 10.1, số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 147,3 triệu liều, trong đó có hơn 70,3 triệu mũi 1; hơn 65,1 triệu mũi 2; gần 1,3 triệu mũi 3 (đối với vắc xin Abdala); hơn 3 triệu liều bổ sung và hơn 7,5 triệu liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 100% và tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 92,6% dân số từ 18 tuổi trở lên

Hiện nay, cả nước có 36 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%; 22 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều từ 80 – dưới 90%; 5 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều dưới 80% là Hưng Yên (78,4%), Nghệ An (76,8%), Hà Giang (73,7%), Cao Bằng (78,5%) và Sơn La (74,2%).

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 12-17 tuổi, báo cáo của Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 13,9 triệu liều, trong đó có hơn 7,9 triệu mũi 1 và gần 6 triệu mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 89,2% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 67,0% dân số từ 12 -17 tuổi.

32 tỉnh thành, phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP. HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Hàng ngàn học sinh TP.HCM rút học bạ, chuyển về quê học

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, từ đầu năm học tới nay đã có khoảng 7.500 học sinh bậc tiểu học rút hồ sơ, học bạ chuyển về quê học.

Hàng ngàn học sinh TP.HCM rút học bạ, chuyển về quê học

Chia sẻ về tình trạng này, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, dựa vào dữ liệu thống kê, khảo sát do các trường, phòng giáo dục quận huyện cung cấp vào cuối học kỳ vừa qua, Sở đã ghi nhận 7.500 học sinh rút học bạ, chuyển trường.

Theo khảo sát, học sinh tiểu học chuyển trường phần lớn là con em công nhân và người lao động tự do. Lý do chuyển trường nhiều nhất là thời gian học trực tuyến kéo dài trong khi phụ huynh vẫn phải đi làm, không thể trông coi, sát sao việc học của học sinh nên phải gửi con em về quê cho người thân hỗ trợ. Một lý do khác là vì tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua dẫn đến làn sóng hồi hương.

Ngoài bậc tiểu học, tính đến ngày 4.1.2022, tỉ lệ học sinh từ lớp 7 - 12 đi học trực tiếp trở lại đạt hơn 85% cả hai cấp THCS và THPT. Cụ thể, khối lớp 10 là hơn 85%, lớp 11 là hơn 92%, lớp 12 hơn 98%; lớp 7 và 8 đạt tỉ lệ hơn 87%, lớp 9 là 98,7%.

Nói về tình trạng học sinh rút học bạ về quê, phòng Giáo dục Q.Tân Phú cho biết nhiều học sinh có thể đã theo gia đình về quê trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phòng giáo dục Q.Tân Phú vẫn yêu cầu các trường tạo mọi điều kiện cho những em nào còn đang ở quê tiếp tục học trực tuyến. Còn việc học sinh chuyển trường là tình trạng chung từ trước tới nay, năm nào cũng có em rút hồ sơ, học bạ nhưng có thể năm nay do tác động của dịch bệnh nên số lượng nhiều hơn.

Phòng giáo dục Q.Bình Tân cho biết dưới tác động của các làn sóng về quê trước đó, việc học sinh rút học bạ về quê năm nay sẽ nhiều hơn so với trước đây. Thủ tục nhập học hay rút hồ sơ của học sinh tiểu học cũng đã được đơn giản hóa tối đa để phụ huynh dễ dàng tìm chỗ học phù hợp cho con. Nếu học sinh tiểu học đáp ứng đủ điều kiện có thường trú, tạm trú là các trường phải tạo mọi điều kiện nhận các em.

Đối với học sinh bậc THCS, việc chuyển trường của học sinh THCS cần phải được thực hiện theo quy định, cụ thể là học sinh phải học hết học kỳ 1 hoặc 2 mới được xin chuyển. Tuy nhiên, do nhiều học sinh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh phải linh động trong việc giải quyết trường lớp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các em đi học.

“Hát bù” karaoke trong ngày đầu TP.HCM mở lại

Sau nhiều tháng trời bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngày 10.1.2022, dịch vụ karaoke tại TP.HCM đã được phép hoạt động trở lại. Đây xũng là thời điểm nhu cầu họp mặt, vui chơi của người dân tăng cao khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã cận kề.

Karaoke TP.HCM mở lại sau nhiều tháng, khách hào hứng đến 'hát bù'

19 giờ tối 10.1, nhóm bạn 6 người của Bùi Đăng Khoa (25 tuổi, Q. Bình Thạnh) đã có mặt tại một quán karaoke lớn trên đường Võ Thị Sáu (Q.3, TP.HCM).

Nhóm của Khoa từng hụt hẫng trong lần đầu dịch vụ này được mở lại cách đây hơn 1 tháng, sau đó phải đóng lại luôn. Lần này, nhóm bạn đến phòng hát từ sớm để xả stress ngay trong ngày đầu karaoke mở lại.

Trong khi đó, nhóm của Huỳnh Như (ở Q.5, TP.HCM) vừa kết thúc buổi tiệc tất niên vui vẻ thì nghĩ ngay đến quán hát. TP.HCM vừa trở thành vùng xanh, tất cả mọi người đều tiêm đủ ít nhất 2 mũi vắc xin nên hầu như mọi người đều nhất trí đến phòng hát.

Chuỗi karaoke Nnice có hơn 20 năm kinh doanh, là địa chỉ karaoke quen thuộc của nhiều người thành phố. Trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại, hệ thống cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực khi lượng khách vãng lai cũng như đặt phòng trước khá đông. Mặc dù chưa được như kỳ vọng ban đầu nhưng quản lý chuỗi hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong những ngày tới.

Ghi nhận một số quán hát khác trên đường Thành Thái (Q.10), Cách Mạng Tháng Tám (Q.3)… lượng khách đến hát khá tấp nập, đặc biệt sau 21 giờ. Tại đường Sư Vạn Hạnh (Q.10), không khí có phần trầm lắng hơn dù các quán karaoke có làm nhiều chương trình khuyến mại để thu hút khách hàng.

Quán bar Bùi Viện thấp thỏm mở cửa trở lại

Kể từ ngày 10.1.2022, các quán bar, karaoke ở TP.HCM đã bắt đầu được hoạt động. Nhưng ngày gần đây, nhân viên tại nhiều quán bar, nhà hàng, beer club trên đường Bùi Viện (quận 1, TP.HCM) đã rục rịch dọn dẹp, sắp xếp bàn ghế để chuẩn bị hoạt động trở lại sau nhiều tháng trời ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quán bar Bùi Viện được mở cửa lại nhưng vẫn ám ảnh vì Covid-19

Kể từ thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phố Tây Bùi Viện mất đi vẻ náo nhiệt vốn có. Nhà hàng, quán bar, beer club ở đây hoặc buộc phải đóng cửa, hoặc phải chuyển qua bán rau củ quả cầm cự qua ngày.

Một số quán cũng đã bắt đầu tuyển nhân viên mới do lượng nhân viên cũ đã nghỉ việc về quê sau một thời gian dài các quán nghỉ dịch Covid-19.

Trải qua một thời gian dài dịch bệnh, nhiều lần các nhà hàng, quán bar, beer club ở đây vừa mở cửa được một thời gian thì lại phải đóng cửa. Vậy nên, khi được mở cửa ở lại những người làm việc ở đây cũng vẫn còn nhiều lo lắng.

Dọc tuyến đường Bùi Viện những ngày này đã bắt đầu có nhiều hơn những tiếng nhạc và những ánh đèn được bật lên từ các quán bar, nhà hàng, beer club. Có thể xem đây là tín hiệu tích cực cho một tuyến phố nhộn nhịp sắp được “hồi sinh” khi dịch bệnh Covid-19 dần được kiểm soát.

Trước đó, ngày 4.1.2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn cho phép các cơ sở kinh doanh vũ trường, quán bar, karaoke, câu lạc bộ khiêu vũ, massage được phép hoạt động trở lại từ ngày 10.1.2022 với điều kiện phải đảm bảo theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch. Trước khi hoạt động trở lại, các cơ sở kinh doanh phải được chính quyền địa phương thẩm định và cho phép hoạt động.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 11.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.