Bản tin Covid-19 ngày 14.1: Cả nước 16.040 ca | So sánh mới nhất giữa Omicron và Delta

14/01/2022 19:59 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 14.1 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 14.1 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.040 ca Covid-19, 4.290 ca khỏi

Bản tin Bộ y tế tối 14.1 cho biết tính từ 16h ngày 13.1 đến 16h ngày 14.1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.040 ca nhiễm mới, 4.290 ca khỏi bệnh. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 171 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 35.341 ca.

Ngày 14.1: Cả nước 16.040 ca Covid-19, 4.290 ca khỏi | Hà Nội 3.029 ca | TP.HCM 402 ca

Thông tin về 16.040 ca nhiễm mới như sau:

  • 14 ca nhập cảnh.
  • 16.026 ca ghi nhận trong nước (giảm 674 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.914 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (3.029), Đà Nẵng (765), Bình Định (711), Khánh Hòa (680), Bình Phước (643), Bến Tre (555), Cà Mau (526), Hải Phòng (507), Tây Ninh (432), Hưng Yên (414), TP.HCM (402), Quảng Ngãi (397), Vĩnh Long (375), Bắc Ninh (319), Thừa Thiên-Huế (310), Thanh Hóa (290), Trà Vinh (283), Quảng Ninh (265), Quảng Nam (262), Vĩnh Phúc (247), Hải Dương (227), Bắc Giang (221), Thái Nguyên (216), Hòa Bình (199), Nghệ An (194), Bà Rịa - Vũng Tàu (185), Nam Định (181), Đắk Lắk (176), Phú Yên (169), Bạc Liêu (157), Hà Giang (149), Đắk Nông (146), Cần Thơ (139), Đồng Tháp (135), Thái Bình (125), Hậu Giang (119), Kiên Giang (118), Bình Dương (113), Tuyên Quang (113), Gia Lai (107), Bình Thuận (103), Quảng Trị (98), Đồng Nai (92), Phú Thọ (91), Quảng Bình (88), Hà Nam (87), An Giang (81), Lào Cai (80), Lạng Sơn (79), Điện Biên (75), Sóc Trăng (74), Sơn La (73), Yên Bái (72), Ninh Bình (68), Lai Châu (52), Kon Tum (45), Hà Tĩnh (38), Ninh Thuận (38), Long An (33), Tiền Giang (27), Cao Bằng (21), Bắc Kạn (10).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-299), Đắk Lắk (-241), Bà Rịa - Vũng Tàu (-144).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Quảng Ngãi (+121), Đà Nẵng (+108), Phú Yên (+92).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.980 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 50 ca Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.991.484 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 20.181 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.985.320 ca, trong đó có 1.663.403 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (510.604), Bình Dương (291.917), Đồng Nai (99.161), Tây Ninh (84.502), Hà Nội (82.435).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.290 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.666.220 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.481 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.795 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 829 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 139 ca
  • Thở máy xâm lấn: 698 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 13.1 đến 17h30 ngày 14.1 ghi nhận 171 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (15) trong đó có 2 ca từ Tây Ninh chuyển đến.
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (20 ca trong 2 ngày), Đồng Tháp (14), Tiền Giang (12), Sóc Trăng (11), Vĩnh Long (11), Cần Thơ (11), Bình Dương (9), Đồng Nai (8), Kiên Giang (8), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Tây Ninh (6), Bình Thuận (5), Long An (5), Bến Tre (5), Hậu Giang (4), Gia Lai (3), Cà Mau (3), Bình Định (3), Hải Phòng (2), Hậu Giang (2), Khánh Hòa (2), Nam Định (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Lâm Đồng (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 209 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 35.341 ca, chiếm tỉ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 31.860.872 mẫu tương đương 76.057.114 lượt người.

Trong ngày 13.1 có 1.066.301 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 165.524.173 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.527.765 liều, tiêm mũi 2 là 71.946.807 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 15.049.601 liều.

Đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn nửa triệu người dịp tết

Ngày 14.1.2022, Bộ LĐ-TB-XH cho biết đã gửi công văn đề nghị Bộ Tài chính thẩm định để trình Chính phủ xuất cấp gạo hỗ trợ cứu đói dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và giáp hạt đầu năm cho các địa phương.

Đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho hơn nửa triệu người dịp tết

Theo Bộ LĐ-TB-XH, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoàn, ngừng việc, bị mất việc, mất thu nhập, không đảm bảo được cuộc sống, có nguy cơ bị thiếu đói. Đến nay đã có 10 tỉnh đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và giáp hạt đầu năm 2022.

Từ tổng hợp nhu cầu của các địa phương, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ hơn 7.820 tấn gạo cứu đói cho 155.413 hộ với 521.484 nhân khẩu.

Trong đó, dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần, hỗ trợ hơn 6.346 tấn gạo cứu đói cho 130.894 hộ với 423.077 nhân khẩu tại 8 tỉnh gồm: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum.

Dịp giáp hạt đầu năm 2022, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói cho 4 tỉnh gồm: Lạng Sơn, Lai Châu, Đắk Nông và Kon Tum với tổng số hơn 1.474 tấn gạo cho 24.519 hộ với 98.307 nhân khẩu.

Trước đó, trong tháng 8.2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp không thu tiền hơn 150 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ hơn 8,6 triệu người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15 kg gạo trong thời gian 1 tháng.

Người bệnh Covid-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện

Ngày 13.1.2022, bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết bệnh viện đã tiếp nhận 1.050 ca khám hậu Covid-19. Trong đó, 59% kèm theo bệnh lý nền, 341 trường hợp phải nhập viện điều trị. Bác sĩ Phan Minh Hoàng khuyến cáo tất cả người bệnh Covid-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện, để đảm bảo khỏe mạnh hoàn toàn, không còn di chứng.

Người bệnh Covid-19 cần tái khám 2-4 tuần sau xuất viện

Trong 1.050 bệnh nhân khám hậu nhiễm Covid-19, vấn đề chủ yếu là hô hấp cấp, hô hấp mãn tính, tim mạch, một số bệnh lý có thể gây xuất huyết não. Về tâm lý, nhiều bệnh nhân bị stress, rối loạn lo lâu, rối loạn giấc ngủ.

Ngoài ra, nhóm bệnh nhân Covid-19 từ 30-50 tuổi, không có bệnh lý nền, vẫn ghi nhận triệu chứng như rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ, stress… hậu nhiễm.

Theo bác sĩ Phan Minh Hoàng, khi bệnh nhân trở lại thăm khám sớm, sẽ được thực hiện xét nghiệm, đánh giá tổng quát thể trạng. Từ đó, kịp thời điều trị di chứng do SARS-CoV-2 gây ra, bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu Covid-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.

Cụ thể, ở tầng thấp nhất là tuyến y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu Covid-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.

Ở tầng 2 - Bệnh viện tuyến quận huyện: thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu Covid-19 mức độ trung bình.

Ở tầng 3 - Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu Covid-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…

Cả nước đã phân bổ khoảng 187,6 triệu liều vắc xin Covid-19

Cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 đến 13 giờ 30 ngày 14.1.2022, cả nước đã tiêm hơn 165,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19, trong đó ngày 13.1 tiêm được hơn 1 triệu liều.

Cả nước đã phân bổ khoảng 187,6 triệu liều vắc xin Covid-19

Bộ Y tế cho biết trong tổng số khoảng 206,5 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ tổng số khoảng 187,6 triệu liều, còn khoảng 18,9 triệu liều mới tiếp nhận, đang tiến hành các thủ tục để kiểm định chất lượng, xuất xưởng.

Đến ngày 13.1, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 150,2 triệu liều, trong đó:

  • Hơn 70,4 triệu liều mũi 1.
  • Hơn 65,5 triệu liều mũi 2.
  • Hơn 1,3 triệu liều mũi 3 (đối với vắc xin Abdala).
  • Hơn 3,7 triệu liều liều bổ sung và hơn 9,2 triệu liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 100%, tỉ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 93,4% và tỉ lệ tiêm liều nhắc lại là 13,1% dân số từ 18 tuổi trở lên.

  • 39/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản trên 90%.
  • 20/63 tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản từ 80 – dưới 90%.
  • 4/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản dưới 80% là Nghệ An (76,8%), Hà Giang (76,3%), Cao Bằng (78,9%) và Sơn La (75,4%).

Về triển khai tiêm chủng cho đối tượng từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm hơn 14,2 triệu liều, trong đó có hơn 8 triệu liều mũi 1 và hơn 6,1 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều là 90,1% và tỉ lệ bao phủ đủ liều cơ bản là 69,5% dân số từ 12 -17 tuổi.

34 tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc xin, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1 năm 2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong Quý I năm 2022, đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 - 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các địa phương phải chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thực tiễn thế giới và Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu tăng cường quản lý người có nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người chưa tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 ở người trên 18 tuổi); thực hiện xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc Covid-19; chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc Covid-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.

Virus Covid-19 giảm 90% khả năng lây chỉ sau 20 phút trong không khí

Một nghiên cứu mới cho thấy virus Covid-19 mất khoảng 90% khả năng lây nhiễm trong vòng 20 phút sau khi bay trong không khí. Đặc biệt khả năng lây nhiễm của virus sẽ giảm mạnh trong 5 phút đầu tiên.

Virus Covid-19 giảm 90% khả năng lây chỉ sau 20 phút trong không khí

Các phát hiện này một lần nữa chứng tỏ việc giữ khoảng cách kèm theo đeo khẩu trang có lẽ là phương thức hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa lây nhiễm.

Tác giả của nghiên cứu, Giáo sư Jonathan Reid, giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt khí dung thuộc Đại học Bristol, nhận xét: “Theo tôi nguy cơ phơi nhiễm lớn nhất là khi bạn ở gần người bị bệnh. Và khi bạn đứng cách xa hơn, không chỉ lượng giọt bắn giảm đi mà virus cũng ít có khả năng lây nhiễm hơn”.

Trước đây, các nhà nghiên cứu người Mỹ phát hiện rằng virus Covid-19 có thể tồn tại đến 3 giờ đồng hồ trong không khí. Tuy nhiên, thí nghiệm như vậy không mô phỏng được chính xác những gì xảy ra khi chúng ta ho hoặc thở.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Bristol đã phát triển một thiết bị cho phép mô phỏng chính xác những gì diễn ra trong quá trình thở

Theo nghiên cứu này, virus rời khỏi phổi con người trong điều kiện tương đối ẩm và giàu CO2, sau đó chúng nhanh chóng mất nước và khô đi. Cùng với việc mức CO2 giảm đi là quá trình liên quan độ pH tăng nhanh chóng. Cả hai yếu tố này đều ảnh hưởng khả năng lây nhiễm virus sang tế bào của con người. Nhưng độ ẩm cũng sẽ thay đổi tuỳ thuộc vào môi trường xung quanh.

Ở độ ẩm dưới 50%, tương tự không khí khô trong các văn phòng, virus mất khoảng một nửa khả năng lây nhiễm chỉ trong vòng 5 giây, sau đó sẽ tiếp tục giảm giảm chậm và ổn định với tỉ lệ giảm 19% trong 5 phút tiếp theo.

Ở độ ẩm 90%, giống môi trường của phòng xông hơi ướt hoặc phòng tắm, sự suy giảm sẽ diễn ra chậm hơn. Khả năng lây nhiễm giảm còn 52% sau 5 phút, và sau 20 phút thì giảm còn 10%.

Tuy nhiên, nhiệt độ của không khí không gây ra khác biệt gì, trái ngược với suy nghĩ của nhiều người là virus sẽ ít lây nhiễm ở nhiệt độ cao.

Tiến sĩ Julian Tang, một nhà virus học lâm sàng của Đại học Leicester, cho biết phát hiện này củng cố thêm cho những phát hiện của các nhà dịch tễ học trước đó và “khẳng định lại tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang cũng như giãn cách". Cải thiện hệ thống thông gió cũng sẽ rất có ích để giảm mật độ tích tụ virus.

Các hiệu ứng đã được kiểm chứng ở 3 biến thể Sars-CoV-2 bao gồm cả biến thể Alpha. Các nhà nghiên cứu sẽ thử nghiệm với biến thể Omicron trong vài tuần tới.

So sánh mới nhất giữa biến thể Omicron và Delta

Một nghiên cứu do Đại học California ở Berkeley công bố cho thấy biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn biến thể Delta.

So sánh mới nhất giữa biến thể Omicron và Delta cho thấy gì?

Tuy nhiên, giới chức y tế Mỹ tiếp tục kêu gọi người dân tiêm vắc xin, tiêm liều tăng cường và tiếp tục đeo khẩu trang vì các bệnh viện đang “quá tải”.

Ngày 12.1, bà Rochelle Walensky, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, hôm 12.1 chia sẻ thông tin về nghiên cứu lớn cho thấy sự khác biệt của 2 biến thể virus gây Covid-19 nổi bật nhất hiện nay.

Dữ liệu của gần 70.000 người ở nam California đã được phân tích trong nghiên cứu được đăng tải trên MedRXiv hôm 11.1.

Theo bà Walensky, với biến thể Omicron, nguy cơ gây triệu chứng phải nhập viện giảm 53%, nguy cơ phải vào phòng chăm sóc đặc biệt giảm 74%, và nguy cơ tử vong giảm đến 91%. Không có bệnh nhân nào nhiễm biến thể Omicron phải thở máy.

Trong số 52.297 người nhiễm biến thể Omicron và 16.982 người nhiễm biến thể Delta từ ngày 30.11.2021 đến ngày 1.1.2022, có 1,3% bệnh nhân phải nhập viện do nhiễm biến thể Delta. Trong khi đó, số bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron nhập viện là 0.5%.

Nghiên cứu nhấn mạnh rằng trong thời điểm cả 2 biến thể đều đang lây truyền mạnh thì việc nhiễm biến thể Omicron “có liên quan đến việc giảm đáng kể nguy cơ có diễn biến lâm sàng nghiêm trọng, và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn”.

Tuy nhiên, bà Walensky sau đó cảnh báo dù có thể ít gây bệnh nặng hơn, Omicron “vẫn lây nhiễm mạnh hơn nhiều”.

Bà đăng bài kêu gọi cảnh giác trên Twitter cá nhân: “Chúng ta đang chứng kiến tác động chưa từng có. Mỗi ngày có hơn 1 triệu ca nhiễm mới và 99% số quận hạt đang có tỉ lệ lây nhiễm cao, gây sức ép cho các hệ thống y tế. Để bảo vệ trước Covid-19: hãy tiêm vắc xin và liều tăng cường, đeo khẩu trang và ở nhà nếu nhiễm bệnh”.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 14.1 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.