Bản tin Covid-19 ngày 18.9: Thêm loại vắc xin mới được phê duyệt khẩn cấp

18/09/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 18.9.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 18.9.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Tình hình dịch bệnh trên cả nước còn rất nóng

Bản tin Bộ Y tế ngày 18.9 cho biết tính từ 17h ngày 17.9 đến 17h ngày 18.9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.373 ca nhiễm mới, 14.903 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 220 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 16.857 ca.

Covid-19 sáng 19.9: Cả nước 672.592 ca nhiễm, 448.368 ca khỏi | TP.HCM vẫn xét nghiệm diện rộng

Thông tin về 9.373 ca nhiễm mới được công bố trong ngày 18.9 như sau:
- 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 9.360 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 4.827 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.237), Bình Dương (2.877), Đồng Nai (939), Long An (236), Tiền Giang (197), Kiên Giang (168), An Giang (143), Đắk Lắk (91), Đắk Nông (70), Tây Ninh (66), Quảng Bình (45), Bình Định (45), Cần Thơ (43), Đồng Tháp (30), Khánh Hòa (28), Quảng Ngãi (23), Bình Thuận (21), Hà Nội (19), Ninh Thuận (14), Bình Phước (10), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Quảng Trị (9), Phú Yên (8 ), Bạc Liêu (8 ), Trà Vinh (5), Nghệ An (4), Thanh Hóa (4), Cà Mau (3), Quảng Nam (3), Bến Tre (1), Lào Cai (1), Thừa Thiên Huế (1), Lâm Đồng (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 2.146 ca. TP.HCM giảm 1.735 ca, Bình Dương giảm 1.136 ca, Đồng Nai tăng 594 ca, Long An giảm 37 ca, Tiền Giang tăng 79 ca.
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 10.723 ca/ngày.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 677.023 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.881 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 672.592 ca, trong đó có 445.594 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 15/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định.
+ Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai, Bắc Giang.
+ 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (331.032), Bình Dương (175.963), Đồng Nai (39.020), Long An (30.079), Tiền Giang (12.957).
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 448.368
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.477 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.494
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 916
- Thở máy không xâm lấn: 232
- Thở máy xâm lấn: 771
- ECMO: 34

Ngày 18.9: Thông báo 220 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 220 ca tử vong tại 9 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (165), Bình Dương (39), Kiên Giang (7), Tây Ninh (3), Đồng Tháp (2), Bình Thuận (1), Thanh Hóa (1), Quảng Ngãi (1), Hà Nội (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 250 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỉ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn so với tỉ lệ 2,1% trên thế giới.
- Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 232.641 xét nghiệm cho 560.173 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 16.410.946 mẫu cho 48.052.825 lượt người.
- Trong ngày 17.9 có 452.817 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 33.555.359 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.208.264 liều, tiêm mũi 2 là 6.347.095 liều.

Tỷ lệ F0 tại TP.HCM ở vùng xanh, vùng vàng giảm mạnh

Ngày 18.9, theo báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), sau 3 đợt xét nghiệm, tỷ lệ dương tính Covid-19 vùng nguy cơ là vùng xanh, vùng vàng giảm.
Cụ thể, đợt 1 từ ngày 23.8 đến 31.8, tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,9%; vùng vàng là 1,6%. Đợt 2 từ ngày 1.9 đến 6.9, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh không đổi nhưng tỷ lệ dương tính vùng vàng giảm còn 1,5%.
Từ 7.9 đến nay, tỷ lệ dương tính vùng xanh, cận xanh chỉ còn 0,5% và vùng vàng chỉ còn 0,6%.
Theo HCDC, tính từ 27.4 đến ngày 16.9, số mẫu xét nghiệm RT-PCR đã lấy gần 2 triệu mẫu; xét nghiệm nhanh kháng nguyên là hơn 9,6 triệu test.
Từ 18 giờ ngày 16.9 đến 18 giờ ngày 17.9, TP đã test nhanh tại vùng cam, vùng đỏ là 154.762 người, có 2.974 người có kết quả dương tính (tỷ lệ dương tính 1,2%).
Theo HCDC, từ nay đến hết ngày 30.9, tại các vùng đỏ, vùng cam sẽ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình. Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh sẽ thực hiện xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình với tần suất 5-7 ngày/lần.

TP.HCM: Tỉ lệ nhiễm Covid-19 ở vùng xanh, vùng vàng giảm mạnh

Phê duyệt có điều kiện vắc xin Covid-19 của Cuba

Ngày 17.9, Bộ Y tế đã có quyết định số 4471/QĐ-BYT phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Y tế, vắc xin Abdala sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboratories, Base Business Unit (BBU) AICA, Cuba. Vắc xin này được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học (CIGB), Cuba.
Tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC - Bộ Y tế) là nơi đề nghị phê duyệt vắc xin này.
Vắc xin Abdala mỗi liều 0,5 ml chứa 50 mcg vắc xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp.
Vắc xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5 ml.

Vắc xin Covid-19 Abdala của Cu ba đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng chống dịch cấp bách tại Việt Nam

BỘ Y TẾ CUNG CẤP

Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Abdala cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Cục Quản lý dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vắc xin Abdala theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu, thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vắc xin nhập khẩu.
Cục Khoa học công nghệ và đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng Tư vấn) trong quá trình sử dụng.
Đồng thời, đơn vị này hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị có đủ điều kiện quy định tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vắc xin Abdala trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc xin sinh phẩm y tế trong quá trình sử dụng.
Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vắc xin Abdala được quy định.
Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế có trách nhiệm tiến hành kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc xin Abdala trước khi đưa ra sử dụng.
Đây là vắc xin Covid-19 thứ 8 được phê duyệt sử dụng khẩn cấp phòng chống dịch tại Việt Nam.

Phê duyệt vắc xin Covid-19 của Cu Ba cho chống dịch cấp bách tại Việt Nam

Bình Dương khẳng định không có chuyện để vắc xin Covid-19 "hết đát"

Ngày 14.9 trong văn bản của Sở Y tế gửi Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Bình Dương, các đơn vị tiêm chủng... đề xuất tiêm mũi 2 vắc xin ngừa Covid-19 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna có đoạn giải thích: "Vắc xin Moderna do Bộ Y tế phân bổ cho Bình Dương đợt 11 và 14 đã hết hạn sử dụng ngày 4.9.2021 (Vắc xin sau khi rã đông sử dụng 30 ngày ở nhiệt độ từ 2-8 độ C). Vì vậy, Sở Y tế đề nghị các đơn vị có thể sử dụng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna".
Sau khi văn bản phát hành (tối 14.9), tại Bình Dương đã dấy lên dư luận nghi ngờ cơ quan y tế đã để vắc xin Moderna hết hạn sử dụng mà không tiêm cho người dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hồng Chương cho biết đoạn văn bản trên nhằm mục đích giải thích, làm cơ sở cho việc đề xuất tiêm mũi 2 bằng vắc xin Pfizer cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Moderna. "Thực tế lô vắc xin Moderna này đã tiêm hết từ đầu tháng 8.2021 và đến nay chưa có vắc xin cùng loại để tiêm mũi 2 nên Sở Y tế Bình Dương đã đề nghị tiêm vắc xin Pfizer để thay thế", ông Chương nói thêm.
Theo Sở Y tế Bình Dương, đến nay đơn vị này đã nhận được 2.113.340 liều vắc xin Covid-19 các loại. Trong đó, đã tổ chức tiêm được 1.941.014 liều (53.474 người đã được tiêm mũi 2, còn lại là mũi 1).

Bình Dương khẳng định không có chuyện để vắc xin Covid-19 "hết đát" mà không tiêm

Phát hiện 6 F0 ở TP.HCM trong thùng xe tải "luồng xanh"

Trưa 18.9.2021, Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM đã lập biên bản, bàn giao tài xế, phương tiện và 6 F0 mắc Covid-19 được chở trong thùng xe tải cho Công an phường An Bình (thuộc TP.Dĩ An, Bình Dương) để xử lý theo quy định.
Khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, tổ công tác thuộc Đội CSGT Bình Triệu đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống Covid-19 trên Quốc lộ 1 đoạn giao với đường Lê Trọng Tấn (TP.Dĩ An) thì phát hiện xe tải có mã QR nhận diện luồng xanh có dấu hiệu khả nghi. Lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe để kiểm tra khi chiếc xe này đang chạy hướng từ cầu vượt Sóng Thần đi ngã tư Linh Xuân.
Qua kiểm tra, CSGT phát hiện trong thùng xe tải có 6 người là F0 cùng nhiều đồ đạc tư trang.

Phát hiện 6 người mắc Covid-19 trốn trong thùng xe tải luồng xanh

Làm việc với cơ quan chức năng, tài xế khai báo 6 người này vừa hoàn thành cách ly tập trung tại một cơ sở cách ly trên địa bàn tỉnh Bình Dương nhờ chở về địa phương để khai báo y tế.
Theo lời của những người ngồi bên trong thùng xe tải, họ được xác định là F0 và được đưa đến điểm cách ly tập trung tại Bình Dương để cách ly y tế. Sáng 18.9, họ hoàn thành thời gian cách ly, có xét nghiệm âm tính hoặc dương tính nhưng có tải lượng vi rút thấp nên được cho về nhà tự cách ly.
Do không có phương tiện chở về nên những người này đã nhờ tài xế dùng xe tải của công ty đến chở về.
Bước đầu, lực lượng CSGT đã lập biên bản vi phạm hành chính tài xế xe tải với lỗi chở người trên thùng xe tải trái quy định. Đồng thời, CSGT đã bàn giao phương tiện và những người trên xe cho Công an P.An Bình (thuộc TP.Dĩ An, Bình Dương) để chuyển về địa phương theo quy định.
 

Xe tải "luồng xanh" chở dê sống và thịt dê không giấy tờ

Chiều 18.9.2021, Đội CSGT Bình Triệu thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM đã bàn giao phương tiện, tài xế và tang vật là 41 con dê sống cùng lượng lớn thịt dê cho Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp xử lý theo quy định.
Sáng cùng ngày thiếu tá Nguyễn Trung Kiên và thượng uý Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Đội CSGT Bình Triệu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại cầu vượt Bình Phước, phường Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Đến khoảng 9 giờ 30 phút, tổ tuần tra phát hiện chiếc xe tải có mã QR "luồng xanh" lưu thông trên quốc lộ 13 theo hướng Bình Dương đi TP.HCM có dấu hiệu nghi ngờ nên dừng xe kiểm tra.
Qua kiểm tra, cơ lực lượng chức năng xác định trên xe tải có 41 con dê còn sống và lượng lớn thịt dê được đựng trong các bao tải. Làm việc với CSGT, tài xế khai chở số dê trên từ Bình Phước đi TP.HCM để giao cho một nhà xe chở ra miền Bắc tiêu thụ nhưng không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Sau đó, CSGT Bình Triệu đã lập biên bản bàn giao cho Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM xử lý theo quy định.

Xe luồng xanh chở theo cả đàn dê nhưng không có giấy tờ

Theo đại diện Trạm kiểm dịch động vật Xuân Hiệp, tài xế bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi chở động vật không có giấy kiểm dịch thú y với mức phạt 7,5 triệu đồng.
Ngoài ra, số dê và thịt dê này sẽ được gửi mẫu đến Trạm kiểm dịch động vật Hóc Môn để kiểm dịch để có các phương án xử lý tiếp theo.

Tụ tập đá gà phớt lờ Covid-19

Chiều 18.9.2021, Công an huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu) cho biết đã đề nghị Chủ tịch UBND huyện Đông Hải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 người tụ tập đá gà ăn tiền với tổng số tiền là 195 triệu đồng.
Qua tin báo của người dân, chiều 17.9.2021, lực lượng công an bất ngờ đột kích, triệt phá trường gà nghi do đối tượng Nguyễn Văn Hoàng (36 tuổi, ở ấp Thành Thưởng B, xã An Trạch A, huyện Đông Hải) tổ chức, có rất nhiều người đến tham gia. Tại thời điểm triệt phá, lực lượng công an bắt quả tang 13 đối tượng đang tổ chức đá gà ăn tiền, nhiều đối tượng kịp thời bỏ chạy tán loạn. Kiểm tra tại hiện trường lực lượng công an thu giữ 3 con gà đá, 3 cặp cựa sắt, 8 điện thoại di động, trên 15 triệu đồng tiền mặt và nhiều tang vật khác có liên quan.
 

13 người đá gà ăn tiền trong thời gian giãn cách xã hội bị phạt 195 triệu

Tiểu thương chợ Đông Hà chen chân đi lấy mẫu xét nghiệm

19 giờ ngày 17.9.2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ tiểu thương tại chợ Đông Hà. Việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diễn ra trong bối cảnh 2 ngày qua Đông Hà đã phát hiện hàng chục ca Covid-19 trong cộng đồng. Hiện tại, thành phố này thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Rất nhiều tiểu thương đã đến sớm hơn thời gian thông báo, đứng ngồi ở sảnh cổng A của khu chợ. Lực lượng bảo vệ của chợ đã liên tiếp phát loa thông báo các tiểu thương phải giữ khoảng cách, đảm bảo 5K.
Vì số lượng tiểu thương đứng chờ lấy mẫu đông, nên lực lượng bảo vệ chợ và nhân viên y tế đã sắp xếp các tiểu thương đứng theo từng nhóm hàng để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, vì tâm lý sốt ruột trước để ra về, nhiều tiểu thương vẫn chen lấn, đứng quá sát, buộc lực lượng chức năng phải liên tục phát loa nhắc nhở.
Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết liên quan đến các ca F0 ngoài cộng đồng vừa ghi nhận ở thành phố Đông Hà, ngành y tế đã lấy mẫu được hàng trăm F1. Ngành y tế sẽ xét nghiệm cho tất cả tiểu thương các chợ trên toàn tỉnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh.

Tiểu thương chợ Đông Hà chen chân đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19

5 việc phản khoa học không giúp trị Covid-19

Thời gian qua, nhiều thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng về các phương pháp giúp chữa trị Covid-19 lan truyền trên mạng đang âm thầm làm ảnh hưởng đến nhiều người và làm phức tạp hơn tình hình dịch bệnh.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người cần tránh 5 “mẹo” chữa Covid-19 phản khoa học được lan truyền rộng rãi trong thời gian qua.
Tỏi là loại thực phẩm lành mạnh, có đặc tính kháng khuẩn cao. Tuy nhiên, đến nay không có bằng chứng khoa học nào cho thấy ăn tỏi sẽ giúp diệt SARS-CoV-2.
Theo tiến sĩ Sylvie Briand, Giám đốc Quản lý nguy cơ lây nhiễm toàn cầu thuộc WHO, hiện vẫn có một số nghiên cứu đang làm rõ tác dụng của tỏi trong hỗ trợ điều trị Covid-19, nhưng trước khi đưa ra bất kỳ khuyến nghị nào, chúng ta cần cẩn trọng xem xét và đối chiếu nhiều nghiên cứu khác nhau.
Ngoài ra, chuyên gia của WHO cũng nhấn mạnh mọi người không nên lạm dụng tỏi với hy vọng nó giúp chữa Covid-19, bởi việc ăn quá nhiều tỏi có thể mang lại những tác động tiêu cực cho sức khỏe.
Sai lầm 2: Uống rượu ngừa Covid-19
WHO khẳng định trên thực tế rượu không chữa khỏi và cũng không thể ngăn ngừa Covid-19. SARS-CoV-2 hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lượng rượu hay chất cồn mà chúng ta uống vào.
Tiến sĩ Sylvie Briand nhận định lầm tưởng này có thể xuất phát từ việc mọi người nhìn thấy nhiều dung dịch sát khuẩn, khử trùng có thành phần chính là cồn đã hoạt động hiệu quả với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, cần làm rõ rằng lượng cồn trong các dung dịch này ít nhất phải là 60% mới có thể đảm bảo hiệu quả diệt trùng. Cồn ở nồng độ này hoàn toàn không an toàn để uống và các loại rượu phổ biến trên thị trường có lượng cồn thấp hơn con số 60% rất nhiều.
Vì vậy, uống rượu để chữa SARS-CoV-2 là một suy nghĩ hoàn toàn lệch lạc. Đồng thời, việc lạm dụng rượu còn mang lại nhiều vấn đề tiềm ẩn cho sức khỏe, có thể ảnh hưởng tiêu cực cho quá trình phòng ngừa và điều trị Covid-19.
Sai lầm 3: Dùng ớt, tiêu để trị bệnh
Ớt hay hạt tiêu là những gia vị quen thuộc, giúp kích thích vị giác hiệu quả, cho món ăn thêm phần thú vị. Chúng hoàn toàn không thể ngăn ngừa hay chữa khỏi Covid-19. Hơn nữa, việc ăn quá nhiều gia vị cay như tiêu, ớt có thể dẫn đến đau dạ dày, nóng trong người, lở miệng, nổi mụn nhọt, mất ngủ… ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống hằng ngày.
Sai lầm 4: Đưa chất khử trùng vào cơ thể
Việc đưa bất kỳ chất khử trùng bề mặt nào vào cơ thể hay phun lên người sẽ không giúp trị hay phòng Covid-19. Ngược lại, hành động này còn có thể gây nguy hiểm.
Cụ thể, khuyến cáo từ WHO cho hay trong bất kỳ trường hợp nào, mọi người cũng không được đưa chất khử trùng vào bên trong cơ thể hay phun xịt lên người. Những chất này có thể gây ngộ độc nếu ăn phải, đồng thời gây kích ứng, tổn thương nếu rơi vào mắt hay da mặt.
Lưu ý, chất khử trùng chỉ nên được sử dụng đúng công năng làm sạch bề mặt. Nếu lưu trữ những chất này trong nhà, cần phải để xa tầm tay trẻ em.
Sai lầm 5: Phơi nắng, tắm nước nóng để diệt vi rút
WHO khẳng định việc lạm dụng sức nóng từ ánh sáng mặt trời không giúp bệnh nhân Covid-19 mau lành bệnh. Ngoài ra, đến nay, bằng chứng về việc Covid-19 không thể lây lan khi có ánh sáng mặt trời gay gắt vẫn còn rất mỏng manh. Do đó, cách bảo vệ tốt nhất trước SARS-CoV-2 vẫn là mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng và tiêm phòng khi đến lượt.
Bên cạnh đó, nhiều người nghĩ rằng việc tắm nước thật nóng có thể hỗ trợ chữa Covid-19. Đây lại là một sai lầm khác.
SARS-CoV-2 bắt đầu sinh sôi khi vào cơ thể người, với nhiệt độ bình thường vào khoảng 36,5 - 37°C. Do đó, bất kể bệnh nhân dùng nước có nhiệt độ bao nhiêu để tắm, cũng không làm ảnh hưởng đến sự sinh sôi của mầm bệnh trong cơ thể. Ngoài ra, việc tắm nước quá nóng còn có thể gây tổn thương cho da và tóc, thậm chí khiến bệnh nhân bị bỏng và làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
 

5 việc phản khoa học không giúp trị Covid-19 như lầm tưởng

Phẫu thuật khẩn trong đêm cứu chân của bệnh nhân Covid-19

Ngày 18.9.2021, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM vừa phối hợp cùng Bệnh viện Chợ Rẫy phẫu thuật cứu chân của một nữ bệnh nhân mắc Covid-19 bị tắc động mạch.
Nữ bệnh nhân 60 tuổi ở huyện Hóc Môn mắc Covid-19 diễn tiến nặng, nhập Bệnh viện Hồi sức Covid-19 vào ngày 7.9.2021, trong tình trạng khó thở, phải thở ô xy qua mặt nạ.
Một ngày sau khi nhập viện, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng tê chân, tím lạnh chân. Sau đó, các bác sĩ phát hiện dấu hiệu tắc mạch máu nên tiến hành siêu âm thì phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch chân bên trái.
Theo Th.BS Dương Đinh Bảo, thuộc Chuyên khoa phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân mắc Covid-19 dẫn đến dễ bị đông, tắc động mạch máu. Nếu không xử lý kịp thời thì trong vòng 6 tiếng chân của bệnh nhân sẽ bị hoại tử dẫn đến phải cắt bỏ chân.
Ngay sau khi phát hiện triệu chứng, các bác sĩ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã hội chẩn và mời ê kíp phẫu thuật từ Bệnh viện Chợ Rẫy qua phối hợp, tiến hành mổ ngay trong đêm cho bệnh nhân.
Do tình trạng bệnh nhân bị Covid-19 nặng, khó thở, nếu sử dụng biện pháp gây mê nội khí quản thì có nguy cơ dẫn đến tử vong nên các bác sĩ quyết định mổ gây mê tại chỗ kết hợp tiền mê nhe.
Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 còn hạn chế nên các bác sĩ phải vận dụng kinh nghiệm và những thiết bị sẵn có để đưa ra chỉ định phẫu thuật.

Phẫu thuật khẩn trong đêm cứu chân của bệnh nhân Covid-19

Theo bác sĩ Dương Đình Bảo, ca phẫu thuật thành công sau khoảng hơn 2 tiếng. Sau mổ, bệnh nhân ổn định, không còn tê chân, hết tím lạnh. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, dự kiến sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 ngày 18.9 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.