Bản tin Covid-19 ngày 20.2: Cả nước 47.200 ca | Số ca nhiễm ở Hà Nội, TP.HCM tăng vọt

20/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 20.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 20.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận thêm 47.200 ca Covid-19 mới, 13.414 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 20.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 19.2 đến 16h ngày 20.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 47.200 ca nhiễm mới, 13.414 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 78 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 39.501 ca.

Thông tin về 47.200 ca nhiễm mới như sau:

  • 8 ca nhập cảnh
  • 47.192 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.224 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 33.851 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (5.102), Bắc Ninh (2.360), Phú Thọ (1.981), Quảng Ninh (1.980), Thái Nguyên (1.838), Hòa Bình (1.797), Nam Định (1.754), Hải Phòng (1.698), Vĩnh Phúc (1.692), Ninh Bình (1.556), Bắc Giang (1.500), Nghệ An (1.467), Lào Cai (1.360), Hải Dương (1.316), Hà Tĩnh (1.294), Yên Bái (1.275), Thanh Hóa (1.220), Bình Định (1.019), Thái Bình (1.015), Sơn La (1.007), Tuyên Quang (989), Quảng Bình (861), TP.HCM (849), Lạng Sơn (808), Hưng Yên (789), Đắk Lắk (748), Đà Nẵng (720), Quảng Nam (697), Khánh Hòa (590), Cao Bằng (564), Phú Yên (553), Lâm Đồng (435), Quảng Trị (415), Đắk Nông (362), Điện Biên (358), Bình Phước (348), Lai Châu (332), Hà Nam (290), Bà Rịa - Vũng Tàu (288), Gia Lai (286), Thừa Thiên Huế (224), Bình Dương (215), Bắc Kạn (190), Kon Tum (143), Hà Giang (139), Quảng Ngãi (130), Cà Mau (105), Bình Thuận (85), Kiên Giang (66), Tây Ninh (64), Bạc Liêu (63), Đồng Nai (53), Vĩnh Long (35), Bến Tre (33), Trà Vinh (29), An Giang (22), Cần Thơ (22), Sóc Trăng (13), Ninh Thuận (12), Đồng Tháp (12), Long An (10), Hậu Giang (8 ), Tiền Giang (6).
Ngày 20.2: Cả nước 47.200 ca Covid-19, 13.414 ca khỏi | Hà Nội 5.102 ca | TP.HCM 849 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Khánh Hòa (-106), Quảng Trị (-103), Bình Phước (-79).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+1.294), Bắc Giang (+458), Phú Thọ (+414).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 37.670 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.787.493 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.224 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.780.251 ca, trong đó có 2.278.617 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (519.993), Bình Dương (293.915), Hà Nội (198.344), Đồng Nai (100.529), Tây Ninh (89.052).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.414 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.281.434 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.347 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.722 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 321 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 57 ca
  • Thở máy xâm lấn: 235 ca
  • ECMO: 12 ca

Từ 17h30 ngày 19.2 đến 17h30 ngày 20.2 ghi nhận 78 ca tử vong tại: Đà Nẵng (7), Nghệ An (7), Kiên Giang (5), Ninh Bình (5 ca trong 02 ngày), Bình Định (4), Quảng Bình (4), Bạc Liêu (3 ca trong 02 ngày), Hải Phòng (3), Lâm Đồng (3 ca trong 02 ngày), Phú Yên (3), Quảng Ngãi (3), Cà Mau (2), Cần Thơ (2), Đắk Lắk (2), Điện Biên (2), Gia Lai (2 ca trong 02 ngày), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Sóc Trăng (2), Thái Nguyên (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Giang (1), Khánh Hòa (1), Long An (1), Nam Định (1), Phú Thọ (1), Thanh Hóa (1), Trà Vinh (1).-

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 79 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.501 ca, chiếm tỉ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 33.088.000 mẫu tương đương 78.429.511 lượt người.

Trong ngày 19.2 có 456.129 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 191.368.265 liều, trong đó:+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 174.611.596 liều: Mũi 1 là 70.871.973 liều; Mũi 2 là 67.266.482 liều; Mũi 3 là 1.444.994 liều; Mũi bổ sung là 13.335.678 liều; Mũi nhắc lại là 21.692.469 liều.+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 16.756.669 liều: Mũi 1 là 8.608.568 liều; Mũi 2 là 8.148.101 liều.

Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng gấp 3 lần trong 7 ngày qua

Một thời gian dài dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM giảm dưới 100 ca mắc mới mỗi ngày, nhưng sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đã tăng trở lại, tăng gấp 3 lần. TP.HCM có giải pháp gì?

Tiếp tục tiêm vắc xin đủ mũi cho người dân

DUY TÍNH

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), ghi nhận của hệ thống giám sát dịch bệnh Covid-19, từ ngày 12 - 18.2, số ca mắc mới tại TP.HCM là 2.934 ca, tăng gấp 3 lần so với 7 ngày trước (ngày 5 - 11.2).

Chính vì số ca mắc mới tăng (ngày 19.2 tăng cao với 849 ca qua xét nghiệm PCR và 754 ca test nhanh), số ca nhập viện cũng có khuynh hướng gia tăng nhẹ (ngày 19.2 có 189 ca nhập viện). Tính đến hiện nay đã có 948 ca nhập viện tầng 2, tầng 3.

Số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng gấp 3 lần trong 7 ngày qua

Tuy nhiên số bệnh nặng vẫn đang giảm và số ca mắc Covid-19 tử vong vẫn đang ở mức thấp. Ngày 19.2, TP.HCM ghi nhận 2 ca tử vong nhưng là bệnh nhân từ tỉnh thành khác chuyển đến TP.HCM để điều trị. TP.HCM hiện chỉ còn 183 ca có hỗ trợ hô hấp, trong đó có 50 ca thở máy xâm lấn.

Theo HCDC, hiện tượng số ca mắc mới tăng ở cả 22/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức đã được dự báo trước khi thành phố khôi phục trở lại các hoạt động lao động sản xuất, học tập cũng như các sinh hoạt xã hội. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã phát hiện những ca bệnh mang biến chủng Omicron trong cộng đồng (11 ca cộng đồng trong tổng số 166 ca).

Hiện TP.HCM đang có 132 ca F0 cách ly tập trung và 8.810 ca F0 cách ly tại nhà.

Hàng ngàn sinh viên được tiêm vắc xin ngày quay lại KTX Đại học Quốc gia

Ngày 19.2.2022, Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố Thủ Đức đã tổ chức tiêm vắc xin cho hàng ngàn sinh viên vừa quay trở lại ở tại đây.

Đối tượng tiêm là tất cả sinh viên đã tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 trước ngày 30.11.2021 hoặc các trường hợp nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

"Có vẻ dịch Covid-19 nó đã được giải quyết một phần do mọi người đã được tiêm vắc xin, nên không khí ký túc xá có vẻ náo nhiệt hơn so với ở quê của mình. Cũng mong cho dịch Covid-19 này qua đi, mọi người được trở lại cuộc sống bình thường của mình. Mình đã thấy được nhiều sự khó khăn của mấy bạn khi mà Covid-19 diễn ra", anh Lê Hoàng Huy - sinh viên vừa trở lại KTX, chia sẻ.

Có khoảng 2000 sinh viên đã đăng ký tiêm, trong đó đa số là các trường hợp tiêm mũi 3. Các điểm tiêm chủng được bố trí tại mỗi cụm nhà của ký túc xá để thuận tiện cho sinh viên.

Hàng ngàn sinh viên được tiêm vắc xin ngày quay lại KTX Đại học Quốc gia

Tại mỗi điểm tiêm đều được chia thành các khu vực khác nhau. Sinh viên được các y, bác sĩ từ Trung tâm y tế TP.Thủ Đức khám sáng lọc, tiêm vắc xin và theo dõi sau tiêm. Sau 30 phút nếu không có gì bất thường các sinh viên có thể về phòng.

"Về bố trí thì toàn ký túc xá bên khu A sẽ bố trí hai điểm tiêm theo các cụm tòa nhà. Bên khu B thì mình có bố trí 5 điểm tiêm tại sảnh của các cụm tòa nhà. Về công tác để chuẩn bị tổ chức thì đây là nằm trong kế hoạch của trung tâm khi mà tiếp đón sinh viên. Ở công tác phòng dịch thì có nhiều nội dung; trong đó tiêm ngừa vắc xin cho sinh viên là một trong những nội dung để phòng dịch", bà Nguyễn Thị Trọng - Trưởng trạm y tế TTQL KTX ĐHQG TP.HCM, cho hay.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin, Trung tâm quản lý Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như các tình huống khác nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm cho sinh viên khi quay trở lại học tập.

Taxi công nghệ có làn riêng, khách thoát cảnh vác va li leo 4 tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất

Anh Lê Hoài Thương, có 3 năm làm tài xế taxi công nghệ, suốt từ khi chạy xe, anh thường xuyên đón trả khách ở khu vực ga quốc nội, Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Taxi công nghệ có làn riêng, khách thoát cảnh vác va li leo 4 tầng ở sân bay Tân Sơn Nhất

Sau nhiều tháng chật vật đón khách ở khu vực để xe lầu 4, lầu 5 nhà xe TCP, cuối cùng anh Thương và nhiều đồng nghiệp chạy taxi công nghệ cũng được đón khách ở khu vực làn xe D1. Khách hàng của anh cũng không phải xách vali đi 4-5 tầng lầu để bắt xe mà có thể thong thả đón xe ở ngay phía lối vào nhà gửi xe TCP.

"Trong 2 ngày qua, số lượng khách bên phía Grab, số cuốc tăng hơn những ngày trước, lượng khách hàng hợp tác với đối tác cùng nhau hoàn thành chuyến xe dễ dàng hơn", anh Thương nói.

Nhóm của Quỳnh Anh (21 tuổi) gồm 3 người trở lại TP.HCM từ Hà Nội sau kì nghỉ Tết Nguyên đán bất ngờ vì giờ đây không cần phải lên 4-5 tầng mới đón được taxi công nghệ.

Taxi công nghệ chính thức có khu vực đón xe riêng ở làn D1 ga quốc nội

lê nam

Khu vực đón xe công nghệ mới trong ga quốc nội có ghế ngồi, thoáng đãng, vị trí đón xe thuận tiện khiến cho cả ba hành khách trẻ cảm thấy rất thoải mái.

Trước đó, theo quy định phân làn, phân luồng ô tô mới của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) được áp dụng từ ngày 14.11, làn D là ở nhà giữ xe ở sân bay dành cho taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách (áp dụng cho xe kinh doanh có đăng ký nhượng quyền với sân bay).

Rất nhiều tài xế xe công nghệ đã thể hiện bức xúc, cho rằng việc phân làn không công bằng khi taxi được đón khách gần hơn, còn xe công nghệ phải di chuyển lên tầng cao và chịu chi phí 25.000 đồng thay vì 10.000 đồng như trước.

Hành khánh có ghế ngồi chờ thoải mái, dễ dàng bắt xe 4 bánh công nghệ mà không phải lên nhiều tầng lầu

lê nam

Việc di chuyển quá xa khiến nhiều hành khách hủy chuyến, tài xế vừa mất khách, vừa tốn phí. Nhiều hành khách phàn nàn vì muốn đón taxi công nghệ phải đi quá xa.

Chưa kể nhà xe TCP chỉ có 2 thang máy, không đủ đáp ứng nhu cầu nên nhiều khách phải vác đồ đi thang bộ 4 - 5 tầng mới lên được chỗ đón xe. Hai thang máy hoạt động hết công suất nhưng vẫn thường xuyên quá tải.

Theo đó, vị trí đón khách của dịch vụ GrabCar sẽ từ cột F5 đến A5 (tức ô số 6 đến ô số 12) tại làn xe D1.

Anh Lê Hoài Thương (tài xế GrabCar) đang đón khách tại làn D1

lê nam

Ứng dụng Be cũng đã hoàn tất các thỏa thuận để bổ sung khai thác kinh doanh vận tải hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất với việc mở thêm điểm đón khách ở làn D1 ga quốc nội (tầng trệt, nhà ga TCP), bên cạnh làn B - ga đến quốc tế đang khai thác.

Khu vực đón khách dành cho Be được bố trí tại làn D1 (từ cột số 1 đến cột 5) - ga quốc nội và bắt đầu đưa vào thử nghiệm từ ngày 17.2.

Trong khi đó, "tân binh" GoCar của Gojek vẫn đang trong quá trình thỏa thuận với các bên để được cấp phép vào đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Phí vào đón khách là 25.000 đồng cho làn D1 - ga quốc nội và 10.000 đồng cho làn B - ga đến quốc tế. Ngoài ra, hành khách vẫn có thể đón xe GrabCar tại khu vực tầng 3, 4, 5 nhà xe TCP như hiện tại.

Thiếu loại vitamin này có nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn

Một nghiên cứu do các nhà khoa học Israel tiến hành cho thấy khoảng một nửa số người bị thiếu vitamin D trước khi mắc Covid-19 phát bệnh nặng, so với chưa đầy 10% người có đủ vitamin D trong máu.

Chúng ta thường biết vitamin D rất quan trọng đối với xương, nhưng vai trò của nó trong việc bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 trở nặng thì chưa được nhắc đến.

Nghiên cứu mới nhất ban đầu kiểm tra nồng độ vitamin D ở một số người trước khi họ mắc Covid-19.

Nghiên cứu có sự tham gia của 253 người tại Trung tâm Y tế Galilee ở Nahariya (Israel), trong khoảng thời gian từ 7.4.2020-4.2.2021, trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

Người thiếu vitamin D có nguy cơ bị Covid-19 nặng hơn?

Tiến sĩ Amiel Dror, một tác giả nghiên cứu và là bác sĩ tại Trung tâm Y tế Galilee, nói kết quả nghiên cứu ủng hộ giả thuyết vitamin D giúp tăng cường hệ miễn dịch để đối phó với virus tấn công hệ hô hấp. Tuy nhiên, nghiên cứu không chứng minh rằng vitamin D giúp cơ thể chống lại Covid-19, cũng như không phải là cơ sở để uống vitamin D nhằm tránh tiêm ngừa Covid-19.

Hầu hết vitamin D đến từ ánh nắng chiếu trực tiếp trên da. Nó cũng có trong một số loại thực phẩm như cá giàu chất béo, nấm và lòng đỏ trứng hoặc thực phẩm chức năng.

Các thực phẩm giàu vitamin D

SHUTTERSTOCK

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết nồng độ vitamin D hơn 20 nanogram/ml được coi là đủ đối với hầu hết mọi người, và đây là tiêu chuẩn mà nhóm nghiên cứu từ Đại học Bar-Ilan và Trung tâm Y tế Galilee sử dụng.

Trước khi Covid-19 xuất hiện, một nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí The Lancet chỉ ra rằng vitamin D làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác so với các loại giả dược.

Nhóm tác giả thận trọng lưu ý rằng vitamin D là "một phần trong câu đố phức tạp" về nguy cơ bị Covid-19 nặng, bên cạnh các yếu tố khác như bệnh nền, di truyền, thói quen ăn uống và địa lý. Vì vậy, cần thêm những nghiên cứu sâu hơn về giả thuyết cho rằng bổ sung vitamin D cho người thiếu loại vitamin này sẽ tác động đến kết quả điều trị.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 20.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.