Bản tin Covid-19 ngày 20.3: Cả nước 7,9 triệu ca | Dịch bệnh nhóm B có phải đeo khẩu trang?

20/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 20.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 20.3.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước công bố 166.207 ca Covid-19 mới, 111.635 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế ngày 20.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 19.3 đến 16h ngày 20.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 141.151 ca nhiễm mới.

Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.056 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 166.207 ca.

Trong ngày, có 111.635 ca được công bố khỏi bệnh.Bản tin cũng thông báo về 63 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 41.880 ca.

Ngày 20.3: Công bố 166.207 ca Covid-19, 111.635 ca khỏi | Hà Nội 19.065 ca | TP.HCM 1.462 ca

Thông tin về 166.207 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 2 ca nhập cảnh
  • 141.149 ca ghi nhận trong nước (giảm 9.457 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 93.894 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (19.065), Nghệ An (9.333), Phú Thọ (5.747), Lạng Sơn (4.635), Đắk Lắk (4.595), Lào Cai (4.358), Vĩnh Phúc (4.162), Tuyên Quang (3.950), Bắc Giang (3.853), Hải Dương (3.724), Hòa Bình (3.644), Gia Lai (3.502), Sơn La (3.375), Quảng Bình (3.347), Yên Bái (3.342), Thái Bình (3.309), Thái Nguyên (2.866), Bắc Ninh (2.853), Hưng Yên (2.838), Điện Biên (2.778), Quảng Ninh (2.693), Bình Định (2.564), Cà Mau (2.441), Cao Bằng (2.321), Bến Tre (2.227), Lai Châu (2.066), Quảng Trị (1.943), Lâm Đồng (1.938), Hà Nam (1.888), Bình Phước (1.812), Bắc Kạn (1.809), Vĩnh Long (1.760), Hà Giang (1.760), Nam Định (1.634), TP.HCM (1.462), Trà Vinh (1.353), Tây Ninh (1.266), Phú Yên (1.213), Đắk Nông (1.196), Bình Dương (1.175), Ninh Bình (1.118), Kon Tum (1.051), Thanh Hóa (918), Bà Rịa - Vũng Tàu (823), Đà Nẵng (765), Khánh Hòa (751), Hải Phòng (613), Thừa Thiên Huế (600), Quảng Ngãi (585), Bình Thuận (518), Quảng Nam (331), Bạc Liêu (267), An Giang (175), Đồng Nai (165), Long An (161), Cần Thơ (112), Đồng Tháp (92), Kiên Giang (89), Ninh Thuận (65), Tiền Giang (53), Hậu Giang (51), Sóc Trăng (49).

Ngày 20.3.2022, Sở Y tế Vĩnh Phúc đăng ký bổ sung 25.056 ca tại Vĩnh Phúc trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-2.006), Nghệ An (-1.766), Hải Dương (-1.214).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (+3.502), Bắc Giang (+358), Vĩnh Long (+216).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 164.328 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.958.048 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 80.561 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.950.382 ca, trong đó có 4.100.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.170.170), TP.HCM (582.747), Bình Dương (359.557), Nghệ An (345.848), Hải Dương (314.225).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 111.635 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.103.028 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.968 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.291 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 278 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 113 ca
  • Thở máy xâm lấn: 281 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 19.3 đến 17h30 ngày 20/.3 ghi nhận 63 ca tử vong tại: Gia Lai (7 ca trong 2 ngày), Hà Nội (4), An Giang (3), Đắk Lắk (3), Đồng Nai (3), Kiên Giang (3), Phú Thọ (3), Trà Vinh (3), Bắc Giang (2), Bạc Liêu (2), Bình Dương (2 ca trong 2 ngày), Bình Phước (2), Đồng Tháp (2), Hòa Bình (2), Lạng Sơn (2), Nam Định (2), Quảng Ninh (2), Sóc Trăng (2), TP.HCM (2), Bến Tre (1), Bình Định (1), Cà Mau (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Hà Tĩnh (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 71 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.880 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 36.974.511 mẫu tương đương 82.862.859 lượt người.

Trong ngày 19.3 có 93.985 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 201.660.445 liều, trong đó:

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.601.999 liều:

  • Mũi 1 là 70.940.674 liều
  • Mũi 2 là 67.876.279 liều
  • Mũi 3 là 1.496.174 liều
  • Mũi bổ sung là 14.636.057 liều
  • Mũi nhắc lại là 29.652.815 liều

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.058.446 liều:

  • Mũi 1 là 8.752.976 liều
  • Mũi 2 là 8.305.470 liều

Khi Covid-19 là dịch nhóm B, có bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng?

Theo Bộ Y tế, hiện luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định cách ly y tế, những “người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A phải được cách ly” vẫn cần phải thực hiện.

Tuy nhiên, trước thực trạng tại nhiều địa phương có xu hướng gia tăng số nhiễm mới trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến việc thiếu hụt nhân lực cho các hoạt động thiết yếu của địa phương, nhất là các hoạt động dịch vụ chăm sóc y tế, các dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động quản lý điều hành, dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị với bối cảnh phục hồi kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới…

Đeo khẩu trang có thể phòng được 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp

Dạ Thảo

Với một số ý kiến về việc thay đổi khuyến cáo 5K, có hay không việc bỏ quy định đeo khẩu trang, PGS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng VN, cho rằng cơ quan chuyên môn sẽ còn phải bàn để quyết định các giải pháp phòng bệnh. “Có thể vẫn bắt buộc, có thể khuyến cáo… tùy theo tính chất dịch bệnh để quyết định”.

Khi Covid-19 là dịch nhóm B, có bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng?

Ngoài ra, một chuyên gia về y tế dự phòng cũng chia sẻ, có nhiều nghiên cứu cho thấy đeo khẩu trang có thể phòng được 50% nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường hô hấp; rửa tay sạch với xà phòng có thể phòng được tới 40% các bệnh lây qua đường tiêu hóa và hô hấp. Covid-19 là bệnh lây theo đường hô hấp với hình thức lây vẫn là giọt bắn, nguy cơ lây cao khi tiếp xúc gần, trong môi trường kín, đông người.

Vừa qua quy định 5K là các biện pháp dự phòng cá nhân rất hiệu quả, do đó, để phòng dịch Covid-19 việc đeo khẩu trang vẫn nên được khuyến cáo. “Tuy nhiên, tùy thuộc diễn biến dịch, cơ quan y tế nên có khuyến cáo phù hợp về 5K, mọi người cần hiểu và linh hoạt khi thực hiện 5K, thực hiện ở đâu, khi nào để đảm bảo phòng chống lây nhiễm”, chuyên gia này nêu ý kiến.

Du lịch thuyền độc mộc ở Đắk Lắk gặp khó sau dịch Covid-19

Nếu là hai mươi năm trước, có lẽ trên hồ Lắk tại huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã được bao trùm bởi khung cảnh những chiếc thuyền độc mộc trôi dạt trên mặt hồ bởi đây không chỉ là phương tiện đi lại chính của người dân mà còn là cách để thu hút khách du lịch đến đây trải nghiệm.

Những bóng thuyền độc mộc “cô đơn” giữa hồ Lắk

Theo ông Ma Thái, người chứng kiến được thời kì hoàng kim của thuyền độc mộc, ông không khỏi xót xa khi thấy ngày càng ít người tại huyện Lắk sử dụng thuyền độc mộc.

Đến nay, rất ít người dân dùng thuyền độc mộc làm phương tiện di chuyển

SẦM ÁNH

Còn ông Y Chông là một trong những người hiếm hoi tại đây vẫn còn chèo thuyền độc mộc để chở khách du lịch hay chở người đi làm nương rẫy, đánh bắt cá trên hồ.

Ông Y Chông cùng chiếc thuyền độc mộc đã hai đời sử dụng

SẦM ÁNH

Thuyền độc mộc được làm từ loại gỗ sao và cần thời gian hai đến ba tháng để đục đẽo một chiếc thuyền như vậy. Thuyền có độ dài khoảng 5m – 7m, rộng khoảng 50cm và độ dày của thuyền từ 3cm-5cm. Nếu chở khách du lịch, có thể một thuyền chở được 3 du khách.

Thuyền thường chở được khoảng 3 du khách

sầm ánh

Quá trình làm thuyền độc mộc đã khó thì việc lưu giữ nét đẹp chèo thuyền lại càng khó hơn bởi gỗ thuyền trải qua thời gian sẽ bị mục nát dần, khách du lịch cũng thưa thớt hẳn cộng thêm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên thật khó để bám trụ với nghề chèo thuyền độc mộc.

Anh Nguyễn Cường, người lần đầu tiên trải nghiệm ngồi thuyền độc mộc trên mặt hồ Lắk cho biết, anh cảm thấy rất thú vị và hứa hẹn sẽ tiếp tục đến đây trong những lần tiếp theo.

Lựa chọn khó cho bác sĩ điều trị Covid-19 giữa xung đột Ukraine

"Các nhân viên và bệnh nhân có thể tự đi xuống dưới đây. Nhưng phần lớn các bệnh nhân cần được thở oxy liên tục. Họ không thể bị cắt nguồn oxy. Những người ở trạng thái nguy kịch vẫn còn trong phòng bệnh. Nếu đem họ xuống đây thì họ sẽ chết mất", ông Pavlo Nartov cho biết.

Ngày 16.3, cơ quan cấp cứu khu vực nói có ít nhất 500 cư dân Kharkiv đã thiệt mạng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24.2.

Lựa chọn khó cho bác sĩ điều trị Covid-19 giữa xung đột Ukraine

Trước đó một quan chức Kharkiv cho biết hơn 600 tòa nhà, bao gồm nhiều trường học, nhà trẻ và bệnh viện, đã bị thiệt hại.

Ông Nartov cho biết ông thấy nhẹ nhõm khi bệnh viện đã không còn nguy hiểm. Mặt khác, các nhân viên đã dự trữ vật tư y tế và chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trước khi chiến sự nổ ra.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị ở Kharkiv (Ukraine)

reuters

Các nhân viên cũng đang học sử dụng mặt nạ phòng hơi độc.

Natalya Titarenko, một nhân viên bệnh viện, cho biết các tòa nhà chung cư nơi cô và em gái sống đã đã bị pháo kích: "Đột nhiên chúng tôi nghe một tiếng động lớn. Chồng tôi nói 'trúng căn nhà rồi', sau đó trong căn hộ chúng tôi đầy bụi và hàng xóm bắt đầu la hét. Tôi mở cửa ra, nó không bị hỏng, tôi mở ra rồi nhìn thấy khói, bụi đầy sân, kính vỡ khắp nơi".

Nga luôn khẳng định không xem dân thường là mục tiêu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 20.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.