Bản tin Covid-19 ngày 22.12: Cả nước 16.555 ca | Khẩn trương tiêm vắc xin ứng phó biến thể Omicron

22/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 22.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 22.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.555 ca Covid-19, 13.394 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế tối 22.12 cho biết tính từ 16h ngày 21.12 đến 16h ngày 22.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.555 ca nhiễm mới, 13.394 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 210 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 30.251 ca.

Ngày 22.12: Cả nước 16.555 ca Covid-19, 13.394 ca khỏi | Hà Nội 1.646 ca | TP.HCM 979 ca

Thông tin về 16.555 ca nhiễm mới như sau:

  • 33 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 16.522 ca ghi nhận trong nước (tăng 206 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.938 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (1.646), Cà Mau (1.193), TP.HCM (979), Tây Ninh (923), Vĩnh Long (846), Khánh Hòa (798), Đồng Tháp (784), Cần Thơ (757), Bạc Liêu (678), Trà Vinh (515), Bến Tre (466), Hải Phòng (449), Sóc Trăng (383), Bình Định (359), Thừa Thiên-Huế (351), Hậu Giang (343), Bà Rịa - Vũng Tàu (297), Đắk Lắk (297), Lâm Đồng (295), An Giang (291), Kiên Giang (275), Đồng Nai (265), Hưng Yên (261), Bình Thuận (259), Bắc Ninh (246), Tiền Giang (199), Thanh Hóa (196), Quảng Ngãi (194), Gia Lai (180), Đà Nẵng (171), Bình Dương (149), Quảng Ninh (134), Phú Yên (129), Nghệ An (121), Hà Giang (100), Lạng Sơn (90), Quảng Nam (85), Thái Bình (72), Long An (71), Đắk Nông (71), Hải Dương (67), Vĩnh Phúc (62), Bình Phước (61), Ninh Thuận (55), Nam Định (54), Quảng Trị (53), Phú Thọ (39), Quảng Bình (34), Hòa Bình (32), Bắc Giang (30), Thái Nguyên (28), Hà Nam (24), Tuyên Quang (21), Lào Cai (10), Kon Tum (10), Cao Bằng (8 ), Yên Bái (7), Sơn La (5), Bắc Kạn (3), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Cà Mau (-397), Tiền Giang (-191), Thanh Hóa (-168).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Vĩnh Long (+247), Hải Phòng (+214), Bạc Liêu (+171).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.752 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.588.335 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 16.105 ca nhiễm)

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.582.783 ca, trong đó có 1.170.667 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (497.162), Bình Dương (289.613), Đồng Nai (95.761), Tây Ninh (66.823), Long An (39.831).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 13.394 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.173.484 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 8.187 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 5.658 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.199 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 157 ca
  • Thở máy xâm lấn: 1.152 ca
  • ECMO: 21 ca

Từ 17h30 ngày 21.12 đến 17h30 ngày 22.12 ghi nhận 210 ca tử vong tại:

  • Tại TP.HCM (46) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: An Giang (1), Tiền Giang (1), Trà Vinh (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Bình Định (1), Trà Vinh (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: An Giang (27), Bình Dương (17), Tiền Giang (15), Tây Ninh (13), Đồng Tháp (12), Sóc Trăng (11), Cần Thơ (11), Kiên Giang (10), Vĩnh Long (8), Bình Thuận (6), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Hà Nội (5), Bạc Liêu (5), Cà Mau (5), Long An (4), Trà Vinh (3), Bình Định (2), Bến Tre (2), Đắk Lắk (1), Hậu Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 234 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.251 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 155.996 mẫu xét nghiệm cho 224.037 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 29.232.482 mẫu cho 73.261.638 lượt người.

Trong ngày 21.12 có 1.037.045 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 141.083.958 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 76.224.394 liều, tiêm mũi 2 là 63.306.216 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc xin Abdala) là 1.553.348 liều.

Tiêm vắc xin Covid-19 “nhanh nhất có thể” trước nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam

Sáng 22.12.2021, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt một số nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở, GS - TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (thuộc Bộ Y tế), cho biết đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã ghi nhận biến chủng Omicron tại 89 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Myanmar.

Tiêm vắc xin Covid-19 “nhanh nhất có thể” trước nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập Việt Nam

Do đó, hệ thống y tế vẫn đứng trước nguy cơ quá tải, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Nhiều nước trên thế giới phải tăng cường các biện pháp hạn chế các hoạt động tập trung đông người để phòng, chống dịch Covid-19.

Tại Việt Nam, đến sáng 22.12, nước ta ghi nhận hơn 1,5 triệu ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là hơn 1,56 triệu ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là hơn 30.000 ca, chiếm 1,9% tổng số ca mắc.

GS - TS Phan Trọng Lân nhận định đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, số ca mắc cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt giám sát phát hiện sớm, điều trị giảm bệnh nặng, tử vong và đẩy mạnh tốc độ tiêm vắc xin do thời tiết chuyển mùa thuận lợi cho sự phát triển, lây lan, nhất là trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán sắp tới…

UBND các tỉnh, thành thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng; tiếp tục đánh giá cấp độ dịch để có các biện pháp phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch, bảo đảm các hoạt động phục hồi sản xuất; nâng cao năng lực y tế cơ sở, chủ động và sẵn sàng trang bị, nhân lực, thuốc điều trị, ô xy y tế để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao nhằm sớm phát hiện chủng mới.

Bộ Y tế đề nghị Tổ chức tiêm chủng an toàn, nhanh nhất có thể, phấn đấu đến ngày 31.12 hoàn thành tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi, hoàn thành tiêm mũi thứ 3 cho người 18 tuổi trở lên và tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 - 18 tuổi trong tháng 1.2022; tổ chức tốt việc điều trị tại nhà, cơ sở cho bệnh nhân mắc Covid-19, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện các tuyến gây quá tải…

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện điều chỉnh cách ly đối với các trường hợp F1 đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã được điều trị khỏi bệnh Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục có diễn biến rất khó lường trước biến chủng Omicron. Hiện đã có cơ sở khá rõ để đánh giá biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn (theo một số nghiên cứu gấp từ 3 đến 7 lần so với chủng Delta).

Các nghiên cứu chỉ ra rằng với biến chủng Delta, khi người mắc đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi thì nguy cơ tử vong giảm khoảng 12 lần, trong khi chưa có dấu hiệu rõ ràng để xác định biến chủng Omicron có độc lực thấp hơn so với biến chủng Delta. Nguy cơ bị nhiễm bệnh do biến chủng Omicron đối với người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn cao hơn 3 lần so với biến chủng Delta, thậm chí những người đã nhiễm biến chủng Delta vẫn có nguy cơ nhiễm lại biến chủng Omicron cao hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu trong dịp tết Nguyên đán, tổ Covid-19 cộng đồng, công an, dân quân, y tế và các lực lượng cần tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” trong tiêm vét vắc xin, phát hiện, hỗ trợ người bệnh, không để người nào đang cách ly, tự điều trị tại nhà không có tết.

Ông Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn về đánh giá cấp độ dịch Covid-19 và các biện pháp phòng, chống dịch cần thiết cho phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, thời tiết mùa đông và nguy cơ biến chủng Omicron. Trong khi chưa có hướng dẫn mới về đánh giá cấp độ dịch, căn cứ tình hình cụ thể trong từng lĩnh vực, từng địa phương có thể thống nhất với Bộ Y tế để nâng cấp độ dịch so với cấp độ dịch được xác định theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đẩy nhanh hơn tốc độ tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng chuyển từ “ưu tiên cho nhóm người có bệnh nền, người trên 50 tuổi” sang “phải phấn đấu tiêm cho tất cả mọi người dân thuộc nhóm tuổi chỉ định tiêm. Bộ Y tế bảo đảm cấp đủ thuốc kháng vi rút (túi thuốc C) cho các địa phương để tổ chức cấp phát thuốc cho tất cả những người bị nhiễm vi rút có nhu cầu được uống sớm nhất. Tuyệt đối không để tình trạng thiếu thuốc.

Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn tăng cường tổ chức cách ly, tự điều trị tại nhà, tại cơ sở; tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Hệ thống y tế cơ sở phải quản lý tất cả những người bị nhiễm, không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết giả sử biến chủng Omicron có độc lực nhẹ đi thì vẫn có một tỉ lệ người đã tiêm đủ vắc xin bị nhiễm, trong đó sẽ có một tỉ lệ bị nặng. Nếu chúng ta để số ca nhiễm nhiều dồn vào một thời điểm gây quá tải hệ thống y tế thì tỉ lệ tử vong sẽ rất cao. Vì vậy, chúng ta không được lơi lỏng cảnh giác.

TP.HCM rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 xuống 3 tháng

Tối 21.12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (gọi tắt là HCDC) cho biết nhằm tăng cường miễn dịch phòng Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đã ban hành công văn về việc điều chỉnh tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều bổ sung và nhắc lại.

TP.HCM rút ngắn thời gian tiêm liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 xuống 3 tháng

Theo đó, TP.HCM điều chỉnh rút ngắn thời gian tiêm vắc xin phòng Covid-19 liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng dành cho người trên 18 tuổi. Người thuộc nhóm nguy cơ, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên triển khai trước.

Liều bổ sung sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên thuộc 2 nhóm có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang sử dụng hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng và nhóm người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin của hãng Sinopharm hoặc vắc xin Sputnik V. Những trường hợp này sẽ tiêm được tiêm mũi 3 sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.

Việc tiêm chủng phải đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên. Sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Liều nhắc lại sẽ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 3 tháng, ưu tiên cho người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Đối với những người đã mắc Covid-19, nếu chưa được tiêm liều bổ sung hoặc liều nhắc lại thì tiêm theo hướng dẫn như trên, ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế theo quy định.

Thành phố dự kiến sẽ hoàn thành việc bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống tại TP.HCM trong tháng 1.2022.

Cơ sở massage, spa ở TP.HCM muốn hoạt động phải có 10 tiêu chí này

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình vừa ký ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh massage, spa trên địa bàn thành phố.

Cơ sở massage, spa ở TP.HCM muốn hoạt động phải có 10 tiêu chí này

Các tiêu chí được đưa ra để đánh giá đủ điều kiện hoạt động, đồng thời căn cứ cấp độ dịch do cơ quan có thẩm quyền công bố để cho phép các cơ sở hoạt động, gồm:

Tiêu chí 1: Cơ sở phải có đăng ký mã QR, quét mã QR của người hoạt động tại cơ sở, thực hiện khai báo y tế đối với khách hàng và người làm việc.

Tiêu chí 2: Nhân viên phục vụ đảm bảo là F0 đã khỏi bệnh; đã tiêm chủng đủ hai mũi vắc xin; đã tiêm ít nhất một mũi (đối với loại vắc xin tiêm hai mũi) và đã qua ít nhất 14 ngày sau tiêm. Nhân viên bắt buộc đeo khẩu trang toàn bộ thời gian làm việc, thay khẩu trang sau mỗi khách hàng, rửa tay sau mỗi lần phục vụ trong suốt thời gian làm việc hoặc khi cần thiết.

Tiêu chí 3: Người đến sử dụng dịch vụ phải đảm bảo là F0 đã khỏi bệnh; đã tiêm đủ hai mũi vắc xin; đã tiêm ít nhất một mũi (đối với loại vắc xin tiêm hai mũi) và đã qua ít nhất 14 ngày sau tiêm; có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Tiêu chí 4: Công suất hoạt động đảm bảo theo hướng dẫn tại quyết định 3900 của UBND TP HCM ngày 16.11.

Tiêu chí 5: Kiểm tra thân nhiệt của khách sử dụng dịch vụ và nhân viên trước khi vào cơ sở làm việc mỗi ngày, nếu có dấu hiệu sốt thì không được vào.

Tiêu chí 6: Bố trí khu vực rửa tay có xà phòng hoặc nước sát khuẩn cho khách, nhân viên sử dụng trước khi vào cơ sở và khi cần thiết.

Tiêu chí 7: Đảm bảo mật độ tối thiểu 4m2/người và khoảng cách giữa hai khách hàng tối thiểu 1 mét. Tăng cường thông khí phòng dịch vụ.

Tiêu chí 8: Tổ chức khử khuẩn giường, ghế và các vật dụng sau mỗi lần phục vụ khách hàng. Khử khuẩn định kỳ bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nhà vệ sinh... tối thiểu hai lần/ngày hoặc khi cần thiết.

Tiêu chí 9: Thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức phòng ngừa dịch bệnh tại cơ sở.

Tiêu chí 10: Chủ cơ sở kinh doanh phải có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở.

Có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa trong cùng một thời điểm, đảm bảo số lượng khách đến cơ sở không vượt quá số lượng đã thông báo. Báo cáo phương án kinh doanh và các biện pháp chống dịch cho UBND phường, xã, thị trấn để quản lý, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

UBND TP HCM cho biết căn cứ vào cấp độ dịch do cơ quan có thẩm quyền công bố để cho phép các cơ sở hoạt động. Các cơ sở đạt tất cả các tiêu chí nêu trên thì đủ điều kiện hoạt động.

Trong quá trình hoạt động, các cơ sở phải đảm bảo thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên kiểm tra định kỳ các tiêu chí, kịp thời khắc phục những tiêu chí chưa đảm bảo. Các cơ sở phải tự đánh giá tại Cổng thông tin an toàn Covid-19.

Khoảng 3% người trưởng thành ở Việt Nam chưa tiêm vắc xin Covid-19

Cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng vắc xin Covid-19 đến 14h30 ngày 22.12 cho biết cả nước đã tiêm hơn 141 triệu liều vắc xin phòng Covid-19.Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng trong năm 2021, trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và bắt đầu triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại.

Khoảng 3% người trưởng thành ở Việt Nam chưa tiêm vắc xin Covid-19

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là trên 130 triệu liều, trong đó có hơn 69,2 triệu liều mũi 1; hơn 60,1 triệu liều mũi 2; hơn 1 triệu liều mũi 3 (đối với vắc xin Abdala ); 61.660 liều bổ sung và 274.101 liều nhắc lại.

Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 97 % và tỉ lệ tiêm đủ 2 liều vắc xin là 84,3% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 lần lượt như sau: Miền Bắc là 93,6% và 80,3%; Miền Trung là 94,5% và 82,7%; Tây Nguyên là 90,7% và 66,7%; Miền Nam là 99,9% và 89,0%.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi: Các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được hơn 9,6 triệu liều, trong đó có hơn 6,8 triệu liều mũi 1 và hơn 2,8 triệu liều mũi 2. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 75,2% và tỉ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin là 30,7% dân số từ 12 -17 tuổi.

Theo khu vực, tỉ lệ này lần lượt như sau: Miền Bắc là 70,1% và 15,8%; Miền Trung là 56,9% và 19,5%, Tây Nguyên là 67,5% và 0,9%, Miền Nam là 89,2% và 58,1%.

Các tỉnh, thành phố đã cơ bản bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho nhóm tuổi này là Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP.HCM, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Hậu Giang.

20 bệnh nền khiến người mắc Covid-19 tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao

Trong công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 ngày 21.12, Bộ Y tế cho biết hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới với các biến thể mới được ghi nhận có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta (B.1.617), Omicron (B.1.1.529).

Trong đó nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao với mức độ bệnh tăng nặng và tử vong cao khi mắc Covid- 19 là nhóm người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ.

20 bệnh nền khiến người mắc Covid-19 tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao

Theo Bộ Y tế có 20 bệnh nền có nguy cơ cao khi mắc Covid-19, đó là:

  1. Đái tháo đường
  2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác
  3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).
  4. Bệnh thận mạn tính
  5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
  6. Béo phì, thừa cân
  7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
  8. Bệnh lý mạch máu não
  9. Hội chứng Down
  10. HIV/AIDS
  11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)
  12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác
  13. Hen phế quản
  14. Tăng huyết áp
  15. Thiếu hụt miễn dịch
  16. Bệnh gan
  17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện
  18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
  19. Các bệnh hệ thống.
  20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

Ngoài ra, tại công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 ngày 21.12, Bộ Y tế cũng hướng dẫn nhóm nguy cơ khác là người trên 50 tuổi; phụ nữ có thai.

Bộ Y tế lưu ý khi thực hiện việc cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà cho người mắc Covid- 19 thuộc nhóm nguy cơ cao cần tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn về cách tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà; cấp phát thuốc điều trị Covid-19 theo quy định.

Đồng thời, hướng dẫn người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi > 20 lần/phút hoặc đo SpO2 < 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ, đánh giá tình trạng bệnh, sơ cấp cứu và chỉ định chuyển cơ sở điều trị kịp thời.

Việc thực hiện chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ cao tại nhà hoặc tại các cơ sở điều trị cần có tư vấn và phối hợp của cán bộ chuyên khoa tương ứng với bệnh nền của người mắc Covid-19.

Tách riêng người thuộc nhóm nguy cơ để thực hiện việc theo dõi sức khỏe, cách ly đảm bảo việc giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc Covid-19.

Tổ chức các biện pháp phát hiện sớm người mắc bệnh không lây nhiễm (bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản...) để quản lý điều trị kịp thời.

Quản lý, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn, tư vấn người mắc Covid-19 không để lây nhiễm, bảo đảm chế độ ăn uống, vận động thể lực, tuân thủ điều trị và tự chăm sóc, theo dõi tại nhà.

Nỗi niềm người dân xóm đạo trước Giáng sinh giữa dịch Covid-19

Đã 20 giờ ngày 21.12, tức là chỉ có 3 ngày nữa là đến Giáng sinh nhưng gia đình anh Trần Đình Thi trên đường Phạm Thế Hiển (Q.8, TP.HCM) vẫn đang hối hả hoàn thiện hai hang đá trước cửa nhà để mừng dịp lễ lớn nhất trong năm của người Công giáo.

Nỗi niềm người dân xóm đạo Phạm Thế Hiển trước Giáng sinh

"Thường thường tầm tháng 12 là lo làm rồi, năm nay trễ, đáng ra tới giờ này chỉ ngồi ăn mừng thôi, chứ không có như này, giờ này làm là trễ rồi, khoảng tầm 15 là xong xuôi hết rồi", anh Thi nói.

Để hoàn thiện một hang đá trước cửa nhà dịp Giáng sinh, mỗi gia đình phải thực hiện khoảng 1 tuần. Nếu nhà nào ít người thì phải thuê thêm nhân lực bên ngoài để làm. Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng các hang đá tại xóm đạo lâu đời này cũng ít hẳn đi.

Nỗi lo dịch bệnh khiến không khí Giáng sinh về muộn trên con đường lung linh nhất TP.HCM mỗi dịp Giáng sinh hằng năm.

Chỉ còn vài ngày nữa Giáng sinh 2021 sẽ đến. Tuy đường phố không quá rực rỡ, hoành tráng như mọi năm nhưng những người dân xóm đạo vẫn cố gắng chuẩn bị tươm tất nhất có thể, mong xua tan bầu không khí ảm đạm kéo dài suốt nhiều tháng vì Covid-19.

Ông Biden cảnh báo người chưa tiêm vắc xin: "Lựa chọn có thể quyết định sống-chết'

Ngày 21.12, Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hàng loạt biện pháp mới để chống lại biến thể Omicron giữa bối cảnh hàng triệu người Mỹ sắp về thăm nhà trong kì nghỉ đông.

Tổng thống Biden cảnh báo người chưa tiêm vắc xin: "Lựa chọn có thể quyết định sống hay chết"

“Tôi biết nhiều người đang thắc mắc họ có thể mừng lễ an toàn với gia đình và bạn bè hay không. Câu trả lời là có, có thể, nếu mọi người và người thân của họ đều tiêm vắc xin rồi, đặc biệt là nếu đã tiêm liều tăng cường rồi”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Biden đã thẳng thắn chỉ trích 25% người Mỹ trưởng thành chưa tiêm đủ 2 liều vắc xin ngừa Covid-19. Ông nói đi tiêm là “nghĩa vụ yêu nước” của họ:

“Lựa chọn của bạn không chỉ là vì bạn, mà còn ảnh hưởng tới những người khác nữa. Bạn đang đẩy mọi người vào nguy hiểm, từ người thân, bạn bè, hàng xóm, đến những người bạn vô tình đi ngang. Và lựa chọn của bạn có thể sẽ quyết định giữa sống và chết”.

Để tăng cường khả năng chống lại biến thể Omicron, ông Biden thông báo mở thêm trung tâm xét nghiệm và tiêm ngừa liên bang. Khoảng 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà sẽ được cung cấp miễn phí tại Mỹ trong tháng 1.2022.

Ông Biden cho biết khoảng 1.000 bác sĩ, y tá quân y sẽ được triển khai để hỗ trợ các bệnh viện đang bị quá tải vì Covid-19 ở nhiều khu vực. Ông Biden nói thêm Omicron có thể sẽ lây cho cả những người đã tiêm ngừa, nhưng họ ít có khả năng bị bệnh nặng.

Ông còn nhắc đến việc cựu Tổng thống Trump cũng đã tiêm liều vắc xin tăng cường.

Tổng thống Mỹ kêu gọi các công ty truyền thông và kênh truyền hình “không lan truyền những điều dối trá và để tin sai lệch giết chết người xem”.

Từ đầu tháng 12.2021, số ca Covid-19 mới ở Mỹ đã tăng 72%.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày22.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.