Bản tin Covid-19 ngày 23.3: Cả nước hơn 8,4 triệu ca | Hướng tới mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế

23/03/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 23.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 23.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Công bố 140.837 ca Covid-19, 192.465 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 23.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 22.3 đến 16h ngày 23.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 127.883 ca nhiễm mới. Sở Y tế Tuyên Quang đăng ký bổ sung 12.954 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 140.837 ca.

Trong ngày có 192.465 ca được công bố khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 61 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 42.075 ca.

Ngày 23.3: Công bố 140.837 ca Covid-19, 192.465 ca khỏi | Hà Nội 13.005 ca | TP.HCM 1.582 ca

Thông tin về 140.837 ca nhiễm vừa được công bố như sau:

  • 5 ca nhập cảnh.
  • 127.878 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.853 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 89.186 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (13.005), Phú Thọ (5.307), Nghệ An (4.425), Lạng Sơn (4.408), Bắc Ninh (4.398), Lào Cai (4.149), Hải Dương (4.034), Bắc Giang (3.997), Yên Bái (3.993), Vĩnh Phúc (3.577), Đắk Lắk (3.479), Sơn La (3.321), Quảng Bình (3.175), Thái Bình (2.976), Hà Giang (2.934), Bến Tre (2.870), Tuyên Quang (2.856), Hưng Yên (2.740), Quảng Ninh (2.688), Cà Mau (2.678), Thái Nguyên (2.666), Hòa Bình (2.607), Cao Bằng (2.444), Bình Định (2.348), Điện Biên (2.319), Lâm Đồng (2.247), Vĩnh Long (2.172), Bắc Kạn (2.039), Quảng Trị (1.918), Lai Châu (1.903), Hà Nam (1.759), TP.HCM (1.582), Tây Ninh (1.569), Bình Phước (1.532), Bình Dương (1.457), Nam Định (1.389), Trà Vinh (1.313), Kon Tum (1.234), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.132), Đắk Nông (1.052), Ninh Bình (1.032), Hải Phòng (965), Hà Tĩnh (998), Thanh Hóa (935), Quảng Ngãi (897), Phú Yên (896), Khánh Hòa (819), Đà Nẵng (712), Thừa Thiên-Huế (658), Bình Thuận (651), Quảng Nam (361), Bạc Liêu (254), An Giang (188), Long An (178), Đồng Nai (136), Kiên Giang (125), Cần Thơ (124), Đồng Tháp (78), Ninh Thuận (65), Sóc Trăng (60), Hậu Giang (44), Tiền Giang (10).
  • Ngày 23.3.2022, Sở Y tế Tuyên Quang đăng ký bổ sung 12.954 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (-3.009), Hòa Bình (-717), Tuyên Quang (-713).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bến Tre (+1.122), Hà Giang (+947), Bắc Ninh (+925).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 146.192 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 8.479.751 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 85.790 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 8.472.072 ca, trong đó có 4.658.453 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.217.105), TP.HCM (586.910), Bình Dương (364.978), Nghệ An (360.496), Hải Dương (326.098).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 192.465 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 4.661.270 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.764 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 3.171 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 228 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 71 ca
  • Thở máy xâm lấn: 289 ca
  • ECMO: 5 ca

Từ 17h30 ngày 22.3 đến 17h30 ngày 23.3 ghi nhận 61 ca tử vong tại: Bạc Liêu (5), Bình Dương (4), Hà Nội (4), An Giang (3), Đồng Nai (3), Lâm Đồng (3), Lào Cai (3), Quảng Ninh (3), Bắc Kạn (2), Bến Tre (2), Cần Thơ (2), Đắk Lắk (2), Hà Giang (2), Khánh Hòa (2), Nam Định (2 ca trong 2 ngày), Quảng Bình (2), TP.HCM (2), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1), Điện Biên (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Hà Tĩnh (1), Kiên Giang (1), Quảng Nam (1), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1), Trà Vinh (1), Tuyên Quang (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 67 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.075 ca, chiếm tỉ lệ 0,5% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện là 37.465.790 mẫu tương đương 83.048.614 lượt người.

Trong ngày 22.3 có 1.115.043 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 203.144.374 liều, trong đó:

  • Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 186.055.910 liều: Mũi 1 là 71.182.239 liều; Mũi 2 là 67.931.682 liều; Mũi 3 là 1.498.912 liều; Mũi bổ sung là 14.768.292 liều; Mũi nhắc lại là 30.674.785 liều.
  • Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.088.464 liều: Mũi 1 là 8.764.950 liều; Mũi 2 là 8.323.514 liều.

Những lưu ý khi đi khám, điều trị triệu chứng hậu Covid-19

Liên quan đến chính sách chăm sóc người bệnh hậu Covid-19, ngày 22.3.2022, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (thuộc Bộ Y tế) cho biết ngành y tế cũng như công luận đang rất quan tâm đến vấn đề hậu Covid-19. Về nguyên tắc, các bệnh bao giờ cũng trải qua các giai đoạn trước, trong và sau khi khỏi bệnh, thì hậu Covid-19 cũng thế.

Những lưu ý khi đi khám, điều trị triệu chứng hậu Covid-19

Ông Lương Ngọc Khuê khẳng định người dân khi có triệu chứng hậu Covid-19 thuộc bệnh nào thì khám tại chuyên khoa đó, không cần thành lập thêm bệnh viện hoặc khoa điều trị hậu Covid-19 riêng. Các khoa đều có thể tham gia điều trị, phục hồi chức năng sau khi mắc Covid-19 cho người dân và người dân vẫn được hưởng các chế độ khám chữa bệnh như thông thường.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước xây dựng hướng dẫn phục hồi chức năng các cơ quan sau khi mắc Covid-19 cho người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, trong đó có những biện pháp không cần dùng thuốc.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng giao cho Bệnh viện tâm thần Trung ương là bệnh viện đầu ngành hướng dẫn các vấn đề tâm lý hậu Covid-19 cho người dân.

Việt Nam mở cửa du lịch với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế

Ngày 22.3.2022, thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) cho biết năm 2022, Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế.

Việt Nam mở cửa du lịch với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế

Theo Bộ VH-TT-DL, sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, năm 2021, các doanh nghiệp đã triển khai hoạt động quảng bá, kích cầu du lịch. Qua đó, cả nước đã phục vụ 40 triệu lượt khách nội địa.

Chương trình thí điểm đón khách quốc tế từ cuối năm 2021 đến nay đã đón trên 10.000 lượt khách quốc tế. Năm 2022, Việt Nam phấn đấu đón 5 triệu lượt khách quốc tế.

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, đề nghị các địa phương, doanh nghiệp cần nâng chất lượng sản phẩm du lịch, bổ sung thêm các sản phẩm mới phù hợp với thời kỳ hậu Covid-19; trong đó chú ý tới các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, sinh thái, chăm sóc sức khỏe.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường kết nối hàng không, khôi phục đường bay quốc tế, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp; xúc tiến quảng bá và thu hút khách du lịch, tập trung vào thị trường có sự phục hồi nhanh mạnh như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ, các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản...

Để từng bước khôi phục ngành du lịch, nhiều địa phương đã tập trung quảng bá, tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch. Đơn cử như Quảng Ninh đã xây dựng triển khai chuỗi 65 sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch năm 2022. Năm 2022, Quảng Ninh phấn đấu thu hút khách du lịch đến với địa phương đạt trên 10 triệu lượt khách, trong đó đạt 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt khoảng 21.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, để phục hồi mạnh mẽ, tạo vị thế mới hiện nay vẫn là một thách thức lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần có chiến lược tổng thể; đặc biệt là việc gia hạn thị thực, gỡ bỏ các rào cản không cần thiết như xét nghiệm Covid-19, cách ly…

Hà Nội bùng dịch, chùa Hương được mở cửa nhưng vẫn vắng hoe

Dù đã được mở cửa trong thời gian dài để đón khách và khôi phục kinh tế du lịch của địa phương nhưng Khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt chùa Hương vẫn chưa đạt được 10% công suất thực tế.

Hà Nội bùng dịch, chùa Hương được mở cửa nhưng vẫn vắng hoe

Bến đò suối Yến, điểm đầu của di tích cấp Quốc gia đặc biệt chùa Hương, lác đác có vài du khách đang chờ đò.

Khung cảnh hàng vạn du khách chen lấn để xuống đò cho kịp giờ đi lễ như mọi năm… nay được thay bằng sự đìu hiu, vắng vẻ vì dịch bệnh Covid-19.

Sau 2 năm đóng cửa mọi hoạt động, đầu năm 2022, chùa Hương được phép mở cửa trở lại trong sự háo hức của người dân địa phương và du khách. Nhưng diễn biến dịch ở Hà Nội quá phức tạp, số ca mắc mới liên tục lập đỉnh mới khiến di tích cấp Quốc gia đặc biệt chùa Hương cũng chịu cảnh vắng bóng du khách tham quan.

“Tôi đã đi chùa Hương 6 năm liền, năm ngoái dịch bệnh nên không đi được. Năm nay nghe tin chùa hoạt động lại thì hai vợ chồng cùng đi thôi. Lên Đền Trình đầu tiên, bây giờ là lên Thiên Trù, lễ ở Thiên Trù xong là lên động Hương Tích. Nhà em không quan niệm là phải bắt buộc nhưng đi chùa đầu năm là thành tâm mong muốn mang lại may mắn, cảm giác lòng mình được thanh thản hơn”, chị Trần Thị Thu Hương, Du khách Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ.

“Năm nay mình đi chùa thấy vắng hơn mọi năm. Mọi năm thì đông, không chen nổi luôn. Dịch Covid-19 năm nay vẫn chưa bớt hẳn, vẫn còn đang nhiều nên người ta đi đền chùa cũng không được đông lắm. Mình đi chùa Hương mong muốn có một năm an lành, vạn sự như ý, cầu lộc cầu tài, mong các ngài phù hộ độ trì cho. Mình thấy mọi người chụp ảnh, đăng lên về chùa Hương nhiều nên mình cũng đến để tham quan, đến cầu khấn. Thấy cũng hơi lo lắng một chút là nếu bị nhiễm bệnh thì cũng sẽ hơi phức tạp. Mình đi cùng với anh em, bạn bè của mình. Mọi năm phải chen chúc mệt lắm, người đi đông cứ chạm vào nhau, mất đồ liên tục. Năm nay thì thoáng và mình thích đi như thế này hơn”, chị Phạm Thị Ngọc Thủy, Du khách Phủ Lý, Hà Nam cho hay.

Theo đại diện Ban quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, chùa Hương thì lượng khách sau khi mở cửa đến nay đã gần 3 tháng nhưng chỉ đạt 3.000 khách – 5.000 khách mỗi ngày, chưa đạt được 10% so với sức chứa của cả khu di tích, chưa nói đến việc phục hồi như những năm chưa có dịch bệnh.

“Tất cả du khách được đi rất thông thoáng và vui mừng phấn khởi. Đặc biệt, nhân dân địa phương và chính quyền địa phương xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cũng phấn khởi khi năm nay được đón khách sau hai năm dịch dã rất vất vả đối với nhân dân trong vùng về công tác phát triển kinh tế. Phương án của ủy ban nhân dân huyện là thành lập 8 tiểu ban và một trạm kiểm soát vé, một tổ liên ngành để kiểm tra trong khu vực lễ hội chùa Hương. Khuyến cáo đối với các du khách về tham quan thắng cảnh chùa Hương mà chưa tiêm đủ vắc xin phòng chống dịch Covid-19 thì cũng không nên đến để bảo vệ cho chính bản thân mình cũng như cộng đồng du khách về tham quan thắng cảnh chùa Hương.

Khi ngồi trên thuyền chúng tôi cũng khuyến cáo là ngồi theo một chiều hướng. Các chủ phương tiện cũng không nên chở quá số người quy định, cũng nên giảm thiểu số người để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Và yêu cầu du khách trong suốt quá trình di chuyển tham quan trên cả tuyến đường suối và tuyến đường bộ phải nghiêm chỉnh chấp hành 5K của Bộ Y tế, thường xuyên đeo khẩu trang đúng cách. Đối với các nơi tâm linh để thực hiện các nghi lễ thì không nên thực hiện quá lâu để đảm bảo quy định không tập trung đông người tại một thời điểm. Đối với sức chứa của khu vực Hương Sơn mỗi ngày từ 3 tới 5 vạn khách là rất thoải mái, kể cả phương tiện đò thuyền cũng đã chuẩn bị sẵn. Các bến bãi xe cũng đảm bảo. Trên 5 vạn khách mới là đông. Bây giờ chưa được 5.000 lượt khách mỗi ngày. Do vậy khách rất là ít”, ông Nguyễn Bá Hiển, Trưởng Ban quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn chia sẻ.

Trong năm 2022, Ban Quản lý di tích thắng cảnh Hương Sơn, chùa Hương kỳ vọng sẽ đón một triệu du khách về tham quan khu di tích cấp Quốc gia đặc biệt Hương Sơn - chùa Hương. Với tình hình thực tế như hiện nay, nhất là khi đã sắp hết 3 tháng Xuân, hết thời gian cao điểm lễ hội chùa Hương nhưng lượng khách về vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, thì mục tiêu đạt một triệu khách trong năm nay vẫn còn rất xa vời.

Cô dâu ôm đồ sang nhà chú rể làm đám cưới 'chạy phong tỏa' Covid ở Trung Quốc

Thay vì chờ đợi nhà trai sang đón dâu theo như phong tục, một cô dâu tại Trung Quốc đã mặc đồ đỏ vội vàng chạy sang nhà chú rể, mang theo đồ đạc của mình để tổ chức đám cưới tại nhà của anh - nơi đang bị phong tỏa.

Trung Quốc: Cô dâu ôm đồ sang nhà chú rể làm đám cưới "chạy phong tỏa" Covid-19

Vào ngày 21.3, một đoạn video về ngày cưới đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Weibo với hơn 280 triệu lượt xem. Cô dâu Liu Chang và chú rể Jia Shihan, đến từ Đường Sơn ở tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Đám cưới của họ đã được lên kế hoạch vào ngày 19.3.

Theo dự tính, anh Jia sẽ đến nhà cô Liu lúc 6 giờ sáng để rước dâu. Tuy nhiên, khi Liu thức dậy vào sáng sớm, cô nhận được một cuộc điện thoại. Chú rể nói với cô rằng khu nhà của anh đã bị phong tỏa và anh không thể rời đi.

Sau khi cúp điện thoại, cô Liu vội vàng thu dọn áo cưới, giày cô dâu và những đồ dùng cần thiết khác rồi mang đến tận nhà chú rể để làm lễ thành hôn.

Nhân viên bảo vệ mở khóa cửa và cho cô Liu vào sau khi cô hứa sẽ tuân theo các quy tắc. Cô Liu chạy vào ôm chầm lấy chú rể, người đã đợi cô bên trong. Sau khi cô Liu đến, nhiệm vụ đầu tiên của họ là xếp hàng để làm xét nghiệm PCR.

Sau đó, họ tiến hành một buổi lễ nhỏ tại nhà của chú rể trước sự chứng kiến của hàng xóm và cha mẹ chú rể. Cô dâu nói chủ hôn cho đám cưới của họ là một người hàng xóm, nhưng cả hai vẫn rất vui.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 23.3 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.