Bản tin Covid-19 ngày 6.12: Cả nước 14.591 ca | Nhiều quận, huyện ở TP.HCM “đổi màu”

06/12/2021 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 6.12 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên. Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 6.12 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.591 ca Covid-19, 1.130 ca khỏi

Bản tin Bộ y tế tối 6.12 cho biết tính từ 16h ngày 5.12 đến 16h ngày 6.12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.591 ca nhiễm mới, 1.130 ca khỏi bệnh.

Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 223 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 26.483 ca.

Ngày 6.12: Cả nước 14.591 ca Covid-19, 1.130 ca khỏi | TP.HCM 1.174 ca

Thông tin về 14.591 ca nhiễm mới như sau:

  • 33 ca cách ly sau khi nhập cảnh.
  • 14.558 ca ghi nhận trong nước (tăng 246 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.227 ca trong cộng đồng). Gồm: Cần Thơ (1.189), TP.HCM (1.174), Tây Ninh (859), Sóc Trăng (793), Bến Tre (699), Đồng Tháp (695), Cà Mau (639), Bình Phước (637), Hà Nội (587), Bà Rịa - Vũng Tàu (569), Vĩnh Long (535), Bình Thuận (485), Bạc Liêu (481), Trà Vinh (466), Khánh Hòa (461), Kiên Giang (364), An Giang (345), Đồng Nai (308), Hậu Giang (291), Tiền Giang (285), Đắk Lắk (269), Bình Dương (226), Bình Định (222), Lâm Đồng (207), Hải Phòng (154), Bắc Ninh (136), Đà Nẵng (125), Gia Lai (111), Long An (103), Đắk Nông (102), Hà Giang (100), Thanh Hóa (82), Hưng Yên (63), Quảng Ngãi (63), Thái Nguyên (62), Thừa Thiên-Huế (61), Quảng Nam (60), Phú Yên (59), Nam Định (53), Quảng Bình (51), Hải Dương (48), Ninh Thuận (44), Vĩnh Phúc (41), Tuyên Quang (37), Lạng Sơn (34), Phú Thọ (33), Thái Bình (29), Yên Bái (26), Quảng Trị (26), Hà Tĩnh (20), Hòa Bình (12), Bắc Giang (10), Lào Cai (7), Ninh Bình (6), Hà Nam (5), Cao Bằng (3), Sơn La (2), Quảng Ninh (2), Điện Biên (2).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-317), Thừa Thiên-Huế (-244), Bình Định (-206).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+254), Cà Mau (+195), Hà Nội (+187).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.961 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.323.683 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.427 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.318.381 ca, trong đó có 1.007.590 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (479.483), Bình Dương (284.489), Đồng Nai (89.822), Long An (38.800), Tây Ninh (33.342).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.130 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 1.010.407 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.006 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 4.638 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.445 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 162 ca
  • Thở máy xâm lấn: 741 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 5.12 đến 17h30 ngày 6.12 ghi nhận 223 ca tử vong, gồm:

  • Tại TP.HCM (94) trong đó có 8 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Tháp (1), Lâm Đồng (1), Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Cần Thơ (1), Thanh Hóa (1).
  • Tại các tỉnh, thành phố khác: Long An (20), Cần Thơ (18), An Giang (15), Đồng Nai (14), Tây Ninh (13), Tiền Giang (10), Kiên Giang (8), Bình Thuận (5), Sóc Trăng (5), Trà Vinh (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đồng Tháp (3), Bạc Liêu (3), Cà Mau (2), Quảng Trị (1), Quảng Ngãi (1), Lâm Đồng (1), Nam Định (1), Khánh Hòa (1), Đắk Lắk (1), Bến Tre (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 201 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.483 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 9/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 142.329 xét nghiệm cho 209.881 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 27.029.560 mẫu cho 69.947.142 lượt người.

Trong ngày 5.12 có 396.664 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 127.828.796 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 73.393.169 liều, tiêm mũi 2 là 54.435.627 liều.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết từ tháng 3.2021 đến hết ngày 4.12.2021, Việt Nam đã tiếp nhận 150.623.444 liều vắc xin phòng Covid-19.

Việt Nam đã tiếp nhận hơn 150 triệu liều vắc xin phòng Covid-19
  • Vắc xin AstraZeneca: 48.688.076 liều;
  • Vắc xin Pfizer và Moderna: 46.576.370 liều;
  • Vắc xin Sinopharm: 48.700.000 liều;
  • Vắc xin Abdala: 5.150.000 liều;
  • Vắc xin Sputnik V: 1.508.998 liều.

Trong tổng số hơn 150 triệu liều vắc xin đã tiếp nhận, đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ 97 đợt với tổng số 141,5 triệu liều, còn khoảng hơn 9 triệu liều mới tiếp nhận.

Đến sáng 6.12, cập nhật trên cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy cả nước đã tiêm gần 128 triệu liều vắc xin. Các địa phương, đơn vị đang nỗ lực triển khai tiêm chủng để nhanh chóng đạt được độ bao phủ mũi 1 cho những đối tượng trong độ tuổi chỉ định tiêm chủng và trả mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian.

Đến ngày 5.12, số liều vắc xin phòng Covid-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 122 triệu liều, trong đó có gần 69 triệu liều mũi 1 và hơn 53 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 95,6% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 73,7% dân số từ 18 tuổi trở lên. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt là:

  • Miền Bắc là 91,5% và 66,5%;
  • Miền Trung là 92,4% và 68,2%;
  • Tây Nguyên là 93,8% và 56,5%;
  • Miền Nam là 99,2% và 83,3%.

Có 59/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin cho trên 80% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó có 28 tỉnh đạt tỷ lệ trên 95% Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biện, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bình Phước, Kiên Giang, Hậu Giang.

4/63 tỉnh, thành phố còn lại có tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin dưới 80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Yên Bái (73,4%), Hà Giang (77,3%), Cao Bằng (78,6%) và Nghệ An (78,7%). Bộ Y tế đã phân bổ vắc xin cho các địa phương này để tăng nhanh diện bao phủ tiêm chủng.

Hiện đã có 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50%, trong đó có 35 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 70%. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ trên 90% là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Điện Biên, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Cần Thơ và Cà Mau.

Về triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế cho biết đã có 49 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm. Các tỉnh đã tiêm được hơn 5,2 triệu liều vắc xin cho trẻ trong độ tuổi này, trong đó hơn 4,3 triệu liều mũi 1 và hơn 930.000 liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc xin là 47,8% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 10,3% dân số từ 12 -17 tuổi.

TP.HCM: quận 4 bất ngờ trở thành ‘vùng cam’ - vùng nguy cơ cao

Sáng 6.12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản thông báo kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn trong tuần lễ 26.11 đến 2.12, theo đó cấp độ dịch của thành phố giữ nguyên cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - vùng vàng).

TP.HCM: quận 4 bất ngờ trở thành ‘vùng cam’ - vùng nguy cơ cao

Đối với cấp huyện, có 8 địa phương cấp độ 1 (nguy cơ thấp - vùng xanh) gồm: Q.1, Q.6, Q.7, Q.8, Tân Bình, Tân Phú, H.Bình Chánh và Củ Chi.

13 địa phương cấp độ 2 gồm: Q.3, Q.5, Q.10, Q.11, Q.12, Bình Thạnh, Bình Tân, Cần Giờ, Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè, Phú Nhuận và TP.Thủ Đức.

Đáng chú ý, TP.HCM ghi nhận một địa phương có cấp độ 3 (nguy cơ cao - vùng cam) là Q.4.

Đối với cấp xã, có 104 địa phương cấp độ 1, 187 địa phương cấp độ 2 và 21 địa phương cấp độ 3.

So với tuần trước, TP.HCM có 3 địa phương tăng cấp độ dịch, bao gồm 2 địa phương tăng từ cấp 1 lên cấp 2 là Q.11 và H.Cần Giờ, 1 quận tăng từ cấp 2 lên cấp 3 là Q.4). Có 1 quận giảm cấp độ dịch so với tuần trước là Q.Tân Phú, giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.

UBND TP.HCM đề nghị các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương căn cứ cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và trên địa bàn phụ trách.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tiêu chí tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần trên địa bàn là 107,3 ca, nằm trong ngưỡng 50-150 ca, tương ứng với mức độ 3.

Về tỷ lệ độ bao phủ vắc xin, tính đến hết ngày 2.12, tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn là 100% (đạt mức trên 70%). Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 là 98,47%.

Bên cạnh đó, TP.HCM đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu (ICU) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc thành phố (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ 4. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức xây dựng kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và có kế hoạch cung cấp ô xy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Học sinh TP.HCM sẽ kiểm tra học kỳ 1 theo cấp độ dịch Covid-19

Ngày 6.12, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra những quy định cụ thể về việc kiểm tra học kỳ 1 vào tháng 1.2022.

Học sinh TP.HCM sẽ kiểm tra học kỳ 1 theo cấp độ dịch Covid-19

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quy định vào thời gian tổ chức kiểm tra cuối kỳ, đối với các trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 1, 2, 3 và học sinh đã đi học trực tiếp thì tổ chức kiểm tra trực tiếp.

Nếu nhà trường ở địa bàn được xác định dịch cấp độ 4 và học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức trực tuyến.

Riêng những học sinh thuộc diện F0 mắc Covid-19, học sinh vì cách ly, giãn cách xã hội … không thể tham gia kiểm tra cuối kỳ từ ngày 10.1.2022 - 22.1.2022, Sở GD-ĐT đề nghị nhà trường xem xét cho thực hiện kiểm tra, đánh giá bổ sung sau khi đã thực hiện các biện pháp dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức phù hợp, trao đổi với phụ huynh, thông báo cho học sinh. Việc kiểm tra bổ sung hoàn thành trước ngày 28.2.2022.

Trước khi kiểm tra, nhà trường cần rà soát, đánh giá hiệu quả việc tổ chức dạy học; tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho học sinh khi bắt đầu dạy học trực tiếp trở lại. Các trường có tổ chức dạy học tích hợp bố trí thời lượng dạy học trực tiếp cho các môn học tích hợp nhằm củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trước khi thực hiện kiểm tra cuối kì và đáp ứng chuẩn đầu ra theo yêu cầu kiểm tra đánh giá của chuẩn quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (các dạng như: tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi…) là do hiệu trưởng quyết định sau khi bàn bạc, thống nhất với tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định.

Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình học kỳ 1 và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu lưu ý Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu nhà trường không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết nhà trường cũng không kiểm tra các nội dung phải thực hiện tinh giản và các nội dung hướng dẫn học sinh tự học. Nội dung đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin thêm riêng đối với lớp 6, thời gian làm bài kiểm tra đối với môn học có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút…

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nhấn mạnh việc tổ chức kiểm tra học kỳ 1 phải tuân thủ các quy định về an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Hàng ngàn học sinh lớp 1 ở TP.HCM đang nhiễm Covid-19

Chuẩn bị trở lại trường nhưng theo thống kê mới đây của Sở GD-ĐT TP.HCM có gần 3.000 học sinh lớp 1 đang nhiễm Covid-19, gần 1.500 em đang phải cách ly, và 5.651 em đang ở tỉnh chưa về lại thành phố…

Chuẩn bị trở lại trường, hàng ngàn học sinh lớp 1 ở TP.HCM đang nhiễm Covid-19

Cụ thể, theo số liệu do Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê thông qua việc khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh về tình trạng của học sinh lớp 1 và việc đi học lại, hiện có tới 2.781 học sinh đang bị nhiễm bệnh, trong đó nhiều nhất là ở TP.Thủ Đức với 662 em; huyện Hóc Môn là 331 em, quận 12 là 287 em…

Số liệu này do Sở GD-ĐT TP.HCM thống kê thông qua việc khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh về tình trạng của học sinh lớp 1 và ý kiến về việc đi học lại.

Đặc biệt, một trường tiểu học ở Hóc Môn có tới 93 em đang nhiễm Covid-19, hai trường khác ở TP.Thủ Đức thì có tới 59 và 53 em nhiễm bệnh. Còn ở quận 12 và quận Bình Tân, rất nhiều trường có trên 30 học sinh lớp 1 đang nhiễm bệnh…

Số học sinh đang cách ly cũng tập trung nhiều ở những địa phương có số lượng học sinh đông như TP.Thủ Đức với 366 em, quận Tân Bình 105 em, quận Bình Tân 103 em…

Ngoài hàng nghìn học sinh đang nhiễm bệnh hoặc phải cách ly thì còn có tới 5.651 học sinh lớp 1 ở TP.HCM đang ở tỉnh chưa về lại thành phố. Số học sinh này trước đó đã theo người thân về quê hoặc được cha mẹ gửi về nhà ông bà chăm sóc khi TP.HCM liên tục giãn cách, trường học phải đóng cửa.

Trong số đó nhiều em theo học tạm tại các trường ở địa phương đang cư trú, cũng có em theo học trực tuyến từ xa.

Trong đó, TP.Thủ Đức có số học sinh đang ở tỉnh cao nhất với 1.103 em, quận Bình Tân có 661 em, quận Phú Nhuận 460 em…

Trước đó, theo kế hoạch công bố ngày 1.12 của UBND TP.HCM, học sinh lớp 1, lớp 9 và 12 sẽ quay trở lại trường học trực tiếp từ ngày 13.12. Sau đó một tuần, bậc mầm non lứa học sinh lớp lá (5 tuổi) cũng được đến trường.

Trước khi mở cửa trường học trở lại, các trường bậc mầm non, tiểu học đã thăm dò, lấy ý kiến của phụ huynh. Tuy nhiên tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con đi học lại trong thời điểm này rất thấp, thậm chí nhiều trường không phụ huynh nào đồng ý.

Mỹ phát hiện biến thể Omicron ở nhiều bang, chuyên gia lạc quan

Ngày 5.12, các quan chức y tế Mỹ cho biết biến thể Omicron đã được phát hiện tại ⅓ tổng số tiểu bang của Mỹ. Tuy nhiên nhiều chuyên gia y tế vẫn tỏ ra lạc quan.

Mỹ phát hiện biến thể Omicron ở nhiều bang, chuyên gia vẫn lạc quan

Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy khẳng định chính phủ Tổng thống Joe Biden đã chuẩn bị để đối đầu biến thể mới của virus gây Covid-19:

“Tổng thống đã thông báo các biện pháp mạnh mẽ hơn để mở rộng chương trình tiêm liều tăng cường. Chúng tôi đã gửi hàng triệu lời nhắc đến người lớn tuổi, nhiều cuộc hẹn được đặt tại các tiệm thuốc và thành lập hàng trăm phòng khám gia đình để trẻ em và người lớn có thể đi tiêm cùng nhau. Ngoài ra, khả năng xét nghiệm cũng được mở rộng, 50 triệu bộ xét nghiệm miễn phí đã được đính kèm trong gói bảo hiểm tư nhân để xét nghiệm bắt đầu từ tháng 1”.

Trong khi đó, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ, tỏ ra lạc quan về biến thể mới. Ông cho biết đến nay, dường như biến thể Omicron “không làm mức độ bệnh nghiêm trọng hơn”. Tuy nhiên ông vẫn lưu ý rằng hiện là quá sớm để đưa ra kết luận chắc chắn và cần thêm thời gian nghiên cứu.

Cựu Ủy viên FDA Scott Gottlieb đồng ý rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron, một phần là vì ngoài Nam Phi, phần lớn dữ liệu về ca nhiễm biến thể Omicron là những người đã từng nhiễm biến thể Delta.

"Chúng tôi không biết liệu biến thể mới này có ít độc lực hơn hay không, vì vậy nó là một chủng vừa phải hơn - nó không khiến bệnh nặng hơn - hoặc liệu nó có biểu hiện như vậy chỉ đơn giản là vì nó lây nhiễm cho những người đã có sẵn một số khả năng miễn dịch do đã từng nhiễm Covid-19. Vì vậy, họ bị nhiễm bệnh, nhưng không quá nặng", ông Gottlieb cho biết.

Phần lớn các nhiễm Covid-19 ở Mỹ đến nay là những người đã được tiêm ngừa đầy đủ, và chỉ mắc triệu chứng nhẹ. Dữ liệu tiêm tăng cường ở các bệnh nhân Covid-19 tại Mỹ chưa được báo cáo. Trong 7 ngày qua, Mỹ ghi nhận trung bình 119.000 ca nhiễm mới và gần 1.300 ca tử vong mỗi ngày.

Nguồn gốc biến thể Omicron vẫn còn bí ẩn

Vào đầu tháng 11, các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm Lancet ở thủ đô Pretoria của Nam Phi đã tìm thấy những đặc điểm bất thường trong các mẫu xét nghiệm virus corona.

Nguồn gốc biến thể Omicron vẫn còn bí ẩn

Về cơ bản, một gien trong cấu hình bình thường của bộ gien virus đã bị thiếu. Các xét nghiệm PCR đã không tìm ra một trong những mục tiêu họ cần tìm, một tín hiệu cho thấy có điều gì đó của virus đã thay đổi.

Chỉ vài ngày sau đó, hiện tượng tương tự cũng được báo cáo tại Khoa Bệnh học Phân tử của Lancet ở Johannesburg (Nam Phi). Tiến sĩ Allison Glass, nhà nghiên cứu bệnh học của Lancet, cho biết phát hiện này xuất hiện khi tỷ lệ ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở các vùng của Nam Phi.

Ba tuần sau, thứ mà các nhà khoa học Nam Phi phát hiện đã được cả thế giới biết đến với cái tên là Omicron, một biến thể mới của virus corona.

Nguồn gốc bí ẩn

Hiện vẫn chưa rõ Omicron xuất hiện ở đâu, khi nào và "bệnh nhân số 0" là ai. Các ca bệnh đầu tiên được phát hiện và xác định ở Botswana và Nam Phi.

Chẳng hạn, ngày 11.11, 4 người nước ngoài rời Botswana đã được phát hiện dương tính với Covid-19, và mẫu của họ sau đó đã giúp hé lộ biến thể Omicron.

Cũng vào ngày 11.11, một người trở về nhà ở Hồng Kông sau chuyến đi 20 ngày đến Nam Phi. Hai ngày sau, khi đang cách ly, anh được phát hiện dương tính và xác định trình tự gien cho thấy biến thể Omicron.

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi, John Nkengasong, nhấn mạnh: "Việc xác định một loại virus, một chủng mới hoặc biến thể mới tại một nơi không có nghĩa nơi đó là nguồn gốc".

Cố gắng truy tìm nguồn gốc của Omicron có thể là vô ích nếu nó đã lưu hành một thời gian đủ dài. Một số nhà khoa học tin rằng biến thể Omicron có thể đã xuất hiện sớm hơn rất nhiều so với thời điểm được công bố, có thể là đầu tháng 10.

Bên cạnh đó, ngoài những trường hợp nhiễm biến thể Omicron có liên quan đến miền nam châu Phi, một số ca nhiễm khác lại không có mối liên hệ nào với khu vực này.

Chẳng hạn như một người phụ nữ Bỉ đã đến Ai Cập qua Thổ Nhĩ Kỳ. Người này về đến nhà vào hôm 11.11 và có kết quả dương tính với biến thể 10 ngày sau đó.

Một số trường hợp khác được báo cáo tại Canada có liên quan đến du khách từ Nigeria ở Tây Phi, trong khi một ca nhiễm được ghi nhận ở Ả Rập Xê Út hôm 1.12 là một người từ Bắc Phi.

Một bác sĩ người Israel có kết quả dương tính với chủng Omicron sau khi tham dự hội nghị ở London, nhưng lại chưa từng đi qua Nam Phi.

Tại Scotland, 9 ca mắc được ghi nhận đến ngày 30.11 đều không ra nước ngoài và tất cả đều cùng tham dự một sự kiện vào ngày 20.11. Giới chức Scotland nhận định điều này cho thấy có một cộng đồng lây nhiễm biến thể Omicron trong nước.

Còn tại Hà Lan đã phát hiện biến thể Omicron trong các mẫu lấy từ ngày 19-23.11.

Các trường hợp trên cho thấy Omicron đã lưu hành tại châu Âu có lẽ từ đầu tháng 11. Như vậy, vẫn chưa thể khẳng định chủng Omicron có thực sự xuất phát từ miền nam châu Phi hay không.

Nhiễm biến thể Omicron: diễn tiến nhanh và ít gây bệnh nặng

Chủng Omicron hiện đã có mặt ở ít nhất 38 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dữ liệu lâm sàng ban đầu cho thấy biến thể này có vẻ ít gây bệnh nặng hơn so với những biến thể trước đó của virus gây Covid-19.

Nhiễm biến thể Omicron: diễn tiến nhanh và ít gây bệnh nặng

Hôm 5.12, Trang tin y tế STAT của Mỹ dẫn kết quả báo cáo của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi (SAMRC) cho biết đa số bệnh nhân nhập viện ở tỉnh Gauteng (nơi ghi nhận những ca nhiễm chủng Omicron đầu tiên của Nam Phi) đều có biểu hiện nhẹ.

Phần lớn trong số này đều không cần thở oxy, ít người bị viêm phổi hoặc cần chăm sóc ở mức độ cao hơn. Số người cần điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt không nhiều.

Cũng theo báo cáo, nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bất thường nào về hô hấp. Thời gian lưu viện trung bình của họ là gần 3 ngày, ngắn hơn so với mức trung bình 8,5 ngày ở khu vực này trong 18 tháng qua.

Báo cáo dựa trên kết quả phân tích 42 bệnh nhân đang được điều trị tại các bệnh viện ở Gauteng trong ngày 2.12. Đa số họ đều nhập viện vì lý do khác và chỉ được phát hiện dương tính với Covid-19 sau khi bệnh viện tiến hành xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân.

Giới chuyên gia cũng tỏ ra cẩn trọng trong quá trình phân tích và rút ra kết luận sơ bộ, một phần do báo cáo được thực hiện trên một số ít bệnh nhân.

Trước đó, trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19, Maria van Kerkhove, hôm 1.12 cho hay sẽ có dữ liệu khả năng lây truyền của Omicron trong vài ngày tới.

Chuyên gia về vắc xin của Anh, bà Kate Bingham, cũng nói rằng giới khoa học sẽ biết về mức độ hiệu quả của vắc xin trong việc chống lại biến thể Omicron trong một tuần tới.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 6.12 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.