Bản tin Covid-19 ngày 8.3: Cả nước 194.815 ca | Gần 1 triệu người chờ giấy xác nhận F0
Bản tin Covid-19 ngày 8.3 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.
Tự động phát
Bản tin Covid-19 ngày 8.3 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:
Công bố 194.815 ca Covid-19, 70.902 ca khỏi
Bản tin Bộ Y tế ngày 8.3.2022 cho biết tính từ 16h ngày 7.3 đến 16h ngày 8.3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 162.435 ca nhiễm mới. Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 32.380 ca. Như vậy, tổng số ca nhiễm được công bố là 194.815 ca.
Trong ngày có 70.902 ca được công bố khỏi bệnh.
Bản tin cũng thông báo về 86 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.977 ca.
Ngày 8.3: Công bố 194.815 ca Covid-19, 70.902 ca khỏi | Hà Nội 32.650 ca | TP.HCM 1.500 ca |
Thông tin về 194.815 ca vừa được công bố như sau:
- 20 ca nhập cảnh.
- 162.415 ca ghi nhận trong nước (tăng 15.080 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 104.353 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (32.650), Nghệ An (15.292), Bắc Ninh (10.731), Phú Thọ (4.882), Sơn La (4.368), Hưng Yên (4.014), Hòa Bình (3.878), Hải Phòng (3.871), Nam Định (3.839), Hải Dương (3.676), Cà Mau (3.428), Tuyên Quang (3.298), Lạng Sơn (3.224), Bình Dương (3.131), Vĩnh Phúc (2.926), Quảng Ninh (2.906), Đắk Lắk (2.818), Điện Biên (2.808), Thái Nguyên (2.746), Lào Cai (2.715), Bắc Giang (2.697), Ninh Bình (2.605), Thái Bình (2.468), Hà Nam (2.385), Cao Bằng (2.364), Khánh Hòa (2.359), Hà Giang (2.150), Yên Bái (2.089), Quảng Bình (2.077), Lai Châu (1.980), Bình Phước (1.979), Đà Nẵng (1.905), Bình Định (1.864), Quảng Trị (1.514), TP.HCM (1.500), Lâm Đồng (1.315), Thanh Hóa (1.284), Tây Ninh (1.166), Bà Rịa - Vũng Tàu (1.062), Đắk Nông (889), Hà Tĩnh (848), Trà Vinh (836), Bến Tre (827), Phú Yên (807), Bình Thuận (716), Vĩnh Long (627), Quảng Ngãi (513), Kon Tum (357), Quảng Nam (327), Bạc Liêu (316), Bắc Kạn (307), Thừa Thiên-Huế (262), Đồng Nai (184), Cần Thơ (180), Kiên Giang (131), Long An (130), An Giang (54), Đồng Tháp (47), Sóc Trăng (44), Ninh Thuận (27), Hậu Giang (17), Tiền Giang (5).
- Ngày 8.3.2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 32.380 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Gia Lai (-2.363), TP.HCM (-620), Bình Dương (-513).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+5.139), Hải Phòng (+2.924), Bắc Ninh (+2.858).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 134.041 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 4.776.873 ca nhiễm, đứng thứ 21/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 48.357 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.769.355 ca, trong đó có 2.786.525 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (554.540), Hà Nội (460.001), Bình Dương (318.635), Bắc Ninh (194.520), Quảng Ninh (131.222).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 70.902 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.789.342 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.258 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 3.319 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 479 ca
- Thở máy không xâm lấn: 110 ca
- Thở máy xâm lấn: 343 ca
- ECMO: 7 ca
Từ 17h30 ngày 7.3 đến 17h30 ngày 8.3 ghi nhận 86 ca tử vong gồm:
- Tại TP.HCM (2) trong đó 1 ca từ Đồng Nai chuyển đến.
- Tại các tỉnh, thành phố khác: Hải Dương (7), Bắc Giang (6 ca trong 2 ngày), Bình Định (6 ca trong 2 ngày), Đà Nẵng (4), Hà Giang (4), Hà Nội (4), Hòa Bình (4), Nam Định (4 ca trong 2 ngày), Quảng Ninh (4), Kiên Giang (3), Ninh Bình (3), Phú Thọ (3), Phú Yên (3 ca trong 2 ngày), Quảng Bình (3), An Giang (2), Bạc Liêu (2), Đắk Lắk (2), Gia Lai (2), Hà Tĩnh (2), Nghệ An (2), Quảng Trị (2), Thanh Hóa (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Kạn (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Điện Biên (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Yên Bái (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 91 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.977 ca, chiếm tỉ lệ 0,9% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện được 34.744.084 mẫu tương đương 80.574.910 lượt người
Trong ngày 7.3 có 314.067 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 198.255.931 liều, trong đó:
- Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 181.220.810 liều: Mũi 1 là 70.865.996 liều; Mũi 2 là 67.698.132 liều; Mũi 3 là 1.501.013 liều; Mũi bổ sung là 14.285.241 liều; Mũi nhắc lại là 26.870.428 liều.
- Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.035.121 liều: Mũi 1 là 8.744.389 liều; Mũi 2 là 8.290.732 liều.
Ngày 8.3, chị em Sài Gòn tấp nập đi lựa áo dài miễn phí
10 giờ sáng 8.3.2022, chương trình “Áo dài 0 đồng” của chị Đoàn Thị Trúc Linh (43 tuổi, chủ tiệm Áo dài Hải Triều) nằm trên đường Đặng Văn Bi (P. Bình Thọ, TP. Thủ Đức) mới bắt đầu nhưng từ sớm, đã có nhiều người có mặt để lựa những bộ áo dài phù hợp.
Ngày 8.3, chị em Sài Gòn tấp nập đi lựa áo dài miễn phí |
Ý tưởng này được bà chủ đời thứ 2 tiệm áo dài Hải Triều nghĩ ra cách đây 2 năm sau khi thấy nhiều khách hàng của mình chia sẻ thường diện áo dài vài lần rồi may mới. Đi nhiều nơi, thấy nhiều chị em khó khăn chưa có được một bộ áo dài, chị Trúc Linh tìm cách kết nối họ lại để phụ nữ xung quanh mình đều được mặc trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.
Sáng 8.3, chị Thùy Dương (Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường Trường Thọ) cũng mang thêm 35 bộ Áo dài đến để đóng góp cho gian hàng 0 đồng.
Hơn 300 bộ áo dài được làm mới, là ủi cẩn thận rồi treo gọn gàng trên kệ. Gian hàng 0 đồng nhưng mẫu mã rất đa dạng, phong phú về kiểu dáng và màu sắc khiến ai đến lựa cũng thích mắt.
Mỗi người được nhận 1 bộ đồ mà yêu thích mà không phải thanh toán. Đồng thời, gian hàng cũng có giày dép, túi xách 0 đồng cho chị em mê áo dài.
“Áo dài 0 đồng” là chương trình cộng đồng mà bà chủ tiệm áo dài Hải Triều muốn duy trì xuyên suốt từ bây giờ cho tới sau này. Niềm hạnh phúc của bà chủ tiệm áo dài 20 năm chính là được thấy càng nhiều chị em phụ nữ mặc áo dài càng tốt, bởi theo chị Trúc Linh, phụ nữ Việt chỉ cần diện áo dài lên đã thấy xinh đẹp.
Chen lấn xin “giấy xác nhận F0” để hưởng bảo hiểm xã hội
Ngày 7.3.2022, tại trạm y tế lưu động trên đường Âu Cơ (thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) ngay từ đầu giờ sáng cho đến trưa, hàng trăm người dân xếp hàng, chen lấn để nộp thủ tục xin giấy xác nhận F0 từng mắc Covid-19. Đa phần những người xếp hàng xin giấy xác nhận F0 đều là công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Hòa Khánh.
Chen lấn xin “giấy xác nhận F0 Covid-19”để hưởng bảo hiểm xã hội |
Đã có nhiều trường hợp chờ vài tiếng đồng hồ, khổ sở để được xét nghiệp và xin giấy xác nhận đã hoàn thành điều trị Covid-19. Theo các công nhân, theo quy định của công ty khi nghỉ việc điều trị Covid-19 phải được chứng minh bằng giấy xác nhận của trạm y tế địa phương, bên cạnh đó một số người xin giấy xác nhận F0 để làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sang, thuộc Trạm y tế lưu động, cho biết mặc dù nhân viên y tế đã được tăng cường thêm, chia làm 2 ca trong ngày nhưng phần lớn người dân đến xin giấy tập trung vào buổi sáng, trưa nên xảy ra tình trạng đông đúc. Theo bác sĩ Sang, hầu hết mọi người đều cách ly trên 7 ngày, có người cách ly đến 14 ngày thường có tâm lý nôn nóng, muốn được sớm ra ngoài nên họ thường đến trạm vào buổi sáng, khiến nhân viên y tế làm việc ở cường độ cao, công việc xử lý không kịp dẫn đến tình trạng quá tải.
Tại Trạm Y tế lưu động số 2 trên đường Bàu Mạc 18, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, cũng rơi vào tình trạng “vỡ trận” vì quá đông người dân xếp hàng dài đứng chờ đợi làm thủ tục cấp giấy xác nhận F0.
Ở khu vực gần bên, nhiều người mang theo que test nhanh để làm xét nghiệm xác định mắc Covid-19.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng những ngày qua số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, có ngày lên đến 2.000 ca dương tính Covid-19.
Sau khi hoàn thành điều trị và cách ly F0 tại nhà, người dân đã tập trung đến trạm y tế lưu động ở địa phương để xin giấy xác nhận gây nên tình trạng xếp hàng dài, chen lấn, nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.
Ông Trần Viết Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, cho biết địa bàn quận có 20 trạm y tế lưu động. Trước tình hình nhiều người đến lấy giấy xác nhận cách ly, điều trị F0 tại nhà trong thời gian qua, ngành y tế quận được hỗ trợ 50 sinh viên và phân bổ về các trạm y tế lưu động.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, trước số lượng ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng đạt mức cao đột biến, Sở đã có văn bản chỉ đạo đề nghị các trung tâm y tế quận, huyện tăng cường thêm nhân lực cho các trạm y tế để hỗ trợ điều trị các F0, đồng thời tạo thuận lợi cho việc xử lý các thủ tục giấy tờ liên quan.
Đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng BHXH
Trước tình trạng người dân đang gặp rất nhiều khó khăn để xin giấy xác nhận F0, Bộ Y tế vừa có văn bản đề xuất Thủ tướng về giải quyết các vướng mắc chi trả chế độ nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người bệnh mắc Covid-19, đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ này.
Đề xuất công nhận 7 loại giấy tờ để F0 Covid-19 được hưởng BHXH |
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết theo thống kê sơ bộ, tính đến ngày 1.3.2022, cả nước có khoảng 920.000 F0 điều trị tại nhà và có nhu cầu cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ, trong đó có chế độ nghỉ hưởng BHXH.
Tại một số địa phương, nhiều người lao động mắc Covid-19 tự điều trị tại nhà đang gặp rất nhiều khó khăn khi xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm căn cứ hưởng chế độ ốm đau, vì thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian.
Theo quy định hiện hành, việc cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện. Người lao động khi bị Covid-19 đa số chỉ được cấp Giấy xác nhận hoàn thành cách ly hoặc hoàn thành điều trị Covid-19 tại nhà do chính quyền địa phương cấp hoặc trạm y tế cấp xã cấp.
Người lao động không thể sử dụng giấy xác nhận này để tiến hành các thủ tục hưởng BHXH, vì vậy các trường hợp bị F0 chưa được thanh toán chế độ ốm đau chủ yếu là các trường hợp mắc Covid-19 cách ly điều trị tại nhà.
Mặt khác, do số lượng người dân bị Covid-19 có nhu cầu đến trạm y tế xin giấy chứng nhận mắc Covid-19 rất lớn dẫn đến hệ thống y tế cơ sở ở nhiều nơi đang bị quá tải, các nhân viên y tế dang phải làm việc với cường độ rất cao nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu.
Ở một số nơi (đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố đang có số ca mắc cao), F0 điều trị tại nhà phải xếp hàng, tốn nhiều thời gian để được cấp giấy này.
Nhiều người đang là F0 nhưng vẫn tự mình đến trạm y tế để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, do đó nguy cơ gây lây lan bệnh dịch bệnh. Đây là vấn đề đã được nhiều địa phương phản ánh đến Bộ Y tế đề nghị cần có hướng dẫn để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động mắc Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, số lượng người lao động mắc và nhu cầu cần được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH ngày tăng cao, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đồng thời cũng phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Bộ Y tế đã phối hợp Bộ LĐ-TB-XH, BHXH Việt Nam và các đơn vị có liên quan đang khẩn trương nghiên cứu, rà soát nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế hướng dẫn để đưa vào dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017.
Trước mắt ưu tiên sửa đổi, bổ sung các nội dung để giải quyết các vướng mắc liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đối với người lao động bị mắc Covid-19 và các vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện Thông tư số 56/2017.
Theo quy định tại điều 100 Luật BHXH, hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người mắc Covid-19 có hai giấy tờ gồm:
- Bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với người lao động hoặc con của người lao động điều trị nội trú.
- Trường hợp người lao động hoặc con của người lao động điều trị ngoại trú phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Thực tế F0 điều trị tại nhà, không thể đến cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Luật BHXH và Thông tư 56/2017. Những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà chỉ có các giấy tờ sau:
- Quyết định cách ly tại nhà do chính quyền địa phương cấp.
- Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly do chính quyền địa phương cấp.
- Giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR ) có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 do các cơ sở y tế cấp.
- Giấy xác nhận bị mắc Covid-19 của Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động, Tổ Covid-19 cộng đồng; y tế cơ quan/doanh nghiệp.
- Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do Trạm y tế xã, Trạm y tế lưu động cấp nhưng cấp lùi lại thời gian trước đó người lao động đã nghỉ việc để điều trị Covid-19 tại nhà.
- Quyết định phê duyệt danh sách hoàn thành cách ly y tế tập trung.
- Phiếu xác nhận đã điều trị Covid-19 của các bệnh viện dã chiến.
Tại tờ trình, Bộ Y tế cho biết đối chiếu với quy định của các văn bản Luật thì 7 loại giấy tờ nêu trên chưa được quy định trong Luật BHXH, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Văn bản luật có liên quan khác. Vì vậy, Bộ Y tế chưa có cơ sở pháp lý để đưa vào hướng dẫn trong Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 56/2017.
Ðể giải quyết những vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, giảm thủ tục hành chính, giải quyết kịp thời chế độ BHXH cho người lao động, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phù hợp với bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng hai nội dung, cụ thể như sau:
Cho phép Bộ Y tế áp dụng quy định tại Điều 146 Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật đối với Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Bộ Y tế đề xuất Chính phủ ban hành nghị quyết công nhận 7 loại giấy tờ vừa nêu có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, để BHXH làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động mắc Covid-19.
Trong trường hợp không ban hành nghị quyết, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ giao thẩm quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế được phép công nhận 7 loại giấy tờ vừa nêu có giá trị như giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH và quy định mẫu, thẩm quyền cấp 7 loại giấy tờ vào thông tư sửa đổi bổ sung thông tư số 56/2017.
Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 8.3 của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)