Bản tin Covid-19 ngày 9.2: Cả nước 23.956 ca nhiễm | TP.HCM ghi nhận cột mốc lịch sử trong dịch bệnh

09/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid -19 ngày 9.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 9.2.2022 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước 23.956 ca Covid-19, 69.825 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 9.2.20211 cho biết, tính từ 16h ngày 8.2 đến 16h ngày 9.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, 69.825 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 93 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.614 ca.

Ngày 9.2: Cả nước 23.956 ca Covid-19, 69.825 ca khỏi | Hà Nội 2.949 ca | TP.HCM 219 ca

Thông tin về 23.956 ca nhiễm mới như sau:

  • 3 ca nhập cảnh
  • 23.953 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.052 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 16.608 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.949), Nghệ An (1.900), Hải Phòng (1.295), Bắc Ninh (1.246), Hải Dương (1.120), Hà Tĩnh (1.019), Thanh Hóa (988), Nam Định (938), Đà Nẵng (925), Vĩnh Phúc (853), Bình Định (809), Phú Thọ (800), Thái Nguyên (527), Ninh Bình (500), Bắc Giang (499), Thái Bình (450), Quảng Bình (423), Lào Cai (419), Quảng Nam (417), Lâm Đồng (357), Quảng Trị (333), Bình Phước (312), Sơn La (291), Quảng Ninh (283), Thừa Thiên Huế (275), Hưng Yên (259), Tuyên Quang (259), Đắk Lắk (234), Khánh Hòa (232), Hà Nam (219), TP.HCM (219), Gia Lai (215), Quảng Ngãi (200), Phú Yên (198), Đắk Nông (187), Cà Mau (187), Kon Tum (169), Yên Bái (154), Cao Bằng (131), Bà Rịa - Vũng Tàu (124), Lạng Sơn (115), Hà Giang (115), Lai Châu (91), Bình Thuận (91), Vĩnh Long (88), Bạc Liêu (82), Điện Biên (77), Bến Tre (72), Bắc Kạn (62), Bình Dương (32), Tây Ninh (31), Trà Vinh (26), Đồng Tháp (21), Long An (20), Cần Thơ (19), Đồng Nai (19), Hòa Bình (18), Kiên Giang (16), Hậu Giang (16), Ninh Thuận (12), An Giang (8 ), Tiền Giang (7).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hòa Bình (-926), Hải Dương (-125), Thái Nguyên (-122).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Tĩnh (+720), Hải Phòng (+465), Bắc Ninh (+349).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 15.584 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.404.651 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.353 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.397.530 ca, trong đó có 2.193.785 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.868), Bình Dương (293.032), Hà Nội (156.848), Đồng Nai (99.984), Tây Ninh (88.637).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 69.825 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.196.602 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.771 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.977 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 369 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 72 ca
  • Thở máy xâm lấn: 335 ca
  • ECMO: 18 ca

Từ 17h30 ngày 8.2 đến 17h30 ngày 9.2 ghi nhận 93 ca tử vong, gồm: Tại TP.HCM (3) là các bệnh nhân từ các tỉnh khác chuyển đến: Long An (2), Bình Phước (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (17), Cần Thơ (6), Hải Phòng (5), Bến Tre (4), Kiên Giang (4), Quảng Nam (4), Vĩnh Long (4), Bà Rịa - Vũng Tàu (3), Đà Nẵng (3), Đồng Tháp (3), Nam Định (3), Bình Phước (2), Bình Thuận (2), Đồng Nai (2), Gia Lai (2), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Lâm Đồng (2), Quảng Bình (2), Tuyên Quang (2), Bắc Giang (1), Bắc Kạn (1), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Hà Giang (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Nghệ An (1), Phú Thọ (1), Quảng Ninh (1), Quảng Trị (1), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Tiền Giang (1), Vĩnh Phúc (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 94 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.614 ca, chiếm tỉ nlệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.432.049 mẫu tương đương 77.450.281 lượt người.

Trong ngày 8.2 có 528.200 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 183.729.446 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.154.392 liều, tiêm mũi 2 là 74.430.220 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 30.144.834 liều.

48 tỉnh, thành phố đang là "vùng xanh" Covid-19

Cập nhật cấp độ dịch của Bộ Y tế đến 12 giờ ngày 9.2.2022 cho thấy số tỉnh, thành “vùng xanh”- cấp độ 1 về dịch Covid-19 đã tăng lên 48 địa phương; 15 tỉnh, thành còn lại là “vùng vàng”- cấp độ 2. Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là “vùng cam” và “vùng đỏ”.

Như vậy so với cập nhật cách đây 4 ngày, số tỉnh, thành là “vùng xanh” đã tăng lên 7 địa phương (thời điểm ngày 6.2 chỉ có 41 tỉnh, thành thuộc “vùng xanh”) và số “vùng vàng” giảm xuống 7 địa phương (22 tỉnh, thành vào ngày 6.2).

Về tỉ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là “vùng xanh” với 8.106 xã, phường là “vùng xanh”, chiếm 76,4%.

Có 2.137 xã, phường thuộc “vùng vàng”, chiếm 22,2%.

Có 327 xã, phường là “vùng cam”, chiếm 3,1% (giảm 133 xã, phường so với ngày 6.2).

48 tỉnh, thành phố đang là "vùng xanh" Covid-19

Đến nay, cả nước chỉ còn 34 xã, phường thuộc “vùng đỏ”, chiếm 0,3% (cao hơn 8 xã, phường so với đánh giá ngày 6.2).

Danh sách 48 tỉnh, thành thuộc “vùng xanh”- cấp độ 1 về dịch Covid-19 như sau:

Phía Bắc có 21 tỉnh, thành gồm: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.

Miền Trung và Tây Nguyên có 11 tỉnh gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Gia Lai

Phía Nam có 16 tỉnh, thành gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP.HCM, Trà Vinh.

Đánh giá mới nhất ngày 5.2 của Sở Y tế TP.HCM tuần lễ từ ngày 28.1 đến ngày 3.2 cho thấy dựa trên 3 tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và tiêu chí đảm bảo khả năng chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng, cấp độ dịch của thành phố hiện đang ở cấp độ 1.

Như vậy, đây là tuần thứ 5 liên tiếp TP.HCM được đánh giá mức độ dịch Covid-19 ở cấp độ 1. Đáng chú ý, tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đều có dịch ở cấp độ 1 và không có địa phương thay đổi cấp độ dịch so với tuần trước

Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn có 310/312 địa phương đạt cấp độ 1, chỉ có 2 địa phương đạt cấp độ 2; so với tuần trước, đã có 2 phường, xã giảm cấp độ dịch.

Tại Hà Nội, kết quả đánh giá cập nhật đến 9 giờ ngày 4.2 cho biết so với tuần trước đó, số lượng “vùng xanh” tăng lên, còn số lượng “vùng cam”, “vùng vàng” giảm xuống.

Theo đánh giá cấp độ dịch quy mô xã, phường, thị trấn (dựa theo Quyết định số 218 của Bộ Y tế) đến ngày 4.2, thành phố Hà Nội có 541 đơn vị đạt cấp độ 1 (tăng 24 đơn vị so với tuần trước đó), 29 đơn vị đạt cấp độ 2 (giảm 20 đơn vị), 9 đơn vị đạt cấp độ 3 (giảm 4 đơn vị) và không có địa bàn nào cấp độ 4.

15 tỉnh, thành thuộc “vùng vàng”- cấp độ 2 về dịch Covid-19 gồm: Bình Phước, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hoá, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Theo quy định, “vùng xanh” sẽ được nới lỏng nhiều dịch vụ và “vùng cam” phải hạn chế một số hoạt động.

Như vậy, với số tỉnh, thành “vùng xanh” tăng lên và không còn tỉnh, thành nào thuộc “vùng cam”, hoạt động kinh tế - xã hội trên cả nước sẽ được mở cửa nhiều hơn.

Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 218 ngày 27.1.2022 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ để tổ chức các biện pháp đáp ứng dịch phù hợp, làm cơ sở triển khai các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với Nghị quyết số 128 và tình hình dịch bệnh.

Dân văn phòng tấp nập đi chùa Ngọc Hoàng cầu vía thần tài sớm

Trưa 9.2.2022 (tức mùng 9 tháng Giêng), nhiều người dân đã đến chùa Ngọc Hoàng (Q.1, TP.HCM) đi cầu vía thần tài, trong đó không ít người là dân văn phòng tranh thủ giờ nghỉ trưa đến chùa cầu may mắn, tài lộc ngày đầu năm

Anh Phạm Minh Tuấn cùng đồng nghiệp làm việc tại một văn phòng trên đường Vũ Tông Phan (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đến chùa Ngọc Hoàng vào khoảng 11 giờ trưa ngày 9.2.

Dân văn phòng tấp nập đi chùa Ngọc Hoàng cầu vía thần tài sớm

Đã thành thông lệ, cứ đến dịp này, anh lại đi chùa Ngọc Hoàng để xin vía tài lộc cho công việc được thuận lợi. Những tưởng đi vào giờ trưa sẽ bớt đông, anh Tuấn và đồng nghiệp vẫn phải nhích từng bước mới có thể xin được lộc đầu năm bên trong chùa.

Dân văn phòng tranh thủ giờ trưa để đi chùa xin vía thần tài đầu năm

lê nam

Hòa chung dòng người đông đúc trưa 9.2, không chỉ có anh Tuấn mà còn rất nhiều người là dân văn phòng các Q.1, Q.Bình Thạnh,… tranh thủ đến chùa Ngọc Hoàng để xin vía.

"Sáng nay cũng phải đi làm, nhớ ra hôm nay ngày vía thần tài nên cũng xin mấy sếp cho đi, mấy sếp cũng hiểu cũng nhẹ nhàng vấn đề đó, không có gì căng thẳng", anh Hải nói.

Anh Phạm Minh Tuấn cùng đồng nghiệp làm việc tại một văn phòng trên đường Vũ Tông Phan (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đến chùa Ngọc Hoàng vào khoảng 11 giờ trưa ngày 9.2.

Lê nam

Chùa Ngọc Hoàng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Huyền Thiên Bắc Đế tại chính điện. Bên cạnh đó còn có cả Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát và các thần linh quen thuộc trong tín ngưỡng dân gian của người Hoa như Thiên Lôi, Thổ Địa, Táo Quân, Hà Bá, Thái Tuế, Nữ Oa Thánh Mẫu…

Vào dịp vía thần tài mùng 10 tháng Giêng âm lịch, người dân và du khách ghé chùa Ngọc Hoàng thường dâng mâm lễ, nhang hương lên các vị thần nhằm cầu mong cho năm mới ấm no sung túc, tiền bạc đủ đầy. Năm nay, dân văn phòng tranh thủ đi lễ xin vía thần tài từ sớm để tránh đông đúc vào ngày lễ chính.

Dòng người chen chân xin vía trước bàn thờ thần tài

lê nam

Sau khi thắp hương, làm lễ xong, người cúng thường xin số hay bùa hộ mạng… với niềm tin sẽ nhận được sự nâng đỡ, che chở và phù hộ từ các vị thần linh.

"Năm mới cầu mong đến chùa mong gia đình và mình có sức khoẻ dồi dào, luôn được may mắn trong cuộc sống. Thứ hai trong công việc mong sự may mắn và phát tài phát lộc trong năm mới", anh Quân (nhân viên văn phòng Q.1, TP.HCM) chia sẻ.

Người cúng thường xin số hay bùa hộ mạng với niềm tin sẽ nhận được sự che chở và phù hộ cho cả năm

lê nam

Nếu như năm trước lượng người đến chùa Ngọc Hoàng vào dịp vía thần tài giảm mạnh do lo ngại dịch bệnh Covid-19 thì năm nay, số lượng người dân và du khách đến chùa tăng gấp nhiều lần. Người dân đã được tiêm đủ ít nhất 2 mũi vắc xin và chấp hành 5K nên cố gắng đến chùa để bình an cho bản thân và gia đình.

Trước đó, chiều 8.2, nhiều người cũng đến ngôi chùa để xin vía thần tài sớm khiến lượng xe cộ di chuyển phía ngoài đường Mai Thị Lựu tấp nập, có thời điểm ùn ứ.

Lò bánh Triều Châu nổi tiếng Xóm Đất tất bật ngày cúng vía Ngọc Hoàng

Khi nhiều hàng quán nằm im chờ ngày khai trương sau Tết Nguyên đán thì các hiệu bánh dọc khu Chợ Lớn đã nhộn nhịp dòng người mua bán. Lò bánh Triều Châu Như Phát nằm ở số 108 Xóm Đất (P.8, Q.11, TP.HCM) hoạt động xuyên suốt những ngày đầu xuân từ cách nay hơn 40 năm.

Lò bánh Triều Châu nổi tiếng Xóm Đất tất bật cho ngày cúng vía Ngọc Hoàng

Lò bánh Triều Châu Như Phát nổi tiếng nhất khu Xóm Đất bởi tiệm không chỉ bán đa dạng các mặt hàng bánh của người Quảng, người Tiều mà tiệm còn giữ được hương vị cổ truyền của từng loại bánh. Tiệm bỏ mối cho rất nhiều điểm bán lẻ, và đặc biệt, lò bánh được nhiều người truyền tai là không nói thách.

Bánh bông lan được làm theo công thức của người Tiều.

Bánh mang ý nghĩa phát tài vì khi hấp bột nở to ra.

Bánh bao Tiều. Bên ngoài được in chữ Phúc (bằng màu thực phẩm), ngụ ý cát tường.

Các loại bánh hấp, được in họa tiết cát tường bằng màu thực phẩm, rất được ưa chuộng vào dịp tiết lễ, thường được gọi là bánh phát tài.

Người Hoa rất thích các màu vàng, đỏ nhất là vào dịp năm mới.

Tháp đèn là lễ vật không thể thiếu cho ngày cúng vía đức Ngọc Hoàng (mùng 9 tháng Giêng).

Tháp được làm từ đường ép khuôn, có ba kích cỡ.

Bánh tổ tại tiệm Như Phát.

Khách hàng mua bánh phát tài cúng khai trương.

Tháng Giêng là dịp diễn ra nhiều ngày lễ lớn của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Các ngày lễ cúng khai trương, cúng vía Thần Tài được tổ chức ở nhiều gia đình, và càng long trọng hơn ở những hộ kinh doanh, buôn bán. Người Hoa quan niệm mùng 8 cúng sao, mùng 9 cúng trời, mùng 10 cúng đất, vì vậy, không khí vui tươi ở những căn tiệm bán bánh cúng như lò bánh Triều Châu Như Phát rôm rả từ dịp trước Tết đến tận rằm tháng Giêng.

Nghiên cứu: nếu bỏ hạn chế đi lại ở vùng 'zero Covid', 2 triệu người có thể tử vong

Nghiên cứu được công bố khi các hạn chế xã hội nhằm phòng chống Covid-19 của Trung Quốc đang được tập trung chú ý khi nước này tổ chức Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn còn gắn bó chiến lược "triệt tiêu Covid", dù đã có những cảnh báo rằng chiến lược này có thể làm tổn hại đến tăng trưởng.

Nghiên cứu: nếu bỏ hạn chế đi lại ở vùng "zero Covid" như Trung Quốc, 2 triệu người có thể tử vong

Những nước khác như Singapore, Úc và New Zealand đều đã từ bỏ chiến lược trên và học cách "sống chung với dịch".

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các nghiên cứu từ Chile và Anh để tính toán "hiệu lực cơ bản" của các loại vắc xin hiện có.

Họ ước tính rằng ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu đạt 95%, nếu tình trạng di chuyển dân cư quay lại mức năm 2019, thì tại tất cả các khu vực còn áp dụng chiến lược "Zero-Covid" sẽ có hơn 234 triệu ca nhiễm trong vòng một năm, bao gồm 64 triệu ca có triệu chứng và 2 triệu ca tử vong.

Việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 có thể khiến 2 triệu người tử vong

reuters

Nhóm tác giả cũng cho rằng chìa khóa để kiểm soát virus là phát triển các loại vắc xin có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm tốt hơn.

Giáo sư y tế quốc tế ở Úc Jaya Dantas nhận định rằng đây là một nghiên cứu "rất bi quan" trong bối cảnh các nước khác khắp thế giới đã chuyển sang sống chung với Covid-19. Bà nhận định nghiên cứu này là "một tài liệu nội bộ... có thể nhằm hỗ trợ chính sách của chính phủ".

Một địa điểm xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

reuters

Hồng Kông, nơi cũng đang áp dụng chiến lược "Zero-Covid", đã ghi nhận 614 ca mắc vào hôm 7.2. Trung tâm tài chính toàn cầu này hiện đã trở thành một trong những thành phố cô lập nhất trên thế giới.

Các biện pháp hạn chế đã gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm nhập khẩu.

Người dân đã đổ đến các siêu thị và chợ lân cận vào hôm 7.2 để tích trữ thực phẩm và nhu yếu phẩm khi giao thông bị gián đoạn ở ranh giới giữa Hồng Kông với Trung Quốc.

Các chuyên gia y tế cho rằng khi thế giới bên ngoài đang chuyển sang sống chung với dịch, việc Hồng Kông tiếp tục tự cô lập là cách chống dịch không bền vững.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 9.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.