Bản tin Covid-19 ngày 7.2: Cả nước 16.815 ca | Câu chuyện thần kỳ trong đại dịch

07/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 7.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới.

Bản tin Covid-19 ngày 7.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 16.815 ca Covid-19, 9.665 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 7.2.2022 (tức mùng 7 tết) cho biết tính từ 16h ngày 6.2 đến 16h ngày 7.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.815 ca nhiễm mới, 9.665 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 100 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.424 ca.

Ngày 7.2: Cả nước 16.815 ca Covid-19, 9.665 ca khỏi | Hà Nội 2.988 ca | TP.HCM 76 ca

Thông tin về 16.815 ca nhiễm mới như sau:

  • 6 ca nhập cảnh.
  • 16.809 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.704 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 11.147 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.988), Nghệ An (1.247), Đà Nẵng (935), Hải Dương (845), Thanh Hóa (789), Vĩnh Phúc (725), Phú Thọ (662), Hải Phòng (633), Nam Định (596), Hòa Bình (585), Bắc Ninh (510), Quảng Nam (461), Thái Nguyên (396), Thái Bình (387), Bình Định (313), Ninh Bình (293), Bắc Giang (289), Điện Biên (241), Lâm Đồng (233), Bình Phước (230), Quảng Bình (217), Gia Lai (215), Hưng Yên (208), Thừa Thiên-Huế (199), Quảng Ninh (196), Lạng Sơn (179), Hà Nam (168), Cà Mau (146), Quảng Trị (135), Quảng Ngãi (134), Lào Cai (128), Sơn La (125), Yên Bái (115), Khánh Hòa (110), Hà Giang (105), Hà Tĩnh (104), Bà Rịa - Vũng Tàu (95), Đắk Nông (91), TP.HCM (76), Cao Bằng (68), Tuyên Quang (64), Bình Thuận (62), Bắc Kạn (58), Bạc Liêu (48), Kiên Giang (48), Kon Tum (45), Bến Tre (43), Vĩnh Long (42), Phú Yên (38), Trà Vinh (30), Lai Châu (30), An Giang (29), Đồng Tháp (24), Tây Ninh (19), Bình Dương (14), Cần Thơ (10), Đồng Nai (8 ), Hậu Giang (8 ), Tiền Giang (6), Ninh Thuận (6), Long An (5).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Quảng Nam (-392), Bắc Giang (-157), Bình Định (-112).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+572), Thanh Hóa (+489), Hải Dương (+279).-

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.853 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.358.786 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.889 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.351.676 ca, trong đó có 2.119.563 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.533), Bình Dương (292.981), Hà Nội (150.996), Đồng Nai (99.960), Tây Ninh (88.539).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.665 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.122.380 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.194 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.468 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 341 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 48 ca
  • Thở máy xâm lấn: 324 ca
  • ECMO: 13 ca

Từ 17h30 ngày 6.2 đến 17h30 ngày 7.2 ghi nhận 100 ca tử vong tại: Hà Nội (19), Bà Rịa - Vũng Tàu (9), Thừa Thiên-Huế (8 ), Kiên Giang (5), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (4), Hải Phòng (4), Trà Vinh (4), Vĩnh Long (4), Bạc Liêu (3), Bình Định (3), Bình Thuận (3), Cần Thơ (3), Lâm Đồng (3), Lào Cai (3), Bến Tre (2), Bình Dương (2), Đồng Nai (2), Tây Ninh (2), TP.HCM (2), An Giang (1), Đắk Lắk (1), Đồng Tháp (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Nghệ An (1), Quảng Ngãi (1), Sóc Trăng (1), Thái Nguyên (1), Thanh Hóa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 92 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.424 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.324.630 mẫu tương đương 77.341.557 lượt người.

Trong ngày 6.2 có 203.969 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 182.426.454 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.111.740 liều, tiêm mũi 2 là 74.293.565 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29.021.149 liều.

TP.HCM phát hiện 868 ca Covid-19 trong 6 ngày nghỉ Tết

Ngày 7.2.2022, Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã báo cáo về công tác y tế, dịch Covid-19 trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

TP.HCM tiếp nhận 253 người nhập viện vì đánh nhau trong 6 ngày tết

Cụ thể, trong 6 ngày từ ngày 31.1 đến 5.2 (tức 29 tết đến mùng 5 tết), các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận hơn 28.200 người đến khám, chữa bệnh (Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 2.200 người), 43 người bệnh tử vong nội viện và 30 người bệnh tử vong ngoại viện.

Trong đó, có hơn 2.600 người cấp cứu do tai nạn giao thông và có 4 người tử vong.

Có 253 người đến bệnh viện vì đánh nhau (ngành y tế TP.HCM tiếp nhận 221 ca, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 32 ca)

Hơn 1.900 người bị tai nạn sinh hoạt. 19 người bị tai nạn do pháo nổ. 21 người bị ngộ độc.

Trong 6 ngày vừa qua, tại TP.HCM cũng đã có gần 1.400 trẻ em được sinh ra, trong đó có 715 trẻ được sinh mổ.

Về tình hình dịch bệnh, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, TP.HCM phát hiện 43 ca sốt xuất huyết, 1 ca tay chân miệng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TP.HCM cũng đã tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 xuyên tết tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Cụ thể có 36 điểm tiêm cố định là bệnh viện quận, huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, một số trung tâm y tế, bệnh viện công lập. 6 ngày tổng cộng đã tiêm cho hơn 8.600 người (trong đó có 424 người tiêm mũi 1, hơn 1.200 người tiêm mũi 2, gần 1.000 người tiêm mũi bổ sung, gần 6.000 người tiêm mũi nhắc lại.

Liên quan đến dịch Covid-19, trong 6 ngày, TP.HCM có 868 ca Covid-19; giám sát y tế cho gần 5.000 người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất; các quận, huyện đã triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với người nhập cảnh đang theo dõi sức khỏe, cách ly tại nơi lưu trú. Thời điểm hiện tại, mỗi ngày TP.HCM có dưới 100 ca mắc Covid-19 mới và dưới 10 ca tử vong. Thành phố cũng đã có 120 ca nhiễm biến thể Omicron trên địa bàn, trong đó có 115 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng.

Tính đến hết ngày 7.2, TP.HCM có gần 1.500 ca mắc Covid-19 điều trị tại tầng 2, tầng 3 (trong đó, có 355 ca nặng có hỗ trợ hô hấp, 121 ca thở máy xâm lấn); có 4 ca mắc Covid-19 đang cách ly tập trung và gần 1.600 ca đang cách ly tại nhà.

Hàng ngàn du khách đội mưa, du xuân lễ phật ở chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc

Ngày 6.2.2022, dù thời tiết mưa và rét buốt nhưng các ngôi chùa lớn như Tam Chúc ở Hà Nam, chùa Bái Đính ở Ninh Bình đều đón hàng ngàn lượt du khách đến du xuân, chiêm bái lễ phật.

Hàng ngàn du khách đội mưa, du xuân lễ phật ở chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc

Chị Phạm Lan Anh, một du khách Hưng Yên đã vượt hàng trăm cây số để đến Ninh Bình, đi lễ đầu năm ở chùa Bái Đính do các chùa ở Hưng Yên và Hà Nội đã đóng cửa để phòng dịch bệnh Covid-19.

"Ngày hôm nay là ngày nghỉ tết cuối cùng, cũng là buổi du xuân đầu năm. Tôi đến đây để cầu may mắn cho gia đình, sức khỏe dồi dào, năm mới công việc suôn sẻ và thuận lợi hơn.

Ở Hưng Yên có chùa Nôm. Chùa Nôm họ chỉ mở cửa mấy ngày đầu năm thôi. Hiện tại đã đóng cửa rồi, không đón khách nữa. Chùa Bái Đính cũng lâu rồi tôi chưa đến. Khoảng 4 – 5 năm rồi nên tôi muốn quay trở lại.

Không khí ở đây khá tĩnh lặng và cảnh quan cũng đẹp. Đến đây dĩ nhiên là lo lắng về dịch bệnh rồi nhưng khi đi thì tôi tuân thủ 5K, về khai báo y tế và test xem sức khỏe của mình có vấn đề gì không", chị Lan Anh chia sẻ.

Dù lo lắng về tình hình dịch bệnh nhưng nhiều du khách cho biết họ vẫn cảm thấy khá yên tâm khi các điểm du xuân đầu năm ở Hà Nam hay Ninh Bình đều làm tốt các công tác phòng dịch Covid-19. Tất cả các du khách đều được yêu cầu phải đeo khẩu trang và sát khuẩn tay, giữ khoảng cách an toàn trong quá trình lễ bái tại chùa.

Theo đại diện chùa Bái Đính, từ kỳ nghỉ tết đến nay, mỗi ngày chùa đón tiếp từ 5.000 – 7.000 lượt du khách. Dù chưa đạt được lượng khách như thời điểm chưa có dịch bệnh nhưng đây cũng là một tín hiệu tốt sau hơn 2 năm phải đóng cửa hoàn toàn.

"Trong dịp Xuân Nhâm Dần năm nay, chùa cũng đã đón khá nhiều bà con nhân dân tín đồ phật tử thập phương xa gần về thăm quan, chiêm bái lễ phật. Đặc biệt trong mấy ngày tết vừa qua thì thời tiết rất đẹp. Nên bà con thập phương xa gần về đây du xuân rất hồ hởi, vui vẻ và khi về chùa thăm quan lễ phật, mọi người đã làm rất tốt việc phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn và cũng giữ được khoảng cách.

Bên cạnh đó, chùa cũng như ban quản lý đã làm tốt việc chống dịch như tuyên truyền trên các loa phát thanh của chùa cho mọi người, khai báo y tế khi vào chùa thăm quan", Thượng tọa Thích Minh Quang (Phó Trụ trì chùa Bái Đính, Ninh Bình) chia sẻ.

Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 ở Hà Nội cũng như một số tỉnh lân cận đang diễn biến rất phức tạp với hàng ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Các tỉnh này cũng đã có chỉ đạo dừng đón khách tại các cơ sở thờ tự. Đối với các lễ hội truyền thống, cơ quan chức năng cũng thông báo dừng tổ chức hoặc thu hẹp tối đa quy mô lễ hội để đảm bảo công tác phòng dịch tại địa phương.

7 điều cần làm trước khi học sinh trở lại học trực tiếp

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại trường học trực tiếp ngay sau nghỉ tết. Cùng với niềm vui đón học sinh, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

7 điều cần làm trước khi học sinh trở lại học trực tiếp

Để dạy học diễn ra an toàn, đáp ứng mục tiêu của kế hoạch giáo dục, các nhà trường khi cho học sinh quay trở lại dạy học trực tiếp cần thực hiện 7 điều sau.

Hiệu trưởng linh hoạt

Để linh hoạt nhằm giúp nhà trường thích ứng với trạng thái bình thường mới, hiệu trưởng cần xây dựng kế hoạch khoa học, sát hợp với tình hình đơn vị, đảm bảo các điều kiện thực hiện. Chẳng hạn, thực hiện 5K thế nào? Làm sao huy động học sinh đến lớp với sĩ số cao nhất? Tổ chức những hoạt động tập thể như văn nghệ, tư vấn tâm lý học đường, đọc sách… để học sinh thực sự vui đến trường. Kế hoạch được sự đồng thuận trên cơ sở thông hiểu của tập thể sư phạm trong trường. Hiệu trưởng không thể đến từng lớp cầm tay chỉ việc nhưng làm sao để kế hoạch mà hiệu trưởng xây dựng được thầy trò thực hiện tốt nhất.

Giáo viên chủ động

Trên cơ sở kế hoạch đã thống nhất, các giáo viên cụ thể hóa đến bộ phận, lớp mình phụ trách: Xử lý học sinh là F0, mang khẩu trang, giúp học sinh khó khăn, ôn - dạy - kiểm tra như thế nào cho hợp lý, hợp tình, đảm bảo chất lượng toàn diện, đáp ứng nhu cầu thi cử đối với học sinh cuối cấp nhưng không gây căng thẳng… Giáo viên tận tâm bảo ban, hỗ trợ học trò của mình thì học sinh tích cực, lớp học thân thiện, trường học hạnh phúc. Giáo viên có kỹ năng để lúc xảy ra sự cố bất ngờ ở trường thì bình tĩnh, nhanh chóng hướng dẫn học sinh, đảm bảo dạy học vẫn bình thường, an toàn.

Phụ huynh phối hợp

Để con em có thói quen tốt phòng chống dịch bệnh, chủ động tự học ở nhà, chăm chỉ trên lớp, đòi hỏi phụ huynh phải phối hợp với nhà trường. Hơn lúc nào hết, ở thời điểm con em trở lại trường học trực tiếp, phụ huynh sắp xếp để có thời gian nhiều nhất bên con, cùng con chuẩn bị kỹ lưỡng sao cho an toàn ở nhà, tại trường, trên đường đi học. Tuyệt nhiên không vì quá lo công việc, sinh hoạt, mà “trăm sự nhờ cô”.

Học sinh tự giác

Học tập tốt cốt ở tự học, 5K tốt cốt ở tự giác thực hiện. Tự giác là con đường tốt nhất phát triển phẩm chất và năng lực. Khi ấy, con đường lây lan SARS-CoV-2 ở học đường sẽ bị chặn, trường học hòa cùng công cuộc khôi phục kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Luyện cũ, dạy mới

Kéo dài thời gian năm học, chuyển một số nội dung sang lớp trên vào năm học sau; chương trình đã được tinh giảm nhưng đi kèm phải là yêu cầu phù hợp (trong quá trình dạy, lúc thi, kiểm tra).

Ví dụ, trong môn vật lý, công thức con lắc đơn, nếu khai khai thác mọi “ngóc ngách” thì lúc ôn thi thầy và trò chật vật với hơn 10 dạng bài tập.

Để trò chốt kiến thức cũ, vững kiến thức mới, trên cơ sở thầy cô hướng đạo, đòi hỏi mỗi cơ sở giáo dục và cấp trên có hướng dẫn thực hiện cụ thể, hướng cải tiến thi cử, đáp ứng đánh giá năng lực, đề kiểm tra tuyệt nhiên không đánh đố, không quá khó, không khai thác quá sâu ứng dụng lý thuyết phổ thông (sách giáo khoa). Mùa thi 2022, điều đó càng phải làm tốt hơn mới đạt mục tiêu dạy tốt, học tốt và phòng chống Covid-19 tốt.

Trải nghiệm bình thường

Cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm với quy mô hợp lý (theo kế hoạch giáo dục), bổ trợ cho các hoạt động giáo dục khác giúp học sinh vui học, tự tin, phát triển. Ứng dụng công nghệ thông tin, trải nghiệm tại lớp, trường để tiết kiệm kinh phí, hạn chế huy động sự đóng góp của phụ huynh lúc này.

Kỷ cương, tình thương

Phòng chống dịch mà thiếu kỷ cương thì chưa đạt điều kiện cần; không thực sự lo liệu, yêu thương thì mất điều kiện đủ. Trở lại trường học trực tiếp, tiên quyết phải ngay ngắn trong dạy, nền nếp trong học, thấu hiểu trên từng trang giáo án, sẻ chia trong mỗi tiết lên lớp, vì nhau lúc sinh hoạt chuyên môn, tình thương trong từng hoạt động tư vấn. Thầy trò sẽ năng động, sáng tạo, vượt khó, đẩy lùi dịch Covid-19, hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất năm học 2021-2022.

Hành trình vượt cửa tử Covid-19 của bệnh nhân nặng 140 kg

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 trực thuộc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận 7 những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022.

Hành trình vượt cửa tử Covid-19 của bệnh nhân nặng 140 kg: ‘Em muốn ra viện, về nhà ôm con’

Ekip của bác sĩ Giang Minh Nhật vẫn đang miệt mài theo dõi những tiến triển của nam bệnh nhân Covid-19 28 tuổi từng diễn biến rất nặng.

Nhập viện từ ngày 10.11.2021 trong tình trạng viêm phổi do Covid-19 và suy hô hấp nặng, đến nay, bệnh nhân này đã trải qua gần 3 tháng điều trị, theo dõi trong bệnh viện.

Đây là bệnh nhân đặc biệt với cân nặng 140kg, chỉ số cân nặng thuộc mức béo phì cấp độ 3, mức nặng nhất theo phân độ Tổ chức Y tế Thế giới WHO kèm theo bệnh nền đái tháo đường.

Các bác sĩ đã sớm dự báo đây là trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng nhanh vì bão Cytokine quá mạnh.

Từ khi mới nhập viện, sau 18 tiếng đầu được can thiệp bởi kháng sinh và đặt nội khí quản, bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng dẫn đến việc các bác sĩ phải can thiệp bằng biện pháp tim phổi nhân tạo (tức ECMO).

Đây là ca bệnh đầu tiên các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 phải áp dụng kỹ thuật này kể từ khi tiếp quản từ Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời, cũng là ca bệnh có thời gian điều trị ECMO kỉ lục trong suốt 84 ngày gian nan với tỉ lệ tử vong được dự báo là trên 70%.

Với cân nặng 140kg, bệnh nhân cần đến 8 người bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng để hỗ trợ mỗi lần bệnh nhân cần thay đổi tư thế.

Ngày 11.11.2021 là thời điểm bệnh nhân bắt đầu can thiệp ECMO, cũng là thời điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn nóng bỏng với những khó khăn về nhân lực, vật tư trang thiết bị y tế.

Có những thời điểm 12 bác sĩ và 24 điều dưỡng mỗi ca phải chăm sóc cho hơn 120 bệnh nhân diễn tiến nặng vì Covid-19 dưới áp lực rất lớn. Sau hơn 1 tháng điều trị, ca bệnh vẫn chưa tiến triển, đó là lúc các bác sĩ đã không ít lần nản lòng và muốn từ bỏ.

Chiến đấu với Covid-19 trong bệnh viện, bệnh nhân còn canh cánh trong lòng nỗi lo khi cô con gái nhỏ mới 3 tháng tuổi cũng mắc Covid-19, vợ anh phải chăm sóc con nhỏ tại một bệnh viện khác.

Xa gia đình suốt 3 tháng liên tục, các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến dường như đã trở thành gia đình thứ hai giúp Dũng vượt qua những thời khắc nguy kịch nhất. Đây cũng là bệnh nhân được các bác sĩ đánh giá là có nghị lực rất mạnh trong quá trình chống chọi và phục hồi Covid-19.

Ngày 23.1.2022, bệnh nhân được rút nội khí quản.

Đến ngày 2.2 (tức mùng 2 tết), quá trình điều trị ECMO dài 84 ngày của anh cũng đã kết thúc.

Hiện tại, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính, rút nội khí quản hơn 14 ngày.

Tuy nhiên, quá trình hồi phục vẫn còn cả một chặng đường dài vì giai đoạn tăng viêm, nguy cơ tổn thương đa cơ quan và biến chứng do nằm viện kéo dài và thở máy kéo dài.

Anh đang bước vào quá trình điều trị hậu Covid-19 với những biện pháp vật lý trị liệu, kết hợp với sự phối hợp đa chuyên khoa tại bệnh viện.

Sự hồi phục của bệnh nhân từng có nguy cơ tử vong rất cao và từng nhiều lần đứng giữa ranh giới sống - chết này là nguồn động viên, sự đền đáp và là món quà xuân to lớn sau những khó khăn mà tập thể y bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã trải qua.

Lú lẫn, 'sương mù não' hậu Covid-19: có biến đổi ở não giống bệnh Alzheimer?

Một nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng não những người tử vong do mắc Covid-19 nặng có những thay đổi tương tự bệnh Alzheimer.

Bệnh nhân Covid-19 có thay đổi ở não giống bệnh Alzheimer

Theo đó, não những bệnh nhân này tích tụ một loại protein gọi là "tau" bên trong tế bào não và một lượng bất thường protein beta-amyloid tích tụ thành mảng amyloid.

Tại Đại học Columbia, Tiến sĩ Andrew Marks và các đồng nghiệp đã nghiên cứu não của 10 bệnh nhân Covid-19 và tìm thấy các khiếm khuyết trong protein thụ thể ryanodine kiểm soát việc truyền canxi vào tế bào.

Ở bệnh Alzheimer, các thụ thể ryanodine bị lỗi có liên quan đến việc protein tau tích tụ thành đám rối thần kinh. Những đám rối này xuất hiện với mức độ dày đặc trong não của bệnh nhân Covid-19, theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Alzheimer & Dementia hôm 3.2.

Bên cạnh đó, các nhóm nghiên cứu khác đã phát hiện ra mức độ amyloid bất thường trong não của bệnh nhân Covid-19, theo các báo cáo chưa qua bình duyệt được đăng trên trang bioRxiv và The Lancet. mức độ này là một chỉ dấu sinh học của bệnh Alzheimer.

Trong tất cả nghiên cứu, các bệnh nhân đều đã mắc Covid-19 ở mức độ nặng nhất. Nếu những thay đổi tương tự cũng xảy ra trong não những bệnh nhân bị nhẹ hơn, điều này có thể giải thích hiện tượng "sương mù não" liên quan đến hội chứng Covid-19 kéo dài, ông Marks cho biết.

Ông nói thêm rằng những bệnh nhân bị Covid-19 nặng có thể có nguy cơ cao bị sa sút trí tuệ, nhưng vẫn còn quá sớm để kết luận.

Lời khuyên của chuyên gia là hãy tiêm vắc xin Covid-19, tiêm liều tăng cường, và tự bảo vệ, vì dù có thể không chết khi nhiễm Covid-19 thì vẫn còn nhiều điều chưa rõ về ảnh hưởng lâu dài.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 7.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.