Bản tin Covid-19 ngày 6.2: Cả nước 14.112 ca | Dịch bệnh giảm nhiệt, dòng người đang đổ về TP.HCM

06/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 6.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 6.2 của Báo Thanh Niên có những tin tức đáng chú ý sau:

Cả nước 14.112 ca Covid-19, 6.802 ca khỏi

Bản tin Bộ Y tế ngày 6.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 5.2 đến 16h ngày 6.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.112 ca nhiễm mới, 6.802 ca khỏi bệnh.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 192 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron.

Bản tin cũng thông báo về 63 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.324 ca.

Ngày 6.2: Cả nước 14.112 ca Covid-19, 6.802 ca khỏi | Hà Nội 2.797 ca | TP.HCM 43 ca

Thông tin về 14.112 ca nhiễm mới như sau:

  • 7 ca nhập cảnh.
  • 14.105 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.945 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 8.595 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.797), Đà Nẵng (927), Quảng Nam (853), Nghệ An (675), Nam Định (593), Hải Dương (566), Vĩnh Phúc (550), Hải Phòng (523), Hòa Bình (523), Phú Thọ (491), Bắc Ninh (460), Bắc Giang (446), Bình Định (425), Thái Bình (419), Thái Nguyên (355), Thanh Hóa (300), Lâm Đồng (228), Hưng Yên (195), Bình Phước (193), Quảng Bình (185), Ninh Bình (183), Hà Nam (169), Thừa Thiên-Huế (148), Hà Tĩnh (147), Quảng Ngãi (143), Sơn La (132), Điện Biên (128), Lào Cai (110), Tuyên Quang (95), Quảng Ninh (94), Bà Rịa - Vũng Tàu (92), Quảng Trị (92), Hà Giang (92), Cà Mau (85), Yên Bái (73), Bến Tre (63), Khánh Hòa (59), Gia Lai (56), Cao Bằng (55), Đắk Nông (49), Kiên Giang (45), TP.HCM (43), Bắc Kạn (40), Bạc Liêu (39), Vĩnh Long (30), Tây Ninh (27), Bình Thuận (27), Đồng Nai (14), Tiền Giang (14), Đồng Tháp (13), Hậu Giang (11), Trà Vinh (11), Cần Thơ (9), Long An (7), Bình Dương (3), Ninh Thuận (3).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Phú Yên (-69), Gia Lai (-65), Sóc Trăng (-38).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+350), Bắc Giang (+249), Hải Phòng (+161).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 11.257 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.341.971 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 23.729 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.334.867 ca, trong đó có 2.109.898 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.457), Bình Dương (292.967), Hà Nội (148.008), Đồng Nai (99.952), Tây Ninh (88.520).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.802 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.112.715 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.203 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 1.423 ca
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 373 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 49 ca
  • Thở máy xâm lấn: 338 ca
  • ECMO: 20 ca

Từ 17h30 ngày 5.2 đến 17h30 ngày 6.2 ghi nhận 63 ca tử vong tại: Bến Tre (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (6), Vĩnh Long (5), Bắc Ninh (4), Đà Nẵng (4), TP.HCM (4), Thừa Thiên-Huế (3), Bạc Liêu (2), Đồng Tháp (2), Hải Dương (2), Hòa Bình (2), Ninh Bình (2), Sóc Trăng (2), An Giang (1), Bình Định (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Đồng Nai (1), Hà Giang (1), Hà Nam (1), Hải Phòng (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Lạng Sơn (1), Phú Thọ (1), Quảng Ngãi (1), Quảng Trị (1), Thái Bình (1), Thanh Hóa (1), Tiền Giang (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 94 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.324 ca, chiếm tỉ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.289.291 mẫu tương đương 77.305.873 lượt người.

Trong ngày 5.2 có 77.428 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 182.180.300 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.089.385 liều, tiêm mũi 2 là 74.247.028 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 28.843.887 liều.

Dịch bệnh Covid-19 TP.HCM đang "giảm nhiệt" rất mạnh

Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, trong ngày 5.2.2022, TP.HCM chỉ ghi nhận 24 ca mắc Covid-19. Trong đó, 20 ca sàng lọc tại bệnh viện, 3 ca phát hiện tại cộng đồng do các Trung tâm y tế lấy mẫu, 1 ca được lấy mẫu sau khi chuyển vào cơ sở cách ly tập trung quận, huyện và bệnh viện dã chiến. Trước đó, ngày 4.2, thành phố ghi nhận 46 ca. Như vậy, số ca mắc Covid-19 mới tại TP.HCM trong 2 ngày liên tục đều nằm ở mức 2 con số.

Đây là số ca nhiễm thấp kỷ lục được ghi nhận trong nhiều tháng qua.

Số ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM hiện là 120 ca, trong đó có 115 ca nhập cảnh và 5 ca cộng đồng.

Dịch bệnh Covid-19 TP.HCM đang "giảm nhiệt" rất mạnh

Về tình hình điều trị

Những ngày vừa qua, tại TP.HCM, số ca Covid-19 nhập viện tầng 2, tầng 3 đều dưới 100 ca. Gần nhất là trong ngày 5.2, TP.HCM chỉ có 29 ca nhập viện tầng 2, tầng 3. Tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 giảm xuống còn 1.448 ca.

Trong đó tầng 3 là 270 ca; số ca nặng có hỗ trợ hô hấp là 350 ca; số ca đang thở máy xâm lấn là 122 ca; số trẻ em dưới 16 tuổi mắc Covid-19 là 19 ca và phụ nữ mang thai là 4 ca.

Số ca mắc Covid-19 đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 2 ca. Tổng số ca mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà là 1.682 ca.

Như vậy, hiện tại TP.HCM đang cách ly, chăm sóc và điều trị tổng cộng 3.132 ca.

Số ca mắc Covid-19 tử vong trong ngày 5.2 tại TP.HCM là 6 ca (trong đó có 4 ca từ các tỉnh khác). Như vậy số ca tử vong tại TP.HCM đến nay là hơn 20.300 ca, trong đó có 48 trẻ em dưới 16 tuổi và 62 phụ nữ mang thai.

Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày 5.2 cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 kèm mắc bệnh nền là 6 ca. Có 3 ca tử vong từ 18 đến 50 tuổi, 2 ca từ 51 đến 65 tuổi và 1 ca trên 65 tuổi.

Về tình hình tiêm vắc xin phòng Covid-19

Trong ngày 5.2, TP.HCM đã tiêm được 1.272 liều vắc xin Covid-19; trong đó có 36 liều mũi 1; 205 liều mũi 2; 83 liều mũi bổ sung và gần 1.000 liều mũi nhắc lại. Đến nay TP.HCM đã thực hiện tiêm được khoảng 20 triệu tiêm vắc xin Covid-19.

Kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM là tiếp tục tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên (bao gồm người từ các tỉnh về TP.HCM sinh sống và làm việc), tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định. Hiện tại TP.HCM còn hơn 1,28 triệu liều vắc xin Covid-19.

Chính phủ mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14 về việc mua vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Chính phủ mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 luật Đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi với các điều kiện như Nghị quyết số 09 ngày 18.5.2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.

Trước đó, trả lời báo chí dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần về vấn đề tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã rất thận trọng, đánh giá một cách toàn diện, khoa học và khách quan.

Bộ Y tế trao đổi chặt chẽ và thường xuyên tham khảo ý kiến với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm triển khai của các nước trên thế giới. Cho đến nay, WHO đã chính thức cấp phép cho vắc xin phòng Covid-19 của Pfizer được tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế thông tin khi có vắc xin sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết.

Cầu Mỹ Thuận và nhiều nơi ở miền Tây ùn ứ vì người dân trở lại TP.HCM

Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa kết thúc cũng là lúc đoàn người rồng rắn từ miền Tây kéo lên TP.HCM để làm việc.

Cầu Mỹ Thuận và nhiều nơi ở miền Tây ùn ứ vì người dân trở lại TP.HCM

Sáng 6.2.2022, người dân miền Tây ùn ùn trở lại TP.HCM và các tỉnh khiến các cửa ngõ ra vào Vĩnh Long ùn ứ.

Đây cũng là ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hàng vạn người dân mièn Tây đã tranh thủ buổi sáng trời mát nên đã chuẩn bị đồ đạc quay lại TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ làm việc và học tập.

Lượng người quá đông khiến các cửa ngõ ra vào tỉnh Vĩnh Long như đoạn Quốc lộ 1, cầu Mỹ Thuận và phà Đình Khao nhiều nơi ùn ứ.

Đáng chú ý tại khu vực cầu Mỹ Thuận hướng đi TP.HCM lượng phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ về, trong khi cầu Mỹ Thuận chỉ có 2 làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai, các phương tiện phải di chuyển chậm. Theo nhiều người dân, đường dẫn vào cầu thì có đến 3 làn xe, đường rộng còn khi lên cầu thì chỉ có 2 làn xe, nhiều ô tô cũ kỹ “bò’ lên dốc cao khiến nhiều xe ùn ứ phía sau.

Còn tại khu vực Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Bình Minh, do triều cường ngập đoạn qua huyện Tam Bình nên lượng phương tiện ùn ứ cục bộ, Thượng tá Trần Ngọc Đời, Phó Trưởng phòng CSGT Công an Tỉnh Vĩnh Long cho biết, do triều cường nên các xe máy lấn làn ô tô tránh ngập nên xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện vào sáng cùng ngày. Lực lượng CSGT đã đến hiện trường điều tiết giao thông. Đến khoảng 10 giờ sáng, đường đã thông thoáng trở lại.

Cảnh trái ngược “ga tàu đông, bến xe vắng” ở Đà Nẵng sau nghỉ tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người dân bắt đầu trở lại học tập, làm việc khiến ga Đà Nẵng tấp nập người.

Cảnh trái ngược “ga tàu đông, bến xe vắng” ở Đà Nẵng sau nghỉ tết

Sáng 6.2.2022 (tức mùng 6 tết) tại ga Đà Nẵng đông đúc người dân tay xách nách mang từ quê nhà trở lại thành phố làm việc. Lượng khách đến Đà Nẵng tăng đột biến trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ tết.

Bà Lê Thị Tuyến, Đội trưởng Đội khách vận Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng, cho biết từ mùng 3 đến mùng 6 tết có hơn 3.100 lượt khách từ Đà Nẵng đi các tỉnh; ga Đà Nẵng cũng đã đón hơn 5.300 khách xuống ga. Bình quân, mỗi ngày có 12 chuyến tàu đi, đến ga Đà Nẵng.

Năm nay, người dân có xu hướng mua vé cận ngày nghỉ vì lo ngại tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu đi lại sau Tết Nguyên đán của người dân, chi nhánh ga Đà Nẵng đã đề xuất Tổng công ty đường sắt Việt Nam nối thêm toa vào tàu SE3 trong các ngày cao điểm như mùng 6, 7, 8. Hiện tại, vé tàu từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Nam đã gần hết.

Trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵngđã đề xuất nối toa cho nhiều cặp tàu nhằm đảm bảo trong ngày 8.2.2022 tới, nhằm đáp ứng đủ vé để phục vụ nhu cầu của người dân.

Trái ngược với sự đông đúc, tấp nập người dân trở lại thành phố sau tết ở ga tàu thì Bến xe Đà Nẵng lại vắng khách, nhà xe ế ẩm. Đối với tuyến đi các tỉnh lân cận chỉ lác đác khách, trong khi các chuyến xe đường dài hầu như không xuất bến vì quá ít khách.

Ông Phạm Lợi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và quản lý Bến xe Đà Nẵng cho biết lượng khách tết năm nay chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Xe xuất bến chủ yếu là đi các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên. Lượng khách xuất bến từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía Bắc hầu như không có.

Dù lượng khách chưa đạt kế hoạch đề ra tuy nhiên Bến xe Đà Nẵng vẫn chuẩn bị tinh thần cho các ngày cao điểm khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ước vọng bên chuyến tàu trở lại thành phố sau Tết nguyên đán

Ga Đông Hà, thuộc tỉnh Quảng Trị, tối 5.2.2022 tức mùng 5 tết. Nhiều người cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, hành lý tới sớm chờ tàu trở lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Ước vọng bên chuyến tàu trở lại thành phố sau Tết nguyên đán

Anh Lê Khánh Hưng dự định sẽ ở quê chơi tới ngày mùng 6 rồi mới lên máy bay vào lại TP.HCM để đi làm. Tuy nhiên, do vé máy bay đột ngột tăng cao sau tết nên anh quyết định chọn tàu hỏa đi sớm một ngày.

Mặc dù quyết định sẽ chuyển qua đi tàu nhưng anh cũng phải chờ chực rất lâu mới mua được vé do nhiều tàu cũng đã hết chỗ hoặc chỉ có vé cho chặng dài hơn.

Có được tấm vé anh cũng rất vui vì theo giờ tàu thì khuya 6.2.2022 anh sẽ tới TP.HCM, vẫn kịp thời gian để đi làm vào ngày hôm sau.

Đặc biệt, đi chuyến đêm nên anh Hưng cũng có thêm một chút thời gian ở bên gia đình.

Vào Sài Gòn đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên anh phải chịu cảnh thất nghiệp gần 4 tháng. Tuy nhiên, tới thời điểm thành phố mở cửa, anh đã ngay lập tức đi làm trở lại để có tiền về quê đón tết cùng gia đình.

Trên sân ga Đông Hà mùng 5 tết có rất nhiều người như anh Hưng. Họ rời quê vào miền Nam cũng chỉ hi vọng tình hình ổn định để có thể an tâm làm ăn, kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Bên cạnh nhiều người lao động trở lại làm việc thì cũng có nhiều gia đình đưa con vào để đi học trở lại sau một thời gian dài học online ở nhà.

Những toa tàu hướng về Nam những ngày sau tết đã kín chỗ. Người lao động đang trở lại thành phố để làm việc. Đó cũng là tín hiệu đáng mừng cho một năm mới khởi sắc hơn sau những ngày căng thẳng vì dịch bệnh Covid-19.

Lời cầu xin đẫm nước mắt giúp vận động viên thoát cảnh cách ly ở Bắc Kinh

Sau lời khẩn cầu đẫm nước mắt, Kim Meylemans, vận động viên người Bỉ trong môn trượt băng lòng máng (còn gọi là trượt băng nằm sấp), cuối cùng đã đến được nơi dành cho vận động viên tham dự Olympic Bắc Kinh.

Lời cầu xin đẫm nước mắt giúp vận động viên thoát cảnh cách ly ở Bắc Kinh

Trước đó, Meylemans đã có những chia sẻ đầy nước mắt trên Instagram về nỗi đau khổ trước nguy cơ sẽ phải tiếp tục cách ly thêm 7 ngày tại địa điểm mới trong khi sắp đến thời điểm thi đấu.

Khi mới đến Trung Quốc để tham dự Olympic Bắc Kinh, nữ vận động viên 25 tuổi này có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Cô được đưa đi cách ly, và sẽ phải cần thêm vài lần xét nghiệm trước khi được cho phép gia nhập Làng Olympic, nơi sinh hoạt của các vận động viên.

Theo lời Meylemans kể trên Instagram, sau khi nhận được một kết quả âm tính, cô tưởng mình sẽ được phép đến Diên Khánh để tham dự giải đấu. Nhưng không, xe cấp cứu lại đưa cô đến thẳng một cơ sở khác và cô có nguy cơ phải tiếp tục cách ly 7 ngày ở đây.

"Chúng tôi thậm chí còn chẳng biết chắc được tôi có được cho vào làng hay không. Chuyện này rất khó khăn cho tôi. Tôi mong mọi người cho tôi chút thời gian để cân nhắc những bước kế tiếp, vì tôi không chắc rằng mình có thể chịu đựng thêm 14 ngày nữa và cuộc thi Olympic trong cảnh cách ly này".

IOC cho biết khi các quan chức phái đoàn Olympic Bỉ và Uỷ ban Olympic quốc tế biết được tình hình của Meylemans, họ đã can thiệp để giúp cô chuyển đến một địa điểm trong làng Olympic.

Trong một bài viết được đăng tải vào cuối ngày 2.2, Meylemans cho biết cô đã được chuyển đến một khu biệt lập bên trong một trong những ngôi làng Olympic.

"Hiện giờ tôi ở trong một góc, cũng là cách ly nhưng ít nhất là tôi đã trở lại làng. Tôi cảm thấy an toàn hơn và sẽ có thể luyện tập tốt hơn một chút ở đây".

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 6.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.