Bản tin Covid-19 ngày 8.2: Cả nước 21.909 ca mới | Số ca nhiễm mới tăng vọt sau tết

08/02/2022 20:00 GMT+7

Bản tin Covid-19 ngày 8.2 của Báo Thanh Niên được phát tại địa chỉ Thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên . Bản tin sẽ cập nhật các tin tức về dịch Covid-19 cùng công tác phòng chống dịch của các địa phương trong nước cũng như diễn biến dịch bệnh trên thế giới .

Bản tin Covid-19 ngày 8.2 của Báo Thanh Niên có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 21.909 ca Covid-19 mới, 4.397 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 8.2.2022 cho biết tính từ 16h ngày 7.2 đến 16h ngày 8.2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 21.909 ca nhiễm mới, 4.397 ca khỏi bệnh.

Bản tin cũng thông báo về 97 ca tử vong nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay lên 38.521 ca.

Ngày 8.2: Cả nước 21.909 ca Covid-19, 4.397 ca khỏi | Hà Nội 2.903 ca | TP.HCM 116 ca

Thông tin về 21.909 ca nhiễm mới như sau:

  • 8 ca nhập cảnh
  • 21.901 ca ghi nhận trong nước (tăng 5.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 14.982 ca trong cộng đồng). Gồm: Hà Nội (2.903), Nghệ An (1.717), Hải Dương (1.245), Thanh Hóa (998), Hòa Bình (944), Bắc Ninh (897), Vĩnh Phúc (891), Nam Định (886), Đà Nẵng (854), Hải Phòng (830), Phú Thọ (769), Thái Nguyên (649), Bình Định (571), Bắc Giang (498), Thái Bình (398), Quảng Nam (364), Lâm Đồng (352), Quảng Ninh (336), Ninh Bình (332), Đắk Lắk (313), Hà Tĩnh (299), Tuyên Quang (265), Thừa Thiên Huế (252), Quảng Bình (242), Hưng Yên (240), Cà Mau (227), Quảng Trị (225), Gia Lai (220), Kon Tum (207), Hà Nam (189), Khánh Hòa (183), Lào Cai (183), Bình Phước (181), Quảng Ngãi (177), Sơn La (175), Lạng Sơn (166), Bà Rịa - Vũng Tàu (161), Yên Bái (158), Đắk Nông (146), Phú Yên (137), TP.HCM (116), Hà Giang (107), Cao Bằng (105), Lai Châu (99), Vĩnh Long (88), Bình Thuận (72), Bến Tre (70), Tây Ninh (67), Kiên Giang (59), Trà Vinh (57), Bạc Liêu (52), Bắc Kạn (39), Đồng Tháp (34), Sóc Trăng (30), Cần Thơ (28), Điện Biên (21), Bình Dương (19), Tiền Giang (17), Ninh Thuận (9), Long An (9), An Giang (9), Hậu Giang (9), Đồng Nai (5).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Điện Biên (-220), Quảng Nam (-97), Hà Nội (-85).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+470), Hải Dương (+400), Bắc Ninh (+387).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 13.408 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.380.695 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.111 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.373.577 ca, trong đó có 2.123.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (514.649), Bình Dương (293.000), Hà Nội (153.899), Đồng Nai (99.965), Tây Ninh (88.606).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hằng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 4.397 ca
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.126.777 ca

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.263 ca, trong đó:- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.489 ca

  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 365 ca
  • Thở máy không xâm lấn: 57 ca
  • Thở máy xâm lấn: 336 ca
  • ECMO: 16 ca

Từ 17h30 ngày 7.2 đến 17h30 ngày 8.2 ghi nhận 97 ca tử vong, gồm:+ Tại TP.HCM (3) trong đó có 1 ca từ An Giang chuyển đến.

Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (19), Bình Định (8), Đồng Nai (8), Thừa Thiên-Huế (7), Bình Phước (5), Hải Phòng (5), Quảng Ngãi (5), Bến Tre (4), Đồng Tháp (4), Bình Thuận (3), Cần Thơ (3), Đà Nẵng (3), Hậu Giang (2), Khánh Hòa (2), Ninh Bình (2), Vĩnh Phúc (2), An Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bạc Liêu (1), Bắc Ninh (1), Đắk Lắk (1), Hải Dương (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1), Lào Cai (1), Quảng Nam (1), Sóc Trăng (1), Thái Bình (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 92 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.521 ca, chiếm tỉ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay là 32.389.970 mẫu tương đương 77.407.202 lượt người.

Trong ngày 7.2 có 797.828 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 183.196.831 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.148.668 liều, tiêm mũi 2 là 74.356.060 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 29.692.103 liều.

Số ca Covid-19 mới ở Hà Nội “đi ngang” nhưng ca tử vong tăng cao

Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ 29.4 đến 17.1 tức 8,5 tháng Hà Nội chỉ ghi nhận 364 ca tử vong vì Covid-19, tức bình quân chỉ 1,5 ca tử vong/ngày.

Tuy nhiên, chỉ trong 20 ngày từ 17.1 đến 6.2, số ca tử vong thành phố ghi nhận thêm là 415 ca, trung bình hơn 20 ca/ngày, tức gấp gần 14 lần giai đoạn trước. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 của Hà Nội tính từ 29.4 đến 7.2 đã là 779 ca. Như ngày 4.2, số ca tử vong trong ngày là 23 ca; ngày 7.2, số ca tử vong là 16 ca...

Trong khi đó, thống kê của CDC Hà Nội lại cho thấy số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày của thành phố đang đi ngang, xấp xỉ 3.000 ca/ngày tính từ đầu tháng 1.2022 tới nay. Câu hỏi đặt ra là vì sao số ca mắc mới đi ngang, song số ca tử vong vì Covid-19 của Hà Nội lại tăng mạnh?

Trao đổi với Thanh Niên, bác sĩ Hoàng Hồ Hải, Phó giám đốc BV điều trị người bệnh Covid-19 Hà Nội, cho biết hiện bệnh viện chủ yếu điều trị bệnh nhân nặng là người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền chưa được tiêm vắc xin, song gần đây xuất hiện thêm cả các trường hợp đã tiêm 1, 2 mũi vắc xin nhưng vẫn diễn biến nặng.

Về nguyên nhân vì sao số ca tử vong trung bình hàng ngày của Hà Nội tăng cao hơn nhiều giai đoạn trước, dưới góc độ điều trị, theo bác sĩ Hải, do “câu chuyện tích luỹ”. Cụ thể, thời gian đầu số ca mắc mới Covid-19 của Hà Nội thấp, khả năng tập trung điều trị tốt hơn. Song khi bệnh nhân nặng tăng lên theo tỷ lệ số ca mắc mới hàng ngày thì các cơ sở điều trị cũng quá tải theo, buộc phải lựa chọn, không thể duy trì thở máy quá lâu kéo dài nhiều tháng, nhất là với những ca tiên lượng thấp.

Mang yêu thương đầu xuân đến cho bệnh nhi, trẻ mồ côi vì Covid-19

Sáng mùng 6 tết Nhâm Dần (6.2.2022), tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2 (H.Bình Chánh, TP.HCM)

Nhiều phụ huynh tại đây đã liên tục ăn ở tại bệnh viện suốt một khoảng thời gian dài nên việc ăn tết trong bệnh viện cũng không còn là vấn đề quá lớn, bởi lúc này, nỗi lo lớn nhất của họ là những người con, người cháu trong thời gian thực hiện hóa trị, tình hình sức khỏe đang rất nhạy cảm.

Mẹ bán hết tài sản chữa bệnh cho con: 'Thà không có nhà còn hơn nhìn con ra đi'

Chị Lâm Thị Thoa (38 tuổi, quê Bạc Liêu) không cầm được nước mắt khi tâm sự về đứa con 8 tuổi mắc chứng ung thư máu đang được điều trị tại khoa Nhi 1 Bệnh viện Truyền máu Huyết học cơ sở 2.

Gia đình khó khăn, chị đã bán hết đất đai để lo cho con, nhiều người còn khuyên chị nên từ bỏ, nhưng vợ chồng chị vẫn kiên quyết chạy chữa cho con bằng mọi giá.

Thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng là 10 triệu, trong khi chi phí chữa trị giai đoạn 2 của con trai là 1,5 tỉ đồng, chị Thoa đang rao bán căn nhà duy nhất để kiếm tiền chạy chữa cho con.

Nguyên Phạm

Nếu những em bé đang điều trị trong bệnh viện chưa thể đón cái tết trọn vẹn thì những em nhỏ vừa mất đi người thân do dịch Covid-19 cũng vừa trải qua những ngày tết không còn đầm ấm như xưa.

Cũng tại huyện Bình Chánh, 2 em nhỏ - một em 2 tuổi và một em 14 tuổi - vừa trải qua một cái tết lạ lẫm khi cha của hai em qua đời do Covid-19 cách đây 3 tháng.

Bàn thờ của ba còn đặt ở phòng khách, con trai 2 tuổi cứ chạy tới chạy lui trong căn phòng nhỏ, lâu lâu lại đến chắp tay cúi lạy cha mình.

Bà Trần Thị Thu Hương (bà nội của hai em) cho biết, từ ngày cha mất, mẹ các em và gia đình rất buồn đau nhưng phải gắng vượt qua để chăm lo cho 2 cháu. Mẹ của hai cháu đăng ký làm tăng ca suốt ngày đêm, phần để lo vấn đề tài chính, phần để quên đi nỗi đau mất mát.

Mẹ của hai cháu thường xuyên đi làm từ sáng đến tối nên đón đoàn thăm hỏi của Báo Thanh Niên chỉ có ông bà nội của các em.

Nguyên Phạm

Chia sẻ những với những khó khăn và mất mát ấy, đoàn công tác của Báo Thanh Niên với sự tham gia của nhà báo Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng biên tập, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn - Tổng biên tập - cùng các nhà hảo tâm đã đến Bệnh viện Truyền máu huyết học cơ sở 2 và nhà các em nhỏ mồ côi do dịch Covid-19 để trao gửi những món quà đầu xuân, truyền thêm sức mạnh cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần hào hiệp và tử tế trong cộng đồng.

Trong năm 2022, Báo Thanh Niên cùng các nhà hảo tâm, các đơn vị đối tác sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hơn nữa các chương trình thiện nguyện, bảo trợ trẻ em mồ côi nhằm giúp đỡ những mảnh đời không may mắn.

Mất mùi, mất vị sau khi nhiễm Covid-19, làm sao lấy lại?

Giới khoa học chưa biết lý do chính xác tại sao có người mất khứu giác mà người khác lại không. Tuy nhiên khi nhiễm Covid-19, virus sẽ tự gắn vào các tế bào trong mũi của người bệnh. Trong quá trình này, nó có thể làm hỏng các tế bào và dẫn đến hiện tượng mất mùi.

Mất mùi mất vị sau khi nhiễm Covid-19, làm sao lấy lại?

Chuyên gia Danoun giải thích: "Các tế bào thần kinh trong mũi là "ông chủ" chịu trách nhiệm xử lý mùi. Nhưng xung quanh mỗi tế bào thần kinh là các tế bào hỗ trợ khứu giác, chúng nuôi dưỡng các tế bào thần kinh. Thông thường, bạn mất khứu giác là do virus tấn công các tế bào hỗ trợ này. Khi các tế bào hỗ trợ này tái tạo (trung bình từ 4-6 tuần sau, đôi khi có thể mất nhiều thời gian hơn), khứu giác của bạn sẽ trở lại".

Khứu giác và vị giác gắn liền với nhau trong não của chúng ta, vì vậy mất khứu giác kéo theo mất đi vị giác. Tiến sĩ Danoun cho biết: "Lưỡi có thể phát hiện ra các vị cơ bản như ngọt, chua, mặn và đắng, nhưng mũi sẽ phát hiện ra hương vị. Vì vậy, nếu bạn mất khứu giác, khi ăn một viên kẹo dâu tây, bạn có thể biết mình đang ăn đồ ngọt, nhưng không thể biết rằng đó là vị dâu tây".

Nhiều người gặp tình trạng mất khứu giác, vị giác trong thời gian dài sau khi nhiễm Covid-19

beaumont

Vậy làm thế nào để phục hồi khứu giác?

Chuyên gia Danoun cho biết rèn luyện khứu giác có thể giúp kích thích các tế bào thần kinh trong mũi.

  • Bước 1: Chọn một loại tinh dầu trong 4 loại: oregano, chanh, bạch đàn và hương thảo. Nếu không có tinh dầu, bạn có thể sử dụng hương thơm có sẵn trong nhà như vắt một quả chanh, cắt vài miếng lá oregano (kinh giới cay).
  • Bước 2: Bắt đầu với mùi hương đầu tiên trong 25 giây. Trong khi ngửi hãy tưởng tượng mùi của nó như thế nào, cảm giác như thế nào, đồng thời nhớ lại kỷ niệm liên quan đến mùi hương này. Theo ông Danoun, huấn luyện khứu giác có thể giúp não bộ tái tạo các kết nối trở lại với mùi hương cụ thể.

Tiến sĩ Danoun giải thích rằng trí nhớ và khứu giác có mối liên hệ chặt chẽ với nhau ở não. Mùi hương đi thẳng đến trung tâm cảm xúc và trí nhớ. Đó là lý do tại sao mùi clo có thể khiến bạn nhớ đến việc học bơi.

  • Bước 3: Hãy cho não bộ 1 phút để xử lý mùi hương. Khi hết thời gian, hãy nhẹ nhàng ngửi mùi tiếp theo trong 25 giây. Cứ tiếp tục như vậy cho đến khi ngửi thấy từng mùi trong số 4 mùi.
  • Bước 4: Thực hiện bài tập này 2 lần/ngày vào sáng và tối, trong vòng 3 tháng. Nếu khứu giác chưa phục hồi hoàn toàn, hãy tìm 4 loại tinh dầu/hương vị mới để thực hành. Bài tập này cần kiên trì và thời gian, vì cần thời gian để các dây thần kinh khứu giác phụ hồi, ông Danoun nói.

Trong trường hợp bài tập không hiệu quả, hãy đến gặp bác sĩ vì có thể sẽ có các vấn đề tiềm ẩn ngăn cản quá trình phục hồi như bị viêm xoang hoặc nhiễm trùng mũi.

Nếu bạn hút thuốc thì nên ngừng hút, vì hút thuốc có thể cản trở quá trình tìm lại khứu giác.

Còn rất nhiều thông tin đáng chú ý khác liên quan đến tình hình dịch Covid-19 trong nước và trên thế giới có trong Bản tin Covid-19 ngày 8.2 của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.