Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 12.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:
Bản tin Covid-19 ngày 12.10: Cả nước cấp tập tiêm hàng chục triệu liều vắc xin |
Cả nước ghi nhận 2.949 ca Covid-19 mới, 1.347 ca khỏi bệnh
Bản tin Bộ Y tế tối 12.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 11.10 đến 17 giờ ngày 12.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 2.949 ca nhiễm mới, 1.347 ca khỏi bệnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận 93 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố; nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 20.763 ca.
Thông tin về 2.949 ca nhiễm mới được công bố tối 12.10 như sau:
- 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 2.939 ca ghi nhận trong nước (giảm 678 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 1.183 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.018), Đồng Nai (501), Bình Dương (447), Tây Ninh (112), An Giang (111), Đồng Tháp (87), Kiên Giang (76), Bình Thuận (72), Long An (70), Bạc Liêu (51), Gia Lai (48), Khánh Hòa (38), Cà Mau (37), Hậu Giang (31), Cần Thơ (28), Trà Vinh (28), Tiền Giang (20), Hà Nam (18), Bình Định (12), Quảng Ngãi (11), Vĩnh Long (10), Bến Tre (9), Bình Phước (9), Quảng Bình (9), Ninh Thuận (8), Thừa Thiên Huế (8), Thanh Hóa (8), Lâm Đồng (7), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bắc Ninh (7), Phú Yên (5), Đắk Nông (5), Quảng Trị (5), Hà Nội (4), Đà Nẵng (4), Hà Tĩnh (4), Kon Tum (4), Quảng Nam (3), Hải Phòng (2), Hải Dương (2), Lào Cai (1), Bắc Giang (1), Lai Châu (1).
Ngày 12.10: Cả nước 2.949 ca Covid-19, 1.347 ca khỏi | TP.HCM 1.018 ca |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (giảm 509), Đắk Lắk (giảm 119), Tiền Giang (giảm 47).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (tăng 57), Bạc Liêu (tăng 37), Gia Lai (tăng 35).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.980 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 846.230 ca nhiễm, đứng thứ 41/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.595 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay):
- Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 841.592 ca, trong đó có 783.278 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Có 6/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên, Thái Bình.
- Có 12 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng.
- Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (412.673), Bình Dương (222.975), Đồng Nai (55.989), Long An (33.449), Tiền Giang (14.628).
Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.347
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 786.095
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.299 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.950
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 654
- Thở máy không xâm lấn: 130
- Thở máy xâm lấn: 546
- ECMO: 19
Ngày 12.10: Thông báo 93 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành |
- Trong ngày, cả nước ghi nhận 93 ca tử vong tại 11 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (64), Bình Dương (13), An Giang (4), Kiên Giang (3), Long An (2), Bình Định (2), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1), Đắk Nông (1), Hà Nội (1), Gia Lai (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 111 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 20.763 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 135/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 30/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 129.467 xét nghiệm cho 292.080 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.332.049 mẫu cho 56.466.729 lượt người.
- Trong ngày 11.10 có 1.020.039 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 55.229.124 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 39.088.086 liều, tiêm mũi 2 là 16.141.038 liều.
Bến xe Miền Đông trước ngày chạy liên tỉnh: Khách gọi ‘cháy’ máy
Sau thời gian dài tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách liên tỉnh, TP.HCM dự kiến thí điểm tổ chức các tuyến xe khách liên tỉnh từ ngày 13.10 đến hết ngày 20.10.
Các phương tiện được hoạt động trong thời gian này cũng phải đáp ứng nhiều quy định về phòng chống dịch của TP.HCM và các địa phương khác.
Bến xe Miền Đông trước ngày chạy liên tỉnh: Khách gọi ‘cháy’ máy |
Trong sáng 12.10 - ngày đầu tiên đi làm trở lại sau 4 tháng nghỉ dịch, chị Tống Thị Huệ, nhân viên bán vé hãng KumHo Samco, liên tục nhận điện thoại của khách hàng tại TP.HCM để hỏi về thủ tục mua vé và các yêu cầu di chuyển trên xe khách.
Chị Tống Thị Huệ, nhân viên bán vé hãng KumHo Samco liên tục nhận cuộc gọi của khách hàng sáng 12.10 |
lê nam |
Hãng Kumho Samco ngày thường phục vụ 6 chặng hành trình từ TP.HCM đi Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Mũi Né và Phan Thiết. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu mở cửa thử nghiệm, hãng chỉ mở 3 chặng là Vũng Tàu, Phan Thiết và Buôn Mê Thuột với giá vé không đổi. Tuy nhiên, số lượng chuyến xe mỗi ngày hạn chế để đảm bảo yêu cầu của Sở GTVT TP.HCM đưa ra.
Trước ngày TP.HCM cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động trở lại, chỉ một vài quầy vé sáng đèn hoạt động trở lại trước ngày xe khách liên tỉnh chính thức chạy lại. Nhân viên vệ sinh của bến xe liên tục dọn dẹp sàn nhà; ghế ngồi được đánh dấu vị trí giãn cách để đảm bảo quy định 5K.
Ghế ngồi được đánh dấu vị trí giãn cách để đảm bảo quy định 5K |
lê nam |
Lãnh đạo quản lý bến xe thông tin, đã có hơn 42 đơn vị doanh nghiệp vận tải sẵn sàng thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT. Bến xe Miền Đông (Q. Bình Thạnh) cũng lên nhiều phương án phòng chống dịch để phục vụ người dân vào bến trong tình trạng bình thường mới.
Ông Đỗ Phú Đạt - Phó giám đốc bến xe Miền Đông chia sẻ: "Về thời gian thực hiện từ 13-20.10, đối với chỉ đạo này, bến xe cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách và các doanh nghiệp vận tải vận chuyển hành khách.
Từ 13.10, TP.HCM thực hiện thí điểm xe khách chạy liên tỉnh |
lê nam |
"Đối với bến xe chúng tôi có xây dựng phương án để phòng chống dịch trong quá trình triển khai thực hiện, có bố trí phòng cách ly tạm thời cũng như phối hợp trung tâm y tế tổ chức xét nghiệm khi cần thiết, phương án xử lý khi có trường hợp biểu hiện Covid-19", ông Đạt cho hay.
Hành khách khi đến bến xe phải quét mã QR, cũng như khai báo di chuyển nội địa trên PC Covid. Đến bến xe, quét mã QR xong mới được vào mua vé. Khi lên xe thực hiện theo quy định của tài xế và trong suốt quá trình ngồi trên xe phải đảm bảo 5K, đặc biệt giãn cách và hạn chế tiếp xúc".
Khách vào bến xe phải quét mã QR với các yêu cầu phòng dịch Covid-19 |
lê nam |
Để đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19 trong tình hình mới, ban điều hành bến xe miền Đông cũng khuyến khích hành khách tại TP.HCM đặt vé qua mạng tại nhà, hạn chế mua vé trực tiếp để tránh việc tiếp xúc. Trong quá trình tham gia di chuyển vào bến xe đặc biệt tuân thủ quy định 5K. Bến xe cũng bố trí lực lượng để kiểm tra kiểm soát thường xuyên và có quyền từ chối phục vụ nếu hành khách không tuân thủ quy định phòng chống dịch.
Giá vé máy bay cao, nữ công nhân vẫn ‘bấm bụng’ chi gần 15 triệu đưa con về quê
Chiều 11.10, chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM đi Hà Nội đã cất cánh với gần 120 hành khách sau nhiều tháng tạm dừng vì dịch Covid-19.
UBND TP.Hà Nội cũng ban hành văn bản bãi bỏ quy định cách ly tập trung 7 ngày với người về từ TP.HCM trên các chuyến bay thường lệ. Đây là thông tin khiến nhiều hành khách có thẻ xanh Covid-19 vui mừng và phấn khởi khi tiết kiệm được khoản chi phí lớn trong việc đi lại.
Giá vé máy bay cao, nữ công nhân vẫn ‘bấm bụng’ chi gần 15 triệu đưa con về quê |
Trong ngày 12.10, Vietnam Airlines chỉ có một chuyến bay chiều từ TP.HCM ra Hà Nội lúc 14 giờ. Vì vậy, từ 12 giờ trưa, rất đông khách hàng đã có mặt để làm thủ tục bay.
Trong giai đoạn thí điểm, Bamboo Airways cũng khôi phục 12 đường bay nội địa. Tuy nhiên, vì số lượng chuyến bay hạn chế trong giai đoạn thí điểm nên giá vé khá cao. Chặng bay TP.HCM – Hà Nội của Vietnam Airlines vào chiều ngày 12.10 được ghi nhận vào khoảng 7,5 triệu/vé cho một chiều trên tính năng mua vé máy bay của một ứng dụng ví điện tử.
Nhiều gia đình trở về quê bằng máy bay sau khi hàng không nội địa khởi động lại |
lê nam |
11 giờ trưa, hai mẹ con chị Lê Thị Trang (23 tuổi, quê Nghệ An) được chồng chở xe máy từ Bình Dương lên sân bay Tân Sơn Nhất để về quê trước, chồng về sau; một phần vì không đủ tiền mua vé, một phần để cố gắng bám trụ lại thành phố kiếm tiền tiêu tết.
Được về quê sau hơn 4 tháng thất nghiệp tại TP.HCM nhưng chị Trang vẫn khá buồn vì phải bỏ số tiền lớn để mua cặp vé máy bay trong khi nhiều tháng qua, cả gia đình phải sống chật vật trong khu nhà trọ. Số tiền này chị cũng phải xin hai ông bà ngoại chứ bản thân hai vợ chồng cũng không lo nổi.
"Cũng vừa vui mà vừa buồn buồn. Tại mua vé nhiều tiền, mua được 1 tuần vé ô tô mới bán lại nên tiếc tiền", chị Trang nói.
Chị Lê Thị Trang (23 tuổi, quê Nghệ An) được về quê nhưng hơi buồn vì phải bỏ một khoản tiền lớn để mua cặp vé máy bay |
lê nam |
Trước đó, Bamboo Airways cũng đưa ra khuyến nghị hành khách có nhu cầu bay nên sớm đặt vé trên những chuyến có lịch trình phù hợp để bảo đảm kế hoạch đi lại và công tác. Vì sau một thời gian dài hàng không "đóng băng" và số lượng các chuyến bay trong giai đoạn đầu thử nghiệm bị hạn chế khiến giá vé máy bay cao hơn bình thường.
Theo quy định của Bộ GTVT, khách đi máy bay phải tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 (có thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện hoặc giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19). Có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay.
Người Đông Hà chỉ cần cầm CMND đến là được tiêm vắc xin Covid-19
Đợt tiêm vắc xin ngừa Covid-19 lần thứ 7, tỉnh Quảng Trị tổ chức tiêm 200.000 liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm, trong đó Trung tâm y tế thành phố Đông Hà được phân bổ 40.000 liều.
Trước đây, để được tiêm vắc xin, người dân phải thực hiện rất nhiều thủ tục, trong đó phải được lập danh sách từ các ban ngành, địa phương, trình lên ngành y tế để xét duyệt, sắp lịch tiêm. Tuy nhiên, với đợt tiêm toàn dân này, người dân chỉ cần mang theo chứng minh nhân dân, căn cước công dân để chứng minh mình trên 18 tuổi là sẽ được sàng lọc và tiêm, không phân biệt người đó ở địa phương nào, làm việc gì.
Người Đông Hà chỉ cần cầm CMND đến là được tiêm vắc xin Covid-19 |
Với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho bà con, đối phó với dịch bệnh Covid-19, Trung tâm y tế TP.Đông Hà đã lần đầu tiên áp dụng tiêm đại trà cho người dân toàn thành phố.
Ngày 11.10.2021, khi chưa tiêm đại trà toàn dân, Trung tâm y tế thành phố Đông Hà đã tiêm được 3.200 liều. Trong ngày 12.10, số lượng người tiêm chắc chắc chắn cao hơn nhiều, tuy nhiên quá trình tiêm chủng hiện vẫn diễn ra an toàn.
Tại các điểm tiêm ở bên trong Trung tâm y tế TP.Đông Hà, người dân đến tiêm rất đông và hầu hết đều tỏ ra thoải mái. Trong khi đó tại các điểm tiêm ở các trạm y tế, số người đến tiêm có ít hơn.
Nữ sinh Bình Phước ngày tiêm vắc xin Covid-19: “Em đang mong đi học dưới Sài Gòn”
Ngày 12.10.2021, các địa phương trong tỉnh Bình Phước đồng loạt thực hiện đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 thứ 15 với 500.000 liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm vừa được Bộ Y tế phân bổ.
Đối tượng được tiêm chủng trong đợt này gồm công nhân các khu công nghiệp, khu kinh tế, công ty cao su, các cơ sở sản xuất kinh doanh ngoài khu công nghiệp, tài xế, phụ xe; phạm nhân trong các trại giam; người giao hàng, tiểu thương tại các chợ, siêu thị, người bán vé số, bán hàng rong; người lao động tại các cơ sở kinh doanh vật tư y tế, nhà thuốc, cửa hàng ăn uống, cắt tóc, gội đầu và các nhóm đối tượng khác như sinh viên, gia đình chính sách...
500.000 liều vắc xin Vero Cell được phân bổ cho 13 đơn vị gồm: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trại giam Tống Lê Chân và trung tâm y tế 11 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Đây là đợt tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 lớn nhất tại Bình Phước tới thời điểm hiện tại.
Nữ sinh Bình Phước ngày tiêm vắc xin Covid-19: “Em đang mong đi học dưới Sài Gòn” |
Theo kế hoạch, từ ngày 12.10 đến 18.10, Bình Phước sẽ tổ chức tiêm mũi 1 cho 250.000 người và từ ngày 10.11 đến ngày 16.11.2021 sẽ tiêm mũi 2 cho 250.000 người này.
Trong sáng 12.10, tại các điểm tiêm ở thành phố Đồng Xoài, người dân đi tiêm vắc xin khá đông. Mỗi điểm tiêm, ngoài lực lượng y tế tham gia khám sàng lọc sức khỏe, tiêm vắc xin còn có khoảng 20 người tham gia hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra giấy tờ cá nhân và hướng dẫn cách khai báo và điền các thông tin trong các tờ khai y tế.
Đến điểm tiêm, tất cả người dân đều được yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K và được sắp xếp đảm bảo giãn cách. Nhiều người cảm thấy vui mừng khi được tiêm vắc xin trong đợt này.
Ngoài học sinh, sinh viên, lái xe thì còn có khá nhiều người cao tuổi tham gia tiêm. Dù tiêm loại vắc xin nào, thì người dân cũng đồng quan điểm vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất, chứ không nhất thiết phải của nước nào.
Hiện Bình Phước có gần 680.000 người từ 18 tuổi trở lên. Qua 14 đợt phân bổ vắc xin Bình Phước đạt 23.8% dân số trưởng thành được tiêm mũi 1 và 9,6% được tiêm mũi 2.
Lập đội “giải cứu hoa” khi làng Vạn Thành bị phong tỏa vì Covid-19
Sau khi xuất hiện ổ dịch ổ dịch Covid-19, từ trưa 9.10.2021, làng hoa Vạn Thành (ở TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) phải thực hiện phong tỏa chống dịch Covid-19 ít nhất 14 ngày.
Làng hoa đã thành lập các đội tình nguyện với khoảng 10 xe tải nhẹ chở giúp hoa từ các vườn ra bãi tập kết cạnh cổng làng hoa để các mối hàng đến nhận. Sau đó, các xe này lại chở nhu yếu phẩm đến giao cho các gia đình đang bị cách ly trong làng hoa.
Đội tình nguyện hoạt động cách vô vị lợi, chỉ mong giúp các gia đình đang bị phong tỏa tiêu thụ được hoa vì dịp lễ 20.10 đã cận kề.
Lập đội “giải cứu hoa” khi làng Vạn Thành bị phong tỏa vì Covid-19 |
Tuy nhiên, có khoảng 50 hộ có trang trại hoa nằm ngoài khu vực phong tỏa, cách ly phòng dịch Covid-19 nên bà con không thể ra khỏi làng để chăm sóc hoặc thu hoạch hoa nên rất sốt ruột.
Không chỉ chở hoa ra bãi xe, Tổ Covid-19 cộng đồng Vạn Thành còn xếp lịch nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm từ người thân, các siêu thị, đại lý gởi vào cho các gia đình đang bị cách ly phòng dịch.
Nhờ Đội hình tình nguyện và Tổ Cộng đồng Covid-19 mà đời sống của gần 600 hộ dân với trên 2.200 nhân khẩu vẫn tạm ổn định.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết sau khi tầm soát, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 lần 2 (trong vài ngày tới), nếu những lao động trong làng hoa Vạn Thành có kết quả âm tính với Covid-19 sẽ được cấp thẻ để ra đồng chăm sóc và thu hoạch hoa.
Cha định đi bộ vượt ngàn cây số về với con, giữa đường được tặng xe máy
Ga Hòa Đa (thuộc xã An Mỹ, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên) những ngày tháng 10.2021 là nơi dừng chân của hàng ngàn con người trên đường thiên lý Nam – Bắc để về quê chạy dịch Covid-19.
Để hành trình của những người dân trở quê bớt gian nan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng chính quyền các cấp, các cơ quan đoàn thể và người dân Phú Yên đã đồng hành hỗ trợ lương thực, nước uống, áo mưa và xăng, tiếp sức cho họ trở về quê an toàn.
Cha định đi bộ vượt ngàn cây số về với con, giữa đường được tặng xe máy |
Trong dòng người với hàng ngàn xe máy ấy bỗng xuất hiện một người đàn ông đi xe đạp.
Vẻ bề ngoài già hơn tuổi 42, anh Lê Văn Ba (quê ở H.Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã vượt hàng trăm cây số đi từ Ninh Thuận về tới Phú Yên bằng cách đi bộ và đạp xe. Đôi chân có vẻ đã mỏi mệt, hành trình về Thanh Hóa thì còn rất xa.
Chiếc xe đạp của một cha xứ ở tỉnh Ninh Thuận tặng anh Ba |
đức huy |
Theo lời kể thì anh và con trai lớn là công nhân hàn tàu biển ở Ninh Thuận. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giá vé xe quá cao nên anh nhường con trai anh về quê trước. Còn anh Ba vẫn bám trụ lại Ninh Thuận chờ dịch qua để làm việc kiếm vài đồng rồi mới trở về.
Thế nhưng, ngày 8.10.2021, anh Ba nhận tin cậu con trai 3 tuổi tái phát bệnh viêm phổi, nhập viện điều trị. Lúc này, anh quyết định đi bộ về quê.
Anh Ba xuất phát từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm với hành trang là mấy bộ quần áo cùng nước uống, bánh ngọt. Sau khi đi bộ liên tục hơn 70 km, anh Ba ghé xin nghỉ chân tại một nhà thờ bên đường lúc chiều tối. Ở đây, anh được cha xứ hỏi thăm và biết được hoàn cảnh, quyết tâm của anh. Cha xứ đã tặng cho anh một chiếc xe đạp cùng ít lộ phí để anh tiếp tục cuộc hành trình.
Anh Ba đạp xe ròng rã suốt một ngày đêm vượt quãng đường chừng 200 km thì đến đèo Cả địa phận tỉnh Khánh Hòa. Trên đường đi lúc thì mưa, lúc thì nắng nên chân tay bị đau nhức, co rút và sưng phù. Thế nhưng, anh cố gắng chịu đau để vượt đèo Cả, rồi đạp xe đến điểm dừng chân ở ga Hòa Đa lúc trời đã gần tối.
Anh Lê Văn Ba gọi cho gia đình khi nghỉ ngơi tại điểm dừng chân ga Hòa Đa |
đức huy |
Thấy hoàn cảnh của anh khó khăn, mọi người hỏi thăm, kêu gọi sự giúp đỡ. Một số doanh nghiệp và người dân ở Phú Yên đã tặng anh một xe máy, hỗ trợ thêm 13,3 triệu đồng để anh Ba trở về quê nhanh chóng và an toàn.
Từ khi thành lập, mỗi ngày, trạm dừng chân ga Hòa Đa tiếp nhận và hỗ trợ cho khoảng hơn 1.000 công dân từ các nơi đi qua địa phận Phú Yên. Tại đây, bà con được ăn uống, nghỉ ngơi, tặng áo mưa, thực phẩm, nước uống và đổ xăng miễn phí trước khi tiếp tục hành trình về quê.
Những hành trình hồi hương như của anh Lê Văn Ba cũng nhờ có tình nghĩa đồng bào mà bớt thêm chút nhọc nhằn.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 12.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)