Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.10: Miền Tây trở thành điểm nóng mới

17/10/2021 19:31 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 17.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Bản tin Covid-19 ngày 17.10: Ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở miền Tây

Cả nước ghi nhận 3.193 ca Covid-19 mới, 1.059 ca khỏi bệnh

Bản tin Bộ Y tế tối 17.10 cho biết tính từ 17 giờ ngày 16.10 đến 17 giờ ngày 17.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.193 ca nhiễm mới, 1.340 ca khỏi bệnh.

Trong ngày ghi nhận 63 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 21.194 ca.

Thông tin về 3.193 ca nhiễm mới được công bố ngày 17.10 như sau:

  • 18 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.175 ca ghi nhận trong nước (giảm 36 ca so với ngày trước đó) tại 48 tỉnh, thành phố (có 1.339 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.059), Bình Dương (537), Đồng Nai (517), Tây Ninh (156), An Giang (117), Kiên Giang (93), Sóc Trăng (64), Long An (54), Cà Mau (48), Tiền Giang (46), Khánh Hòa (40), Đồng Tháp (38), Bình Thuận (38), Cần Thơ (29), Quảng Ngãi (28), Hậu Giang (27), Thanh Hóa (25), Gia Lai (24), Đắk Lắk (22), Hà Nam (22), Quảng Nam (19), Vĩnh Long (15), Nghệ An (14), Trà Vinh (14), Bình Phước (12), Bạc Liêu (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Hà Nội (10), Hà Giang (9), Ninh Thuận (9), Phú Thọ (8 ), Bình Định (8 ), Bến Tre (7), Đắk Nông (6), Kon Tum (5), Quảng Bình (5), Hải Dương (4), Lâm Đồng (4), Hà Tĩnh (4), Phú Yên (3), Lào Cai (3), Thái Bình (2), Thừa Thiên Huế (2), Điện Biên (2), Quảng Trị (1), Bắc Ninh (1), Lạng Sơn (1), Tuyên Quang (1).
Ngày 17.10: Cả nước 3.193 ca Covid-19, 1.059 ca khỏi | TP.HCM 1.059 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-78), Bình Thuận (-78), Tiền Giang (-75).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+269), Bình Dương (+152), Đồng Nai (+120).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.325 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 864.053 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.775 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 859.372 ca, trong đó có 789.027 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình.
  • Có 16 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (417.724), Bình Dương (225.414), Đồng Nai (58.622), Long An (33.738), Tiền Giang (15.011).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.340
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 791.844

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.413 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.300
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 503
  • Thở máy không xâm lấn: 116
  • Thở máy xâm lấn: 473
  • ECMO: 21

Trong ngày, cả nước ghi nhận 63 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (38), Bình Dương (13), Đồng Nai (2), Kiên Giang (2), Sóc Trăng (2), Đắk Lắk (2), Quảng Ngãi (1), Bạc Liêu (1), Bình Thuận (1), Đắk Nông (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 91 ca.

Ngày 17.10: Thông báo 63 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.194 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 107.224 xét nghiệm cho 202.147 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.938.514 mẫu cho 57.727.568 lượt người.

Trong ngày 16.10 có 1.254.443 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 61.919.937 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 44.070.286 liều, tiêm mũi 2 là 17.849.651 liều.

Số ca Covid-19 ở miền Tây tăng nhanh

Tính từ đầu tháng 10 đến nay, các tỉnh thành miền Tây đã đón hàng trăm ngàn người từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về sau khi các tỉnh thành nới lỏng giãn cách. Một số địa phương đã ghi nhận nhiều trường hợp F0 mắc Covid-19. Số ca mắc Covid-19 tại một số tỉnh miền Tây đang có xu hướng tăng nhanh những ngày gần đây.

Cụ thể, An Giang là tỉnh có số người về lớn nhất miền Tây với hơn 51.000 người. Tính từ 1-16.10, tỉnh này ghi nhận 2.310 ca mắc Covid-19, trung bình có 144 ca mắc mới/ngày. Theo các bản tin từ Bộ Y tế, trong nửa tháng đầu tháng 10, An Giang là địa phương ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày đứng thứ tư cả nước (chỉ xếp sau các “điểm nóng” gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai) với mức tăng dao động từ hơn 100 đến hơn 300 ca một ngày (trừ các ngày 12-14.10). Qua phân tích, trong tổng số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn, tỉ lệ ca mắc trong cộng đồng chiếm đến 34%, khu phong tỏa chiếm 32%, khu cách ly chiếm 24%, còn lại là người về từ các tỉnh và nhập cảnh chiếm 9%. Tuy nhiên, nếu tính riêng số ca mắc mới từ ngày 1.10 đến nay tại An Giang, tỉ lệ ca nhiễm mới do người về từ các tỉnh chiếm gần 29%.

Còn tại Sóc Trăng, theo thống kê của Sở Y tế tỉnh này, ngày 1.10, tỉnh chỉ ghi nhận 26 ca Covid-19 trong ngày. 5 ngày sau (tức ngày 6.10), Sóc Trăng có đến 195 ca mắc mới trong ngày. Kể từ đó đến nay, nhiều ngày Sóc Trăng ghi nhận mức tăng trên 200 ca một ngày như: ngày 10.10 có 208 ca, ngày 11.10 ghi nhận 242 ca. Đến ngày 16.10, Sóc Trăng ghi nhận 174 ca Covid-19, trong đó, 153 trường hợp là F1, 17 trường hợp về từ vùng dịch, 4 ca phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng.

Số ca Covid-19 các tỉnh miền Tây tăng nhanh

Tại Đồng Tháp, từ cuối tháng 9 trở về trước, mỗi ngày tỉnh ghi nhận chỉ vài ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, từ ngày 1.10 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng trở lại do dòng người từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ trở về địa phương. Ngày 1.10, Bộ Y tế công bố tỉnh này chỉ ghi nhận 13 ca Covid-19 thì đến một tuần trở lại đây, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày dao động trong khoảng từ 40 đến gần 90 ca. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp, nửa đầu tháng 10, trong tổng số ca mắc Covid-19 thì chiếm hơn 60% là người từ vùng dịch về, còn lại là trong các khu cách ly, khu phong tỏa, số ca mắc trong cộng đồng rất ít.

Cà Mau cũng ghi nhận mức tăng đáng kể trong nửa đầu tháng 10. Trong những ngày đầu tháng 10, Bộ Y tế công bố tỉnh này chỉ ghi nhận vài ca mỗi ngày, tuy nhiên đến một tuần trở lại đây (từ ngày 8-15.10), Cà Mau ghi nhận mức tăng dao động từ gần 40 đến hơn 160 ca một ngày. Từ ngày 1-15.10, Cà Mau ghi nhận 686 ca mắc mới, trong đó 27 ca ghi nhận trong cộng đồng, 555 ca ghi nhận từ người về quê tự phát và 104 ca ghi nhận ở khu cách ly tập trung, cách ly hộ gia đình, khu phong tỏa.

Bên cạnh đó, một số tỉnh cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày tăng so với thời gian đầu tháng 10 như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời, Bộ Y tế cũng lưu ý một số tỉnh nới lỏng giãn cách, TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang có di biến động dân cư lớn (tức là người dân về các tỉnh khác) là nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới, đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời với tinh thần không được chủ quan, lơ là.

Chắc chắn miền Tây có thêm vắc xin phòng Covid-19

Theo đánh giá của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc cộng đồng và tử vong giảm.

Tuy nhiên, một số tỉnh nới lỏng giãn cách và các tỉnh, TP như TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai đang có di biến động dân cư lớn trở về quê (các địa phương khác), trong đó đã ghi nhận nhiều người nhiễm Covid-19, khiến nguy cơ dịch bệnh gia tăng trong những ngày tới; đòi hỏi cần tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện sớm, xử lý kịp thời với tinh thần không được chủ quan, lơ là.

Chắc chắn miền Tây có thêm vắc xin phòng Covid-19

Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động theo dõi chặt chẽ người về từ các địa phương, khu vực có dịch Covid-19 vừa hết giãn cách, nhất là từ các tỉnh, thành có số mắc Covid-19 cao (TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...), thực hiện xét nghiệm, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để tổ chức cách ly phù hợp (cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà).

Theo Bộ Y tế, liên tục 2 ngày gần đây, đã có thêm 4 triệu liều vắc xin Covid-19 về đến Việt Nam; dự kiến trong 2 tuần cuối tháng 10 sẽ tiếp tục tiếp nhận và phân bổ cho các đơn vị, địa phương khoảng hơn 30 triệu liều. Do đó, để đảm bảo sử dụng vắc xin nhanh chóng, hiệu quả, cần tăng nhanh diện bao phủ để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Bộ Y tế cũng khẳng định “chắc chắn sẽ có vắc xin phân bổ thêm cho các tỉnh ĐBSCL”.

Tỉnh Sóc Trăng đã mở chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19

HOÀNG VÂN

Tính đến hết ngày 15.10, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 61 triệu liều vắc xin. Trong 2 tuần đầu tháng 10, mỗi ngày cả nước đã triển khai tiêm được hơn 1 triệu liều vắc xin. Trung bình trong cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin là 57,2% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 23,8% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Đến hết ngày 14.10, các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vắc xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% là Long An (100%), Đồng Nai (100%), Khánh Hòa (99,6%), TP.HCM (gần 99%), Bình Dương (97,8%) và Hà Nội (95,7%). Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cao cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là TP.HCM đạt 73,4%, Long An 67,7% và Quảng Ninh 61,2%.

Về công tác trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, quản lý chặt chẽ công dân khi ra - vào địa bàn; người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc… Tiếp tục thực hiện các nguyên tắc trong phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K và “4 tại chỗ”: vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ và ý thức của người dân.

Người đi xe khách không bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành hướng dẫn tạm thời mới về tổ chức vận tải với 5 lĩnh vực, trong đó nêu rõ 3 loại hình vận tải được hoạt động ở vùng dịch cấp độ 4 theo hướng dẫn cụ thể đồng thời quy định không bắt buộc xét nghiệm Covid-19 với hành khách đi đường bộ, đường sông, đường biển.

Theo hướng dẫn mới, hoạt động vận tải sẽ gắn với 4 cấp độ dịch được đánh số từ 1 đến 4 là: nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao.

Người đi xe khách không bắt buộc phải xét nghiệm Covid-19

Đối với hành khách tham gia giao thông (trừ vận tải hàng không, đường sắt) phải đáp ứng các yêu cầu như tuân thủ "Thông điệp 5K"; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế.

Về xét nghiệm y tế, Bộ Giao thông vận tải chỉ yêu cầu xét nghiệm các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở.

Đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp: Có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng cách ly y tế (phong tỏa); không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Bến xe Miền Đông (TP.HCM) những ngày qua chưa có nhiều khách

Lê Nam

Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19 và người đã khỏi bệnh, chỉ xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng phong tỏa. Việc xét nghiệm SARS-CoV-2 được thực hiện bằng phương pháp Realtime-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ.

Đối với đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô phải yêu cầu lái lái xe chạy đúng hành trình và chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm theo quy định.

Sau giãn cách xã hội, người đi khám bệnh lây qua đường tình dục tăng đột biến

Ngày 17.10.2021, thông tin từ Bệnh viện Da liễu TP.HCM, sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 kéo dài, lượng người đi khám bệnh lây truyền qua đường tình dục tăng đột biến. Trong đó, có nhiều trường hợp biến chứng nguy hiểm do thời gian dài không được điều trị.

Cụ thể, giai đoạn trước và trong dịch, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 đến 100 bệnh nhân đến khám.

Tuy nhiên, sau thời gian giãn cách xã hội phòng chống Covid-19 kéo dài, số lượng bệnh nhân đến khám lên đến 200 người mỗi ngày, tăng gấp đôi so với thời gian trước. Nguyên nhân là do trong thời gian giãn cách xã hội, người dân không thể hoặc ngại đến bệnh viện.

Sau giãn cách xã hội, người đi khám bệnh lây qua đường tình dục tăng đột biến

Theo BSCK2 Nguyễn Thị Thanh Thơ, Phó trưởng khoa Lâm sàng 3, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà… nếu để lâu không điều trị sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thơ, khi phát hiện mình có dấu hiệu mắc một trong các bệnh lây qua đường tình dục thì người bệnh cần đến bệnh viện khám ngay để ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.

Trong trường hợp vì lý do nào đó, bệnh nhân vẫn chưa đến bệnh viện khám được thì cần phải bình tĩnh, hạn chế quan hệ tình dục để phòng tránh lây nhiễm cho đối phương. Bên cạnh đó, hiện nay bệnh viện cũng có chương trình tư vấn khám chữa bệnh online qua Zalo, bệnh nhân có thể liên lạc để được tư vấn kịp thời.

Bình Phước tạm dừng thực hiện các đoàn dẫn người dân qua tỉnh

Ngày 17.10, đại tá Lâm Văn Long, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Phước, cho biết từ 0 giờ ngày 17.10, Công an tỉnh Bình Phước tạm dừng tổ chức dẫn đoàn người từ hướng Tây Nguyên về Bình Dương và các tỉnh Đông Nam bộ cũng như hướng ngược lại.

Theo thống kê từ Công an tỉnh Bình Phước: Từ ngày 2.10 đến ngày 16.10, tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận, dẫn 84 đoàn với 82.250 người; bố trí 77 lượt xe khách vận chuyển 4.405 người đi bộ, quá cảnh qua địa bàn tỉnh từ hướng Bình Dương về Tây nguyên và ngược lại. Qua theo dõi, người dân quá cảnh về tỉnh bắt đầu giảm từ ngày 6.10, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.200 người về. Cũng trong thời gian này, Bình Phước đã tiếp nhận 8.201 người về tỉnh Bình Phước sinh sống; 2.083 người từ Bình Phước đi các tỉnh khác sinh sống.

Bình Phước tạm dừng tổ chức dẫn người dân qua tỉnh từ 17.10

Ngoài việc tổ chức các đoàn xe chuyên dụng của lực lượng CSGT Công an tỉnh Bình Phước dẫn đoàn, công an huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị tham gia phòng chống dịch, các chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cũng đã trực tiếp tham gia bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông cho người dân về quê chống dịch được an toàn. Cùng với đó, các chốt kiểm soát, điểm dừng chân được bố trí cho người dân đổ xăng, nghỉ ngơi đều được các địa phương, lực lượng công an tại đây vận động các mạnh thường quân phát tặng hơn 50.000 phần thực phẩm, nước uống, sữa, bánh, áo mưa… cho người dân, qua đó nhận được sự cảm kích, đồng tình của người dân khi lưu thông qua tỉnh Bình Phước.

Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ 0 giờ ngày 17.10, Công an tỉnh Bình Phước tạm dừng việc dẫn đoàn người qua tỉnh. Không phân biệt người đi ô tô, xe máy, các phương tiện khác và người đi bộ (riêng xe luồng xanh thì quét mã QR hợp lệ cho đi ngay) nếu đi qua tỉnh Bình Phước để đi về tỉnh thành phố khác thì cán bộ trực chốt kiểm tra đầy đủ giấy tờ đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (liều thứ 2 đã qua 14 ngày) hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 06 tháng; đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin phòng Covid-19 (đã qua 14 ngày) thì đề nghị có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm đến chốt; đối với người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 thì phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ tính đến thời điểm đến chốt.

Trong 2 tuần qua, Bình Phước cũng tiếp nhận hơn 8.200 công dân về địa phương

Hoàng Giáp

Nếu thỏa mãn một trong các điều kiện trên thì lực lượng chức năng sẽ nhanh chóng giải quyết cho đi qua tỉnh Bình Phước. Trường hợp không có giấy xét nghiệm thì công an cũng sẽ hướng dẫn người dân xét nghiệm và giải quyết ngay theo quy định. Công an tỉnh cũng chính thức tạm dừng việc dẫn đoàn người các địa phương qua tỉnh ở cả 2 chiều.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.