Đúng 13 giờ ngày 10.10 (giờ Thụy Điển, 18 giờ VN), Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển Mats Malm đã công bố giải thưởng Nobel văn chương 2018 - 2019, giải thưởng được rất nhiều người ngóng đợi sau 1 năm phải hoãn lại vì bê bối tình dục và tài chính “bủa vây”.
Olga Tokarczuk và Peter Handke đã vượt qua hơn 200 ứng cử viên là những nhà văn xuất sắc đến từ khắp nơi trên thế giới được hội đồng giám khảo lựa chọn trao giải thưởng danh giá này. Mỗi tác giả chiến thắng sẽ nhận 9 triệu krona (tương đương khoảng hơn 21 tỉ đồng).
Tờ The Guardian cho biết, khi Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố giải thưởng, ông Peter Handke đang ở tư gia tại Pháp, trong khi bà Olga Tokarczuk đang trên chuyến tàu ở Đức.
Vượt qua những ranh giới, khám phá vùng ngoại biên
Theo trang Twitter của giải thưởng Nobel, nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk được trao giải thưởng Nobel văn chương 2018 vì “trí tưởng tượng cùng niềm đam mê kiến thức rộng lớn cho thấy sự vượt qua những ranh giới như một dạng thức sự sống”. Bà được đánh giá là “một tác giả quan tâm đến cuộc sống địa phương, nhưng có cái nhìn từ trên cao xuống. Tác phẩm của bà đầy dí dỏm và sự láu lỉnh”.
Trong khi đó, hội đồng giám khảo nhìn nhận nhà văn Áo Peter Handke - người nhận giải thưởng Nobel văn chương 2019 ở “công việc có tầm ảnh hưởng mà cùng với sự khéo léo về ngôn ngữ đã khám phá vùng ngoại biên và đặc trưng của trải nghiệm con người”. Ông còn được đánh giá là "đã tự khẳng định là một trong những tác giả ảnh hưởng nhất tại châu Âu sau thế chiến thứ 2".
Nữ văn sĩ Olga Tokarczuk là một trong những nhà văn xuất sắc và thành công về mặt thương mại nhất tại Ba Lan. Bà sáng tác tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ... Trước khi được trao giải thưởng Nobel văn chương, 1 năm trước, Olga Tokarczuk đã trở thành nhà văn Ba Lan đầu tiên nhận giải thưởng văn chương danh giá Man Booker International với tiểu thuyết Flights. Olga Tokarczuk từng theo học ngành tâm lý tại Đại học Warsaw. Chính công việc liên quan tới ngành học đã mang đến cảm hứng văn chương cho bà. Tác phẩm đầu tiên của bà xuất bản năm 1989. Cùng với sự nghiệp văn chương, nữ văn sĩ 57 tuổi này còn được biết đến là một nhà hoạt động xã hội, chính trị tại Ba Lan.
Trong khi đó, Peter Handke theo học luật tại Trường đại học Graz. Tuy nhiên, ông đã ngừng việc học ngay khi nhà xuất bản Suhrkamp Verlag (Đức) chấp nhận xuất bản cuốn tiểu thuyết Die Hornissen của ông. Thư mục tác phẩm của ông gồm tiểu thuyết, kịch bản phim, kịch bản sân khấu, ghi chép, tiểu luận… Trong đó, đáng chú ý có vở kịch The hour we knew nothing of each other (hoàn toàn không có lời thoại), tiểu thuyết Die Wiederholung…
Năm 2009, Peter Handke nhận giải thưởng Franz Kafka dành cho những tác giả có sáng tác độc đáo, phi thường, khiến độc giả không còn bận tâm đến nguồn gốc xuất thân, bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời. Dù vậy, do có những quan điểm chính trị khác biệt, có những đề cử hay chiến thắng giải thưởng của ông bị phản đối gay gắt, thậm chí là biểu tình.
Năm 2014, Peter Handke còn phát biểu rằng giải thưởng Nobel nên được bãi bỏ và vì đó là sự đánh giá sai lầm với văn chương. The Guardian trích lời ông từng nói với tờ Die Presse của Áo rằng ông không phục lựa chọn của hội đồng giám khảo.
Quyết định dễ gây tranh cãi
Mặc dù không đứng ở vị trí đầu tiên, tuy nhiên nữ văn sĩ Olga Tokarczuk luôn nằm trong top đầu những ứng cử viên sáng giá cho giải thưởng Nobel văn chương. Bà đã vượt qua nhiều nhà văn nữ tên tuổi như Anne Carson (Canada), Margaret Atwood (Canada), Lyudmila Ulitskaya (Nga) để trở thành nhà văn nữ thứ 15 được gọi tên trong lịch sử giải thưởng Nobel văn chương.
Việc một nhà văn nữ đoạt giải thưởng năm nay được dự đoán gần như chắc chắn khi ông Anders Olsson - Chủ tịch Ủy ban Nobel của Viện Hàn lâm Thụy Điển, cho biết giải thưởng Nobel văn chương sẽ thay đổi cách chấm điểm nhằm xóa bỏ định kiến rằng giải thường ưu ái tác giả nam và giới văn chương châu Âu. Bởi vậy, việc lựa chọn Olga Tokarczuk được cho là bất ngờ thú vị, thì việc lựa chọn Peter Handke - một nam nhà văn đến từ Áo lại bị cho là bất ngờ kỳ lạ và dễ gây tranh cãi trước những chia sẻ của ông Anders Olsson.
Một trong niềm hy vọng của văn chương châu Á là nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami vẫn chưa được gọi tên tại giải thưởng năm nay. Trong nhiều năm liên tục, Haruki Murakami gần như luôn đứng trong top đầu các nhà văn là những ứng cử viên sáng giá cho Nobel văn chương, nhưng đến giờ ông vẫn “vô duyên” với giải thưởng này. Năm ngoái, nhà văn Nhật Bản này đã từ chối khi được đề cử với giải thưởng New Academy 2018, giải thưởng được cho là thay thế cho Nobel văn chương bị hoãn vào năm ngoái. Lý do của Murakami là muốn dành thời gian tập trung cho sáng tác.
Không biết cảm xúc của Haruki Murakami như thế nào khi ông vẫn chưa được xuất hiện trong lịch sử giải thưởng Nobel, tuy nhiên với nhiều người hâm mộ ông, việc nhà văn này có đoạt giải Nobel hay không lại không quan trọng bằng việc sách của ông vẫn bán chạy tại nhiều nơi trên thế giới.
Bình luận (0)