'Bẫy' của Covid

Ngọc Mai
Ngọc Mai
28/04/2021 04:43 GMT+7

Cơn địa chấn “hơn cả đau lòng” đang diễn ra tại Ấn Độ - nhà sản xuất và xuất khẩu vắc xin lớn nhất thế giới - là lời cảnh tỉnh cho tất cả các nước không thể chủ quan trước đại dịch Covid-19 .

Hơn một năm trôi qua kể từ khi Covid-19 bùng phát và lây lan thành đại dịch, nhiều nước trên thế giới đã vượt qua các làn sóng dịch bệnh và đạt được thành tựu chống dịch đáng ghi nhận. Cùng với tốc độ phát triển và chủng ngừa vắc xin kỷ lục, các nước từng bước mở cửa lại và tuyên bố chiến thắng. Tuy nhiên, Covid-19 nguy hiểm hơn ta nghĩ, thành quả chống dịch nếu không được bảo vệ và tăng cường thì hiểm họa phía sau còn khó lường hơn.
Chìa khóa là vắc xin đã có, hơn 1 tỉ liều đã được tiêm nhưng chỉ tập trung chủ yếu ở một số quốc gia có tiềm lực, trong khi phần lớn các nước nghèo chưa thể tiếp cận rộng rãi. Cũng phải nói rõ rằng vắc xin vẫn chưa phải là chốt chặn an toàn tuyệt đối, bởi lẽ SARS-CoV-2 đã phát triển thành nhiều biến thể, trong đó có những loại lây lan nhanh, nguy hiểm hơn và chưa ai dám chắc vắc xin có thể chế ngự hoàn toàn. Chính các biến thể này đã khiến nhiều nước trở tay không kịp. Bên cạnh đó, nguyên nhân rất lớn xuất phát từ tâm thế chủ quan “sổ lồng” quá sớm khiến các nước từng là hình mẫu kiểm soát tốt Covid-19 “vỡ trận”. Giờ đây, Ấn Độ, Lào, Thái Lan, Campuchia, Nhật Bản hay Đức đang chật vật đối phó với làn sóng tái bùng phát dữ dội của dịch bệnh.
Bên cạnh những yếu tố đặc thù, một nguyên nhân được xem là điểm chung trong làn sóng dịch lần này ở ba quốc gia láng giềng Lào, Campuchia và Thái Lan chính là mối nguy từ các ca bệnh nhập cảnh trái phép và trốn cách ly. Nguồn cơn dịch bệnh căng thẳng hiện nay ở Campuchia xuất phát từ vụ 4 người Trung Quốc mắc bệnh trốn cách ly và di chuyển tới nhiều nơi. Trong khi đó, đợt dịch mới ở Lào bắt nguồn từ các trường hợp nhập cảnh trái phép từ Thái Lan. Còn ở Thái Lan, một trong những nguồn lây nhiễm chính lại là các lao động nhập cư bất hợp pháp. Dịch bệnh trở nên khó lường và phức tạp hơn ở các quốc gia Đông Nam Á khi còn nhiều người dân và chính quyền phớt lờ quy định phòng dịch trong đợt lễ tết vừa qua.
Trong khi đó, bài học Ấn Độ xuất phát từ tâm lý chủ quan của người dân và bất cập chính sách của chính quyền. Chỉ mới cách đây hơn một tháng, các quan chức cấp cao Ấn Độ lạc quan nói về sự kết thúc của dịch bệnh tại nước này, cùng với đó là việc mở cửa thả ga cho các hoạt động văn hóa, thể thao. Hàng triệu tín đồ hành hương về các lễ hội tôn giáo lớn, hàng triệu người tụ tập ngâm mình dưới sông Hằng, hàng loạt cuộc mít tinh lớn diễn ra bất chấp các ca nhiễm. Hệ thống y tế của Ấn Độ đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn vì không chuẩn bị đủ mọi thứ từ thuốc men, giường bệnh, vật tư để chống chọi với “cơn sóng thần” này.
Bài học từ Ấn Độ và các nước trên có lẽ là xương máu đối với các chính phủ và mọi người dân khắp thế giới, trong đó có Việt Nam. Tiêm chủng nhanh chóng và rộng rãi là rất cần thiết, nhưng như vậy là chưa đủ để chiến đấu với Covid-19, đặc biệt là khi nguồn cung vắc xin vẫn còn hạn chế.
Việt Nam sắp bước vào kỳ nghỉ lễ với cảnh báo nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát rất cao từ bên kia biên giới. Lúc này chuyện nhập cảnh trái phép, trốn cách ly, chủ quan tương tác xã hội bất chấp cảnh báo đều có thể mang lại hậu quả khó lường. Lúc này, mọi hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội càng phải tăng cường biện pháp phòng chống dịch, bởi chỉ cần lơ là cảnh giác mà “bung xõa” bất chấp thì nguy cơ “vỡ trận” là hoàn toàn hiện hữu.
Cũng phải nhấn mạnh, ý thức và tinh thần của mỗi người mới chính là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành bại của chống dịch.

Quảng Trị kích hoạt “lá chắn 3 lớp” chống Covid-19 trên tuyến biên giới Việt - Lào

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.