Tại TP.HCM, UBND TP.HCM tổ chức lễ ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Dự buổi lễ có Chủ tịch nước Tô Lâm; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM; lãnh đạo Ban Giám đốc Công an TP.HCM và các sở ban ngành; công an quận, huyện, TP.Thủ Đức cùng 1.000 thành viên bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Ngoài ra, các địa phương trên cả nước cũng đồng loạt ra mắt lực lượng này. Đây là lực lượng được kiện toàn từ 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng.
Giải quyết kịp thời, nhanh chóng từ cơ sở các vụ việc liên quan ANTT
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Tô Lâm ghi nhận, biểu dương thành tích, nỗ lực cùng sự chủ động, tích cực của Thành ủy, chính quyền, lực lượng công an và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể của TP.HCM trong việc tổ chức thi hành luật và sự chuẩn bị tốt cho việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Theo Chủ tịch nước, luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, và từ ngày 1.7.2024 luật chính thức có hiệu lực thi hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở. Luật đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng trong hoạt động quản lý, sử dụng lực lượng tham gia để hỗ trợ công an cấp xã thực hiện các nhiệm vụ, chủ động kịp thời giải quyết ngay tại chỗ, ngay từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT.
Chủ tịch nước tin tưởng rằng đây sẽ là lực lượng quần chúng đắc lực, tinh nhuệ, là cánh tay nối dài của lực lượng công an nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ), từng bước xây dựng nền an ninh nhân dân (ANND) gắn với thế trận ANND vững chắc, giải quyết kịp thời, nhanh chóng, từ sớm, từ cơ sở các vụ việc liên quan đến ANTT, không để mâu thuẫn nhỏ tạo thành vụ việc lớn, phát sinh tội phạm và tạo thành các điểm nóng.
Trong thời gian tới, để phát huy vai trò, vị trí của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch nước đề nghị phải tiếp tục xây dựng, củng cố nền ANND, thế trận ANND. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của luật để chỉ đạo lực lượng công an với vai trò nòng cốt; phối hợp với các ngành, đoàn thể tham mưu triển khai một cách đầy đủ, thống nhất, bao quát và bám sát hết địa bàn cơ sở.
"Cùng với đó, phải quan tâm đến xây dựng, bố trí, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện đảm bảo hoạt động và chế độ, chính sách cho lực lượng này. Huy động cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền tạo sự ủng hộ của nhân dân đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở, góp phần đảm bảo tốt tình hình ANTT và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ tại địa phương. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động phù hợp với trình độ, năng lực, đúng quy định pháp luật trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở và không trùng lặp với nhiệm vụ của công an cấp xã và chính quyền cơ sở", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Đồng thời, tập trung giải quyết những vấn đề nhạy cảm về ANTT, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, không để kẻ địch, phần tử xấu xuyên tạc, kích động, lôi kéo gây mất ANTT, xói mòn niềm tin của nhân dân. Tập trung đấu tranh phòng chống tội phạm, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ANTT, tệ nạn xã hội; gắn với xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động phong trào toàn dân BVANTQ.
Chủ tịch nước Tô Lâm nói thêm, thời gian tới phải chú trọng xây dựng, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, các điển hình trong quá trình triển khai lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở ở các địa phương trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Kịp thời biểu dương, động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT tại địa phương.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý lực lượng công an các cấp phải thực hiện tốt công tác nắm, đánh giá dự báo tình hình, tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là việc phân công, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở phù hợp với từng địa bàn, mục tiêu, khu vực dân cư để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ tại cơ sở.
Cấp thiết, kịp thời và quan trọng
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, lãnh đạo TP.HCM nhận thức rằng luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và việc triển khai lực lượng này trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung là hết sức cấp thiết, kịp thời và quan trọng. "Trước mắt, TP.HCM sẽ tập trung tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cả hệ thống chính trị, trong các cơ quan, tổ chức và tất cả các địa bàn dân cư về luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở", ông Mãi nhấn mạnh.
Trung tướng Lê Hồng Nam cho biết địa bàn TP.HCM thành lập 4.861 tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên. Đây là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở khu phố, ấp, làm nòng cốt trong hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong việc bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ.
Theo trung tướng Nam, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở này sẽ được UBND cấp xã bố trí địa điểm, làm việc tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở khu phố, ấp hoặc địa điểm, nơi làm việc của công an cấp xã... Lực lượng này sẽ được trang bị trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận, phương tiện, thiết bị cần thiết, công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Người tham gia lực lượng được hưởng tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; trong đó tổ trưởng được hỗ trợ 6,5 triệu đồng/tháng; tổ phó hưởng 6,3 triệu đồng/tháng và tổ viên hưởng 6 triệu đồng tháng; và được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác.
Bình luận (0)