Điều đó có nghĩa là gì? Một tuổi trẻ kéo dài, tươi đẹp, đầy bất an và tình yêu là những chuyến đường để đi đến lời nói tạm biệt. Cú máy này làm tôi đặc biệt liên tưởng đến Goodbye south, goodbye của Hầu Hiếu Hiền. Cho nên, dù Phan Đăng Di cố gào lên Chàng dâng cá, nàng ăn hoa là phim thương mại, thì cũng chẳng thể khiến ai tin. Vẫn là cái chất ngây thơ đến... tàn bạo ấy, lần này là cuộc trùng phùng với ống kính của D.O.P Phạm Quang Minh kể từ sau Bi, đừng sợ! của hơn 10 năm trước.
Thật ra, phim vẫn có chất rất thương mại đấy chứ! Đầu tiên là pha đặt hàng của kênh HBO châu Á cho loạt phim về ẩm thực bao gồm 8 đạo diễn đến từ 8 quốc gia khác nhau tham gia. Ở Chàng dâng cá, nàng ăn hoa, Phan Đăng Di làm việc với 2 diễn viên trẻ đẹp như mơ, vì thế mà đôi lúc, cho dù diễn xuất của họ vẫn còn chút chới với thì vẫn làm ta thỏa mãn vì vẻ đẹp rực rỡ. Cả một ê kíp làm phim đều được Phan Đăng Di lôi từ hoạt động điện ảnh Gặp gỡ mùa thu vào: sản xuất, thiết kế, phục trang... Bên cạnh 2 gương mặt kỳ cựu là nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và, tất nhiên, chính là đạo diễn, thì hầu hết đều là những cái tên còn mới trong nghề. Tiêu chuẩn của Phan Đăng Di dành cho tác phẩm này ngay từ đầu hẳn rất nghiêng về mặt... thương mại. Di bảo, anh đã đến cái tuổi biết chấp nhận những niềm vui mang hình hài khác, không nhất định phải phân biệt nghệ thuật hay thương mại. Ấy vậy mà Chàng dâng cá, nàng ăn hoa vẫn được LHP quốc tế Tokyo vừa rồi chọn chiếu trong khuôn khổ chương trình. Chạy đằng trời không khỏi cái mác nghệ thuật là đây!
Tôi gọi Chàng dâng cá, nàng ăn hoa là một tác phẩm “ẩm thực nam nữ” rất... Phan Đăng Di. Ẩm thực có, nam nữ cũng có nốt. Di giỏi nhất là khái quát vấn đề, điểm này đã được thể hiện từ những tác phẩm thời kỳ đầu của anh. Nếu như Lý An quay ẩm thực để nói đến chuyện gia đình, văn hóa, xã hội... thì câu chuyện của Phan Đăng Di cô đọng hơn trong chủ đề tình yêu trai gái. Vẫn là tên các nhân vật trong Cha, con và..., song qua tới Chàng dâng cá, nàng ăn hoa, Thăng, Vân, Vũ đã được mang những số phận khác. Bối cảnh, nghề nghiệp, nơi chốn liệu có thể định nghĩa được 2 con người trong tình yêu? Câu chuyện tưởng chừng chả có gì để kể, thông qua ngôn ngữ hình ảnh rất đặc trưng của Phan Đăng Di, nó lại trở thành một thứ bí mật vừa ngốc nghếch, vừa gợi cảm mà lại rất đương nhiên. Yêu nhau, ân ái, ghen tuông, đầu độc rồi chia ly, tình yêu chỉ có thế. Nó là một vòng tuần hoàn khi ta mới chứng kiến câu chuyện giữa Thăng và Vân đi đến hồi kết, thì ngay trong gian bếp, Vũ lặp lại hành động y chang Thăng ở đầu phim: móc tay vào bụng cá, lôi ra một thứ máu tanh nhờn và đưa lên mũi ngửi. Có phải khoảnh khắc ấy diễn ra sau khi Vũ biết động tình khi nhìn thấy bầu ngực con gái của Vân, để từ đó về sau, Vũ đã đủ tiêu chuẩn bước vào con đường... nấu nướng chuyên nghiệp? Nghe có vẻ buồn cười, nhưng đúng là cái lô gíc này đấy. Thăng say mê nấu nướng như say mê cơ thể của Vân, hoặc ngược lại. Anh lý giải phụ nữ như lý giải một con cá. Và cái cách anh tẩm bổ Vân chả khác gì người ta nuôi cá lấy thịt. Trong lúc đó, Vân ăn chay. Thật buồn bã làm sao, khi ở phim của Di, nếu không phải là đàn bà không hiểu được đàn ông thì chính là đàn ông muôn đời không bao giờ chạm được vào suy nghĩ của đàn bà.
|
Người đàn bà trong phim Phan Đăng Di quả thật là người đàn bà mà thiên hạ vẫn hay trêu đùa, rằng họ đều chả sợ gì, chỉ sợ già. Họ tận hiến cảm xúc cho đàn ông trẻ, rồi họ đi tìm một người đàn ông già dặn hơn để cưới. Cảm xúc đôi lúc sẽ làm người ta lạc lối, nhưng có rất ít phụ nữ lạc lối. Khi người đàn ông lao vào cô ấy với tất cả năng lượng của tuổi trẻ, rồi bày biện ra những bữa tiệc linh đình mãn nhãn, thì đồng thời, qua vết nứt rất nhỏ của sự khác biệt giới tính, anh ta đã vô tình ném vào vết nứt ấy một nỗi lo âu không ngừng sinh sôi. Những cuộc đuổi bắt nhau giữa Thăng và Vân gần như luôn trên chiếc cầu thang nhỏ hẹp, là nơi mà chúng ta thấy được, tình yêu thật dễ khiến người ta bấp bênh, rồi nhỏ bé đi với những cơn ghen tuông mù quáng. Trong màu xanh nồng ấm bao phủ suốt phim, thời gian uể oải trôi qua. Dù rất uể oải, song thời gian vẫn trôi qua. Thật đáng tiếc!
Nhìn ở góc độ khái quát, câu chuyện Chàng dâng cá, nàng ăn hoa chả khác mấy với những câu chuyện mà Phan Đăng Di từng kể. Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, ngôn ngữ điện ảnh của Di luôn gây ra một sự xúc động kỳ lạ vì đẹp. Vẻ đẹp của hình ảnh. Vẻ đẹp của những điều bình thường mà anh nhìn thấy ở các mối quan hệ của con người, hoặc mối quan hệ của một nhân vật với chính bản thân họ. Dù đã đem cả ê kíp Gặp gỡ mùa thu chưa nhiều va chạm nghề nghiệp cho tác phẩm đặt hàng này, Di vẫn cứ là một đạo diễn vô cùng cẩn trọng (hoặc anh quá tự tin, có lẽ lắm chứ). Câu chuyện mang tên nam nữ: ẩm thực nam nữ, bia rượu nam nữ hoặc tất tần tật nam nữ... đã được anh kể đôi ba lần với nhiều hình dạng khác nhau, lần này một lần nữa được kể rất thành thục. Đây có phải là lời tạm biệt thơ ngây, để chuẩn bị cho một dự án lớn hơn, và đáng mong đợi hơn sau đó? Như Tiệc trăng tròn sắp tới chẳng hạn.
Bình luận (0)