ASEAN không quá xa vời với start-up Việt

30/10/2019 22:29 GMT+7

Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nguồn nhân lực ngày càng cải thiện về kỹ năng, tạo điều kiện cho giới start-up 'ngắm nghía' để vươn ra khu vực ASEAN .

Theo “Báo cáo Chỉ số Năng động Trẻ tại châu Á năm 2018” của DotAsia, tổ chức phi chính phủ chuyên thúc đẩy phát triển và sử dụng mạng Internet tại châu Á, tốc độ đăng ký doanh nghiệp mới tại Việt Nam mỗi năm lên đến 24,9%, tương đương với hơn 110.000 doanh nghiệp. So sánh số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đăng ký mới mỗi năm, Việt Nam là hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ 3 châu Á, chỉ xếp sau Hồng Kông và Singapore.
Ngoài việc phục vụ thị trường có hơn 95 triệu dân, các start-up Việt Nam cũng cân nhắc mở rộng ra nhiều thị trường nước ngoài. ASEAN, hiệp hội mà Việt Nam đã là thành viên từ năm 1995, có thể là điểm đến hợp lý nhất cho các start-up này. Trên thực tế, start-up cũng có thể tạo ra mối liên hệ giữa thị trường địa phương và sự hội nhập sâu sắc với cộng đồng ASEAN.

Tiềm năng lớn từ ASEAN - thị trường 600 triệu dân

Báo cáo về hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN năm 2018 của trang e27 thực hiện trên 328 start-up trong khu vực từ 36 ngành công nghiệp, tổng số vốn huy động được trong năm 2018 là 12,39 tỉ USD, nâng giá trị một thương vụ trung bình lên khoảng 37 triệu USD. Trong đó, các ngành chiếm nhiều thương vụ nhất là tiêu dùng, giải pháp doanh nghiệp, thương mại điện tử, dữ liệu lớn và tài chính. Vì vậy, nhiều start-up Việt đánh giá ASEAN là thị trường đầy hứa hẹn.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM (ITP) nhận định: “Với dân số hơn 600 triệu người, ASEAN là một thị trường lớn và cực kỳ tiềm năng cho các start-up Việt Nam”. Ông Anh Thi trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng doanh nghiệp Việt Nam có thể chọn mở rộng kinh doanh ra các nước ASEAN vì “người dùng mạng internet tại đây tương đồng về mặt bản sắc văn hóa cũng như về cách tiếp cận công nghệ”.
Ông Trương Võ Hữu Thiên, nhà sáng lập và CEO GaraSTEM, cũng đánh giá cao tương lai của thị trường ASEAN vì dân số đông và nhiều nhà đầu tư hứng thú với thị trường này nên start-up Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc làm đòn bẩy cho các nhà đầu tư nhắm vào thị trường ASEAN. GaraSTEM chuyên sản xuất và cung cấp dụng cụ, thiết bị, phòng thí nghiệm về giáo dục STEM.
Ông Bùi Hải An, nhà sáng lập và CEO O2 Financial chia sẻ: “ASEAN là thị trường tiềm năng vì khoảng cách gần và văn hóa không quá khác biệt giữa các nước. Tốc độ phát triển của Việt Nam tương đồng với các nước trong khu vực nên sản phẩm của start-up Việt dễ được chấp nhận tại ASEAN”. O2 Financial là start-up tập trung cung cấp các giải pháp công nghệ cho các công ty và cá nhân nhằm giảm thiểu các va chạm trong giao dịch.

Nhân công rẻ, kỹ năng tốt

Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi đánh giá nguồn nhân lực về công nghệ là một lợi thế lớn của Việt Nam. “Đối với khởi nghiệp công nghệ hay khởi nghiệp sáng tạo, con người là yếu tố quan trọng nhất. Và Việt Nam may mắn có được lợi điểm này”, ông Anh Thi nói.
Báo cáo Phát triển Thế giới 2019 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ hai về chỉ số vốn con người HCI (Human Capital Index) với 0,67 điểm trong khu vực ASEAN, chỉ xếp sau Singapore (0,88 điểm). Việt Nam xếp 48 trong số 157 các quốc gia toàn cầu.
World Bank đánh giá: “Bằng cách tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, nhân công Việt Nam đã phát triển khả năng ngoại ngữ, phát triển thêm nguồn nhân lực cho phép họ mở rộng sang các thị trường khác”. Báo cáo này cũng cho biết nguồn nhân lực này sẽ là nền tảng đắc lực giúp các start-up Việt Nam có dự định đưa doanh nghiệp ra thị trường các nước Đông Nam Á.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cũng cho biết hiện nay, khoảng 52% dân số Việt Nam đang trong độ tuổi lao động và khoảng 22% trong số này được đào tạo và có kỹ năng, sở hữu chứng chỉ. “Báo cáo Tương lai ASEAN: Góc nhìn Việt Nam” của công ty PwC nhận định đây là những yếu tố tạo nên kiến trúc dân số lý tưởng bảo đảm lực lượng lao động ổn định.
CEO GaraSTEM Trương Võ Hữu Thiên khẳng định chi phí nhân lực công nghệ Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn còn khá rẻ. Cộng với việc biết tận dụng nguồn lực trí tuệ, sản phẩm công nghệ Việt Nam có thể “không thua kém gì” sản phẩm công nghệ nước ngoài.
Trong khi đó, CEO O2 Financial Bùi Hải An nói các đối tác nước ngoài của ông phản hồi tích cực về khả năng học hỏi của nhân sự Việt Nam. Người Việt Nam cũng thường được đánh giá là không ngại khó khăn và siêng năng hơn nhân sự nhiều nước khác. Ông An cho biết dưới góc nhìn cá nhân, nhân lực trẻ Việt Nam chủ động đến các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia để học hỏi và có năng lực cạnh tranh cao. Nguồn nhân lực này sẽ giúp các start-up, nhà đầu tư Việt Nam xây dựng cơ sở thị trường mới dễ dàng khi mở rộng thị trường ra ASEAN.

Chọn ASEAN để tiến ra thị trường toàn cầu

Ông Trương Võ Hữu Thiên nói: “Thực tế, công ty nào cũng đặt mục tiêu thị trường toàn cầu, nhưng không thể ngay lập tức đạt được đích đến đó. Nên các công ty sẽ chọn một thị trường mục tiêu trước, có thể là thị trường nội địa hoặc thị trường ASEAN vì lợi thế phát triển”.
Theo ông Bùi Hải An, việc mở rộng start-up Việt Nam ra thị trường nước ngoài hiện tại không quá khó nhưng đi hay không vẫn tùy lựa chọn của doanh nghiệp và đa phần các start-up hiện tại tập trung làm tốt tại thị trường Việt Nam. “Tùy dạng mô hình kinh doanh, việc mở rộng thị trường đem lại lợi ích khác nhau. Đa phần start-up Việt Nam thì theo hướng địa phương rồi toàn cầu hóa. Việc mở rộng vùng thì gần đây mới xuất hiện. Vì chinh phục được các thị trường như Indonesia, Malaysia khó hơn thị trường Việt Nam nhiều vì rào cản ngôn ngữ, hỗ trợ chính phủ và việc mở rộng mang tính sàng lọc nhiều hơn", ông An nói. Ngoài ra, các start-up Việt Nam phải xác định mô hình kinh doanh của mình đủ năng lực để triển khai ở nước ngoài chưa vì phát triển ở Việt Nam thì dễ dàng và ít tốn chi phí hơn. 

Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM hỗ trợ start-up vươn ra biển lớn

Runway to the world là chương trình trao đổi start-up thường niên do Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SIHUB), trực thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, tổ chức. Theo đó, SIHUB hỗ trợ tối đa 3 start-up Việt Nam/1 thị trường để có cơ hội trình bày mô hình kinh doanh với các nhà đầu tư tiềm năng tại các quốc gia nước ngoài. Ngược lại, các start-up nước ngoài cũng có cơ hội ra mắt thị trường Việt Nam và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Giám đốc SIHUB Huỳnh Kim Tước cho biết: “Những năm trước, trên bản đồ thương hiệu thế giới hoàn toàn không biết đến Việt Nam. Qua Runway to the world, nôm na là chúng ta mang chuông đi đánh xứ người, chúng ta đưa start-up Việt Nam ra ngoài thế giới thì thị trường quốc tế mới để ý và quan tâm Việt Nam. Việc tiếp xúc với các thị trường nước ngoài có nhu cầu cũng giúp huấn luyện cộng đồng start-up Việt”.

Runway to the world năm 2018 đã có 9 công ty khởi nghiệp Việt Nam tiếp cận hệ sinh thái khởi nghiệp và thị trường tại Hàn Quốc, Malaysia và Singapore.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.