Những người săn ảnh biển, đảo Việt Nam

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/10/2019 06:54 GMT+7

Những hình ảnh tuyệt vời về biển, đảo Việt Nam được các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và tay máy nghiệp dư ghi lại trong ống kính, đã làm lan tỏa mạnh mẽ tình yêu biển, đảo quê hương đến nhiều bạn trẻ .

Mới đây, nhà báo, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn vừa có triển lãm và ra mắt sách ảnh Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. 
Biển, đảo Việt Nam nhìn từ không trung
180 bức ảnh xuất hiện trong triển lãm, hơn 400 bức ảnh trong sách, những hình ảnh kỳ vĩ choáng ngợp về đảo, bờ biển Việt Nam chụp từ không trung được nhà báo Giản Thanh Sơn chọn trong số hàng ngàn tấm ảnh trong hơn 15 năm tác nghiệp trên các chuyến bay cùng Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (thuộc Sư đoàn Không quân 370).
Anh Sơn nói: “Từ những hình ảnh này, tôi muốn tôn vinh biển, đảo Việt Nam, nói lên vẻ đẹp, tiềm năng kinh tế, du lịch của biển Việt Nam, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gửi gắm yêu thương về quê hương qua những góc nhìn từ không trung”.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn kể lại: “Năm 1985 tôi có mặt trên một chuyến bay trực thăng tới Côn Đảo, từ trên cao nhìn xuống biển đảo quê mình cảm xúc lắm. Chuyến đi đó ấp ủ trong tôi dự định thực hiện những bộ ảnh chụp Việt Nam từ không trung”.
Sau năm 2000, điều ước đó thành hiện thực. Anh Giản Thanh Sơn cho hay, anh không nhớ trong đời nhiếp ảnh của mình đã ngồi trên bao nhiêu chuyến trực thăng từ nam tới bắc, đi qua tất cả vùng đảo, bờ biển của Việt Nam. Khi mở kho tư liệu, chọn lại những hình ảnh đẹp nhất để làm triển lãm, có lúc chính anh đã nổi da gà khi gặp lại những dòng sông, những hòn đảo mình đã chụp cách đây mười mấy năm, mọi kỷ niệm ùa về như mới hôm qua.
“Cửa trực thăng mở, gió thổi mạnh, nắng gắt, tiếng cánh quạt quay, áp lực độ cao, tất cả những thứ đó mình phải làm chủ, phải có sức khỏe và kinh nghiệm bấm máy. Nhưng, trên hết, cần một trái tim”, anh kể.
“Từ không trung, nghe phi hành đoàn nói chúng tôi vừa bay qua không phận Long An, tôi ứa nước mắt khi nhớ về thời thơ ấu với cha mẹ ở làng quê. Rồi trực thăng bay qua những địa danh lịch sử Cửa Tùng, Cửa Đại, rừng Trường Sơn, Khe Sanh, vịnh Cam Ranh, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, tôi xúc động nghẹn ngào, cảm xúc ấy cũng phải nén lại để có thể bình tĩnh bấm máy. Nhưng có những lúc không thể bình tĩnh, anh phi công phải bay lại một vòng nữa để tôi chụp được đúng hòn đảo, bờ biển đó”, nhiếp ảnh gia hồi tưởng.
Miệt mài với những buổi nói chuyện truyền cảm hứng về nhiếp ảnh cho các bạn trẻ, bận bịu với những chuyến đi ủng hộ một phần tiền bán sách, ảnh cho những trẻ em nghèo vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn cho hay, quan niệm của anh là còn sống, hãy cứ góp vui cho đời, còn có cơ hội, mình vẫn cứ bay, để có thêm nhiều hình ảnh của Việt Nam.
Những người săn ảnh biển, đảo VN1

Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn tác nghiệp từ trực thăng

Ảnh: NVCC

5 lần đến Trường Sa, cảm giác vẫn nghẹn ngào

30 tuổi, đang làm việc ở Báo Tiền Phong, PV Trường Phong khiến bạn bè ngưỡng mộ khi anh đã có 5 lần được đến với Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Hai lần năm 2013, 2015 trong Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương do T.Ư Đoàn tổ chức. Hai lần đi thăm, tặng quà tết cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa dịp cuối năm 2016 và 2019. Tháng 5.2019 vừa qua, anh may mắn tiếp tục được ra Trường Sa cùng đoàn kiều bào từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trước đó, anh được đến với nhiều vùng biển đảo của Tổ quốc như Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Phú Quốc…
Nhà báo với nhiều hình ảnh ấn tượng về biển đảo Trường Sa xúc động kể lại: “Tôi không thể nào quên lần đầu tiên được ra Trường Sa. Ngày đó, tôi mang một số bộ quần áo tặng các cháu nhỏ sinh sống trên đảo, cờ Tổ quốc tặng cán bộ, chiến sĩ trên đảo, rồi xin lại cờ Tổ quốc đã treo trên đảo mang về làm kỷ niệm. Tôi từng mang một lá cờ ở Trường Sa lên ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, tặng cho cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải (Điện Biên), với mục đích gắn kết đất liền, biên giới với hải đảo xa xôi… Kỷ niệm dữ dội nhất có lẽ là hai đợt đi Trường Sa dịp cuối năm. Vượt qua sóng gió, các cán bộ, chiến sĩ hải quân không quản ngại khó khăn, vất vả, lênh đênh trên biển nhiều ngày trời để mang quà tết ra cho cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Ở Trường Sa thường đón hai cái tết, một tết lúc đoàn công tác ra, và một là tết thật. Các chuyến tàu thường mang theo lá dong, để có lá dong gói bánh lúc tết thật thì các cán bộ, chiến sĩ phải bảo quản bằng cách đặc biệt. Một chiến sĩ mang lá dong dúi xuống cát, chẳng may sóng lớn… cuốn hết một nửa lá dong. Sáng hôm sau, tỉnh dậy, biết bị mất lá dong, chiến sĩ khóc hết nước mắt. Có những câu chuyện yêu và thương như thế”.
Năm lần đến với Trường Sa, 5 lần trở về, trong hành trang của anh Trường Phong là những câu chuyện về chiến sĩ Trường Sa mới mười tám, đôi mươi rắn rỏi, những tấm ảnh về biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, những hình ảnh chụp chiến sĩ trẻ đứng nghiêm bồng súng dưới cái nắng như thiêu, như đốt của Trường Sa tháng 5 tháng 6, hình ảnh nhà giàn DK sừng sững giữa Biển Đông...
Anh bộc bạch: “Có người từng hỏi tôi, cảm giác lần đầu ra Trường Sa thế nào, lần thứ 5 ra Trường Sa có gì khác. Tôi vẫn trả lời, vượt qua hàng trăm hải lý xa xôi, được bấm máy ghi lại những khung hình về đảo, bà con, chiến sĩ, cờ Tổ quốc ở Trường Sa, trong chúng tôi ai cũng xúc động, bồi hồi, ai cũng thấy mình lớn hơn một chút, thêm yêu Tổ quốc mình, yêu biển đảo quê hương...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.