Hạt nhân tăng trưởng đột phá mới

06/09/2023 10:06 GMT+7

5 thành phố trực thuộc T.Ư: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ đóng góp vào GDP cả nước năm 2022 hơn 34%, tổng thu ngân sách chiếm hơn 52% ngân sách cả nước. Sự phát triển lớn mạnh của 5 đầu tàu này góp phần đặc biệt quan trọng vào thành tựu của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hùng cường.

Hạt nhân tăng trưởng đột phá mới - Ảnh 1.

Trách nhiệm gương mẫu, đi đầu và tinh thần "Hà Nội vì cả nước" chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô phấn đấu vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Hiện nay, quy mô kinh tế Hà Nội đạt khoảng 1,2 triệu tỉ đồng, tương đương với khoảng 50 tỉ USD (cả nước khoảng hơn 400 tỉ USD). Mặc dù chỉ chiếm 1% diện tích, 8,5% dân số, nhưng Hà Nội chiếm 43% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) và 43,8% thu ngân sách vùng đồng bằng sông Hồng; đóng góp khoảng 16,2% GDP, 19,1% thu ngân sách cả nước...

Tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, Hà Nội đã chủ động đề xuất và tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô nhằm tăng cường liên kết vùng; tạo động lực phát triển nhanh và bền vững không chỉ cho Hà Nội mà cho cả vùng, cả nước.

Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Văn hóa cũng là 1 trong 3 lĩnh vực được chúng tôi ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2025 và những năm tiếp theo; đến nay đã đưa vào kế hoạch đầu tư khoảng 90.000 tỉ đồng cho y tế, giáo dục, văn hóa. Hà Nội có 5.922 di tích là vốn di sản quý báu, nên bằng các chủ trương này, chúng tôi sẽ khơi dậy nguồn lực văn hóa để vừa phát triển mạnh du lịch, dịch vụ; vừa tạo sinh kế cho người dân.

Hạt nhân tăng trưởng đột phá mới - Ảnh 3.

Khu đô thị Linh Đàm, Q.Hoàng Mai, Hà Nội

PHẠM QUANG VINH

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi luật Thủ đô 2012. 

Đây là việc cụ thể hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó tạo bước đột phá cho thủ đô phát triển để đóng góp lớn hơn nữa cho sự phát triển chung của cả nước.

Nguyễn Trường (ghi)

Sau gần 18 năm thực hiện Nghị quyết số 54 năm 2002 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, TP.Hải Phòng đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực, trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cùng các cực tăng trưởng khác làm đầu tàu thúc đẩy sự phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước.

Kinh tế Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng ở mức cao. Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong 7 tháng năm 2023, Hải Phòng đã đạt 2,04 tỉ USD, vươn lên đứng thứ 2 cả nước (chỉ sau Hà Nội).

Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, khẳng định vị thế không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.

Bích Ngọc (ghi)

Kinh tế TP.Đà Nẵng dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và có nhiều khởi sắc, nhất là hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ. Thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế; tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy du lịch chất lượng cao gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh…

Đà Nẵng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của T.Ư để sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành khung pháp lý chính sách và lộ trình triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực ở VN (trong đó có TP.Đà Nẵng) để tạo động lực phát triển ngành tài chính, ngân hàng.

Hoàng Sơn (ghi)

Trải qua 20 năm trực thuộc T.Ư, Cần Thơ đã không ngừng nỗ lực để khẳng định cũng như thể hiện được vai trò, vị thế của một đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng luôn để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế.

Các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố đều có nhiều tiến bộ. Cần Thơ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL.

Đình Tuyển (ghi)


Bằng sự năng động vốn có cùng với những cơ chế vượt trội được T.Ư tin tưởng cho phép thí điểm, TP.HCM có thêm động lực để thể hiện vai trò dẫn dắt của đầu tàu kinh tế.

Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, trong cuộc trò chuyện với Thanh Niên về truyền thống năng động, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ mới để phát triển TP.HCM, góp phần phát triển đất nước.

* Giới chuyên gia đánh giá kinh tế TP.HCM đã "thoát đáy" và đang đi lên, ông có nhận định gì về bước chuyển động tích cực đó?

- Ông Phan Văn Mãi: Bức tranh kinh tế TP.HCM 3 năm qua trải qua nhiều cung bậc. Tuy tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36% do đại dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm 2022, hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi và tăng 9,03%. Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP đạt 3,55% trong bối cảnh quý 1 tăng trưởng ở mức thấp nhất 40 năm qua cũng là một nỗ lực lớn.

Lĩnh vực dịch vụ duy trì tỷ trọng cao trong GRDP, kinh tế số tăng qua các năm, năng suất lao động chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước, thu ngân sách đạt vượt dự toán.

Công tác huy động và phát huy các nguồn lực đạt nhiều kết quả. Thành phố thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo sức hút mạnh trong đầu tư và phát triển doanh nghiệp (DN), nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đúng như nhận định của nhiều chuyên gia, kinh tế TP.HCM đã thoát đáy nhưng phía trước vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức do biến động kinh tế thế giới, xung đột quân sự… Đối mặt với khó khăn đòi hỏi các giải pháp phải đồng bộ, chủ động và linh hoạt hơn.

* Cả DN tư nhân lẫn DN nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, TP.HCM đã chủ động tháo gỡ những gì?

- Ngay từ đầu năm 2023, chúng tôi đã giao các sở ngành, DN nhà nước, hiệp hội DN rà soát, tổng hợp các vướng mắc cần phải tháo gỡ. Tính đến tháng 7.2023, đã giải quyết 113/232 kiến nghị của DN nhà nước, 169/189 kiến nghị thuộc 148 dự án bất động sản, 20/44 dự án về chủ trương đầu tư, gia hạn chủ trương đầu tư. TP.HCM đang tập trung giải quyết cơ bản các tồn đọng trong tháng 9.2023 để đẩy nhanh phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc trong 3 tháng cuối năm và những năm tiếp theo.

Chỉ tính riêng chương trình kết nối ngân hàng - DN, từ năm 2021 đến tháng 6.2023, TP.HCM đã kết nối hơn 110.000 khách hàng vay hơn 1,3 triệu tỉ đồng.

Hạt nhân tăng trưởng đột phá mới - Ảnh 8.

Khu vực công trường Mê Linh, Q.1, TP.HCM

NHẬT THỊNH

* Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội mở ra nhiều cơ hội mới để đột phá, TP.HCM sẽ phát huy như thế nào?

- Nghị quyết 98/2023 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với TP.HCM. Với tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và giao TP.HCM tiên phong thí điểm những vấn đề mới, đây sẽ là cơ hội để TP.HCM bứt tốc, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực. Những cơ chế mới như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), hợp tác công - tư sẽ là kênh huy động nguồn lực lớn để hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giải quyết nhiều dự án treo…

Nhận thức được tầm quan trọng đó, TP.HCM đã xây dựng kế hoạch thể chế hóa từng chính sách. Một số cơ chế thuộc thẩm quyền của HĐND TP.HCM thì sẽ trình trong kỳ họp chuyên đề tháng 9 và kỳ họp cuối năm 2023; những nội dung thuộc chức năng và thẩm quyền thì UBND TP.HCM sẽ chủ động ban hành sớm.

Sau khi Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban, thì cấp TP.HCM cũng thành lập Ban chỉ đạo do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên làm Trưởng ban. Chúng tôi cũng lập hội đồng tư vấn để lắng nghe thêm góp ý, hiến kế của giới chuyên gia, nhà khoa học cả trong và ngoài nước.

* UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện 50 công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước (1975 - 2025), ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch này?

- Năm 2025 là dấu mốc đặc biệt đối với TP.HCM. Chúng tôi mong muốn sau 50 năm thống nhất đất nước, người dân cảm nhận được sự đổi thay trong đời sống thường ngày. Đó là một cuộc sống ấm no, được thụ hưởng đầy đủ phúc lợi xã hội, được cống hiến vào sự phát triển của thành phố. 50 công trình mà thành phố phấn đấu hoàn thành, hoặc khởi công vào năm 2025 đều là những công trình có ý nghĩa lớn trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, đô thị, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh.

Đơn cử như chương trình phát triển nhà ở với 3 nhóm: sửa chữa chung cư cũ xuống cấp, đưa vào sử dụng 12.000 căn nhà ở xã hội, tổ chức lại cuộc sống cho người dân đang sống trên và ven kênh rạch, đặc biệt là rạch Xuyên Tâm. Khi hoàn thành vào năm 2025, người dân có điều kiện sống tốt hơn, được ở trong những căn nhà khang trang thay vì xập xệ, mất an toàn như trước kia.

Hay các dự án giao thông trọng điểm như metro số 1, nút giao An Phú, các tuyến khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khép kín Vành đai 2, Vành đai 3 hoàn thành cũng sẽ mở ra những không gian phát triển mới.

'Không cho phép chúng ta chỉ có phấn khởi và lạc quan'

Bên cạnh niềm vui và kỳ vọng, có điều gì làm cho ông trăn trở và băn khoăn?

Có. Đó là làm sao phải cơ cấu được một số lượng người không nhỏ đủ tâm, đủ tầm gắn liền với từng guồng máy cụ thể, thực thi đúng, sáng tạo, hiệu quả công việc được giao.

Từ cách nhìn tổng quát đến phân tích các chi tiết, bức tranh của guồng máy đang đan xen nhiều bất cập. Việc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại thành phố chúng ta đã minh chứng rõ ràng sự đan xen những thuận lợi và khó khăn đầy phức tạp đó.

Với đặc điểm nêu trên, yếu tố bất thường của diễn biến tình hình chung cũng như cụ thể của thành phố không cho phép chúng ta chỉ có phấn khởi và lạc quan trong trạng thái bình thường. Mà phải chủ động chớp lấy những thuận lợi, sẵn sàng ứng phó với những diễn biến chưa lường trước được, ngoài dự kiến. Về vấn đề này, quá trình thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội đã cho chúng ta những bài học quý giá.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, Nghị quyết 98/2023 trao cho chúng ta những cơ chế, chính sách đặc thù. Đây là công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu phát triển thành phố nhanh, vượt trội và bền vững. Song việc thực thi là do con người. 

Do vậy, quá trình triển khai các nhiệm vụ trên phải gắn chặt những vấn đề chuyên môn, chuyên ngành kỹ thuật với chính trị; đặc biệt là tích cực thực hiện hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; đồng thời rà soát hệ thống đang vận hành bao gồm cơ cấu tổ chức, con người và thực hành các biện pháp hoàn thiện cần thiết để thành phố có bộ máy công quyền với đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, các ngành đủ bản lĩnh, trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ.

Sỹ Đông - Đình Phú (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.