Trong bộ phim những kiểu phụ nữ như Khuê, San, Trà… dù họ bị tát hay tát ai thì đều vì những hỉ nộ ái ố của cuộc đời tạo nên. Một “bức tranh” đa chiều của phái đẹp thời nay. Mỗi người mỗi kiểu, đã tạo nên những đóa “hoa hồng” của cuộc sống. Họ có thể đáng ghét hoặc đáng thương, đáng nhận trái đắng hay một cuộc sống hạnh phúc thì bản năng sinh tồn, yêu bản thân, biết buông bỏ, biết chấp nhận sự được mất trong cuộc đời một cách đầy bản lĩnh, tự tin.
|
Khuê chính là một kiểu phụ nữ được thấy rất nhiều trong xã hội. Cũng nhanh nhẹn, nhan sắc ưa nhìn, tháo vát nhưng lại chọn cuộc sống an phận, ở nhà chăm sóc gia đình, chồng con trong suốt 10 năm. Dù không ít lần nhận những lời cay đắng, xem thường từ chồng như một kẻ ăn bám, không làm ra tiền nhưng Khuê vẫn kiên nhẫn vì nghĩ rằng hôn nhân là điểm tựa duy nhất, các con là mục đích lớn nhất. Có thể nói trong mắt chồng cô là kiểu phụ nữ nhạt, chẳng biết làm gì ngoài nội trợ. Cho đến khi Khuê biết chồng ngoại tình, xem thường mình trước mặt các con thì phản ứng của cô bắt đầu âm ỉ… Cách phản ứng của Khuê là cãi lại, nói thẳng với chồng và thậm chí buồn quá đi uống rượu với cô bạn thân say bí tỉ rồi về “làm loạn” một chút trước mặt ông chồng vốn gia trưởng như Thái.
Tất cả những diễn biến tâm lý của Khuê cho thấy cô cũng là người không nhu nhược, yếu hèn đến mức để người khác muốn làm gì thì làm mà cơ bản Khuê nín nhịn vì sự bình yên của gia đình và một chút niềm tin vào hôn nhân vẫn còn đấy. Nhưng Khuê cũng bắt đầu tìm “đường lui” cho mình khi tự đi xin việc làm. Cô chấp nhận cả công việc làm nhân viên dọn vệ sinh dù đường đường là vợ một giám đốc doanh nghiệp. Ở đây bản năng sinh tồn, tự trọng của một người đàn bà vốn biết rằng mình không vô dụng đã thôi thúc Khuê bắt đầu sống khác đi. Nhất là khi cô thấy hôn nhân của mình đang bị đe dọa bởi người thứ ba và những toan tính, thực dụng không giấu diếm của một người chồng tệ bạc như Thái.
Rồi cô cũng phải chấp nhận ly hôn trước sự bức bách của chồng. Vì không đủ điều kiện tài chính nên Khuê chỉ có thể năn nỉ chồng cho mình nuôi con gái út. Cô chấp nhận thuê một phòng trọ chật hẹp để sống tạm bợ, chạy đôn chạy đáo đi xin việc trở lại để ổn định cuộc sống của hai mẹ con. Đến lúc này bản năng sinh tồn, sự tự trọng đã không cho phép Khuê gục ngã dù có lúc cô muốn chết đi. Và dường như cô muốn sớm vượt qua cơn ác mộng ly hôn để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn như đã tuyên bố trước mặt Thái sau khi rời khỏi tòa án. Ra đi tay trắng, đành lòng để con gái lớn ở lại với chồng cũ, chia cắt hai chị em Bống nhưng trong thâm tâm người mẹ ấy vẫn không cam lòng bởi cô luôn muốn nuôi cả hai con. Và giờ thì Khuê đang cố gắng, cố gắng làm việc, kiếm tiền để có đủ điều kiện sum họp với các con.
|
Hoa Hồng trên ngực trái những tập về sau càng thấy Khuê trở nên mạnh mẽ, bản lĩnh và kiên nhẫn vô cùng, chấp nhận sau thất bại sẽ đứng lên. Ít ra đến lúc này có thể nhìn thấy ý chí của người mẹ ấy. Dù thế nào sự tự trọng của một người phụ nữ vẫn thôi thúc lớn trong cô cần phải đứng dậy, đi tiếp cuộc đời mình. Nên sau thời gian ở tạm nhà mẹ dưới quê do chưa xin được việc, bị mẹ khinh thường, mắng nhiếc Khuê quyết định rời đi, trở lại thành phố, tiếp tục kiếm việc làm.
Hoa hồng trên ngực trái còn là cuộc đời của San, một người phụ nữ thành đạt, sếp ở một công ty lớn nhưng lại không thể có được một cuộc hôn nhân như ý bởi những hiểu lầm từ mẹ chồng, sự căm ghét mà mẹ chồng dành cho cô đã đẩy San rời khỏi cuộc hôn nhân của mình dù vợ chồng cô vẫn rất yêu nhau. Sự tự trọng của một người đàn bà cho rằng mình chỉ là “nạn nhân” trong “cuộc chiến” với mẹ chồng nhưng lại không có được sự tin tưởng, thấu hiểu của chồng khiến San khó chấp nhận. Cay đắng hơn nữa khi San biết rằng chồng mình sẽ chọn mẹ mà từ bỏ vợ. Bản lĩnh của một người đàn ông hơi yếu hèn đã không giúp Dũng đủ tỉnh táo, rõ ràng để xứ lý thấu đáo mối quan hệ giữa vợ và mẹ khiến anh quyết định lựa chọn ly hôn dù rất đau khổ. Còn bản lĩnh của San ở đây chính là rất đau khổ nhưng không níu kéo, biết chồng vẫn yêu mình nhưng không giữ lại bởi cô không muốn sống trong sự dằn vặt, mệt mỏi khi mối quan hệ với mẹ chồng không thể nào giải quyết được. Nếu hai người vẫn tiếp tục sống bên nhau cũng sẽ không bình yên được. Và khi đã ly hôn San cũng cương quyết “dọn sạch” quá khứ để sống tiếp một cuộc đời mới.
Phụ nữ vốn yếu đuối, dù bên ngoài có mạnh mẽ, tự chủ thế nào thì họ vẫn yếu đuối khi một mình đối mặt với những vấn đề rắc rối của cuộc sống, đau khổ trong tình yêu và hôn nhân. San cũng không ngoại lệ. Ly hôn chồng, cô cũng không tránh khỏi những tiếng nấc nghẹn ngào. Và sự cô đơn, yếu đuối khiến cô rơi vào vòng tay của đồng nghiệp nam trẻ. Có thể đó chỉ là tình một đêm sau một đêm nhậu say nhưng lại là sự trượt ngã rất đàn bà. Sau đêm ấy, San thản nhiên xem đó là “sự cố” để có thể đối mặt nhau trong công ty. Bản lĩnh của một người phụ nữ trưởng thành và có vị trí không cho phép San lằng nhằng với những chuyện rắc rối ấy nên cô đã chọn cách phớt lờ dù anh nhân viên kia tỏ vẻ áy náy với “chị đẹp”.
Những đóa hoa hồng trong giông bão vẫn rực rỡ vì họ luôn có một trái tim khao khát được sống một cuộc đời, có thể không bằng phẳng nhưng phải xứng đáng được nhận lấy. Cái cách mà họ đối đãi với cuộc đời, với người phải được cho và nhận thấu tình đạt lý, nếu không sẽ buông… Buông để làm lại, để bước đi và vẫn rực rỡ.
|
Trong Hoa hồng trên ngực trái chỉ có nhân vật Trà là đáng ghét nhất. Nhưng đây lại là mẫu phụ nữ đầy toan tính, thực dụng của xã hội hiện đại. Vì quyền lợi, mục đích của mình mà bất chấp tất cả. Với cô gái này không có tình yêu chân thật, không có thứ hạnh phúc đơn thuần của một người đàn bà mà chỉ có tiền. Vì lợi ích của mình cô sẵn sàng vào vai một “tiểu tam” phá hoại gia đình người khác theo sự sắp đặt của bà Dung luật sư trong kế hoạch trả thù Thái. Cô ta sẵn sàng ngủ với bất cứ gã đàn ông nào để có lợi cho mình. Mọi mánh khóe của Trà chỉ dựa vào nhan sắc, tuổi trẻ và tài diễn xuất “gái ngoan” để qua mặt tất cả. “Trái đắng” mà Trà nhận được có lẽ là thê thảm nhất. Những “cái tát” mà cô nhận được cũng đau nhất bởi cô đáng bị nhận về những điều ấy. Nhìn thấy cảnh Thái tát Trà, đánh cô, bóp cổ cô ngã sóng soài trong những tập gần đây người xem có thể hả hê, đáng kiếp nhưng suy cho cùng cách sống của Trà là “sản phẩm” của một xã hội hiện đại. Có không ít cô gái trẻ vì tiền mà bán rẻ nhân cách, hạnh phúc, cuộc đời mình. Trà ở một góc độ nào đó cũng đáng thương. Quan trọng là sau những sai lầm, phụ nữ như Trà có ý thức được để cho mình một cơ hội sống tốt hơn hay lại tiếp tục trượt dài trên những “bụi gai” mà chính “hoa hồng” ấy bày ra.
Phụ nữ chính là hoa hồng. Những đóa hoa ấy đều đẹp theo một cách khác nhau. Họ có quyền được tỏa hương, được rực rỡ. Ở một thời đại mà đàn ông hay đàn bà đều bình đẳng thì tại sao họ phải hi sinh, phải cam chịu, phải chấp nhận những điều đau khổ, tổn thương. Họ sẽ vươn lên, sống theo cách mà họ muốn, biết buông đúng lúc để chọn một cuộc sống khác. Dù cái cách mà họ làm có thể đúng hoặc sai, sai thì sửa, đúng thì cứ thế mà ngẩng cao đầu bước đi. Buông để lại bắt đầu chứ không phải kết thúc.
Hoa hồng trên ngực trái chính là “cái tát” của nữ quyền, của những đóa hoa hồng đầy kiêu sa, trong giông bão vẫn không để cho mình tơi tả…
Bình luận (0)