Hòa nhập nhưng vẫn giữ được nét riêng

20/11/2019 08:16 GMT+7

Vốn dĩ mỗi đất nước, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc có thể phân biệt được nhau là vì con người ở đó vừa mang nét riêng cá nhân mà cũng vừa mang nét chung của vùng đất họ sinh ra. Tôi cũng chẳng ngoại lệ.

Tôi, một người con của mảnh đất Sài thành, nơi hội tụ tất cả những gì mà tôi cho là sự giao thoa rõ nét nhất giữa nền văn hóa chính thống và các nền văn hóa du nhập. Tựu trung, văn hóa vẫn là do được thể hiện bởi con người. Thế nên, muốn đời sống có được mọi khía cạnh văn hóa tốt đẹp, vẫn nên bắt đầu từ con người. Và sẽ thật tốt biết bao nếu là bắt đầu từ việc giáo dục trẻ nhỏ.
Thật sự, tôi từng sớm băn khoăn về việc tôi sẽ học hỏi và biết thêm được những gì ngoài các bài học trên lớp. Bài học khô khan, nhàm chán, nhưng khi có ví dụ thực tiễn sinh động thông qua lời chia sẻ từ thầy cô hay qua buổi thực hành nhóm thì bỗng chốc lại dễ hiểu hơn rất nhiều. Có khi, học sinh, sinh viên lại thích thú mà chăm học hành, nghiên cứu môn học hơn. Hóa ra, việc áp dụng những điều trong đời sống để làm chất liệu đem vào học đường lại rất giống với việc mỗi một người thu nạp các loại hình văn hóa khác nhau đến từ nhiều nơi trên thế giới. Điển hình nhất, có lẽ, vẫn là TP.HCM, nơi mà dòng chảy văn hóa từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu hay của cả ba miền đất nước đều được đón nhận.

Sài thành, nơi hội tụ tất cả những gì mà tôi cho là sự giao thoa rõ nét nhất giữa nền văn hóa chính thống và các nền văn hóa du nhập

Ảnh: Linh Linh

Tự hào là một thành phố trẻ, thành phố có sức tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước, nên trong mắt bạn bè quốc tế, nơi đây luôn nổi bật trên bản đồ Việt Nam. Thế nên, các bạn thiếu nhi, thanh thiếu niên của thành phố Bác rõ ràng là có khá nhiều cơ hội để học hỏi, giao lưu văn hóa với các nước nhiều hơn các bạn đến từ nơi khác. Song, không phải mọi thứ đều chỉ có một mặt tích cực. Việc tận dụng cơ hội để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội cũng nên được chắt lọc, nếu không, có thể sẽ gây ra phản ứng tiêu cực. Đó cũng là lý do vì sao việc giáo dục theo xu hướng có chọn lọc cũng nên được bắt đầu sớm và kết hợp song song giữa gia đình và trường học.
Hiện đại, đông đúc, mọi xu hướng đều được cập nhật rất nhanh nên hầu như người ta luôn phải tất bật hằng ngày để chạy theo nhịp đô thị. Các loại hình công nghệ mới nhất cũng luôn có mặt đầu tiên tại nơi được xem là có mật độ dân số ở mức cao nhất cả nước. Dễ thấy rằng, chiếc điện thoại di động cảm ứng hay máy tính bảng là vật không thể thiếu ở mọi nơi trong đời sống của người dân thành phố. Trẻ nhỏ trong độ tuổi mẫu giáo đã tập sử dụng thiết bị công nghệ sớm, thông thạo được xem là thông minh, phù hợp thời đại. Nhưng khi người lớn bận việc, để bé không phá phách trong nhà thì đưa hẳn chiếc máy tính bảng cho bé ngồi yên xem trong nhiều giờ liền. Hay khi bé quấy khóc không chịu ăn, thì chỉ cần có được điện thoại của bố mẹ là các bé nín hẳn, ngoan ngoãn vừa ăn vừa xem. Liệu như vậy có đơn giản hơn trong việc chăm con nhỏ hay sẽ ảnh hưởng đến thể chất và hình thành thói quen vòi vĩnh không tốt sau này của trẻ? Dạy con sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại không phải xấu, nhưng cần xem xét đến độ tuổi, nội dung và giới hạn thời gian để có thể tận dụng tối đa lợi ích mà công nghệ mang lại. Đâu đó, những thông tin về tác hại của việc áp dụng thiết bị công nghệ chưa hiệu quả đối với gia đình có trẻ nhỏ vẫn đang được quan tâm và lan truyền rộng rãi.

Giáo dục một con người trở nên tốt đẹp là điều cốt lõi góp phần vào việc duy trì phần tốt đẹp trong văn hóa

Ảnh: Hoa Việt

Tương lai sau này, hình ảnh của một người con Sài Gòn thoải mái hòa nhập với bạn bè năm châu nhưng vẫn giữ được nét riêng rất truyền thống chắc chắn sẽ để lại ấn tượng khó hòa lẫn với bất kỳ nơi đâu. Môi trường học tập và thực hành được đầu tư phương pháp giáo dục tiên tiến cùng với trang thiết bị công nghệ hiện đại nhất là những gì mà các bạn học sinh, sinh viên thành phố rất đỗi tự hào khi nhắc về. Đó cũng được xem như một nền tảng vững chắc để thế hệ các bạn trẻ vươn cao và vươn xa hơn nữa. Bên cạnh đó, đến hôm nay, vẫn dễ dàng bắt gặp các trò chơi dân gian như đá cầu, nhảy dây, trốn tìm…trong giờ ra chơi ở các trường tiểu học hay trung học, đôi khi là đại học.
Thế đấy, chốn phồn hoa đô thị đã và đang miệt mài chạy theo những “cái mới” nhưng dường như vẫn còn lưu luyến, vấn vương “cái cũ” vốn rất đỗi quen thuộc qua bao năm tháng. Mỗi dịp về thăm lại trường cũ, tôi vẫn thường chăm chú lắng nghe tâm tư của thầy cô về chuyện nghề, về lứa học trò nhỏ của thời đại mới - thời đại công nghệ số. Vì tôi, một người trẻ rất quan tâm đến vấn đề giáo dục, giáo dục một con người trở nên tốt đẹp là điều cốt lõi góp phần vào việc duy trì phần tốt đẹp trong văn hóa.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.