Học sinh nói tục chửi thề kinh hoàng: Không bán hàng cho khách chửi thề được không?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
21/09/2022 17:59 GMT+7

Học sinh bây giờ nói tục chửi bậy ghê quá. Nếu ở những quán hàng nhất loạt ghi 'Không bán hàng cho khách chửi thề, nói tục'... xem thử có em nào dám nói tục không?

Học sinh mua đồ ăn vặt trước cổng trường trong giờ tan học. Ảnh minh họa

THÚY HẰNG

Đó là một trong những ý kiến của bạn đọc gửi tới Báo Thanh Niên sau các bài viết về vấn nạn học sinh nói tục chửi thề càng ngày càng tràn lan, từ ngoài đời thật tới trên mạng xã hội mà báo phản ánh ngày hôm qua, 20.9.

Những phụ huynh, độc giả khác nói gì về vấn nạn học sinh nói tục chửi thề? Họ có những ý kiến gì về giải pháp cho vấn nạn này?

10 câu thì 9 câu chửi thề

Bạn đọc Long Bình Phú cho ý kiến về bài viết trên Báo Thanh Niên: “Bài báo rất hay tui là người chứng kiến biết bao nhiêu học sinh chửi tục mà sợ luôn. Nhiều lần vì công việc ngồi quán cà phê nghe các em nói chuyện chửi tục tui nghe hết hồn. Đây là bài báo Thanh Niên hay nhất tui đọc. Báo phải đánh vào chủ đề này thật quyết liệt nhé”.

Bạn vothanhmungtuv cũng đồng tình: “Vấn đề này rất thực tế luôn. Mình đi hái dừa đứng kế bên vách nhà hàng xóm vô tình nghe 2 bé trai tầm lớp 9 nói chuyện với nhau. Toàn những câu nói tục, chửi thề. Mười câu là hết 9 câu chửi thề. Nghe mà không tin được”.

Bạn nề nẫu chia sẻ câu chuyện mình từng chứng kiến: “Do quen miệng nên trong những tình huống nhạy cảm lời nói đó dễ dàng kích động người khác. Tôi đưa con đi ăn cơm 1 quán gần bên là 5 cậu học trò cấp ba. Chúng nói tục như ăn cơm”.

"Về nhà cha mẹ thấy con ngoan lắm, ngoài đường thì ối giời ơi"

Bạn Trường Thanh Danh lý giải nguyên nhân cho tình trạng nói tục chửi thề tràn lan hiện nay ở một bộ phận giới trẻ: “Đến tuổi muốn thể hiện đẳng cấp ta đây, bạn nói mà mình không nói thì không cùng đẳng cấp, nên buộc phải tham gia dần rồi quen miệng, vô hội nhóm, hút thuốc…. Về nhà cha mẹ thấy con ngoan lắm, ngoài đường thì ối giời ơi”.

Tài khoản Bạn Đọc chán nản phản ánh: “Người lớn chắc không để ý, các "Idol" Streamer trên YouTube, Nimo,... mà rất đông bạn trẻ theo dõi thường xuyên, nói tục, chửi bậy rất ghê, nhưng không hiểu sao vẫn được giới thiệu lăng xê, hậu quả là Idol thì ngày càng nổi tiếng, giàu có còn nhiều người trẻ thì...”.

Độc giả Tu Anh lên tiếng: “Hiện tượng văng tục, chửi thề này có lẽ rất phổ biến ở hầu hết các trường học... Bản thân tôi đã đi đón con và đã chứng kiến. Nên chăng ngành giáo dục cần lên tiếng chấn chỉnh nhằm làm trong sạch môi trường học tập để các em thực sự là những trò ngoan, học tốt và là người biết ứng xử có văn hóa”.

Phim ảnh, trên mạng toàn chửi thề, văng tục, thì tính giáo dục ở đâu?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, một giáo viên có hơn 30 năm kinh nghiệm tại TP.HCM cho biết giáo dục mỗi em học sinh cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội.

Gia đình là cái nôi dạy dỗ, rèn giũa nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi con người, các em học từ chính gia đình, từ người thân của mình rồi mới đến tuổi tới trường. Vậy thì tính nêu gương từ chính cha mẹ, ông bà, người thân, người lớn tuổi rất quan trọng.

Thầy cô giáo là người giảng dạy đạo đức, kiến thức cho các học trò nhưng rồi tan trường, các em về nhà, ra đường, nói chuyện với bạn bè, lắng nghe người lớn nói chuyện, xem phim ảnh, dùng mạng xã hội… và bị tác động.

Sự ảnh hưởng từ mạng xã hội, từ thế giới giải trí phim ảnh, ca nhạc với đủ mọi thể loại bây giờ cũng có nhiều cái tiêu cực đến học trò. Hãy lắng nghe lời thoại của nhiều diễn viên trong phim, họ cũng nói tục, chửi thề, thì tính giáo dục ở đâu?

Thầy Trương Chấn Sang, giảng dạy tiếng Anh tại Trung tâm hoạt động thanh niên tỉnh Bình Dương, người thường xuyên lồng ghép những kiến thức đạo đức, lối sống cho các học trò trong các giờ học của mình cho biết hiện nay có hiện tượng nhiều học sinh nói tục, chửi thề nhiều mà tưởng mình như thế mới là “hay”, “vui”, là “bắt trend”. Suy nghĩ lệch lạc ấy cần phải thay đổi.

Theo thầy Sang, các hoạt động ngoại khóa, giáo dục lối sống, đạo đức cho học sinh trong các nhà trường vẫn cần được tăng cường, “mưa dầm thấm lâu”, học trò dần dần sẽ tiếp thu, lĩnh hội được những kiến thức, lối sống tốt đẹp.

Thầy Sang cũng cho hay hiện nay có hiện tượng nhiều học sinh thần tượng những “idol mạng”, nhưng những người này chuyên nói tục, chửi thề, khiến các em bị dẫn dắt và bắt chước theo. Điều này gây hệ lụy lớn. Do đó, cần phải làm trong sạch mạng xã hội, xóa các kênh có nội dung xấu, có hại cho trẻ em. Mỗi người trẻ cũng cần chọn bạn để cùng chơi, cùng học những đức tính tốt đẹp của bạn bè.

“Bản thân mỗi người lớn cũng là một tấm gương của trẻ nhỏ. Bởi phụ huynh là người kèm cặp, dạy dỗ các con từ thuở ấu thơ. Mỗi giáo viên cũng cần là một hình mẫu sống chuẩn mực để làm gương cho các học trò để các trò biết nể, phục, cố gắng tu dưỡng đạo đức, năng lực để trở thành những người tử tế”, thầy Sang chia sẻ.

“Phong sát” những “idol” lên mạng chửi thề, nói tục

Rất nhiều bạn đọc lên tiếng về giải pháp này. Theo nhiều độc giả, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh nói tục, chửi thề quen miệng như... ăn cơm hiện nay là ảnh hưởng tiêu cực từ các trang mạng xã hội có nội dung xấu.

Bạn đọc có tên tài khoản “lạc lối” cho hay: “Cấm sóng, phong sát hết những idol lên Facebook, YouTube, và các nền tảng mạng xã hội khác đưa những video có nội dụng văng tục, đồng thời tuyên truyền lại hành vi văng tục, chửi bậy là vô văn hóa cho các bạn học sinh, sinh viên”.

Bạn đọc Huỳnh đức Á hiến kế ví dụ như hàng quán sẽ không bán hàng cho người nói tục, chửi thề, để cả xã hội cùng chung tay dẹp bỏ cái xấu: “Giáo dục học sinh phải kết hợp từ ba phía gia đình - nhà trường - xã hội. Nếu ở những quán bán hàng nhất loạt ghi "Không bán hàng cho khách chửi thề, nói tục"... xem thử có em nào dám nói tục không? Đây cũng là một phía giáo dục từ xã hội”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.