Hotline an sinh trong đại dịch - Kỳ 3: Những ‘nữ cường nhân’ đội bốc xếp rau củ

05/09/2021 09:01 GMT+7

Mọi người khi nhìn thấy các nữ bốc xếp bốc dỡ mấy tấn rau, củ… của Trung tâm an sinh TP.HCM mỗi ngày đều gọi họ là những ‘nữ cường nhân’.

Ngoài việc phân phối các túi an sinh cho người dân gặp khó khăn vì Covid-19, Trung tâm an sinh, còn nhận hàng hóa là lương thực, rau củ... từ các tỉnh, thành hỗ trợ. Những hàng hóa này, chủ yếu để phân phối cho các bếp ăn của bệnh viện, khu cách ly, từ thiện, các cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật. Số còn lại được phân bổ cho các quận, huyện, TP.Thủ Đức.

4 tháng xa nhà

9 giờ ngày 4.9, TP.HCM vẫn đang siết chặt phòng dịch, ngoài đường im ỉm, nhưng các thành viên của đội bốc xếp tại Trung tâm an sinh (đặt tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TP) đang tất bật ngày mới bằng việc bốc xếp các gói hàng rau củ từ các xe tải chở về.
Hôm nay, TP.HCM sẽ nhận 200 tấn rau từ tỉnh Lâm Đồng. Hết xe này đi là xe khác tới. Đội bốc xếp làm không kịp thở, người ướt như tắm, lấm lem bùn đất, í ới nhau là sẽ lấy rau gì, nặng hay không… Người quản lý lịch bốc dỡ hàng liên tục động viên: “Cố gắng lên các anh em, làm xong nghỉ một tí, 14 giờ mình có nhận thêm 20 tấn chanh”.
Thật bất ngờ khi thấy Võ Thị Lâm Xuân (22 tuổi, quê Đồng Nai) cũng đang bốc xếp tại đây. Trước đó, Xuân là nhân vật của Báo Thanh Niên trong bài “Hai chị em tình nguyện ở 2 đầu 'điểm nóng' chống dịch Covid-19” hồi tháng 6.2021.

Võ Thị Lâm Xuân (22 tuổi, quê Đồng Nai) đang khiêng rau chất lên xe vận chuyển đến các bếp ăn, người dân khó khăn

SONG MAI

Từ đầu dịch, theo đơn tuyển tình nguyện viên của Thành Đoàn TP.HCM, Xuân đăng ký tham gia trực chốt ở Q.Gò Vấp, lấy mẫu xét nghiệm ở Q.12, Q.8, rồi ngày 6.6, Xuân hỗ trợ chống dịch tại chợ đầu mối Bình Điền.
Đến 12.7, Xuân là tình nguyện viên của đội bốc xếp tại kho Nhà văn hóa Thủ Đức số 119 Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu, TP.Thủ Đức, nay là kho của Trung tâm an sinh TP.Thủ Đức). Thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP mượn nơi đây làm điểm tập kết rau củ, các tình nguyện viên bốc mỗi ngày ít nhất 4 xe tải lớn khoảng 80 tấn.
“Thời gian đó, ai ở nhà nấy, khi có hàng hóa từ các tỉnh về, mọi người sẽ được báo tin bốc dỡ hàng gì, bao nhiêu tấn, thời gian cụ thể để có mặt...”, Xuân nói. Còn từ khi về kho Trung tâm an sinh TP ngày 23.8, Xuân phải thực hiện “3 tại chỗ”.
Tùy vào giờ của các xe hàng về, có hôm, Xuân và đội bốc xếp tại Trung tâm thức từ lúc 5 giờ, có hôm bốc hàng lúc 21 – 22 giờ… “Phải bốc liền, nhất là rau củ không để lâu được. Khi dỡ hết hàng xuống, đội còn thực hiện công đoạn khác là chuyển hàng qua các xe phân phối”, Xuân kể.

'Chú cuội' cưỡi xe điện vác loa khắp xóm gọi bà con nhận quà ngày dịch

Bà Hoàng Mai Quỳnh Hoa, Chánh văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, phụ trách quản lý đội bốc xếp, cho hay, đội có 14 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ, tham gia từ đầu tháng 7. Riêng hôm qua 4.9 thì có 1 bạn nữ bệnh, phải tạm nghỉ ngơi. Các tình nguyện viên được tiêm vắc xin, một số đã tiêm đủ 2 mũi, còn một số đang chờ tiêm mũi 2.
Mỗi ngày sẽ có khoảng 200 tấn hàng hóa gồm rau, củ, gạo, đồ bảo hộ, nhu yếu phẩm... hỗ trợ TP.HCM, phân phối tại một số quận, huyện khoảng 100 tấn, riêng tại Trung tâm an sinh TP sẽ tiếp nhận khoảng 100 tấn. Như thế, 14 thành viên bốc dỡ trung bình 100 tấn/ngày, riêng rau củ đã 25 – 30 tấn/ngày. “Đây là những thành viên chiến nhất, các bạn làm tất tần tật”, bà Hoa nói.
Xuân nói: “Đội của chúng mình là đội bốc vác cứng, những nữ tình nguyện viên ở đây không ngại chuyện lên xe dỡ hàng, đồ nặng quá sức mình không đáp ứng nổi thì có các anh, chị khác hỗ trợ. Ai có khả năng làm gì thì làm cái đó”.
Thời gian đầu, không quen “nhiệm vụ mới”, Xuân bị đau chân, nhức người, chất hàng nặng nhọc, lắm khi đầu nặng, chân tay buốt cóng. Có hôm bốc dỡ bí, bị đè, cấn bầm hai tay. Lại có hôm bốc hàng trúng ngày mưa nên bị sốt. “Rồi cũng quen, mọi người ai cũng ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân”, Xuân nói.

Đội bốc xếp có 14 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ mỗi ngày bốc dỡ từ 25 - 30 tấn rau củ

SONG MAI

Chúng tôi tính, vậy là cũng gần 4 tháng Xuân xa nhà, hỏi gia đình có cằn nhằn chuyện Xuân làm hay không, Xuân lắc đầu, bảo mẹ Xuân ủng hộ lắm. Mẹ bảo, giữ sức khỏe và dặn dò Xuân rằng "Tình nguyện ở đâu cũng là tình nguyện, giúp ở đâu cũng là giúp. Khi nào cảm thấy mệt quá, không cố được nữa thì cứ về". Sẵn tinh thần đó, Xuân đi ngay.
Xuân nghĩ công việc này là thiện nguyện, thế nên ai muốn về nhà tự cách ly vẫn được, “Nhưng, mình và đội bốc xếp trên tinh thần cố gắng đảm bảo giữ nguyên đội hình cho tới hết dịch, vì không làm thì không còn ai làm nữa”. Xuân năm nay là sinh viên năm cuối của Học viện Cán bộ TP.HCM, theo kế hoạch, ngày 7.9, Xuân có lịch học, và cô gái này dự định sẽ vừa bốc xếp, vừa học luôn tại đây.

Sáng bốc xếp, tối làm việc cho công ty

Chị H. (31 tuổi) dặn chúng tôi phải viết tắt tên, vì chị đang "trốn"... công ty để làm bốc xếp ở đây. Chị cho hay: “Tôi làm việc ở công ty phân phối mặt hàng cho mẹ và bé như tã, sữa... Ban đầu, tôi tham gia trực chốt và nhập liệu vào cuối tuần. Còn bây giờ, công ty tạo điều kiện cho làm việc ở nhà nên ban ngày tôi bốc xếp, ban đêm làm việc của công ty, những khi họp online thì cứ vào bên trong họp rồi ra làm tiếp. Chắc là công ty của tôi cũng biết chuyện, nhưng không la mắng gì”.
Chị H. có một đứa con trai 9 tuổi, nhưng nhờ mẹ mình trông giúp nên chị có cơ hội tham gia tình nguyện chống dịch. “Những khi điện về, con trai tôi luôn động viên mẹ cố gắng lên”, chị kể và nói thêm: “Thật ra, từ thời là sinh viên, chị cũng đã đam mê các hoạt động xã hội. Cứ khi có thời gian rảnh rỗi, chị tham gia tình nguyện ở các bếp cơm, nhà tình thương...”

Các thành viên của đội bốc xếp hỗ trợ nhau trong khi bốc xếp rau củ lên xe của đội vận chuyển để chở đến các bếp ăn, khu cách ly...

SONG MAI

Tham gia đội bốc xếp từ lúc kho tập kết còn ở Nhà văn hóa Thủ Đức và chuyển sang thực hiện “3 tại chỗ” tại Trung tâm an sinh TP, chị H. luôn hoạt động với tâm thế muốn... xông pha, không ngại gì hết. “Dẫu đúng là sức nữ có hạn, nhưng mình cứ cố gắng để xong sớm, nghỉ sớm, ai mệt thì có người trong đội đỡ đần. Quan trọng nhất vẫn là những chuyến rau từ các tỉnh, thành chuyển về TP.HCM, đội phải bốc xuống nhanh nhất có thể”, chị H. kể.
Trải nghiệm công việc này với chị H. đúng là thật vất vả. Lúc trước, công việc của chị ở văn phòng, ngồi máy lạnh. “Giờ, vận động chân tay 2 tháng, đen nhẻm, da xù xì, những ngày đầu rất mệt, nhất là khi vác bí cấn tay, chân bầm dữ lắm. Những người lao động mà mưu sinh công việc này chắc chắn bị ảnh hưởng sức khỏe lắm. Như ở đây, mình bốc dỡ ngoài trời, ngày nắng cũng bốc, mưa cũng bốc, chỉ có mưa to quá mới tạm ngưng công việc. Mọi người vẫn hay bị thời tiết hành sốt, mệt hoài nhưng vẫn chủ động bảo vệ sức khỏe được”, chị H. nói rồi cho biết thêm nhiều khi mệt quá, nhiều tối nằm ngủ, chị định bụng sáng mai nghỉ nhưng như bản năng, lại dậy làm tiếp”.
“Bốc xếp tuy vất vả, nhưng mình nghĩ từ trước giờ chưa làm được việc gì có ý nghĩa cho thành phố, thì đây là một cơ hội để làm việc, góp sức mình giúp người dân”.
Anh Hoàng Văn Ba (28 tuổi) làm ngành cơ khí ở tỉnh Bình Dương. Cuối tháng 6 khi đến nhà họ hàng ở TP.Thủ Đức thì bị kẹt lại vì dịch bệnh, thế nên, anh Ba quyết định đi tình nguyện trực chốt ở Q.Tân Phú, Q.9; sau đó bốc hàng ở Nhà văn hóa Thanh Niên. Khi thấy thông tin cần bốc xếp ở kho tập kết hàng hóa của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, anh Ba theo luôn.
“Cực thì có cực thật, nhưng giúp được thì mình cứ giúp. Lúc mới làm ba mẹ lo lắng lắm, không cho đi, nhưng tôi đi riết, ba mẹ quen nên cũng không cản. Tôi định làm đến khi nào hết dịch thì thôi, chứ giờ người dân họ đang cần mình”, anh Ba nói.
Trung tâm an sinh TP.HCM cho biết, tới tối 4.9, đơn vị đã tiếp nhận nhiều loại mặt hàng như rau và nhu yếu phẩm các loại... của tỉnh Lâm Đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm... trị giá hơn 3,5 tỉ đồng. Và Trung tâm đã phân phối hàng rau củ đến Q.1, Q.3, Q.4, Q.6, Q.Bình Thạnh, Q.Bình Tân, Q.Tân Phú, H.Nhà Bè, Bộ Tư lệnh TP; 15 bếp ăn từ thiện, Bệnh viện Q.Bình Thạnh...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.