Sắp không... trụ vững
Nhóm tháp F nằm ở vị trí góc đông bắc, có mặt bằng rộng nối liền với khu tháp E làm nên một nhóm kiến trúc thống nhất. Địa hình tháp F được xây dựng trên một sườn đồi dốc thoai thoải nghiêng từ đông sang tây. Phía bắc có nhánh suối chảy ngang qua và vòng về phía tây khu tháp. Nhóm tháp F trước đây có 3 ngôi tháp F1, F2, F3; hiện chỉ còn hai tháp F1, F2; riêng tháp F3 đã bị bom đánh sập hoàn toàn. Trong đó, tháp F1 là đền chính, tọa lạc ở trung tâm khu tháp.
Năm 2003, đợt khảo cổ đã phát lộ toàn bộ phần chân đế của phế tích tháp F1, bộc lộ nhiều chi tiết trang trí trên gạch và hình khối chung của phần chân đế. Các phần tường đều có những vết nứt lớn do bom đạn và cây cối xâm thực. Các khối xây hầu hết đều bị mất liên kết và có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Phần chân đế bị vùi lấp dưới đất, sau khi phát lộ hầu hết gạch xây đều bị mủn nát, mất liên kết và hoàng thổ dưới tác động của khí hậu.
Ông Nguyễn Công Khiết, Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết khu tháp F1 bị vùi lấp lâu ngày do chiến tranh, thời gian, khi khai quật khảo cổ chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa khai quật và trùng tu nên tình trạng đó kéo dài đến ngày nay. Trong khi chờ một giải pháp bảo tồn và trùng tu thích hợp, tháp F1 đã được BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn bảo vệ bằng một nhà che khu sắt, mái tôn lớn che phủ toàn bộ và được giằng chống bằng hệ thống cột, đai sắt từ năm 2004 đến nay.
“Điều đáng nói, khi tháp không được hưởng mưa nắng của thiên nhiên, độ lưu nhiệt của mái tôn gây nên tình trạng chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn hơn bình thường cộng với gạch lâu ngày bị đất bao phủ, nay có hiện tượng mục, hoàng thổ, mất liên kết ở tất cả các bề mặt của tháp”, ông Khiết nói.
|
Theo ông Khiết, tháp F1 là một trong những nhóm tháp có niên đại sớm, hoa văn trang trí thuộc phong cách Hòa Lai thế kỷ VIII, kiến trúc hiếm hoi còn lại trong quần thể 7 đền tháp của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Công trình chứa đựng giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật rất cao. “Với hiện trạng đánh giá, tháp F1 đang nằm trong tình trạng rất nguy hiểm, cần phải gia cố trùng tu khẩn cấp”, ông Khiết khẳng định.
Cơ hội
Mới đây, Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội vừa gửi công hàm đến UBND tỉnh Quảng Nam cho biết Viện Khảo cổ học Ấn Độ đã đề nghị một nhóm chuyên gia cấp cao đến khảo sát hiện trạng nhóm tháp F Mỹ Sơn để tiếp cận tính khả thi của các công trình bảo tồn cũng như chuẩn bị các báo cáo chi tiết dự án để xây dựng kế hoạch trùng tu nhóm tháp này. Tuy nhiên, thời gian nhóm chuyên gia của Viện Khảo cổ Ấn Độ đến thăm địa điểm dự án thì còn phải chờ những hạn chế đi lại trong phòng chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ.
Trước đó, cuối năm 2020, trong buổi làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ, UBND tỉnh đã đề xuất chính phủ Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ chương trình bảo tồn tháp F1 để cứu vãn kiến trúc này. Bước đầu, phía Ấn Độ đã đồng ý, đồng thời yêu cầu Quảng Nam lập các hồ sơ liên quan để Ấn Độ xem xét trước khi tiến hành khảo sát. Trong công hàm gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Đại sứ quán Ấn Độ khẳng định, những đề xuất dự án của Quảng Nam đã được thảo luận và Viện Khảo cổ học Ấn Độ cũng đã chính thức thỏa thuận để tiếp nhận các công trình bảo tồn mới tại nhóm F Mỹ Sơn.
Ông Phan Hộ, Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho hay việc chính phủ Ấn Độ thông qua Đại sứ quán Ấn Độ đồng ý, ghi nhận đề xuất bảo tồn nhóm tháp F và cử chuyên gia đến khảo sát là bước khởi đầu vô cùng quan trọng, mở ra những cơ hội lớn để nhóm tháp F nói chung và đặc biệt là tháp F1 được trùng tu bảo tồn khẩn cấp.
“Đối với Mỹ Sơn bây giờ, qua quá trình trùng tu ở một số nhóm tháp thì diện mạo khu đền tháp Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày di tích được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (năm 1999). Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay đối với Mỹ Sơn là cả nhóm tháp F vẫn chưa được trùng tu. Khu tháp F đã xuống cấp nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là tháp F1. Tháp F1 hiện bị thoái hóa rất nhanh, nếu không tiến hành trùng tu thì có nguy cơ sẽ đổ nát. Vì vậy, chúng tôi rất muốn có dự án để trùng tu khu tháp F1 này”, ông Hộ nói.
Bình luận (0)