Hệ thống giao thông vùng chưa đáp ứng nhu cầu
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng công bố Chương trình hành động Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15.11.2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Lâm Viên |
Theo báo cáo, kinh tế vùng Tây nguyên phát triển chưa ổn định, bền vững; quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược. Các địa phương trong vùng đều chưa tự cân đối được ngân sách. Huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Giai đoạn vừa qua, mặc dù được Chính phủ quan tâm đầu tư khoảng 95.655 tỉ đồng để phát triển hệ thống giao thông vùng Tây nguyên, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu; các trục ngang kết nối có mật độ thấp, quy mô nhỏ, đèo dốc quanh co, mặc dù đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhưng mới chỉ đáp ứng nhu cầu vận tải thông thường, chưa có tuyến cao tốc kết nối nhanh với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay (chỉ có tuyến cao tốc nội vùng Liên Khương - Prenn khai thác từ năm 2008 với chiều dài 19 km). Do vậy, chưa trở thành tiền đề, động lực để khai thác đặc điểm, tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng Tây nguyên.
Công nghiệp chế biến là động lực, du lịch là đột phá
Sau khi nghe các ý kiến tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng mục tiêu phát triển vùng Tây nguyên có thể gói gọn trong 8 chữ “đột phá, bao trùm, toàn diện, bền vững”. Tây nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc và khung trời, mảnh đất của mình. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược lâu dài là quyết định.
Theo Thủ tướng, Tây nguyên phải đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng. Lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Tây nguyên.
Thủ tướng nhắc nhở các địa phương cần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, đồng thời phải đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do. Xử lý hiệu quả đất nông lâm trường và xử lý kịp thời những bất cập hiện nay được các ngành và doanh nghiệp nêu ra tại hội nghị.
Kết thúc hội nghị, Thủ tướng cho biết trước mắt phải hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách đặc thù và thí điểm ở Tây nguyên. “Thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, mà các địa phương phải đề xuất, phải nêu cụ thể để Chính phủ xem xét nhằm phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị phát triển kinh tế Tây nguyên, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo hình thức PPP (đối tác công - tư) với tổng mức đầu tư 688 triệu USD cho ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ KH-ĐT, các chỉ tiêu cụ thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 7 - 7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. Đến năm 2030, phấn đấu nâng cấp, hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng như các tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Gia Nghĩa - Chơn Thành; Tân Phú - Bảo Lộc; Bảo Lộc - Liên Khương và nâng cấp các cảng hàng không Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…
Bình luận (0)