Khát vọng hòa bình - Giá trị thiêng liêng của mỗi người Việt Nam

25/07/2022 06:23 GMT+7

Trong không gian linh thiêng bên Thành cổ, dòng Thạch Hãn - nơi được mệnh danh là 2 “nghĩa trang không bia mộ” của tỉnh Quảng Trị , những người có mặt tại chương trình Khát vọng hòa bình đã cùng ngưỡng vọng các anh hùng liệt sĩ ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tối 24.7, tại quảng trường Giải phóng (TX.Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, Báo Thanh Niên tổ chức.

Chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc

Độc Lập

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Bùi Quang Huy, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn; Ban Bí thư T.Ư Đoàn; cùng lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Quảng Trị và các địa phương.

Các đại biểu tham dự chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình

Tri ân sâu sắc thế hệ đi trước

Phát biểu tại chương trình, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai xúc động: “Trong giờ phút thiêng liêng này, mỗi chúng ta hãy lắng đọng, tưởng nhớ, dành sự tri ân sâu sắc các thế hệ đi trước, các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, hòa bình, thống nhất cho đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi một phút giây bình yên trong cuộc sống, mỗi một thành quả trong sự nghiệp phát triển đất nước đều xuất phát từ nền tảng bền vững sâu xa, đó là nền độc lập, hòa bình mà hàng triệu con người VN đã hy sinh, đánh đổi bằng máu xương”.

Chương trình tuổi trẻ VN viết tiếp câu chuyện hòa bình hôm nay tiếp tục khắc họa khát vọng của nhiều thế hệ thanh niên VN, khắc họa thế hệ anh hùng đã gác lại ước mơ, hạnh phúc cá nhân, sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khát vọng của thế hệ thanh niên trên hành trình tái thiết quê hương sau chiến tranh, khát vọng của tuổi trẻ ngày nay tiếp bước cha anh dựng xây đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu giữa thế kỷ này, VN sẽ trở thành nước phát triển.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư

Bà Trương Thị Mai cho biết đã có khoảng 1,2 triệu chiến sĩ vĩnh viễn ra đi, trong đó có gần 200.000 liệt sĩ chưa thể tìm thấy hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa thể xác định danh tính; hàng triệu thương binh, bệnh binh vẫn còn mang trên mình thương tích. Hàng triệu gia đình chịu nỗi đau mất mát người thân. Và ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa, vẫn tiếp tục có những tấm gương hy sinh quên mình để mang lại bình an cho cuộc sống của nhân dân, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Mãi mãi chúng ta không bao giờ quên sự hy sinh to lớn đó và mỗi một việc làm hôm nay đều phải trả lời: Mình đã sống xứng đáng với thế hệ đi trước”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai phát biểu tại chương trình

Dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “ăn quả nhớ người trồng cây”, bà Trương Thị Mai cho rằng trong cuộc sống tưng bừng, vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng liệt sĩ của Đảng ta, của nhân dân ta. Để tôn vinh, tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người, những gia đình đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã chọn ngày 27.7 hằng năm là ngày Thương binh - Liệt sĩ. 75 năm qua, nhiều chủ trương của Đảng, Nhà nước đã được ban hành. Chính sách người có công với cách mạng là chính sách tôn vinh, là chính sách hàng đầu của Đảng, Nhà nước và xã hội. Nhiều hoạt động thiết thực của các cấp ủy, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, của doanh nghiệp, cộng đồng xã hội… đã hỗ trợ, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với nước mang lại tình cảm ấm áp, sự sẻ chia, lòng biết ơn góp phần phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, nêu cao tinh thần yêu nước, nghĩa đồng bào, mang ý nghĩa sâu sắc đối với thế hệ trẻ VN. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước nhiều năm qua đã luôn quan tâm, giữ gìn, bồi đắp, tiếp nối vững chắc truyền thống thế hệ đi trước. Nhiều hoạt động tri ân người có công của tuổi trẻ để lại nhiều tình cảm tốt đẹp được Đảng, Nhà nước, xã hội, người có công đánh giá cao.

“Chương trình tuổi trẻ VN viết tiếp câu chuyện hòa bình hôm nay tiếp tục khắc họa khát vọng của nhiều thế hệ thanh niên VN, khắc họa thế hệ anh hùng đã gác lại ước mơ, hạnh phúc cá nhân, sẵn sàng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, khát vọng của thế hệ thanh niên trên hành trình tái thiết quê hương sau chiến tranh, khát vọng của tuổi trẻ ngày nay tiếp bước cha anh dựng xây đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc với mục tiêu giữa thế kỷ này, VN sẽ trở thành nước phát triển”, bà Trương Thị Mai nói.

Chúc mừng tỉnh Quảng Trị về những kết quả và những thành tích cũng như những điều đã đạt được trong nhiều năm qua, bà Trương Thị Mai chúc tỉnh Quảng Trị tiếp tục có bước phát triển mới, chúc cho cuộc sống nhân dân mỗi ngày tốt hơn, nhất là cuộc sống người có công ở Quảng Trị. “Chúng ta tin tưởng rằng, dù trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, khát vọng độc lập dân tộc, hòa bình vẫn mãi là giá trị thiêng liêng đối với mỗi con người VN”, bà Trương Thị Mai nói.

Chương trình dâng hương và thả hoa đăng ở bến bờ nam sông Thạch Hãn tối qua đã gây nhiều ấn tượng sâu đậm và cảm xúc lắng đọng.

Hạnh phúc sống trong hòa bình

75 phút diễn ra, chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc. Với bối cảnh sân khấu thực cảnh là bến thả hoa, đền tưởng niệm bờ nam sông Thạch Hãn tại quảng trường Giải phóng kết nối với trục văn hóa tâm linh tháp chuông Thành cổ, chương trình đã xây dựng hình ảnh Thạch Hãn thành “Dòng sông ước vọng”.

Ca sĩ Thanh Lam biểu diễn tại chương trình Khát vọng hòa bình

Đó là dòng sông năm xưa chở những ước mơ, hoài bão của một thế hệ thanh niên sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước. Dòng sông chở những khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc cho dân tộc. Dòng sông mang ước vọng về hòa bình cho toàn dân tộc để Nam - Bắc thống nhất một nhà. Thạch Hãn trở thành mạch nguồn, là sợi chỉ kết nối những ký ức quá khứ - hiện tại - tương lai trong một khát vọng hòa bình xuyên suốt.

Cùng với tiết mục mở màn, 3 chương của Khát vọng hòa bình đi từ Máu và hoa, Màu hòa bình đến Khúc thanh ca khéo léo dẫn dắt khán giả qua từng cung bậc cảm xúc. Đó là ký ức chiến tranh với biết bao đau thương, mất mát nhưng cũng đầy niềm lạc quan, phơi phới tinh thần cống hiến cho Tổ quốc. Những câu chuyện được kể thông qua dòng thư, nhật ký của những chiến sĩ giải phóng năm xưa luôn chất chứa khát vọng về ngày hòa bình, được sum họp.

Theo dõi những tiết mục của chương 1, nhiều người dân trên đất thiêng Thành cổ đã không thể giấu được niềm xúc động. Nhất là khi nghe giọng lại những dòng nhật ký: “Hạnh phúc là gì, mà hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi… Ngày 30.4.1975, dù chúng ta có thể giận, ghét nhau đến đâu đi nữa, dù thế nào cũng sẽ viết cho nhau những dòng chữ “Hạnh phúc là thế nào” nhé!”. Những dòng nhật ký của người chiến sĩ Nguyễn Văn Thạc (viết tại Quảng Trị tháng 9.1971) đã khiến nhiều người, nhất là những cựu binh, bồi hồi.

Là du kích tại H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) giai đoạn 1972 - 1973, bà Ngô Thị Em (67 tuổi, trú tại P.2, TX.Quảng Trị) hiểu rõ những mất mát, đau thương mà quân và dân ta đã trải qua trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. “Mùa hè đỏ lửa năm 1972, chiến trường Quảng Trị rất ác liệt. Dòng Thạch Hãn đã chứng kiến sự hy sinh của biết bao xương máu quân ta. Chương trình đã chạm đến những ký ức sâu thẳm trong tôi. Dù nhiều mất mát nhưng hào hùng biết bao”, bà Em xúc động. Hạnh phúc là gì? Ắt hẳn mỗi người sẽ có những định nghĩa riêng. Nhưng được sống trong hòa bình như hôm nay, tự thân mỗi người xem sẽ có câu trả lời...

Khơi khát vọng cống hiến cho đất nước

Và hồi kết chương 1, thiêng khí như tụ về giữa mênh mông đất trời Thành cổ, bên dòng Thạch Hãn. Những hồi chuông một lần nữa được gióng lên. Tháp chuông bừng sáng rồi dòng chảy ánh sáng giữa 2 bờ Thạch Hãn được kết nối tạo thành cây cầu hồi quang. Chiếc cầu ánh sáng là hình tượng của sự tri ân, thể hiện niềm tưởng nhớ tới những chiến sĩ mang trong mình khát vọng cháy bỏng và đã làm nên hòa bình hôm nay. Tiếng chuông tri ân chiêu vọng những anh linh liệt sĩ đã ngã xuống cũng là lời nguyện cầu từ người Quảng Trị, người VN mơ ước về một thế giới hòa bình.

Chương 2 thể hiện vẻ đẹp hòa bình hôm nay. Đó là điều mà biết bao chiến sĩ giải phóng quân năm ấy từng khát khao cháy bỏng. Chương 2 như để trả lời cho câu hỏi Màu hòa bình là gì? Màu hòa bình là màu của sự hồi sinh nơi mảnh đất từng chịu đau thương, tàn phá nay được phủ xanh, nơi bom đạn từng giày xéo khốc liệt nay mọc lên những ngôi trường khang trang với tiếng cười đùa trẻ thơ mỗi ngày. Màu hòa bình còn là màu của sự thấu cảm, những người từng bên kia chiến tuyến nay trở về mảnh đất này để tìm sự hòa hợp. Màu hòa bình cũng là màu dân tộc, là sự kết nối các thế hệ, tiếp nối dòng chảy, cùng hiện thực hóa khát vọng hòa bình…

Chương 3 Khúc thanh ca với cấu tứ chính là câu chuyện của thế hệ trẻ Quảng Trị. Họ có ông, bà, cha, chú từng tham gia các trận đánh ở Thành cổ. Khi họ lớn lên, biết trân trọng giá trị của hòa bình, khát khao được cống hiến cho nước nhà, là niềm tự hào cho quê hương Quảng Trị. Đó cũng là bầu nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ Quảng Trị hôm nay nói riêng và cả nước nói chung. Những người trẻ sẵn sàng mang sức trẻ, màu xanh thanh niên điểm tô cho quê hương. Khát vọng hòa bình như được chắp cánh bay trên những tầm cao mới.

Thư Cảm ơn

Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, được sự chỉ đạo của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, T.Ư Hội LHTN VN, UBND tỉnh Quảng Trị, Báo Thanh Niên đã tổ chức chương trình nghệ thuật Khát vọng hòa bình tại quảng trường Giải phóng (TX.Quảng Trị, Quảng Trị) vào đêm 24.7, được truyền hình trực tiếp trên VTV1.

Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn:

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai; cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các ban của Quốc hội, các đoàn thể chính trị - xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Tuấn; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bùi Quang Huy; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng; Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Quảng Trị và TX.Quảng Trị.

Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn:

Đài truyền hình VN đã truyền hình trực tiếp và thông tin kịp thời về những hoạt động của chương trình.

Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Trị; Tỉnh đoàn Quảng Trị; Thị ủy, UBND TX.Quảng Trị; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Sư đoàn 968 (Quân khu 4).

Ban tổ chức cảm ơn sự đồng hành hiệu quả của các nhà tài trợ, hỗ trợ:

Công ty CP Tập đoàn Masterise, Công ty CP kinh doanh địa ốc Him Lam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Tập đoàn Novagroup, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Công ty CP Tập đoàn Trường Hải, Công ty TNHH Cửa sổ Việt Châu Á ASEANWINDOW, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam - BIDV, Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương, Ngân hàng NN-PTNT VN Agribank.

Chúng tôi cũng chân thành cảm ơn:

Tổng đạo diễn Đặng Lê Minh Trí, giám đốc âm nhạc Dương Cầm, đạo diễn ánh sáng Nguyễn Ngọc Lâm, giám đốc kỹ thuật Phan Hải Linh, họa sĩ thiết kế sân khấu Phùng Nam Thắng, điều phối sự kiện Trương Hữu Lâm, biên đạo múa Hải Trường…

Các ca sĩ: Thanh Lam, Tùng Dương, Đinh Hương, Đông Hùng, Bảo Trâm, Đinh Quang Đạt, nhóm The Wings, Thăng Long, MC Lê Anh - Hồng Nhung.

Và sự góp mặt của các nghệ sĩ đến từ Đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị, các thiếu nhi và đoàn viên, thanh niên tỉnh Quảng Trị.

Ban Tổ chức chương trình Khát vọng hòa bình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.