Luật sư (LS) Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn LS TP.Hà Nội) nhìn nhận, hiện nay không thể phủ nhận tác dụng của camera giám sát trong thực tiễn đời sống để thu thập chứng cứ, tài liệu, phòng chống đấu tranh tội phạm. “Tuy nhiên pháp luật chưa có quy định về việc bắt buộc lắp đặt camera để giám sát hoạt động kinh doanh, thương mại tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN). Các cơ sở kinh doanh hoàn toàn được quyền tự chủ, bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật riêng tư và có trách nhiệm tuân thủ pháp luật. Thế nên, việc lắp đặt camera công vụ ở cơ sở kinh doanh cũng phải được sự đồng ý của chủ cơ sở chứ không phải bằng mệnh lệnh hành chính là có thể áp dụng”, LS Hùng nhìn nhận.
Theo LS Hùng, khoản 1 điều 21 Hiến pháp 2013 quy định: “Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Vì vậy, muốn lắp đặt camera tại một địa điểm kinh doanh thì cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng các chính sách tuân thủ pháp luật đảm bảo quyền kinh doanh, tôn trọng bí mật đời tư và bí mật kinh doanh của DN.
Tương tự, ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cho rằng, việc gắn camera vào tài sản là bất động sản của DN là đang đi sâu vào quyền quản lý, quyền sở hữu của DN, cũng như quyền riêng tư và hình ảnh của DN. Vì vậy, các quyền trên của chủ cơ sở kinh doanh chỉ có thể bị hạn chế phần nào bởi một chính sách nếu chính sách đó phục vụ cho một mục đích chung của xã hội, và mục đích này phải đủ quan trọng và cần thiết đến mức bắt buộc phải thực hiện và không còn biện pháp nào thay thế. “Nhà nước phải giải trình cho người dân biết rằng vì sao phải bắt buộc lắp camera tại cơ sở kinh doanh hợp pháp của cá nhân, tổ chức”, ông Thêm nói.
Theo ông Thêm: "Kinh doanh bar, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thay vì nhà nước chi tiền lắp camera giám sát và cần một nguồn nhân lực ngồi theo dõi thì có thể yêu cầu cơ sở kinh doanh cam kết hoặc bổ sung quy định buộc chủ cơ sở kinh doanh lắp đặt camera tại địa điểm kinh doanh nhằm bảo đảm an ninh trật tự; yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh phải lưu trữ camera trong một thời gian cố định và buộc cung cấp, trích xuất camera cho cơ quan chức năng khi có nghi ngờ về tội phạm xảy ra tại địa điểm kinh doanh của chủ cơ sở".
Còn theo một cán bộ Công an TP.HCM, việc bắt buộc lắp camera tại các điểm vui chơi giải trí như quán bar, vũ trường, karaoke để công an giám sát là cần thiết. “Hoạt động ở quán bar, vũ trường nhiều nhạy cảm nên cần phải quản lý chặt. Chủ DN gắn camera tại các địa điểm khách chơi trong bar, vũ trường rồi chia sẻ đường truyền đó cho công an để cùng quản lý. Qua camera, công an phát hiện khách có biểu hiện sử dụng ma túy sẽ xuống kiểm tra xử lý. Nếu làm đồng bộ trên toàn TP, tình trạng sử dụng ma túy trong các quán bar, vũ trường chắc chắn sẽ giảm”, vị cán bộ này nói.
Cơ sở làm ăn đàng hoàng sẽ hợp tác với cơ quan chức năngTrao đổi với PV Thanh Niên, ông T. (quản lý một quán bar ở Q.1) cho biết, các quán bar và vũ trường đều có hệ thống camera “giấu kín” để kiểm soát hoạt động, kinh doanh của mình. “Các bar, vũ trường đều có hệ thống security (bảo vệ) và nhân viên, nếu phát hiện khách sử dụng chất cấm hay ma túy, security sẽ nhắc nhở, nếu vi phạm nhiều lần sẽ có biện pháp, mời ra ngoài”, ông T. nói và cho biết với những vũ trường rộng lớn, lượng khách đông, nhạc sàn sôi động rất dễ kích thích khách hàng sử dụng chất cấm hay ma túy để đạt độ "phê".
Về ý kiến lắp camera “công vụ” giám sát, ông T. cho rằng, những bar, vũ trường làm ăn bài bản sẵn sàng hợp tác hay ít ra cũng chia sẻ dữ liệu cho cơ quan chức năng khi cần. Tuy nhiên việc gắn camera “công vụ” chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vì khách đến bar dù chỉ mục đích giải trí thuần túy cũng không muốn hình ảnh của mình bị giám sát hay vào khung hình camera.
Trung Hiếu
|
Bình luận (0)