Phát biểu “Nhiều cán bộ nhàn nhã quá sao lại tăng giờ làm của người “chân lấm, tay bùn” của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khi đề cập đến đề xuất tăng khung giờ làm thêm được nhiều bạn đọc tranh luận.
Như Thanh Niên đã thông tin, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (gọi tắt là ủy ban) ngày 2.10, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm ủy ban này, cho hay với nội dung tăng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm như hiện hành lên 400 giờ/năm mà Chính phủ đề xuất, đa số ý kiến đều không đồng tình, kể cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH). Tuy nhiên, Chính phủ vẫn mong muốn QH tiếp tục thảo luận, quyết định đề xuất này, do đó ủy ban tham mưu Ủy ban Thường vụ QH đưa ra 2 phương án trình QH. Phương án 1: giữ nguyên quy định hiện hành, nhưng nâng thời gian làm thêm giờ theo tháng, ghi rõ là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng, và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ. Phương án 2: nâng lên 400 giờ/năm, theo đề xuất của Chính phủ.
Loại bớt cán bộ, công chức làm việc không hiệu quả
Về phát biểu nêu trên của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, bạn đọc (BĐ) Linh Ngô (TP.HCM) bình luận: “Rất đúng, phải tăng thời gian làm việc cho công chức nhà nước để phục vụ dân vì hưởng lương từ thuế của dân đóng góp. Còn dân lao động thì chỉ mong tới tuổi hưu để được nghỉ ngơi. Bây giờ còn đòi tăng tuổi hưu lên thì làm sao có sức khỏe mà làm việc, hiệu suất lao động kém trong khi các sinh viên ra trường thì thất nghiệp”.
BĐ Lê Vũ (Lâm Đồng) lại có quan điểm khác: “Nhiều người nói tăng giờ làm cho cán bộ công chức, giảm giờ cho người lao động. Sao phải phân biệt đối xử? Cán bộ cũng có người này người kia, có ngành này ngành kia, có công việc áp lực, có công việc nhàn hạ chứ làm gì có ai làm cán bộ mà ngồi chờ lãnh lương. Đã là con người ai mà chẳng có lòng tự trọng”. Trong khi đó, BĐ Võ Thiên Tôn (TP.HCM) lại cho rằng đối với những “cán bộ nhàn nhã quá” thì “không cần phải tăng thêm giờ làm thêm làm gì cho tốn tiền lương. Tốt nhất là loại bỏ bớt những cán bộ làm việc không đạt hiệu quả!”.
Tăng giờ làm cần nhìn từ người lao động
Về đề xuất tăng giờ làm thêm, BĐ Nguyễn Phương (TP.HCM) bày tỏ: “Nếu doanh nghiệp có yêu cầu làm thêm thì phải thuê thêm công nhân hoặc tăng tiền công cho công nhân làm thêm. Như vậy có lợi cho người lao động, sao lại phản đối”.
Tương tự, BĐ Xuân An (Bình Thuận) phân tích: “Đối với người lao động chúng tôi thì “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Cho nên, nghỉ làm là nghỉ ăn và người lao động sợ giảm giờ làm”.
BĐ Phạm Hữu Hạnh (Bà Rịa-Vũng Tàu) thì cho rằng: “Thời gian làm việc của người lao động nên giữ nguyên 48 giờ/tuần là hợp lý hơn cả. Ngoài thời gian đó, theo nhu cầu công việc đặc thù, người sử dụng lao động có thể ký thỏa ước lao động với người lao động quy định làm thêm giờ với mức lương thỏa thuận. Làm như vậy mới bảo vệ được quyền lợi người lao động trước xu thế hội nhập kinh tế thế giới”.
Bình luận (0)