Trong buổi tiếp xúc này, một cử tri thuộc Công đoàn cơ sở doanh nghiệp FDI chia sẻ: “Hai năm nhà nước không tăng lương, nhưng vật giá gia tăng liên tục nên đồng lương ít ỏi của công nhân không thể mua được nhà”. Một nữ cử tri thuộc nghiệp đoàn xe ôm công nghệ Q.7 bộc bạch: “Tôi là tài xế Grab xe máy, là lao động nhập cư, có 1 con trai đang học tiểu học, đang ở nhà trọ. Với mức thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, tôi chỉ đủ thuê 1 phòng trọ nhỏ, mức 1,5 triệu đồng/tháng. Số còn lại phải tiết kiệm lắm mới đủ cho cuộc sống của hai mẹ con nên rất khó có tiền dư để mua nhà tại TP.HCM”.
Chung cư - nhà ở xã hội Topaz City ở Q.8, TP.HCM |
NGỌC DƯƠNG |
Thực vậy, với mức giá từ 1 - 1,6 tỉ đồng cho một căn nhà ở xã hội hiện nay (theo như Sở Xây dựng TP.HCM thông tin), thì mức lương công nhân khó đáp ứng nổi. Dẫn chứng là trong gần 41.000 mẫu khảo sát của TP.HCM, có tới 36% người được khảo sát lựa chọn mua nhà từ 500 triệu đến dưới 1 tỉ đồng.
Chưa kể, liên quan đến chính sách nhà ở xã hội, đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần gỡ vướng, từ các nguồn vốn vay hỗ trợ thực hiện dự án; thực trạng các dự án kéo dài, đối tượng được thụ hưởng cho đến các pháp lý phức tạp...
Có lẽ vì vậy, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, khi dẫn chứng khảo sát quy mô của đơn vị ở các khu nhà trọ trên địa bàn, ghi nhận nhu cầu thực tiễn của người nhập cư, mới kiến nghị TP cần lưu tâm phát triển nhà cho thuê. Lý do, phát triển nhà cho thuê, nhà có phân khúc thấp không những cải thiện môi trường, điều kiện sinh sống của gia đình công nhân, giảm áp lực đi kèm về giáo dục, y tế, giao thông… mà còn dễ giải quyết hơn là mua nhà ở xã hội.
Những gì công nhân trình bày tại hội nghị tiếp xúc cử tri của HĐND TP.HCM là những gửi gắm mong lãnh đạo và các cấp chính quyền cần lưu tâm trong các thiết chế chính sách về nhà ở, an sinh xã hội.
Bình luận (0)