Chiếm 16,8% diện tích với gần 3.000 sông rạch, dài hơn 4,3 triệu mét, hệ thống sông, kênh rạch không chỉ là điểm nhấn đặc biệt của TP.HCM mà còn là nguồn lực khổng lồ. Nhưng do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, sạt lở, ô nhiễm nghiêm trọng đã khiến nguồn lực này bị lãng phí.
Bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện
TS Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch và phát triển TP.HCM, phân tích bên cạnh hai chức năng cơ bản là thoát nước, giao thông thủy, không gian và mảng xanh sông nước còn có chức năng điều hòa không khí, cân bằng sinh thái, tạo cảnh quan và không gian giao tiếp giữa người với người và với tự nhiên. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình dần dần che khuất các dòng sông, thậm chí do quá trình chiếm dụng đất hai bên sông làm cho nhiều đoạn sông không còn có thể tiếp cận đối với mọi người. Đây cũng là tình trạng mà TP.HCM đang mắc phải. Theo ông Cương, ngoài nguy cơ bị xói lở theo quy luật tự nhiên của dòng chảy, dải đất dọc bờ sông còn có nguy cơ bị chiếm dụng và xây dựng tùy tiện. Quỹ đất và mặt nước bị lãng phí, cảnh quan sông nước bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm và cộng đồng dân cư TP mất cơ hội tiếp cận không gian rộng lớn tươi đẹp của sông nước. “Mặc dù nằm bên sông Sài Gòn, nhưng dân chúng TP chỉ có thể tiếp cận bờ sông một đoạn ngắn dọc công viên Bạch Đằng (Q.1). Chỉ những nơi chưa có công trình như khu vực Bình Quới, Thanh Đa, Cần Giờ hay Hóc Môn, Củ Chi mới có thể nhìn thấy dòng sông từ trên bờ. Trong khi đó, những dự án cải tạo môi trường nước và đô thị lớn, chi phí hàng tỉ USD dọc theo các kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Lò Gốm - Tân Hóa... đã được triển khai nhưng tình trạng nhà trên kênh rạch có từ trước vẫn còn tồn tại, không những che khuất dòng kênh mà còn gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đô thị”, ông Cương nhận định.
Chưa khai thác được quỹ đất ven sông
|
Cụ thể hơn, ông Phạm Văn Phước, Viện Quy hoạch xây dựng, dẫn chứng tại Hàn Quốc, từ thập niên 1990 đến năm 2010 đã có chiến lược đô thị hóa sinh thái khu vực ven sông Hàn ở Seoul. Theo đó, nhà chức trách bắt đầu xây hàng loạt công viên dọc bờ sông Hàn, kết hợp với các sân bóng, đường chạy bộ, bể bơi và các cơ sở giải trí khác. Tại Singapore, từ thập niên 1960 - 1970, chính phủ nước này đã xác định biến khu vực Marina Bay Sands thành một trung tâm kinh doanh - giải trí - định cư mang tầm thế giới. Họ di dời các khu nhà gần cửa sông Singapore, dọn sạch các khu nhà kho, cơ sở công nghiệp để tạo một trung tâm đa chức năng bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, trung tâm mua sắm, giải trí và không gian công cộng. Dù đây là dự án của chính phủ, nhưng các công ty tư nhân cũng được tạo điều kiện triển khai các dự án quan trọng góp phần tạo ra khu Marina Bay hiện đại ngày nay.
TP.HCM cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án chỉnh trang kênh rạch như dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án rạch Bến Nghé... Đồng thời, chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, làm thay đổi diện mạo đô thị, môi trường sống và cải thiện đời sống cho hàng chục ngàn hộ gia đình. “Tuy nhiên, các dự án này mới chỉ giải quyết được khâu xử lý môi trường, chỉnh trang đô thị mà chưa khai thác được quỹ đất hai bên do chưa có quy hoạch sử dụng đất đối với quỹ đất này. Ngoài ra, chưa có quy hoạch chi tiết một số vị trí mặt nước, để cho phép khai thác sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước để phục vụ lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, du lịch. Đặc biệt, TP chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích xã hội hóa việc kè bờ sông rạch trong nội thành, nhất là tại những vị trí có nguy cơ bị sạt lở đi đôi với khai thác hiệu quả quỹ đất thuộc hành lang sông rạch và cả một số vị trí mặt nước có thể phát triển kinh doanh dịch vụ phục vụ lợi ích công cộng theo quy hoạch”, ông Lê Hoàng Châu nhận xét.
Tầm nhìn dài, kinh phí lớn
Ông Phạm Văn Phước lưu ý chỉ riêng sông Sài Gòn, quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông phải có tầm nhìn dài hạn từ 20 - 25 năm, thậm chí là 50 năm và cần xác định kinh phí thực hiện là rất lớn, không thể triển khai đồng loạt với tất cả kỳ vọng. Do đó, việc phân đoạn và xác định chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện rất quan trọng, nhằm tập trung nguồn lực cũng như nguồn vốn của các tổ chức trong và ngoài nước. “Chỉ có kêu gọi xã hội hóa thì nhà nước, nhà đầu tư và người dân mới cùng có lợi. Tuy nhiên, để thu hút mạnh hơn và hiệu quả hơn nguồn vốn này, TP cần có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp. Việc đưa ra nhiều phương án lựa chọn để thu hút các nhà đầu tư vào đấu thầu công khai sẽ mang lại hiệu quả to lớn cho dự án”, ông Phước đề xuất.
Đồng tình, KTS Nguyễn Lâm, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân rất quan trọng. Để nhận được hỗ trợ kinh phí và khai thác mối quan hệ cộng tác của DN tư nhân nhằm cải tạo dòng sông, TP cần xem xét giải pháp chỉnh trang không gian ven sông dựa trên hoạt động của DN. Dự án cải tạo bờ kè nên được tích hợp với các tòa nhà tư nhân dọc theo sông và đưa dòng sông vào khu vực đất của DN.
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho biết hiện nay quy hoạch đã có, nhưng để thực hiện hết quy hoạch được thì chưa tốt vì mỗi nơi làm một chút, cắt khúc và hiệu quả quản lý chưa cao. Vì thế, quy hoạch phải hấp dẫn để kêu gọi đầu tư. TP sẽ chọn những khu vực có giá trị để làm trước, ở một số đoạn sẽ điều chỉnh quy hoạch, có cơ chế để thu hút đầu tư.
Bình luận (0)