Nếu kéo dài, Covid-19 sẽ 'bẻ gãy' sự chống chịu của nền kinh tế

Vũ Hân
Vũ Hân
25/06/2021 06:16 GMT+7

Sáng 24.6, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm.

Một lần nữa, đây là buổi thẩm tra rất đặc biệt mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng “lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội” có đến 4 bộ trưởng tham gia phiên thẩm tra của ủy ban, gồm Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long.
Các bộ này liên quan trực tiếp đến những vấn đề nóng hiện nay: thách thức trong giữ tăng trưởng nền kinh tế với phòng chống dịch, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh, kiềm chế lạm phát, thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp không kiệt quệ bởi dịch bệnh, nỗi lo bất ổn vĩ mô, bong bóng tài sản…

Bản tin Covid-19 ngày 24.6: TP.HCM, Bình Dương, Bình Thuận, Phú Yên… “nóng” vì dịch bệnh

Tiềm năng của Việt Nam đã “thất thế” nhất định

Báo cáo của Chính phủ cho biết kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Quy mô GDP 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỉ đồng, tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu của Chính phủ hồi đầu năm (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với kịch bản điều chỉnh tại thời điểm quý 1 (tăng 5,92%).
Dù Bộ trưởng KH-ĐT bày tỏ “kiên định” không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng cả năm (6%) do “Nghị quyết Đại hội vừa giao, nhân sự vừa mới kiện toàn, nhiều khí thế mới, động lực mới, khát vọng mới”, đồng thời Việt Nam đang triển khai chương trình tiêm vắc xin Covid-19, các dư địa của các ngành còn nhiều; thì báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đó là xu hướng doanh nghiệp (DN) rời khỏi thị trường đang ở mức khá cao (tăng 23%), trong đó có cả DN lớn, cho thấy sức chống chịu của nhiều DN đã tới hạn; cán cân thương mại có chiều hướng thiên về nhập siêu; các thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro; sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm; giải ngân đầu tư công chậm (mới đạt 22,12% kế hoạch năm); giải ngân vốn nước ngoài rất thấp (chỉ có 2,97%); đời sống người dân khó khăn, đặc biệt là người lao động làm ở khu công nghiệp.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, từ 27.4 đến nay (đợt dịch thứ 4) đã có 9,1 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng do dịch, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm. Điều rất đáng lo ngại là dịch đang tấn công vào các khu chế xuất, khu công nghiệp, làm gián đoạn sản xuất. Ông Dung cũng bày tỏ lo ngại khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc có phục hồi, nhất là sau khi tiêm vắc xin, thì việc Việt Nam triển khai tiêm vắc xin chậm cũng “một phần” khiến cho “tiềm năng của Việt Nam đã thất thế nhất định”, “tiềm năng đó đã rơi vào một số anh, trong đó có Trung Quốc”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho biết trong tháng 5 và 6, khi dịch “tấn công” vào thì mỗi tháng TP.HCM giảm 3.000 - 4.000 tỉ đồng thu ngân sách.

Cảnh nghèo lao đao thời Covid-19: Nước mắm kho quẹt sống qua ngày

Nên chuyển hướng từ “5K + vắc xin” sang “vắc xin + 5K”

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chỉ có tiêm vắc xin và áp dụng “5K” Việt Nam mới ngăn chặn được đại dịch và mới nghĩ đến phát triển KT-XH. Nếu kéo dài một thời gian nữa, dịch sẽ bẻ gãy sự chống chịu của nền kinh tế. Nêu bật sự quan trọng của vắc xin để đưa nền kinh tế trở lại bình thường, ông Phớc lưu ý các chính sách hỗ trợ người dân và DN ngay thời điểm này chỉ như “vượt sông”, “vượt qua vũng lầy” thôi, chứ không thể kéo dài. Thêm vào đó, Chính phủ cũng phải có thu thì mới có dư địa để hỗ trợ.

“Chính phủ quyết tâm trình luật Đất đai vào tháng 6.2022”

Có mặt tại buổi thẩm tra để giải trình những vướng mắc về thể chế, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ “quyết tâm” trình sửa luật Đất đai vào kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV (tháng 6.2022). Trong dự án này, sẽ có các quy định cập nhật về bất động sản, loại hình condotel, officetel…
Chính phủ cũng đang đề xuất Quốc hội bổ sung một dự án luật sửa 3, 4 luật vào kỳ họp thứ 2 (tháng 10.2021), trong đó có những nội dung về chống Covid-19, về thi hành án dân sự để thu hồi được nhiều tài sản hơn khi xử lý các vụ án tham nhũng… “Chính phủ hiện giờ rất quyết liệt, đặc biệt trong xây dựng thể chế. Chúng tôi sẽ quyết tâm hơn nữa trong tháo gỡ các khó khăn”, ông Long cam kết.
Ông Phớc cũng cho rằng với việc nền kinh tế phụ thuộc 75% vào xuất khẩu, vào FDI thì nên ưu tiên vắc xin cho các khu công nghiệp để sản xuất không bị ngắt quãng, Việt Nam không mất khách hàng. “14.000 tỉ đồng đã được bố trí vào dự toán để tiêm vắc xin. Quỹ vắc xin đến nay cũng đã được 8.000 tỉ, tổng cộng 22.000 tỉ là gần đủ tiền để tiêm cho 75 triệu người dân, mỗi người 2 liều”, ông Phớc thông tin thêm. Vấn đề hiện nay chỉ là mua được vắc xin và triển khai tiêm chủng ở một quy mô chưa từng có.

Chỉ số "sinh miễn dịch" của vắc xin Covid-19 có phải là yếu tố quan trọng nhất?

Tham dự phiên thẩm tra, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng khẳng định “tài chính chúng ta đủ điều kiện để chống dịch”. “Cái này chúng ta phải nói rõ, không phải đợi tăng thu mới có tiền tiêm vắc xin. Ngay từ năm ngoái, Bộ trưởng Tài chính lúc đó là anh Đinh Tiến Dũng cũng đã phân tích rõ các nguồn. Chính phủ có thể sử dụng nguồn dự phòng. 12.000 tỉ vừa rồi Thường vụ Quốc hội thông qua chỉ là tiền thêm thôi. Bên cạnh đó còn có nguồn huy động từ cộng đồng. Về mặt tài chính phòng chống dịch, chúng ta không bị động, dù ngân sách khó khăn”, ông Hải nêu rõ.
Để xử lý được những khó khăn hiện nay, ngoài vắc xin, ông Hải đề nghị phải tập trung vào 2 việc nữa, là tháo gỡ khó khăn cho người dân, DN và đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. “Giải ngân đầu tư công để tạo nguồn lực cho phát triển và sử dụng ngân sách có hiệu quả. Chúng ta có tiền, có vốn mà không tiêu được là trách nhiệm rất lớn của Chính phủ, trách nhiệm giám sát của Quốc hội”, ông Hải lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng vắc xin là điểm quyết định của công cuộc chống dịch, nên chuyển hướng từ “5K + vắc xin” sang “vắc xin + 5K”. “Theo tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, chúng ta có thể công khai lộ trình tiêm vắc xin thế nào, đến thời điểm nào chúng ta có 70% dân số được tiêm vắc xin, tiến tới miễn dịch cộng đồng”, ông Thanh cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.