Nga có còn đủ sức mạnh trên không để áp đảo Ukraine?

19/11/2022 14:21 GMT+7

Trang tin MSN ngày 7.11 đưa tin các nhà phân tích quân sự hàng đầu cảnh báo Nga có thể dùng sức mạnh trên không để áp đảo Ukraine nếu phương Tây không cung cấp hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu cho Kyiv.

Theo một báo cáo của viện nghiên cứu Anh RUSI, các phi công Nga đã rất thận trọng từ đầu xung đột đến nay. Vì vậy chỉ cần số lượng nhỏ chiến đấu cơ phương Tây cũng có tác dụng răn đe lớn.

Theo báo cáo này, viện trợ quân sự từ phương Tây đang tập trung chủ yếu vào cuộc chiến trên bộ, vì Ukraine đến nay đã tỏ ra khá thành công trong việc ngăn chặn không quân Nga.

Tuy nhiên "có một mối nguy thực sự rằng thành công này sẽ khiến phương Tây tự mãn về mối đe dọa mà không quân Nga có thể gây ra cho các lực lượng, cơ sở hạ tầng và thành phố của Ukraine nếu được mở đường".

Trả lời tờ Telegraph, tác giả chính của báo cáo, nhà nghiên cứu Justin Bronk cho biết các máy bay như F-16, F-18 và Gripen có thể cung cấp cho các phi công Ukraine "hiệu suất radar vượt trội và khả năng sử dụng tên lửa không đối không tầm xa hơn, có năng lực hơn của phương Tây" so với các chiến đấu cơ Su-27Mig-29 mà Kyiv hiện có. Hiện không quân Nga đang sử dụng các chiến đấu cơ hiện đại hơn như Su-35S, Su-30SM và Mig-31BM, có cấp độ kỹ thuật cao hơn đáng kể.

Trong suốt cuộc chiến, các chiến đấu cơ Nga có thể thường xuyên phóng tên lửa không đối không có radar tự dẫn vào các máy bay chiến đấu Ukraine ở khoảng cách hơn 100km.

Trong những tuần đầu chiến sự, các phi công Ukraine buộc phải bay cực thấp để "sống sót", do có chênh lệch quá lớn về hiệu suất radar và tên lửa. Hơn nữa về số lượng, phía Ukraine trong một số trường hợp còn bị áp đảo chiến thuật lên đến 15:2. Dù vậy, Ukraine vẫn có thể đã bắn rơi một số máy bay Nga, mặc dù nhiều máy bay chiến đấu của Ukraine đã bị bắn hạ hoặc hư hỏng trong quá trình này.

Báo cáo cũng lưu ý rằng các bản đồ của Nga thường "lạc hậu hàng thập niên" khiến việc bay ở tầm thấp vào ban đêm rất nguy hiểm vì không xác định được chướng ngại vật.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 3.2022, hệ thống tên lửa đất đối không của Nga đã cải thiện khả năng phối hợp. Mối đe dọa từ các tổ hợp đất đối không tầm xa S-400 "Triumph" đặt ở BelarusCrimea đã buộc các máy bay Ukraine phải bay ở độ cao cực thấp - khoảng 30 m - trong hầu hết các phi vụ tại các trục phía bắc và phía nam. Mối đe dọa từ những tên lửa này càng tăng thêm bởi sự hiện diện của radar "Podlet-K1" hoạt động ở mọi độ cao của Nga đặt ở Belarus bao phủ trục Kyiv, và một radar khác bao phủ khu vực phía nam.

Các hệ thống radar di động này cho phép Nga theo dõi máy bay và trực thăng Ukraine tại độ cao thấp - 4 m, trong phạm vi đến hơn 150 km. Dù vậy, radar ở phía nam, được đặt gần Nova Kakovkha đã bị phá hủy sau đó.

Tuy nhiên, ông Bronk bình luận rằng chiến dịch tập kích đường không mới nhất của Nga vào cơ sở hạ tầng Ukraine đặt ra mối đe dọa lớn hơn. Nguyên nhân là vì hiện các cuộc tập kích này kết hợp hàng trăm đạn tuần kích rẻ tiền để nhắm vào các mục tiêu nhỏ trong khi các tên lửa hành trình cùng tên lửa đạn đạo lớn hơn, đắt hơn được dùng để chống lại các mục tiêu lớn.

Ông Bronk kết luận Ukraine sẽ cần cả các hệ thống phòng không tiên tiến như NASAMS, IRIS-T để bảo vệ các thành phố và cơ sở hạ tầng khỏi các tên lửa hành trình, lẫn các loại vũ khí rẻ hơn như tên lửa vác vai, tổ hợp súng phòng không có radar để đối phó với đạn Shahed.

Trong ước tính mới nhất về tổn thất máy bay chiến đấu của Moscow, giới chức Ukraine cho biết đã phá hủy 277 máy bay phản lực và 260 máy bay trực thăng Nga. Không thể xác minh tính chính xác của số liệu này.

Ukraine nói bắn hạ nhiều máy bay Nga trong một ngày
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.