Nga vẫn 'thắng đậm' từ xuất khẩu dầu khí bất chấp cấm vận từ phương Tây

17/06/2022 10:41 GMT+7

Theo một phân tích mới công bố, dù Nga phải chịu nhiều lệnh cấm vận ngặt nghèo sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine , doanh thu xuất khẩu năng lượng của nước này đã tăng vọt lên mức kỷ lục trong 100 ngày đầu xung đột.

Theo dữ liệu được Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch, Nga đã thu được gần 97 tỉ USD từ xuất khẩu dầu, khí đốt và than trong 100 ngày đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Khoảng 2/3 trong tổng số doanh thu này đến từ dầu mỏ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, trong năm 2021, doanh thu từ dầu và khí đốt chiếm 45% ngân sách liên bang của Nga. Trung tâm này ước tính nguồn thu Nga có được từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch đã vượt quá số tiền mà nước này đang chi cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Như vậy, việc Nga thay đổi mục tiêu tại Ukraine giữa bối cảnh quân đội Ukraine đang thiếu vũ khí có thể đem lại lợi thế cho Moscow.

Giới chức Ukraine hiện vẫn kêu gọi các quốc gia và công ty ngừng hoàn toàn giao thương với Nga. Phía Ukraine cũng theo dõi số liệu xuất khẩu của Nga. Ông Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng đưa ra kết quả tương tự: nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tài trợ cho quân đội Nga.

Ông nói: “Bạn có thể ngừng nhập trứng cá muối và rượu vodka của Nga. Điều đó tốt, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Cần phải ngừng nhập khẩu dầu Nga nữa”.

EU có dễ tìm khí đốt từ châu Phi để thay thế nguồn cung từ Nga?

Theo nghiên cứu, giá xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga cao hơn khoảng 60% so với năm ngoái. Đáng nói hơn, một phần nguyên nhân lại là do giá dầu của Nga đang thấp hơn giá thị trường khoảng 30%.

Hiện nay, châu Âu đang phải chật vật tìm cách ngừng phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga. Trong 100 ngày đầu tiên chiến dịch quân sự đặc biệt, EU đã mua lượng khí đốt tự nhiên từ Nga ít hơn 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, doanh thu của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom vẫn cao gấp đôi so với năm 2021, nhờ giá khí đốt tăng.

EU cũng giảm 18% nhập khẩu dầu thô Nga trong tháng 5.2022. Tuy nhiên, lượng dầu thô Nga xuất khẩu vẫn không có thay đổi ròng vì 18% sụt giảm này được Ấn Độ và UAE bù đắp.

Mỹ đã cấm tất cả hoạt động nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Tuy nhiên, Mỹ vẫn nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện từ các nước như Hà Lan, Ấn Độ - nhiều khả năng là từ dầu thô Nga. Đây là kẽ hở để dầu từ Nga đến Mỹ.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ Nga lớn nhất trong giai đoạn 100 ngày đầu xung đột, theo sau đó là Đức, Ý và Hà Lan. Trung Quốc nhập khẩu nhiều dầu nhất còn Nhật Bản là nước mua than từ Nga nhiều nhất.

Nga sẽ phải đối mặt với nhiều lệnh cấm vận nghiêm ngặt hơn. EU đã nhất trí cấm vận khoảng ¾ lượng dầu Nga, dù lệnh cấm này 6 tháng sau mới được áp dụng.

Anh cho biết sẽ dần loại bỏ nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, Hungary, CH Séc và Slovakia vẫn được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận vì nhập khẩu dầu Nga qua đường ống dẫn. Các tàu thuộc sở hữu của châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục vận chuyển dầu Nga.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tuần trước cho hay Mỹ đang đàm phán với EU để đặt giới hạn giá dầu Nga gần bằng giá sản xuất. Theo bà, điều này sẽ giảm doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch của Nga nhưng vẫn giữ dầu Nga chảy sang các thị trường toàn cầu, ổn định giá cả và chống lại suy thoái kinh tế toàn cầu.

Các hãng vận tải châu Âu tăng chuyên chở dầu Nga, làm kế hoạch cấm vận giảm tác dụng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.