Người Phú Yên ám ảnh vì trận lũ lịch sử nửa đêm ngập lút mái nhà

Đức Huy
Đức Huy
11/11/2020 22:20 GMT+7

Người dân vùng lũ huyện Đồng Xuân và Tuy An (tỉnh Phú Yên) vẫn đang bàng hoàng vì trận lũ lịch sử sau cơn bão số 12.

Sáng 11.11, đường vào khu phố Long Thăng, thị trấn La Hai (H.Đồng Xuân) ngập bùn non sau khi cơn lũ bất thường rút đi. Mùi bùn non tanh hôi, người dân bơm nước để dội chúng đi. Những vật dụng trong nhà chưa kịp chuyển đi đã bị nước lũ ngập qua, bùn non còn bám dính đầy.

Chỉ thua cơn lũ lịch sử năm 2009

Người dân ở La Hai từng trải qua cơn lũ lịch sử 2009, nên họ cũng có kinh nghiệm và cảnh giác mưa lũ về trên dòng sông Kỳ Lộ. Nhưng với trận lũ trong đêm 10.11,  nhanh và dâng cao một cách bất thường, họ cũng không thể nào di chuyển hết vật dụng trong gia đình đến nơi an toàn.

Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đi kiểm tra vùng ngập lụt thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân (Phú Yên).

Ảnh: Đức Huy

Bà Trịnh Thị Lâm Thao ở khu phố Long Thăng, nói: “Khoảng 17 giờ ngày 10.11, nước từ sông Kỳ Lộ lên rất nhanh. Đến khuya thì nhà tui lút mái nên chỉ kịp chạy lên nhà thờ trên cao tránh trú, còn máy lạnh, quạt gió, ti vi thì chìm trong nước lũ. Giờ về thì chúng đã hư hỏng rồi”.

Bộ đội giúp dân dọn dẹp nhà cửa.

Ảnh: Đức Huy

Dưới đường là bùn non, trên đọt cây là rác, thậm chí gốc cây cũng vướng lại trên nóc nhà. Người dân ở đây đều khẳng định, lũ đợt này chỉ thua cơn lũ lịch sử năm 2009.

Ông Võ Phạm Hùng ở khu phố Long Thăng, kể lại: “Lũ về rất là nhanh, nhưng cũng may lúc đó anh em dân quân đến giúp đỡ, nếu không thì thiệt hại rất nhiều”.

Vật dụng trong nhà của người dân thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) lấm đầy bùn sau lũ.

Ảnh: Đức Huy

Ông Bùi Văn Vinh cũng ở khu phố Long Thăng biết lũ về sẽ khiến ngôi nhà của ông bị ngập sâu trong nước nên đã di chuyển đồ đạt, vật dụng của gia đình lên gác trong nhà. Nhưng ông Vinh cũng không ngờ nước lũ lớn, nhanh bất thường đến vậy.

“Tui di dời lên cao như thế mà nước cũng ngập thì đành bó tay chứ biết làm sao. Vật dụng trong gia đình hư hỏng, giờ mua lại chắc tốn vài chục triệu đồng”, ông Vinh nói.

Người dân dọn bùn non.

Ảnh: Đức Huy

Lũ lên quá nhanh khiến người dân trở tay không kịp nhiều người thiệt hại về tài sản. Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, cho biết: “Lũ lên nhanh vậy nên người dân trở tay không kịp nên nhiều tài sản của người dân bị ngập sâu trong nước đã hư hỏng hoàn toàn. Trong đợt lũ bất thường này, Đồng Xuân không có thiệt hại về người nhờ địa phương chủ động phương án di dời người dân ở vùng trũng thấp, nhưng thiệt hại tài sản của dân là không nhỏ”.

Chưa kịp dọn hết đồ thì lũ đã dâng lên

Thượng tá Đặng Thanh Trúc, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự H.Tuy An (Phú Yên), cho biết từ 4 giờ hôm nay 11.11, Ban chỉ huy đã huy động lực lượng, kết hợp với công an và dân quân, sử dụng xuồng máy chia quân về 4 xã vùng trũng thấp, bị ngập sâu: An Định, An Dân, An Thạch và An Ninh Tây để hỗ trợ, di dời người dân đến các khu vực cao hơn, không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm cho đến khi nước rút
Hiện nước lũ đang rút chậm, nhiều nơi tại Tuy An vẫn ngập sâu trong nước lũ, Trước mắt, UBND H.Tuy An đã cử lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng xung kích ở các xã, đưa nhu yếu phẩm nước uống đến các địa bàn bị ngập nước sâu gây chia cắt, đảm bảo về lương thực, không để người dân phải chịu đói, rét.
Nước lũ dâng cao bất ngờ trong ngày 10.11 đã khiến xã An Định (Tuy An) ngập sâu trong biển nước, chia cắt cô lập hoàn toàn địa phương này với trung tâm huyện và các xã lân cận.
Các hộ dân sống ở khu vực trũng thấp ở thôn Định Trung 2 và thôn Định Trung 3 của xã An Định bị nước lũ bao vây tứ bờ, có nhà ngập đến tận mái. Ngoài nhà ở của các hộ dân, trụ sở xã, trường học, nhà văn hóa và các tuyến đường liên thôn vẫn đang bị ngập sâu khoảng 2 m. Người dân đi lại bằng xuồng nan vì xung quanh mênh mông nước.

Người dân đi lại trong vùng cô lập xã An Định bằng xuồng.

Ảnh: Đức Huy

Ông Nguyễn Cường ở thôn Định Trung 3, kể lại: “Khoảng 4 giờ chiều, nước bắt đầu lên nên gia đình lo dọn đồ lên gác để chạy lũ. Chưa kịp dọn hết đồ thì lũ đã dâng lên nên vợ chồng con cái leo lên gác ngồi đợi nước rút”.
Vì ở vùng rốn lũ nên người dân ở đây cũng đã quen chuyện sống chung với lũ. Gia đình chị Phan Thị Hoa xây nhà tầng để tránh lũ khi có lũ về.
“Ở đây lũ lụt ở đây thường hay ngập nên gia đình xây nhà lên cao để có chỗ tránh lũ, ổn định cuộc sống”, chị Hoa chia sẻ và cho biết người dân ở vùng lũ này đi lại bằng xuồng nên gia đình nào cũng có xuồng nan. Người dân dùng xuồng nan để dắt bò về khi lũ rút.

Ông Nguyễn Cường lau chùi tủ lạnh sau khi nước lũ rút ra khỏi nhà.

Ảnh: Đức Huy

Do ảnh hưởng của bão số 12, nước lũ lên nhanh gây ngập lụt hầu hết các xã trên địa bàn huyện, có 11.600 nhà dân bị ngập nước, 3 nhà bị tốc mái, địa phương đã phải di dời khẩn 500 hộ dân/1.383 khẩu đến nơi an toàn. Hiện tại, vẫn còn 4 xã bị ngập sâu từ 1 - 2m là An Định, An Dân, An Hiệp và An Ninh Tây. Người dân vùng lũ đã được di dời đến nơi an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.