Nhiệm vụ của doanh nghiệp là phải tìm được cách đột phá

19/01/2023 16:48 GMT+7

Đó là quan điểm mà nhiều ông chủ doanh nghiệp nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên dịp đầu năm 2023, năm được đánh giá là nền kinh tế Việt Nam và thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. 

Doanh nghiệp xuất khẩu đối mặt với mất đơn hàng khi thế giới chật vật đối phó với lạm phát; doanh nghiệp nội loay hoay với sức mua yếu, giá đầu vào cao mà giá bán không thể tăng; các công ty bất động sản thì đói vốn, thiếu thanh khoản... thế nhưng, ông chủ của hầu hết doanh nghiệp vẫn tin rằng, bằng sự nỗ lực của bản thân cùng với sự đồng hành của chính sách, họ sẽ vượt qua khó khăn để đóng góp vào thành quả chung của nền kinh tế trong năm 2023.

Thu hoạch lúa

Công Hân

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) :

Cứu sức mua hàng thiết yếu

Cứ một năm mới mỗi người Việt Nam ai cũng hy vọng sẽ có được những khởi đầu mới như ý. Đối với các doanh nghiệp ngành thực phẩm như chúng tôi, điều quan trọng nhất ở thời điểm hiện tại và trong năm tới chính là tìm giải pháp để cứu sức mua. Chúng ta đều thấy rất rõ, những khó khăn từ cuối năm 2022 đã khiến sức mua sụt giảm mạnh. Việc này sẽ ảnh hưởng đến sức cầu của nền kinh tế, tác động tiêu cực đến sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế, cứu sức mua là vô cùng quan trọng. Cái khó hiện tại là chi phí đầu vào tăng từ nguyên liệu, nhiên liệu đến lãi suất trong khi doanh nghiệp lại không dám tăng giá thành sản phẩm vì sẽ ảnh hưởng đến sức mua - vốn đang yếu. Giá thành tăng, sức mua yếu. Nếu tăng giá sức mua càng giảm. Đó là một cái vòng luẩn quẩn không lối thoát của nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm được khâu đột phá ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đó. Ví dụ như cắt giảm chi phí marketing, sắp xếp lại bộ máy nhân sự, nghiên cứu quy trình sản xuất sao cho tối ưu nhất… Trong chuỗi thực phẩm, còn liên quan đến khâu trồng trọt và chăn nuôi, giá thành sản xuất vốn cao. Bản thân các trang trại phải tìm các giải pháp hạ giá thành của mình để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bên cạnh sự nỗ lực từ phía các doanh nghiệp, chúng tôi cũng kỳ vọng là nhà nước sẽ kiểm soát tốt lạm phát để ổn định sức mua. Bên cạnh đó, thực phẩm là ngành hàng thiết yếu nên cần được ưu tiên vốn để nông dân, trang trại và doanh nghiệp có dòng tiền để duy trì hoạt động, sản xuất kinh doanh. Có một thực tế là tình trạng công nợ của các doanh nghiệp đang tăng lên trong khi tiếp cận vốn vay từ ngân hàng vừa cao vừa khó. Vì khi lãi suất vốn vay cao nó cũng sẽ đi vào giá thành hàng hóa, ảnh hưởng đến sức mua đang thấp và tác động không tốt đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An :

Tiếp tục đưa gạo Việt chiếm lĩnh thị trường cao cấp

Năm 2022 là một năm thành công trọn vẹn của ngành lúa gạo Việt Nam khi xuất khẩu thuận lợi đến tận cuối năm. Đặc biệt là gạo Việt đã vào được các thị trường cao cấp với tốc độ tăng trưởng mạnh. Cụ thể như thị trường EU tăng hơn gấp đôi so với năm 2021.

Tôi cho rằng không chỉ trong năm 2023 mà còn nhiều năm về sau xuất khẩu lúa gạo vẫn là thế mạnh của Việt Nam. Chúng ta cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thời gian qua ngành lúa gạo Việt Nam có tính chủ động rất cao trong việc tổ chức sản xuất, thay đổi quy trình, tập quán canh tác theo hướng hiện đại. Nhờ đó mà thời gian gần đây gạo Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường cao cấp hàng đầu thế giới. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, giá gạo Việt Nam nhiều lần “vượt mặt” Thái Lan. Điều này chứng tỏ chúng ta đã thành công trong chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng thay vì sản lượng và chúng ta cần tiếp tục kiên trì và phát huy lợi thế đó. Một trong những việc cần tiếp tục hoàn thiện là tăng cường liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp với thị trường và đặc biệt là thị trường cao cấp. Doanh nghiệp cần khai thác và tận dụng tốt hơn các cơ hội thị trường từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người nông dân trong việc kiểm soát giá vật tư đầu vào, hướng tới gạo chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là điều quan trọng để hạt gạo Việt Nam tiếp tục bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới của thế giới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam :

Ban hành cơ chế đặc biệt để vực dậy sức cầu trên thị trường bất động sản

Để cứu doanh nghiệp, cứu thị trường và cả nền kinh tế, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn tiến độ chỉnh sửa luật, nhưng nội dung sửa cần bám sát thực tế. Trong quá trình chờ sửa luật, Chính phủ có thể xem xét ban hành một số cơ chế đặc biệt (kiểu như Nghị quyết 02/NQ-CP/2013 về gói 30.000 tỉ đồng). Cần có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho địa phương trong công tác xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế cho các dự án có tính cần thiết cho xã hội, dự án phù hợp chi trả của người lao động. Đẩy nhanh hơn quá trình rà soát, xử lý các dự án để sớm đẩy nguồn cung vào thị trường. Hiện nay lạm phát đang được kiểm soát nên có thể nới nhẹ một số chính sách. Ngân hàng Nhà nước nên dành nguồn vốn tín dụng áp dụng riêng cho các dự án nhà ở thương mại giá rẻ (có giá bán nhỏ hơn 25 triệu đồng/m2), nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có phương án để phân bổ công bằng gói hỗ trợ lãi suất 2% được triển khai theo Nghị định 31 cho các lĩnh vực kinh doanh, trong đó có bất động sản, đặc biệt với các dự án đã hoàn thiện về mặt pháp lý.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM :

Tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và nền kinh tế cả nước hồi phục và tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền mà chỉ xin Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các ách tắc, vướng mắc về cơ chế chính sách. Đầu tiên cần sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thi hành luật Đất đai. Trong đó có cơ chế xử lý các thửa đất do nhà nước quản lý nằm xen cài trong dự án nhà ở, để tái khởi động lại hàng trăm dự án nhà ở đang bị ách tắc hiện nay. Đề nghị không siết trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay bởi hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã bổ sung được nguồn vốn đầu tư quan trọng của xã hội, thay thế một phần nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nhất là hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản. Trong đó cộng đồng doanh nghiệp tán thành sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 để tạo hành lang pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh, vừa trở thành một trong những nguồn cung ứng vốn đầu tư trung hạn, dài hạn cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các nhà đầu tư trái phiếu, nhất là nhà đầu tư cá nhân.

Đối với tín dụng, trong tình thế khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp và ngân hàng cùng chèo chống, cùng chia sẻ, hỗ trợ nhau trên cùng chiếc thuyền để vượt qua bão táp do đại dịch. Nên đề nghị các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ đến hạn, xem xét giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020); được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn. Các ngân hàng thương mại hỗ trợ người vay mua nhà được giảm khoảng 30 - 50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), được giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn. Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tín dụng tạo lập căn nhà đầu tiên cho giới trẻ, với lãi suất hợp lý theo phương thức tín chấp hoặc thế chấp bằng chính căn nhà đó.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH cao su Đức Minh :

Kỳ vọng năm mới tín dụng sẽ rộng đường hơn

Ngay từ đầu quý 4/2022, đơn hàng xuất khẩu đã giảm mạnh khi sức mua ở nhiều quốc gia sụt giảm. Ngay sau đó, thị trường trong nước cũng gặp khó khăn khi lượng hàng bán ra đang ngày càng đi xuống. Tình hình này diễn ra hầu hết các ngành hàng (ngoại trừ lĩnh vực hàng thiết yếu) nên hầu như tất cả doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng. Khi mức tiêu thụ sụt giảm, dù doanh nghiệp có giảm giá thì những đối thủ khác cũng sẽ giảm dẫn đến việc khó bán được hàng. Hơn nữa, khi khách hàng đã có tâm lý thắt lưng buộc bụng thì lượng hàng mua cũng khó tăng thêm mặc dù được giảm giá.

Tất cả dự báo từ quốc tế đến trong nước đều cho thấy kinh tế thế giới sẽ tiếp tục khó khăn và có thể kéo dài đến giữa năm 2023. Vì vậy bản thân doanh nghiệp chỉ tập trung tiết giảm tối đa mọi chi phí, kể cả giảm bớt sản xuất để cầm cự và tồn tại chờ đến lúc thị trường khởi sắc trở lại.

Ngoài những khó khăn về thị trường nêu trên, các doanh nghiệp còn bị hàng tồn kho tăng cao, từ đó kéo theo công nợ kéo dài từ 30 ngày lên 60 ngày hoặc thậm chí lên 90 ngày.

Tôi hy vọng bước sang năm mới, “room” tín dụng từ các ngân hàng sẽ được mở trở lại, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Điều đó cũng giúp cho hoạt động của doanh nghiệp sản xuất sẽ bớt khó khăn hơn.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean :

Đa dạng hóa thị trường từ xuất khẩu đến nội địa

Đơn hàng xuất khẩu của ngành dệt may hay da giày đã giảm mạnh từ đầu quý 4/2022 khi hầu hết thị trường xuất khẩu truyền thống từ Mỹ đến EU đều giảm mạnh. Vấn đề lạm phát ở nhiều nước lên cao khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu, khiến sức tiêu thụ hàng thời trang lao dốc mạnh. Theo dự báo chung của cả ngành, tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý 1/2023 và có thể từ quý 2/2023 thị trường mới có thể “nhúc nhích” trở lại. Trong bối cảnh đầy khó khăn này, bản thân doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu lại quy trình sản xuất, sắp xếp nhân sự phù hợp để gia tăng năng suất. Cụ thể, doanh nghiệp tập trung vào hoạt động chuyển đổi số, hiện đại hóa sản xuất và sử dụng nguyên liệu “xanh” vì từ năm 2023, châu Âu chỉ mua hàng của những doanh nghiệp “xanh” và có cơ chế giám sát rất chặt chẽ. Những doanh nghiệp nào chậm chuyển đổi và không đáp ứng được sẽ mất cơ hội. Song song đó, công ty vẫn tiếp tục thúc đẩy bán hàng vào những thị trường mới đã có tín hiệu tốt từ cuối năm 2022 là Úc và Canada. Hai thị trường này đã góp phần giúp cho hoạt động của công ty đỡ khó khăn khi các thị trường Mỹ và châu Âu giảm mạnh.

Một trong những giải pháp quan trọng trong năm 2023 là chúng tôi tập trung và đang đẩy mạnh hệ thống phân phối tại thị trường trong nước, mở rộng bán hàng qua kênh thương mại điện tử qua trang web của công ty và tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn trong nước. Việc phát triển sản phẩm ở thị trường nội địa có thể được tăng tốc khi doanh nghiệp đã hiểu được thói quen, văn hóa người tiêu dùng. Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay, duy trì sản xuất, Chính phủ xem xét trong năm 2023 tiếp tục kéo dài thời gian áp dụng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang thực hiện như gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng. Đồng thời có chính sách ổn định lãi suất cho các ngành xuất khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.