Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn và Tích hợp Công nghệ D&L (Công ty D&L) có trụ sở trên phố Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP.Hà Nội cho biết là đơn vị đầu tư, quản lý, vận hành dự án PAM Air.
Theo ông Dũng, PAM Air là ứng dụng trên điện thoại di động cung cấp các thông tin, tính năng về bản đồ theo dõi chất lượng không khí theo thời gian gần thực; theo dõi diễn biến chất lượng không khí trong 24 giờ gần nhất. Kết quả quan trắc tự động được gửi thông báo qua điện thoại di động về thực trạng chất lượng không khí trước khi ra khỏi nhà kèm theo một số khuyến nghị liên quan đến sức khỏe.
Bên cạnh đó, ứng dụng PAM Air còn cung cấp thông tin liên quan đến chất lượng không khí, ô nhiễm không khí và tác động của nó đến sức khỏe và xã hội trong nước, trên thế giới.
“Chúng tôi mong muốn đóng góp cho cộng đồng một công cụ hữu ích nhưng giản đơn, dễ sử dụng để bất cứ ai cũng có thể theo dõi, cập nhật thông tin về chất lượng môi trường, được cảnh báo về tình trạng ô nhiễm không khí trong khu vực của bản thân bạn, của gia đình, bạn bè sinh sống, đi lại và làm việc. Với các gia đình có con nhỏ, người thân cao tuổi hay người thân dễ bị mắc các bệnh về hô hấp và nhạy cảm với môi trường không khí sẽ càng hữu ích”, ông Hoàng Dũng nói.
|
Theo ông Dũng, dữ liệu chất lượng không khí trên PAM Air được thu thập, phân tích và hiển thị từ mạng lưới điểm đo để đo chất lượng không khí đặt rải rác tại nhiều địa điểm trên phạm vi cả nước.
Mạng lưới điểm đo trên PAM Air sử dụng thiết bị cảm biến do chính Công ty D&L sản xuất, lắp đặt, vận hành. Các điểm đo thuộc sở hữu, quản lý và vận hành bởi các đơn vị khác nhưng đồng ý chia sẻ dữ liệu với PAM Air. Tuy nhiên, trước khi chia sẻ và hiển thị dữ liệu từ các đơn vị khác, chất lượng dữ liệu sẽ được đánh giá.
Diễn biến chất lượng không khí được hiển thị qua các màu xanh là tốt, đỏ là xấu, nâu sẫm là nguy hiểm... “Đây là một kênh thông tin mang tính tham khảo phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. PAM Air phù hợp khi được sử dụng với tính chất định tính hơn là định lượng. Nếu cần tính chất định lượng thì nên tìm đến những dữ liệu được cung cấp bởi các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”, Tổng giám đốc Công ty D&L lưu ý.
Chia sẻ sâu hơn về các thiết bị, ông Dũng cho biết, Công ty D&L cung cấp 2 phiên bản của thiết bị giám sát không khí: Thiết bị ngoài trời cơ bản (Cơ bản) PAS-OA318: đo PM 2.5 (bụi mịn), nhiệt độ và độ ẩm và thiết bị ngoài trời nâng cao (Nâng cao) PAS-OA918: đo PM 2.5 (bụi mịn), PM 10 , CO, O 3 , NO x , SO 2 , nhiệt độ và độ ẩm. Cả hai phiên bản (Cơ bản và Nâng cao) đều có thể kết nối với internet để gửi dữ liệu bằng mạng 3G và wifi, có thể có thêm thành phần GPS để theo dõi vị trí của thiết bị. “Thiết bị cảm biến dùng phương pháp tán xạ ánh sáng để thu thập và đưa ra thông tin. Còn giải thích sâu hơn thì đi vào chuyên môn rất khó hiểu”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, cả hai phiên bản của thiết bị giám sát không khí được chọn để sử dụng tùy thuộc vào mục đích sử dụng và môi trường không khí và đặc điểm của vị trí lắp đặt.
Là thiết bị ngoài trời cơ bản, nên sử dụng cho mục đích giám sát và xu hướng không khí xung quanh làm nguồn tham khảo cho cộng đồng. Khi cài đặt có thể, đại diện cho một khu vực hoặc khu vực trong thành phố. Xác định vị trí bên trong hoặc gần các địa điểm thu hút, địa điểm hoạt động ngoài trời, địa điểm công cộng; xác định vị trí trong hoặc các trường lân cận (trường mẫu giáo, tiểu học, trung học), xác định vị trí bên trong hoặc gần các vị trí xây dựng như tòa nhà và căn hộ, mở rộng đường và đường mới.
Còn thiết bị ngoài trời nâng cao nên được sử dụng cho mục đích giám sát tại các nguồn gây ô nhiễm cụ thể như nhà máy điện, khu công nghiệp, làng thương mại truyền thống…
|
Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết kết quả quan trắc của các cơ quan nhà nước được kiểm nghiệm, dán tem tiêu chuẩn quy chuẩn mang tính chính xác cao hơn các hệ thống PAM Air, Air Visua.. Hiện, ở TP.Hà Nội cứ 24 giờ sẽ công bố kết quả quan trắc môi trường 1 lần.
Ông Thái cũng cho biết thêm, TP.Hà Nội đang nỗ lực để năm 2020 lắp đặt được hệ thống quan trắc ô nhiễm không khí đồng bộ phủ trên phạm vi toàn thành phố. Hiện mới có 10 trạm quan trắc, thời gian tới thêm 32 trạm quan trắc nữa sẽ ra được dự liệu tổng thể chính xác hơn.
Chỉ cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng giải thích thêm, các phần mềm ứng dụng PAM Air hay Air Visual đưa ra thông số về mức độ ô nhiễm không khí qua các trạm cảm biến chưa được cơ quan chức năng kiểm định nên chỉ mang tính chất để tham khảo, cảnh báo.
“Đơn cử như thông tin hệ thống Air Visual đưa ra hôm trước là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 2 thành phố có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Nghe rất chấn động nhưng thật sự là chỉ lấy dự liệu tại một điểm quan trắc bằng thiết bị cảm biến nên thông tin chỉ có tính chất tham khảo ở khu vực đặt trạm chứ không thể đại diện bao trùm hết cả thành phố rộng lớn”, ông Thái cho biết.
Theo ông Thái, về nguyên nhân khiến khu vực TP.Hà Nội thời gian gần đây có mức độ ô nhiễm không khí tăng là do thời điểm chuyển mùa là chính.
Bình luận (0)