"Đi chợ hộ" vừa tốn nhân lực, vừa "làm khó" người mua
Combo nông sản 10 kg/túi bán giá 100.000 đồng là ý tưởng được Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT triển khai tại TP.HCM đang thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia, và có thể thay thế cho chương trình “Đi chợ hộ”.
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Kinh tế hợp tác, cho biết thí điểm từ ngày 17 - 18.8 tại TP.HCM, combo nông sản theo túi đã tiêu thụ được 37 tấn. Càng "choáng" hơn là ở những ngày sau đó, lượng nông sản tiêu thụ tăng vọt lên 200 - 400 tấn/ngày.
“Nhận đơn hàng ngày nhưng hàng giao vào thứ 4 và chủ nhật hàng tuần. Tổng đơn đặt hàng cho 2 ngày giao hàng tuần này đã vượt 1.000 tấn rau, củ, quả các loại. Hàng đã nằm sẵn trong các kho xung quanh TP.HCM, chờ đến ngày, giờ chuyển đến điểm giao”, ông Hải nói.
Ông Trần Minh Hải cho rằng, chương trình “Đi chợ hộ” ở TP.HCM đang triển khai, để đáp ứng nhu cầu hàng triệu người dân, cần có lực lượng nhân sự rất lớn và dễ quá tải công việc khi tiếp nhận, phân loại đơn và phức tạp nhất là đi đến các điểm mua sắm, chọn lựa sản phẩm, thanh toán… “Đi chợ hộ” chưa giảm được số người đi lại, vẫn tạo ra tập trung và tiếp xúc đông người ở các điểm mua sắm, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19.
|
Trong khi đó, nông sản bán theo combo giúp người dân không cần đi lại nhiều, ngồi ở nhà có thể tương tác chọn, chọn lựa đăng ký mua theo combo với nhiều loại nông sản khác nhau, được đóng gói, chia theo khối lượng cố định. Tiền được thanh toán qua chuyển khoản, đảm bảo an toàn phòng dịch cho cả bên mua lẫn bên bán.
Ông Hải cho rằng, “Đi chợ hộ” chỉ nên áp dụng với khu vực người dân phong tỏa biệt lập, không thể ra ngoài, còn nếu làm diện rộng thì bộ đội, công an không thể làm hết việc. Những khu vực còn lại, người dân tự do mua sắm theo combo cố định, gom theo đơn chung từng khu nhà, tòa nhà. Chính quyền chỉ lập các điểm tập kết giao nhận hàng, kiểm soát phương tiện, khử khuẩn hàng hóa đảm bảo kiểm soát phòng dịch Covid-19 ở mức độ cao”, ông Hải nói.
Ghi nhận tại TP.HCM, để triển khai “Đi chợ hộ”, Sở Công thương TP đã yêu cầu các doanh nghiệp nâng lượng hàng hóa dự trữ. Nhiều doanh nghiệp có lượng hãng trữ gấp 4 - 5 lần so với thời điểm đầu tháng 8, sẵn sàng đón đơn hàng “Đi chợ hộ”.
Nhưng theo bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce, đại diện hệ thống siêu thị/cửa hàng VinMart/VinMart+, cho biết dù doanh nghiệp đã chủ động liên hệ trực tiếp với các phường, tổ dân phố để nắm bắt nhu cầu người dân và kết nối với chương trình “Đi chợ hộ”, nhưng chỉ 10% phường, tổ dân phố có phản hồi, 90% còn lại chưa có phản hồi.
Sẵn sàng cung ứng cả nghìn tấn rau, củ, quả mỗi ngày
Ghi nhận thực tế, ý tưởng bán nông sản combo được nhiều tỉnh, thành phố phía nam hưởng ứng sẵn sàng cung cấp cho thị trường TP.HCM. Trong đó, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long chào hàng combo thấp nhất với 10 kg gồm các loại rau củ như mướp hương, dưa leo, đậu bắp, khoai lang chỉ có giá 75.000 đồng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Phương Kiên Giang, khi công bố đóng gói combo 5 loại: củ cải, khoai lang, dưa leo, khổ qua và dưa lê giá chỉ 100.000 đồng, số lượng người đăng ký mua rất nhiều, chủ yếu là công nhân, người lao động nghèo. Doanh nghiệp này hiện đang duy trì bán combo với khối lượng trên 50 tấn/tuần.
"Rau quả tại Kiên Giang ùn ứ rất nhiều nên rất cần đầu ra tiêu thụ. Giá rau rẻ, nông dân, các hợp tác xã ít lãi nhưng nếu không có đầu ra, phải đổ bỏ thì càng thiệt hại hơn, nên cách bán theo combo này giúp tiêu thụ nông sản nhanh hơn", ông Phương nói.
|
Cũng theo ông Hải, từ combo nông sản 10 kg/túi giá bình dân là 100.000 đồng, chọn trong 5 loại gồm: khoai lang, khoai môn nhỏ, củ sắn, khóm, chanh, củi cải trắng, và dưa leo, Tổ công tác đã xây dựng thêm combo theo túi 10 kg/túi loại 150.000 đồng gồm: rau củ quả ăn lá và trứng; 200.000 đồng gồm rau, củ quả ăn lá kết hợp với hải sản, thịt heo, trứng… để người tiêu dùng ở các phân khúc khác nhau có nhiều lựa chọn hơn.
Trước nhu cầu rất lớn của người tiêu dùng tại TP.HCM với nông sản combo, trong sáng nay, 24.8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, đã ký văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị ưu tiên triển khai chương trình “Combo nông sản 10 kg/túi”. Hiện tại, chương trình combo 10 kg/túi có nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tham gia thiết lập được mạng lưới kho nhận hàng cung cấp cho TP.HCM từ 80.000 - 100.000 túi/ngày (tương đương 800 - 1.000 tấn/ngày). Nhưng nếu được hỗ trợ vận chuyển thì 1.250 đơn vị đầu mối ở các địa phương có thể nâng công suất cung cấp khoảng 120.000 - 130.000 túi/ngày (tương đương với 1.200 - 1.300 tấn nông sản/ngày), với mức giá từ 100.000 - 150.000 đồng/túi.
“Qua các ứng dụng mạng xã hội sẵn có như zalo, facebook, email,… người mua và bên cung ứng tự kết nối thực hiện giao dịch mua bán sẽ giảm được áp lực của cơ quan chức năng trong cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội”, ông Nam nói.
Theo đề nghị của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT TP.HCM phối hợp với Tổ công tác 970 cho doanh nghiệp đăng ký điểm giao nhận hàng nếu đảm bảo các quy định phòng dịch Covid-19; ưu tiên cấp phép lưu thông cho các phương tiện của đơn vị tham gia chương trình “Combo nông sản 10kg/túi”.
Bình luận (0)