Bản tin Covid-19 ngày 15.10: Loay hay vì di chuyển liên tỉnh quy định "mỗi nơi một kiểu"

15/10/2021 19:55 GMT+7

Bản tin Covid-19 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 15.10.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, YouTube, Facebook của Báo Thanh Niên, trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Trúc Huỳnh sẽ đồng hành cùng quý vị trong bản tin hôm nay.

Bản tin Covid-19 ngày 15.10.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau:

Cả nước ghi nhận 3.797 ca Covid-19 mới, 918 ca khỏi bệnh

Bản tin Covid-19 tối 15.10 cho biết tính từ 17h ngày 14.10 đến 17h ngày 15.10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.797 ca nhiễm mới, 918 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong ngày ghi nhận 93 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tử vong lên 21.043 ca.

Thông tin về 3.797 ca nhiễm mới được công bố tối 15.10 như sau:

  • 8 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
  • 3.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.475 ca trong cộng đồng). Gồm: TP.HCM (1.131), Đồng Nai (586), Bình Dương (533), Sóc Trăng (414), An Giang (170), Cà Mau (168), Kiên Giang (82), Đồng Tháp (78), Tiền Giang (70), Tây Ninh (64), Long An (47), Cần Thơ (43), Bạc Liêu (40), Hậu Giang (34), Gia Lai (30), Khánh Hòa (28), Thanh Hóa (27), Nghệ An (25), Thừa Thiên Huế (22), Trà Vinh (18), Vĩnh Long (15), Hà Nam (15), Quảng Trị (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Quảng Bình (12), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Bình Phước (11), Ninh Thuận (9), Sơn La (9), Bình Định (9), Lâm Đồng (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Ngãi (7), Phú Thọ (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (4), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hưng Yên (2), Thái Bình (2), Phú Yên (2), Hải Dương (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Hà Nội (1).
Ngày 15.10: Cả nước 3.797 ca Covid-19, 918 ca khỏi | TP.HCM 1.131 ca

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-210), Bình Thuận (-61), Đồng Nai (-61).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (+414), TP.HCM (+222), Cà Mau (+168).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 3.559 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 857.639 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.710 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ tư (từ ngày 27.4.2021 đến nay):

  • Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 852.986 ca, trong đó có 786.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
  • Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên.
  • Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên.
  • Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (415.875), Bình Dương (224.492), Đồng Nai (57.708), Long An (33.614), Tiền Giang (14.844).

Theo số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế:

  • Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 918
  • Tổng số ca được điều trị khỏi: 788.923

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.847 ca, trong đó:

  • Thở ô xy qua mặt nạ: 2.572
  • Thở ô xy dòng cao HFNC: 564
  • Thở máy không xâm lấn: 107
  • Thở máy xâm lấn: 583
  • ECMO: 21

Trong ngày ghi nhận 93 ca tử vong tại 10 tỉnh, thành phố. Gồm: TP.HCM (61), Bình Dương (18), Tiền Giang (4), Tây Ninh (2), Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 101 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.043 ca, chiếm tỉ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua, cả nước đã thực hiện 120.120 xét nghiệm cho 211.630 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27.4.2021 đến nay đã thực hiện 20.710.521 mẫu cho 57.279.997 lượt người.

Trong ngày 14.10 có 1.311.040 liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 59.003.239 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 41.811.429 liều, tiêm mũi 2 là 17.191.810 liều.

Ngày 15.10: Thông báo 93 ca Covid-19 tử vong tại 10 tỉnh thành

Việt Nam có ít nhất một nhà máy vắc xin Covid-19 vào năm 2022

Ngày 15.10.2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về thuốc, vắc xin, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 13.10.

Theo đó, sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Bộ Khoa Học - Công Nghệ, ý kiến phát biểu các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận như sau:

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 về Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, trong đó xác định phải thực hiện đồng bộ các giải pháp y tế, hành chính, kinh tế - xã hội. Trong các giải pháp về y tế, phải đồng bộ cách ly, xét nghiệm, vắc xin, điều trị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều văn bản chỉ đạo việc thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu vắc xin, sinh phẩm, thuốc, vật tư thiết bị phòng chống dịch bệnh chủ động, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tăng cường năng lực công nghiệp dược, trang thiết bị y tế. Ngay từ đầu năm 2020 nhiều nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu đã được Bộ Khoa học - Công Nghệ, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp xác định, tham gia, thực hiện.

Bộ Y tế được giao khẩn trương cập nhật hướng dẫn về tiêm vắc xin đủ liều cho các lứa tuổi

TIẾN ĐẠT

Đến nay, Việt Nam đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch. Nghiên cứu sản xuất vắc xin đã có những bước đi ban đầu rất nhanh, đạt kết quả tốt. Từ giữa năm 2021 chủ yếu tập trung các khâu thử nghiệm lâm sàng, xem xét cấp phép thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Từ giữa năm 2021, các doanh nghiệp tham gia tích cực tiếp nhận chuyển giao sản xuất sinh phẩm, vắc xin, thuốc điều trị Covid-19; Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm, thuốc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam đã sản xuất được sinh phẩm xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và xét nghiệm nhanh kháng nguyên với công suất đủ lớn và dự kiến đầu năm 2022 sẽ có ít nhất một nhà máy sản xuất vắc xin đi vào hoạt động tham gia đáp ứng yêu cầu trong nước và có thể xuất khẩu.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục khẩn trương triển khai Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu vắc xin cho người đến năm 2030 và các chương trình, nhiệm vụ khoa học phục vụ phòng chống dịch Covid-19. Cập nhật các công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phòng chống dịch Covid-19, chủ động tổ chức, triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của mình để thúc đẩy hiệu quả, thiết thực các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu, nhận chuyển giao công nghệ, thử nghiệm, cấp phép… đặc biệt trong khâu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép nhằm sớm chủ động được vắc xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị… phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có dự báo tình hình diễn biến dịch bệnh, nhu cầu các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác chống dịch; căn cứ tình hình sản xuất trong nước để có phương án nhập khẩu, mua trong nước cụ thể (trên quy mô cả nước) đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả đồng thời khuyến khích phát triển công nghiệp y dược trong nước.

Trong đó, đối với vắc xin Covid-19: khẩn trương nghiên cứu, ban hành, cập nhật hướng dẫn về tiêm vắc xin đủ liều cho các lứa tuổi; tiêm tăng cường; tiêm kết hợp các loại vắc xin… đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Xây dựng phương án cụ thể về nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại vắc xin. Khẩn trương hướng dẫn tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi và tiêm tăng cường; đánh giá tổng thể nhu cầu vắc xin (kể cả cho trẻ em); số lượng, tiến độ giao hàng vắc xin đã ký kết nhập khẩu hoặc tiếp nhận viện trợ; tiến độ và công suất sản xuất vắc xin trong nước… Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch nhập khẩu, mua trong nước bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Năm 2022, Việt Nam có ít nhất một nhà máy vắc xin Covid-19, có thể xuất khẩu

Đối với thuốc điều trị Covid-19: khẩn trương cập nhật các phác đồ điều trị từ sớm, điều trị tại nhà trong đó lưu ý kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền, thúc đẩy thử nghiệm, cấp phép các loại thuốc điều trị, thuốc bổ trợ, đặc biệt là thuốc điều trị từ sớm, điều trị tại nhà. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua trong nước đối với từng loại thuốc.

Đối với sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm Covid-19: khẩn trương cập nhật, hướng dẫn, cấp phép sử dụng các công nghệ xét nghiệm mới tiện dụng, hiệu quả hơn trên thế giới. Xây dựng phương án cụ thể nhập khẩu, mua đối với từng loại sinh phẩm, thiết bị. Xây dựng phương án người dân tự xét nghiệm. Cập nhật hướng dẫn người dân tự xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp để định hướng các doanh nghiệp sản xuất các bộ kit xét nghiệm thuận tiện, tiết kiệm nhất.

Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ, gồm: Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư, Y tế, Khoa học - Công nghệ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động giải quyết các đề xuất kiến nghị của các địa phương, cơ sở y tế, doanh nghiệp về cơ chế mua sắm, ưu đãi, thanh toán…

Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 126 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19.

Theo đó, người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên (tính từ 1.5.2021 - 31.12.2021) và thuộc các trường hợp sau: đang phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong khu vực bị phong tỏa, do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch hoặc có trụ sở thuộc địa bàn thực hiện theo Chỉ thị 16 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch… được hỗ trợ 1 lần, theo 2 mức, gồm:

- Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng được hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người.

- Người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên được 3,71 triệu đồng/người.

Thêm nhiều đối tượng được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng

Người lao động ngừng việc và thuộc các trường hợp trên được hỗ trợ một lần 1 triệu đồng. Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ một lần 3,71 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh mục của cơ quan thuế; hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối; người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ không phải đăng ký hộ kinh doanh… phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Nghị quyết mới cũng bổ sung chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng đối với người cao tuổi và người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là F0 mắc Covid-19 hoặc F1 trong thời gian điều trị, cách ly từ ngày 27.4 - 31.12.2021.

TP.HCM vẫn tiếp tục chi hỗ trợ đợt 3 sau ngày 15.10

Triển khai Nghị quyết 97/2021 của HĐND TP.HCM và Công văn 3181/2021 của UBND TP.HCM, các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã và đang gấp rút chi hỗ trợ đợt 3 cho 5 nhóm người dân gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn, mức 1 triệu đồng/người.

Việc chi trả hỗ trợ được chính quyền phường, xã, thị trấn thực hiện từ ngày 30.9, và theo dự kiến ban đầu thì sẽ hoàn thành vào hôm nay (15.10). Tuy nhiên, vì nhiều lý do, nên tiến độ chi trả gói an sinh xã hội đợt 3 còn chậm, chưa kịp tiến độ.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết danh sách nhận hỗ trợ đợt 3 hiện cập nhật đến hơn 6,3 triệu người. Và tính đến nay, chính quyền các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã chi hỗ trợ cho hơn 4,6 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 73%.

TP.HCM vẫn tiếp tục chi hỗ trợ đợt 3 sau ngày 15.10

Lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cũng thông tin, hiện một số quận, huyện đã cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ, như: Q.5 chi hỗ trợ đạt tỷ lệ 99,3%; Q.Phú Nhuận chi đạt 98,8%; Q.1 chi đạt 97%; Q.10 chi đạt 94%; Q.6 chi đạt 93%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chi còn chậm như Q.Bình Tân (chi đạt 51%), Q.8 (chi đạt 61%)...

Theo ông Lê Minh Tấn, các địa phương vẫn tiếp tục thực hiện chi trả gói hỗ trợ đợt 3 sau ngày 15.10. "Thực hiện chưa xong thì vẫn phải tiếp tục chi hỗ trợ cho người dân. Nhưng phải tích cực để chi hỗ trợ sớm nhất chứ không được để kéo dài. Vì nếu kéo dài, gói hỗ trợ này sẽ không còn ý nghĩa nữa", ông Tấn nói.

Dòng người từ Tây Nguyên quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng mạnh

Trong những ngày gần đây, lượng người từ các tỉnh Tây nguyên quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai qua cửa ngõ Bình Phước đang có chiều hướng gia tăng.

Ngày 15.10, Công an tỉnh Bình Phước cho biết đang tiếp tục tổ chức các đoàn xe dẫn đường hỗ trợ người dân từ các tỉnh Tây nguyên quay lại TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...

Hành trang của người dân Tây nguyên trở lại thành phố khá gọn gàng, hiếm thấy các xe chở đồ đạc cồng kềnh hay con nhỏ đi cùng

HOÀNG GIÁP

Theo thống kê, chỉ trong hơn tuần qua, Công an tỉnh Bình Phước đã tổ chức hơn 70 lượt xe dẫn đoàn, đưa người dân các tỉnh Tây nguyên quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại, đưa người dân miền Trung, Tây nguyên và miền Bắc đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh, thành phía nam về quê qua ngả Bình Phước.

Người từ Tây nguyên quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... tăng mạnh để tìm việc làm

Công an tỉnh Bình Phước ước tính có khoảng 80.000 lượt người đi lại 2 chiều, trong đó dòng người quay lại TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đang có xu hướng tăng lên.

Cũng theo Công an tỉnh Bình Phước, khoảng 1 tuần qua (từ ngày 9.10 đến 15.10), lượng người dân từ các tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… về quê Tây nguyên qua Bình Phước bắt đầu giảm mạnh. Từ số lượng lúc cao điểm hơn 10.000 người/ngày (đầu tháng 10) nay giảm xuống chỉ còn khoảng trên dưới 1.000 người/ngày.

Ở chiều ngược lại, xu hướng người từ các tỉnh Tây nguyên đổ về TP.HCM và các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam bắt đầu tăng mạnh. Theo thống kê, từ ngày 3.10 đến nay, số lượng người quay lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tăng mạnh, có ngày lên đến hơn 1.400 người.

Một gia đình trên đường từ Bình Dương về quê qua tỉnh Bình Phước trưa 15.10

HOÀNG GIÁP

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lượng người từ các tỉnh Tây nguyên đổ về các tỉnh, thành phố phía nam qua Bình Phước khoảng 1 tuần nay hầu hết là người về quê tránh dịch từ đợt cuối tháng 7, đầu tháng 8.2021. Nay họ nghe tin TP.HCM và các tỉnh nới lỏng giãn cách và mở cửa kinh tế nên quay trở lại làm việc và tìm kiếm cơ hội việc làm. Trong số này còn có người ở TP.HCM, Bình Dương... bị kẹt lại các tỉnh Tây Nguyên nay mới thu xếp quay về. Nhiều người đã tiêm từ 1 đến 2 mũi vắc xin Covid-19.

Đề xuất rút toàn bộ 22 chốt kiểm soát cửa ngõ Hà Nội

Sáng 15.10.2021, một đại diện Phòng CSGT (PC08) Công an TP.Hà Nội cho biết cơ quan này đã cho rút chốt kiểm soát số 8 ở đầu cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chốt này được đặt trên địa phận tỉnh Hưng Yên.

Ngoài việc rút chốt kiểm soát số 8, cơ quan này cũng đã đề xuất thành phố về việc rút toàn bộ 21 chốt kiểm soát còn lại.

Trong sáng 15.10, 21 chốt còn lại vẫn được PC08 phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì quân số, kiểm soát người và phương tiện ra vào thủ đô.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết bước sang trạng thái phòng dịch mới, thành phố vẫn chưa có chỉ đạo nên cơ quan này vẫn duy trì chốt kiểm soát đặt tại các cửa ngõ.

Người dân muốn ra vào thành phố vẫn phải có kết quả test nhanh hoặc xét nghiệm PCR âm tính trong thời gian quy định, giấy tờ tùy thân và khai báo y tế.

Đề xuất rút toàn bộ 22 chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Hà Nội

Về khai báo y tế, các chốt vẫn triển khai quét mã QR bằng camera nên người dân chỉ cần sử dụng các app, lấy mã QR và quét để kiểm tra, khi đầy đủ giấy tờ có thể nhanh chóng qua chốt. Ai không đủ điều kiện vẫn buộc phải quay đầu.

Đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết những xe có nhận diện luồng xanh đi vào làn do thanh tra giao thông quản lý và được đi thẳng. Xe cá nhân không có nhận diện luồng xanh, sẽ đi vào làn do lực lượng của PC08 phụ trách. Lái xe phải xuất trình giấy xét nghiệm Covid-19, sau đó vào chốt khai báo y tế.

Trước đó, kể từ 6 giờ ngày 14.7.2021, Công an TP.Hà Nội đã thiết lập 22 chốt tại các cửa ngõ lớn để kiểm soát toàn bộ phương tiện, người dân vào thành phố giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đi lại liên tỉnh một số nơi còn “vướng”

Sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn Nghị quyết 128, nhiều địa phương đã nhanh chóng chuyển trạng thái thích ứng bình thường mới, nhưng không ít tỉnh, thành vẫn chưa “chuyển màu”, mỗi nơi một kiểu.

Nghị quyết 128 của Chính phủ hướng tới việc giúp người dân trở lại với điều kiện bình thường mới trong đi lại, liên thông giữa các tỉnh. Trong thông báo phát đi hôm qua, 14.10, Bộ Y tế tiếp tục thông báo nhắc lại và khẳng định người đã tiêm đủ liều vắc xin, đã khỏi Covid-19 chỉ xét nghiệm khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, không yêu cầu người dân đi lại giữa các vùng trình xét nghiệm, ngoại trừ người đến từ vùng đỏ hoặc vùng cách ly y tế.

Chốt kiểm soát ở cầu Nghìn yêu cầu người dân khai báo y tế khi vào Hải Phòng, người dân vùng đỏ chưa tiêm đủ vắc xin phải cách ly tập trung 14 ngày

LÊ TÂN

Tuy nhiên, nhiều địa phương “một mình một kiểu”. Các quy định khác nhau khiến người dân dù rất muốn đi lại liên tỉnh nhưng vẫn rất ngần ngại. Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ GTVT), dù máy bay, xe khách liên tỉnh đã khai thác thí điểm trở lại nhưng do vắng khách, mỗi ngày có cả chục chuyến bay phải hủy, có gần 50 tuyến xe khách liên tỉnh chạy từ 1 đến 6 xe nhưng không có khách nào.

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành đã thể hiện quyết tâm rất rõ về thích ứng với điều kiện mới để phục hồi sản xuất, kinh tế, nhưng một số địa phương vẫn đi ngược lại quyết tâm này.

Bối rối ở chốt kiểm soát Covid-19 vì thực hiện Nghị quyết 128 “mỗi nơi một kiểu”

“Quy định thêm các điều kiện như xét nghiệm hay cách ly thể hiện việc các địa phương không nghe lời Chính phủ, cố tình gây cản trở khó khăn cho người lưu thông. Nghị quyết 128 tinh thần là người dân phải tự chịu trách nhiệm, không can thiệp xử lý hành chính mà hướng dẫn cho người dân để tự bảo vệ sức khoẻ bản thân và người xung quanh”, ông Nga nói.

Cũng theo chuyên gia này, xét nghiệm với tất cả người dân, nhất là người dân tại các vùng không có dịch càng không có giá trị. “Chỉ cần xét nghiệm như hướng dẫn của Bộ Y tế là với những người có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về, có triệu chứng nghi Covid-19 như sốt, ho, cảm cúm, hắt hơi... hoặc tiếp xúc gần với người dương tính. Không nên làm khó dễ cho người dân thêm nữa”, PGS-TS Nga nhìn nhận.

Hà Nội vẫn chưa “tô màu”

Đến sáng nay, sau 2 ngày khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 về hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, UBND TP.Hà Nội vẫn chưa ban hành hướng dẫn cụ thể để xác định thành phố ở cấp độ nào, màu gì.

Đến chiều qua, thành phố vẫn duy trì 22 chốt cửa ngõ ra vao thủ đô để kiểm soát phương tiện, người ra vào thành phố theo Chỉ thị 16. Tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhiều người dân thắc mắc khi phải trình xét nghiệm âm tính, không đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sáng 15.10, Công an Hà Nội đã bỏ chốt tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hiện thành phố còn 21 chốt cửa ngõ. Tuy nhiên, Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội đang đề nghị rút nốt 21 chốt còn lại.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố thực hiện nghị quyết số 128 của Chính phủ, mở lại các hoạt động nhưng không nóng vội, làm từng bước thận trọng để bảo vệ an toàn cho thủ đô. Mở ra nhưng phải theo nguyên tắc, có trật tự, vào thành phố vẫn phải đáp ứng các điều kiện an toàn.

Hải Phòng vẫn "bắt" cách ly tập trung

Tối 14.10, UBND TP.Hải Phòng thông báo điều chỉnh biện pháp phòng dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi vào thành phố không cần phải trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 nhưng tùy theo vùng nguy cơ để áp dụng biện pháp cách ly khác nhau.

Cụ thể, Hải Phòng yêu cầu người ở các tỉnh thành, khu vực có nguy cơ rất cao (tương ứng với màu đỏ và màu cam trên bảng phân vùng dịch của cổng thông tin điện tử Bộ Y tế) nếu đã khỏi Covid-19 không quá 6 tháng, thì áp dụng cách ly tại nhà 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7.

Với người đã tiêm đủ liều vắc xin thì cách ly y tế tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 1 và thứ 7, tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày và xét nghiệm vào ngày thứ 7. Người chưa tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 nhưng mũi tiêm cuối cùng chưa đủ 14 ngày thì cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm 3 lần vào ngày thứ 1, thứ 7, thứ 14...

Tuy nhiên, quy định phải cách ly tập trung của TP.Hải Phòng là trái với hướng dẫn của Bộ Y tế về việc người đã tiêm đủ liều vắc xin không cần cáh ly tập trung, chỉ cần theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

Tại Đà Nẵng, theo công văn ngày 12.10, người dân đến, về thành phố từ các địa phương trên cả nước (có dịch và không có dịch) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng RT-PCR hoặc test nhanh (riêng Quảng Nam đi vào Đà Nẵng không cần xét nghiệm âm tính).

Ngoài ra, với người dân đi, đến thành phố từ địa phương, khu vực có dịch Covid-19, phải đáp ứng thêm các yêu cầu: đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 phải cách ly tại nhà đủ 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần vào ngày thứ nhất và ngày thứ 7. Người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin hoặc tiêm đủ liều nhưng ngày tiêm liều cuối cùng chưa đủ 14 ngày, phải cách ly tại nhà đủ 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần...

Trong khi đó, nhiều tỉnh như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định... vẫn chưa có những hướng dẫn mới trong việc kiểm soát người ra, vào địa bàn.

Bệnh viện Bạch Mai bàn giao Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19

Sáng 15.10.2021, Bệnh viện Bạch Mai đã bàn giao lại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho Sở Y tế TP.HCM trước khi trở về lại đơn vị công tác.

Buổi lễ có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng.

Tại buổi lễ, sau khi báo cáo về hoạt động của trung tâm trong thời gian qua, đại diện Bệnh viện Bạch Mai đã ký kết việc bàn giao trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 cho Sở Y tế TP.HCM.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đã tặng bằng khen cho 24 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai vì có thành tích xuất sắc trong tham gia công tác hỗ trợ, phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Phát biểu tại buổi lễ giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã cảm ơn mô hình trung tâm hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Trung tâm không chỉ giúp điều trị người bệnh nặng mà còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Bệnh viện Bạch Mai bàn giao Trung tâm hồi sức bệnh nhân Covid-19 trước ngày rời TP.HCM

Trước đó, trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát, Sở Y tế đã kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các bệnh viện dã chiến thành phố ngừng hoạt động theo lộ trình để bàn giao cơ sở hạ tầng cho cơ quan chủ quản nhằm phục hồi lại chức năng ban đầu khi thành phố thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Riêng 3 trung tâm hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Sở Y tế kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các bệnh viện thành phố tiếp nhận và triển khai mô hình “Bệnh viện dã chiến 3 tầng" sau khi các bệnh viện này rút về.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã đi vào hoạt động từ ngày 11.8.2021 với thiết bị máy móc hiện đại và đội ngũ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm khi từng hỗ trợ điều trị tại nhiều vùng dịch khác trên cả nước.

Qua hơn hai tháng đi vào hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận trên 1.300 bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch. Trong đó có 363 ca được điều trị qua cơn nguy kịch và chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị. 213 ca được ra viện.

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin Covid-19 hôm nay 15.10 phát lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.