“Nhợn” hơn khi tôi được ba dắt vô nhà chú họ ngay trung tâm quận 4, nơi thời đó nổi tiếng là hang ổ của tệ nạn.
“Ở đâu cũng rứa, thấy hay thì học, dở thì né, cứ sống tốt, lương thiện, học hành tử tế thì chẳng phải sợ ai nghe con”, ba dặn trước khi về quê, để tôi lại xóm Dừa, nằm sâu trong hẻm nhỏ đường Tôn Đản.
Mỗi ngày, trên chiếc xe đạp ngang, cao gần bằng chiều cao cơ thể, tôi đạp ngoằn ngoèo qua các con hẻm nhỏ từ nhà ra chợ Hãng Phân, lên cầu Ông Lãnh, thẳng tiến về trường, chiều chiều lại đạp xe về. Những khi ở nhà, tôi phụ thím bán hàng tạp hóa, kèm cô em họ học, và hầu như rất ít dám bước ra khỏi nhà vì… sợ.
Không sợ sao được khi vài ba ngày là cả xóm dậy lên tiếng ồn ào, tiếng người la ó, đuổi nhau, rồi nhiều thanh niên cởi trần, máu me đầy người chạy tán loạn trong hẻm. “Chắc các băng nhóm đang choảng nhau đó mà”, thím nói.
Không sợ sao được khi người con gái hay vô mua hàng của thím nhìn dáng vẻ rất đẹp đẽ, sang trọng nhưng là người chuyên đi... “xách giỏ” - từ lóng chỉ “nghề” móc túi.
Và càng sợ hơn khi chuyện cãi vã giữa vợ chồng, anh em, hàng xóm... diễn ra như cơm bữa. Trong những “cuộc chiến” ấy, bao nhiêu bộ phận trên cơ thể họ đều phô ra cho đối phương nghe...
Sau hai tháng ở nhà chú, bỗng một chiều, thằng bạn cùng quê dừng xe đạp trước nhà, nhìn tôi cười toe. “Ôi trời, răng mi tìm được nhà hay rứa”? Tôi quá ngạc nhiên, bởi nhà chú ở rất sâu, phải qua nhiều con hẻm nhỏ mới đến được nhà. “Mi cũng nổi tiếng mà, từ đầu hẻm ta hỏi thăm nhà mi thì có ông cụ kia hỏi, có phải con tìm thằng sinh viên ốm ốm, đi chiếc xe đạp cao gần bằng nó không. Ta gật đầu thế là ổng chỉ ta tới đúng đây”, thằng bạn kể.
Hóa ra, trong xóm ấy, trong con hẻm nhỏ ấy của quận 4, ở những năm tháng ấy thì sinh viên là “hàng hiếm”. Đó là lý do nhiều người biết đến tôi.
Từ thiện cảm ấy, tôi bắt đầu bớt sợ và... ra ngoài nhiều hơn.
Tôi bắt đầu đi ăn hủ tiếu của bà Sáu Hoa gần nhà, lội bộ ra tiệm kem của ông Tư đầu hẻm hay xung phong đi mua bia hơi về cho chú nhậu mà không còn sợ nữa.
Thế rồi, dần dần, tôi quen hết cả xóm, cả hẻm, từ những cô chú làm thợ hồ, đạp xích lô, buôn bán nhỏ cho đến “những tay anh chị” xăm trổ đầy người...
Mỗi sáng tôi đạp xe đi học, gặp ai trong hẻm tôi cùng cười và đều nhận lại những nụ cười tươi rói. Có cô chú, biết tôi sinh viên nghèo nên khi mua tô hủ tiếu, ổ bánh mì đều tặng thêm miếng thịt, cho thêm ít bánh, thậm chí, có khi còn cho nợ. Thấy áo quần tôi mặc sờn màu, một “tay anh chị” gọi lại tặng tôi chiếc quần jeans sida hay chú Tư bán kem đầu hẻm tặng tôi 2 chiếc áo sơ mi trắng để mặc đi học... Chú Tư nói: “Thấy bây ở ngoải vô, học giỏi, ham học, chú thương, chú quý. Ở xóm mình, xưa nay nghèo lại ít ai chịu học nên lớn lên toàn buôn bán, lao động tay chân hay làm “nghề bậy bạ”. Con học được thì ráng học cho sướng cái thân. Ở đây, bà con ít học nên quý bây lắm”.
Và cứ thế, ngày ngày trôi qua, tôi dần nặng tình với người dân xóm Dừa, với bà con trong xóm, thậm chí với cả những “tay anh chị”. Tôi chẳng biết khi “hành nghề”, họ sẽ ghê gớm thế nào, xấu ra sao, nhưng về xóm, họ vẫn là một cư dân bình thường, vẫn nở nụ cười tươi vui với tôi, sống tốt với hàng xóm. Thế là quá đủ để ngày ngày tôi càng yêu xóm Dừa, yêu những con người hào sảng, giàu lòng thương người và cũng rất đỗi bình dị, chân chất.
Và rồi, khi tôi vào năm cuối đại học, xóm Dừa bị giải tỏa để thực hiện dự án xóa nhà ổ chuột, xây dựng khu dân cư mới. Lần lượt từng gia đình rời đi, chú tôi cũng dọn nhà sang quận 7.
Nhà mới của chú khang trang, sạch đẹp, khu quy hoạch ngăn nắp, tinh tươm. Ấy vậy mà, những tháng đầu qua nhà mới, ai cũng nhớ xóm Dừa, nhớ tiếng rao, tiếng chào, và cả những tiếng cãi nhau ở nơi ấy... Tôi là người đến sau, sống một thời gian ngắn cũng đã lỡ yêu xóm Dừa thì sống lâu năm như gia đình chú tôi sao không yêu, không nhớ?
Bởi vậy, mỗi khi nghe ai đó nói “nhất quận 4, nhì quận 8”, tôi cười, vì câu đó không đúng với tôi, bởi tôi đã từng sống ở xóm Dừa, từng sống ở quận 4. Hơn 22 năm là cư dân thành phố, với tôi, Sài Gòn (quê hương thứ hai của tôi) nơi đâu cũng đẹp, cũng đáng để yêu như tình yêu tôi dành cho xóm Dừa ngày cũ.
|
Bình luận (0)