So sánh tình hình lao động tại TP.HCM trước và sau giãn cách: Tín hiệu khả quan

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/11/2021 12:28 GMT+7

Thị trường lao động TP.HCM từ nay đến cuối năm được kỳ vọng sẽ ổn định, góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương

Theo các con số thống kê từ Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về tình hình lao động, hoạt động của các doanh nghiệp trước và sau giãn cách cho thấy tín hiệu khả quan về việc phục hồi thị trường sản xuất trong thời gian tới.

121.321 doanh nghiệp trở lại hoạt động

Theo Sở LĐ-TB-XH, khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, đa số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ nằm ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX - KCN) và khu công nghệ cao đều sắp xếp, chuyển đổi từ hình thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến. Thống kê cho thấy, đến thời điểm tháng 10.2021, đã có khoảng 121.321 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

TP.HCM có một khu công nghệ cao với 88 doanh nghiệp hoạt động; 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với 1.412 doanh nghiệp hoạt động.

Đồng thời, theo số liệu thống kê, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.HCM là 219.051 doanh nghiệp. Trong đó, có 281 doanh nghiệp nhà nước, 213.571 doanh nghiệp dân doanh và 5.199 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng tại thời điểm TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, tính riêng các doanh nghiệp trong các KCX - KCN và khu công nghệ cao, chỉ còn 686/1.500 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo phương án làm việc mới: "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" với 80.443 lao động làm việc tại thời điểm này.

Tuy nhiên, đến tháng 10.2021, đã có 1.430 doanh nghiệp trở lại hoạt động (đạt tỷ lệ 95,33%) với số lao động làm việc là 256.356 người (đạt tỷ lệ 76,3%). Đây là những tín hiệu khả quan đối với thị trường cuối năm nói riêng và đối với kế hoạch phục hồi kinh tế, sản xuất tại TP.HCM nói chung.

TP.HCM cơ bản tiêm xong mũi 1 vắc xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi

Dự báo tháng 12.2021, số người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tăng lại

Tính tại thời điểm tháng 6.2021, dựa trên trường dữ liệu của cơ quan Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho thấy số lao động làm việc trong các doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội là hơn 2,3 triệu người. Tuy nhiên, đến tháng 9.2021 lại giảm còn hơn 1,9 triệu người (giảm hơn 400.000 người).

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định thị trường lao động từ giờ đến cuối năm tại TP.HCM sẽ diễn ra ổn định

ngọc dương

Tính tại thời điểm tháng 10.2021, con số này đã tăng lên hơn 2,1 triệu người. Và dự kiến đến cuối năm nay, số lao động làm việc tham gia bảo hiểm xã hội sẽ tăng lên hơn gần 2,4 triệu người, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Phân tích số lao động giảm tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ tháng 6 - 9.2021, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM nhận định nguyên do là vì các doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh, thế nên người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc (tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội) hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều dự đoán cho thấy cuối năm 2021 này, một lượng lao động này sẽ quay trở lại làm việc, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội khi doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động đủ công suất

Điều đáng quan tâm theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM khái quát, từ ngày 1.10 đến nay, với việc TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, các doanh nghiệp có quy mô lao động đông vẫn chưa hoạt động hết công suất (khoảng từ 50 - 80% tổng số lao động) nhằm thăm dò tình hình dịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh khi có trường hợp F0 trong doanh nghiệp (qua thống kê chưa đầy đủ, số lượng F0 trong các KCX - KCN, khu công nghệ cao là hơn 9.200 trường hợp).

Một nguyên do khác khiến cho các doanh nghiệp hoạt động "dè chừng" còn là vì thiếu hụt lao động hoặc gặp khó với các tiêu chí an toàn phòng chống dịch.

Kỳ vọng thị trường lao động ở TP.HCM sẽ ổn định vào cuối năm

Liên quan vấn đề thiếu hụt lao động, tại TP.HCM đã diễn ra nhiều tọa đàm với các góp ý của chuyên gia, doanh nghiệp.

Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết đơn vị đã và đang phối hợp với Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM để nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp.

Đồng thời, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (đơn vị trực thuộc Thành đoàn TP.HCM) triển khai nhiều hoạt động kết nối cung - cầu lao động như tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh ĐBSCL, qua đó tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10, 11.

Sàn giao dịch này được kỳ vọng là kênh để người lao động các tỉnh tham gia, phỏng vấn trực tiếp với các doanh nghiệp tại TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận như Bình Dương, Long An.

Các trung tâm giới thiệu việc làm cũng phối hợp quận, huyện đoàn, công đoàn cấp trên cơ sở, Phòng LĐ-TB-XH để tiếp tiếp nhận danh sách người lao động bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm; chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.

Mặt khác, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở GTVT TP.HCM xây dựng phương án lưu thông giữa thành phố và các tỉnh, trong đó có những phương án đón người lao động trở lại TP.HCM làm việc; tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên hệ với người lao động và tổ chức xe đưa rước tại các địa phương có đông lao động; người lao động đăng ký sử dụng tuyến vận tải hành khách cố định; trao đổi với các tỉnh, tạo điều kiện để người lao động di chuyển tự túc bằng xe cá nhân để quay trở lại TP.HCM.

Dự kiến trong tháng 11, 12, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh và TP.HCM kiểm soát tốt, vấn đề lưu thông giữa các tỉnh được nới lỏng, người lao động sẽ yên tâm quay trở lại làm việc, bên cạnh đó, các doanh nghiệp tổ chức các phương tiện đưa đón công nhân ở các tỉnh lân cận đi làm việc (ví dụ, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tổ chức đưa đón người lao động từ Tiền Giang, Long An đi làm việc hàng ngày...), vấn đề thiếu hụt lao động sẽ không trầm trọng đến mức đứt gãy nguồn lao động.

Covid-19 sáng 6.11: 953.547 ca nhiễm, 837.347 ca khỏi | F0 cộng đồng đang tiếp tục tăng cao

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo Trung tâm y tế quận, huyện và TP.Thủ Đức tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp cũng như người lao động đã được các doanh nghiệp có thông báo tiếp nhận làm việc tại TP.HCM được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Gần đây nhất, phát biểu trong cuộc họp báo chiều 4.11, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin, các trung tâm giới thiệu việc làm đã chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tìm việc và danh sách này đã được gửi cho các doanh nghiệp để triển khai phỏng vấn. Ông Lâm tin tưởng, thị trường lao động từ giờ đến cuối năm tại TP.HCM sẽ diễn ra ổn định và góp phần phục hồi sản xuất, kinh tế của địa phương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.