Mỗi người một vẻ
|
Khá lâu rồi, nhiều văn nghệ sĩ, giáo sư, tiến sĩ, giảng dạy nghiên cứu văn chương như Nhật Chiêu, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Hậu, Bích Ngân, Mai Sơn, Trần Tiến Dũng, Vũ Thành Sơn, Trần Nhã Thụy, Trần Lê Sơn Ý, Bùi Tiến Tuấn… mới có dịp cùng gặp nhau để chia vui với nhà thơ trẻ Nguyệt Phạm. Tập Phơi riêng tư (NXB Hội Nhà văn) của chị ra mắt đầu tháng 10 đã gây nên sự ngạc nhiên. 14 năm trước, Nguyệt Phạm là một trong năm thành viên của nhóm thơ Ngựa trời với nhiều tìm kiếm và thể nghiệm. Lần này Nguyệt Phạm trở lại với tập thơ Phơi riêng tư vừa xuất bản. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận định: “Thơ Nguyệt Phạm rất khó nói về kỹ thuật, nó lặn sâu trong trang viết bằng những trải nghiệm. Ở đó, tôi thấy có sự phục sinh, đầy hy vọng”.
Sau Sóng biển rì rào, Lũ đầu mùa, Hợp đồng chiều thứ bảy (tập truyện ngắn), Biển (tiểu thuyết)..., nhà văn Trương Anh Quốc trở lại muộn màng hơn với tập tiểu thuyết du ký Sóng. Anh thổ lộ: “Tôi thử sức ở thể loại này vì muốn đưa bạn đọc đến những vùng đất có thật với các nét văn hóa đặc trưng, nhưng hư cấu thêm thành những câu chuyện vui vui có đầu có cuối, là sợi dây liên kết toàn bộ các sự kiện của người thủy thủ trong một hành trình dài trên biển cả qua nhiều điều gặp phải để rồi có những phân tích so sánh với nước nhà và biển đảo quê hương”…
“Lối đi ngay dưới chân mình”
“Cách đây hơn ba năm, tôi bị tai nạn giao thông liệt nửa người. Trong thời gian đó rất nhiều thầy cô, bạn bè đã đến và chia sẻ cùng tôi, trong số đó có người đã cho tôi lý do, giúp tôi đủ dũng khí để hoàn thành Phơi riêng tư”, Nguyệt Phạm thổ lộ. Chị cũng tâm sự về ý nghĩa của lần trở lại này sau nhiều năm vắng bóng trên văn đàn: “Sau khi sách in xong, tôi thấy như mình đã vượt qua chính mình, đã dám nhìn vào những sai lầm, những thất vọng và hạnh phúc, niềm vui của cuộc đời mình”.
Còn với Đoàn Đại Trí, cũng như nhiều người vừa làm báo vừa viết văn khác, luôn phải đối diện với cuộc sống mưu sinh thường nhật, anh cho biết: “Hiện nay để xuất bản được sách thực sự không dễ dàng, việc tìm được một nhà xuất bản chấp nhận in ấn hay đưa sách đến được với độc giả là một vấn đề nan giải. Nhà văn phải tự thân vận động với “lối đi ngay dưới chân mình”. Nhiều người buộc phải chấp nhận bỏ tiền ra để in sách, bởi không nỡ thấy “đứa con” tinh thần mà mình tạo ra mãi mãi nằm trong trang bản thảo”. Ngoài ra, theo anh, một khó khăn nữa là trong thời đại giao thoa và bùng nổ những hình thức giải trí công nghệ mới, những cuốn sách in ngày càng khó tiếp cận người đọc hơn. Phần lớn độc giả bị dẫn dắt bởi các trào lưu, các cuốn sách được giới thiệu rầm rộ trên phương tiện truyền thông mà không có một “kênh” thông tin nhận định thực sự về chất lượng tác phẩm in ấn. “Nói nôm na, những cuốn sách hay hoặc dở có thể bị lẫn lộn với nhau. Nó đào sâu thêm cái hố ngăn cách tác giả và độc giả, đó là điều thật sự thử thách đối với những nhà văn trẻ”, Đoàn Đại Trí cho biết.
Bên cạnh đó, các nhà văn trẻ cũng cần khoảng thời gian lặng để chín muồi. Như Trương Anh Quốc tâm sự: “Tôi chỉ viết khi cảm xúc đủ độ chín chứ không bị áp lực vì số lượng trang sách phải viết. Nghề viết với niềm đam mê thôi chưa đủ, cần lắm sự chăm chỉ, bởi đường văn chương như biển, càng bơi càng chẳng thấy bờ đâu. Ngoài ra, cây bút trẻ cần sự dũng cảm, bản lĩnh để không ngại va chạm thì tác phẩm mới hay được”.
Nói về những cây bút trẻ với những tác phẩm đa dạng ra mắt trong thời gian gần đây, nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM, chia sẻ: “Theo tôi, bản chất của tuổi trẻ chính là sự nồng nhiệt và khát khao, sẵn sàng thể nghiệm. Tính thể nghiệm hay trình bày một phong cách viết mới luôn có ở những người viết trẻ. Nhiều cây bút chọn lối viết thuận tay của mình. Dù sao cũng mừng là nhiều bạn vẫn còn bền bỉ với trang viết dẫu đây không phải là thời hoàng kim của văn chương. Tuy nhiên, vẫn có những cây bút tràn đầy nội lực như Nguyễn Thiên Ngân, Nồng Nàn Phố... ra sách bán rất chạy”.
Bình luận (0)