Hứng chịu khó khăn kép từ đại dịch thế kỷ và bão giá toàn cầu khiến hàng ngàn doanh nghiệp phải dời bỏ thị trường, nhưng trong “nguy” có “cơ” và không ít cá nhân đã tìm thấy con đường khởi nghiệp, ánh sáng cuối đường hầm hay làm lại từ con số 0.
Trong “nguy” có “cơ”
Những ngày đầu tháng 10, chị Võ Thị Xuân Trang, một nữ doanh nhân tại TP.HCM, tất bật khai trương một cửa hàng siêu thị thực phẩm thứ 5 của mình mang tên Hoa Biển tại TP.Đà Nẵng. “Đây là quê hương của tôi nên dù đi đâu tôi cũng luôn ấp ủ kế hoạch đưa mảnh đất ruột thịt của mình vào kế hoạch kinh doanh”, chị Trang bộc bạch.
Khởi nghiệp và gắn bó một cách tình cờ khi nhận được một thùng quà cherry nhập khẩu, Xuân Trang bắt tay vào việc mở cửa hàng thực phẩm nhập khẩu tại Q.7 (TP.HCM). “Công ty tôi nhập khẩu các loại nông sản, thực phẩm từ rất nhiều nước trên thế giới về phân phối sỉ trên khắp cả nước. Ở mảng bán lẻ, khi phát triển đến cửa hàng thứ 3 thì dịch bệnh ập đến”, chị Trang kể và nhớ lại: “Thời điểm đó thực sự rất khó khăn. Hàng hóa nhập về bị tồn ở cảng và bị kiểm soát rất chặt. Các hãng vận chuyển đều ngưng trệ. Đứng trước nguy cơ này, tôi đã từng có lúc định phải đóng cửa công ty. Nhưng các nhân viên trụ cột quyết tâm trụ lại bằng mọi cách”.
Không có xe vận chuyển, Trang huy động xe nhà và trả tiền gấp 5 lần bình thường để thuê thêm xe, chạy xuyên suốt không nghỉ để phân phối thực phẩm đến khắp các tỉnh thành. Dịch bệnh khiến nhiều ngành nghề bị thiệt hại, nhưng Hoa Biển vẫn mở rộng thêm cửa hàng phân phối ở P.An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM. “Chủ trương của tôi là không thuê mặt bằng để mở cửa hàng mà phải sở hữu nhà đất của mình. Vì thế, tôi mua những vị trí dù nhỏ một chút nhưng có thể kinh doanh, nhân viên của mình có chỗ ăn ở và gắn bó lâu dài. Trong dịch vừa qua tôi đã mua thêm được một căn nhà ở H.Nhà Bè giáp ranh Q.7 để tiếp tục mở thêm cửa hàng”, chị Trang chia sẻ.
Sau khi dịch bệnh đi qua, tình hình tiêu thụ khó khăn hơn vì người dân đã bắt đầu cạn dần ngân quỹ. Các mặt hàng nhập khẩu trở thành hàng hóa xa xỉ và tiêu thụ khá chậm. “Mặt hàng nào giá trên 1 triệu đồng đều rất khó bán. Vì thế, tôi chuyển sang chỉ nhập các loại ít tiền hơn. Hiện nay Hoa Biển vẫn là một trong những đơn vị phân phối thực phẩm nhập khẩu có giá tốt nhất vì tôi chỉ bán lợi nhuận thấp, thậm chí vừa đủ hòa vốn để giữ ổn định. Thời điểm này chính là giai đoạn sàng lọc, ai yếu thì phải rời cuộc chơi. Ai trụ được thì sẽ có cơ hội phát triển trong các năm sau”, chị Trang tự tin.
Năm 2022 cũng là năm “tối tăm mặt mũi” của chị Đoàn Thị Thoa, một chủ hộ kinh doanh ngành thực phẩm. Từ một siêu thị thực phẩm nhỏ tại Q.11 (TP.HCM), chị Thoa quyết định tìm vị trí mới để mở rộng kinh doanh. Nơi chị chọn lựa để đầu tư là khu đô thị Vinhomes Grand Park ở TP.Thủ Đức. Khi dịch bệnh lên đến đỉnh điểm, cửa hàng của chị luôn trong tình cảnh “cháy” hàng vì nhu cầu mua thực phẩm gia tăng đột biến. Bước sang năm 2022, thị trường gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hậu Covid-19, hàng loạt cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa. Thế nhưng, chị Thoa vẫn nhìn thấy cơ hội từ giá mặt bằng rẻ hơn. Từ cửa hàng thứ 2, chị liên tục đi săn lùng những vị trí thuận lợi để mở thêm địa điểm phân phối.
“Thời điểm sau khi TP.HCM hết giãn cách, các mặt bằng kinh doanh bỏ trống rất nhiều. Ai cũng bảo khó khăn còn kéo dài, nhưng với tôi thì đó lại là cơ hội thuận lợi để mở rộng quy mô. Nói thật ở giai đoạn bình thường, các vị trí thuận lợi chắc chắn sẽ bị tranh giành, giá thuê được đẩy lên rất cao. Nhưng thời điểm đó lại không ai cạnh tranh”, chị Thoa chia sẻ. Chỉ trong vòng vài tháng, cửa hàng thực phẩm mang tên FoodMart của chị đã lên đến 9 địa điểm. Đáng nói là cửa hàng nào mở ra cũng nườm nượp khách.
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food), hồ hởi khoe: “Hiện nay sản phẩm thạch dừa VinaCoCo đã xuất khẩu đi 19 thị trường nước ngoài, chiếm đến 80% sản lượng của công ty, trong đó riêng thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm khoảng 60% tổng sản lượng xuất khẩu. Hằng năm công ty tiêu thụ khoảng 6 triệu lít nước dừa. Dịch bệnh, khó khăn như hiện nay khiến tiêu thụ chậm lại, nhưng đây chính là thời điểm thích hợp để chúng ta đầu tư, để có thể đưa ra sản phẩm khi thị trường hồi phục. Trong năm qua, GC Food đã triển khai xây dựng một nhà máy chế biến thạch nha đam kết hợp với mô hình farmstay tại tỉnh Ninh Thuận. Đây là một startup, mới dự kiến sẽ trình làng trong năm nay. Chưa dừng lại ở đó, Coco Vina còn đặt tham vọng sẽ chế biến các sản phẩm chuyên sâu từ gạo như bột, bún… để những kiều bào nước ngoài có thể trải nghiệm hương vị của quê hương ngay tại xứ người và tạo nên hệ thống sản phẩm bún gạo và bột gạo chất lượng cao”.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để phát triển |
Q.T |
Tự làm mới mình đón đầu cơ hội
Hai năm dịch bệnh hoành hành là giai đoạn khó khăn nhất, nhưng lại là thời điểm âm thầm chuẩn bị của nhiều doanh nghiệp để tìm hướng đi mới. Ông Đặng Bá Long, Giám đốc điều hành Công ty Ong mật TP.HCM (Behonex), kể: Từ năm 2020, doanh thu xuất khẩu mật ong sang Mỹ của Behonex đã đạt hơn 20 tỉ đồng, tuy nhiên, mức thuế chống bán phá giá “triệt hạ” của thị trường Mỹ đã khiến doanh số hằng năm sang thị trường này mất trắng. Mức thuế này sau đó đã được giảm xuống ở phán quyết cuối cùng, nhưng vẫn còn cao để có thể cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác. Hơn 90% sản lượng mật ong của VN được xuất khẩu sang Mỹ nên không còn thị trường này cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập chính. Đứng trước lằn ranh sinh tồn, ông Long nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường nội địa.
“Mật ong Việt Nam nổi tiếng thế giới nên mới được xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, trong khi thị trường nội địa lại bát nháo, chất lượng thả nổi gần như không có sự quản lý. Đó là một thiệt thòi cho người tiêu dùng”, ông Long chia sẻ.
Với quy trình sản xuất và các chứng nhận từ Mỹ, sản phẩm mật ong của Behonex nhanh chóng được Saigon Co.op ký hợp đồng cung cấp nhãn hàng riêng. Bên cạnh mật ong nguyên chất truyền thống, Behonex còn chế biến thành nhiều sản phẩm khác như mật ong chanh dây, mật ong tắc, mật ong gừng, mật ong nghệ, sữa ong chúa… “Doanh số từ thị trường bán lẻ đang tăng lên, hệ thống siêu thị Co.opmart đặt hàng nhiều hơn, mặc dù chưa đủ thay thế được sản lượng xuất khẩu mất đi nhưng cũng ước đạt 1-2 tỉ đồng/năm, việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử cũng dần ổn định. Nếu mật ong được trả lại đúng giá trị của nó ở thị trường trong nước thì hoàn toàn có thể thay thế dần thị trường xuất khẩu”- ông Đặng Bá Long tâm sự.
Bà Nguyễn Thùy Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Trà Thanh Long (TP.HCM), cũng khoe về dự án khởi nghiệp trong đại dịch: “Tôi chuyên về xuất khẩu thanh long tươi đi các thị trường Trung Quốc, Trung Đông nhưng vẫn ấp ủ nhiều dự án chế biến sâu. Sau hơn 1 năm triển khai đầu tư, dự án nhà máy sản xuất thành phẩm từ hoa thanh long tại H.Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã chính thức đi vào hoạt động, cung cấp sản phẩm chính là hoa thanh long sấy, trà hoa thanh long, kim chi hoa thanh long và hoa thanh long muối chua. Đây là một đề tài đã từng tham dự cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức năm 2021, đến nay đã thành hiện thực”.
Cây thanh long khi ra quả chỉ cần 1 - 2 hoa, nhiều hoa quá phải tỉa bỏ đi. Dự án tận dụng được nguồn hoa tỉa dư này. Búp hoa được chọn lọc trước khi phun xịt thuốc nên rất sạch, sau đó được đưa vào sơ chế, đóng gói thành phẩm.
Bà Nguyễn Thùy Thuận bộc bạch: “Thời gian trước khách hàng mua rất nhiều nguyên liệu búp hoa thanh long thô, công ty chúng tôi đã xuất khẩu mặt hàng này theo đường tiểu ngạch. Tôi thắc mắc và bắt đầu nghiên cứu công dụng, tìm hiểu mục đích khách hàng mua loại phế phẩm này để làm gì. Từ đó mới biết hoa thanh long thật ra có thể dùng để ăn, nấu canh, hầm súp rất ngon, ngoài ra còn làm nguyên liệu sản xuất trà giải nhiệt. Sau khi công ty tôi hoàn thiện nhà máy và cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, khách hàng nước ngoài đã hỏi mua rất nhiều. Do cây thanh long thu hoạch quanh năm nên nguồn nguyên liệu cho sản phẩm này không thiếu. Sau khi đóng gói sản phẩm có thể bảo quản được 2 năm, hoàn toàn có thể tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu đi các thị trường xa xôi mà không sợ hư hỏng”.
Hiện nay hoa thanh long được Công ty Trà Thanh Long thu mua với giá từ 2.000 - 2.500 đồng/kg đối với thanh long sản xuất chính vụ và 4.000 - 4.500 đồng/kg đối với thanh long chạy điện nghịch vụ, giúp người trồng thanh long có thêm thu nhập.
Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng tận dụng thời điểm hiện tại để đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm mới là trứng lỏng thanh trùng đóng chai.
“Công ty chúng tôi truyền thống cung cấp trứng gia cầm, nhưng vẫn luôn ấp ủ các dự án có hàm lượng chất xám cao hơn. Tôi đi nhiều nước, thấy các thị trường tiêu thụ mạnh các sản phẩm trứng lỏng thanh trùng đóng chai nên đã đầu tư sản xuất. Thật ra khi thị trường chững lại cũng là thời điểm thích hợp để đầu tư các sản phẩm mới. Sản phẩm của chúng tôi dù mới đưa ra thị trường nhưng tiêu thụ khá tốt, đặc biệt nhu cầu ngày càng cao tại các điểm tập thể hình, pha chế trong nhà hàng, khách sạn, quán bar... Hiện nay tình hình du lịch chưa trở lại như trước, du khách chưa đông, nếu hồi phục như lúc trước dịch thì chắc chắn sản lượng còn tăng hơn nữa”.
Đối mặt để vượt qua thách thức
Bất chấp khó khăn chưa từng thấy trong lịch sử, từ giữa năm nay số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động liên tục gia tăng qua từng tháng. Đặc biệt trong tháng 8.2022 ghi nhận số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao nhất với 6.458 doanh nghiệp, tăng 67,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc có hơn 35.000 lượt doanh nghiệp tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 2,5 triệu tỉ đồng là tín hiệu đáng mừng vì các doanh nghiệp này nhìn thấy các cơ hội kinh doanh và mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, bất chấp giai đoạn hiện tại gặp nhiều trở ngại.
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH-CN) Phạm Hồng Quất phân tích: “Bên cạnh những tiềm năng đáng ghi nhận, các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu vốn, nhân sự, kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp..., cần nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt từ những doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp thành công đi trước để tiếp tục tăng tốc, bứt phá hơn nữa”.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nhận định: “Nền kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt, giữ ổn định, song thực lực khu vực nội địa còn yếu, doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó khăn, khát vốn nghiêm trọng, chứa đựng nguy cơ nợ xấu tăng cao do rủi ro. Ngoài việc giảm chi phí để giúp doanh nghiệp phục hồi, vừa góp phần kiềm chế lạm phát cần phải kích hoạt mạnh thị trường nội địa. Thị trường nội địa có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp Việt Nam trong khi doanh nghiệp FDI hướng ngoại mạnh hơn. Quan trọng nhất là phải tăng cường bơm "máu" - vốn cho nền kinh tế, cho các dự án và doanh nghiệp tốt”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu và thiếu cả về số lượng và chất lượng, vẫn còn một số hạn chế như số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu; doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.
“Thực tiễn này đã đặt ra yêu cầu lớn cho tất cả chúng ta: Cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Chúng ta cần phải chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, dám đối mặt để vượt qua những thách thức lớn nhất; chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới to lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Thống kê có 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, đáng chú ý là những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các ngành liên quan đến lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng 51,7%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 50,8%); dịch vụ việc làm; du lịch; cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (tăng 43,6%); nghệ thuật, vui chơi và giải trí (tăng 37,0%)... Tuy nhiên, bước qua tháng 9, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới đã có dấu hiệu giảm lại.
(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh)
Các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò trong hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn hiện nay, thích ứng với giai đoạn mới. Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số, đổi mới và sáng tạo để tìm ra cơ hội trong thách thức, xoay chuyển và thích ứng; nâng cao năng suất, năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quản lý và quản trị doanh nghiệp; tạo chuẩn giá trị mới, quan tâm hơn đến phục vụ người dân và nhu cầu trong nước; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Bình luận (0)