Sum vầy ngày Tết Canh Tý 2020: Người trẻ chuẩn bị trả lời “Bao giờ lấy chồng?”, “Lương bao nhiêu?”…

24/01/2020 09:02 GMT+7

Sum vầy ngày tết, thế hệ trẻ sẽ nói chuyện gì với ông bà bố mẹ khi sự khác biệt giữa văn hóa , lối sống và suy nghĩ ngày càng lớn? Cùng nghe người trẻ chia sẻ nhé!

Trần Duy Linh (26 tuổi, làm việc tại cửa hàng điện thoại di động Q.1, TPHCM) đã lên thành phố học tập và làm việc được 8 năm. Đều đặn năm nào Hằng cũng về quê sum vầy ngày tết và như thường lệ, Hằng chuẩn bị tâm lý trả lời loạt câu hỏi “Bao giờ lấy chồng?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Khi nào mua nhà mua xe?”…

Quen dần những câu hỏi muôn thuở

“Đây là điều khiến mình ngại nhất mỗi lần sum vầy ngày tết. Ông bà, hàng xóm cứ hỏi hoài những câu này. Ở thế hệ của mình, thu nhập hay những mối quan hệ là chuyện rất riêng tư, mình không muốn chia sẻ nhiều. Năm nào cũng vậy nên mình quen dần rồi. Giờ mình bớt cảm thấy khó chịu và học lỏm những câu trả lời dí dỏm trên mạng cho vui nhà vui cửa”.

Thế hệ ông bà, bố mẹ liệu có hiểu về những thú vui chơi ngày tết của người trẻ?

Nâu

Còn Đặng Thị Minh (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), thì cho rằng: “Người lớn có lý lẽ của họ, không hỏi thì làm sao biết con cháu mình sống thế nào. Chuyện lập gia đình hay công việc ổn định đã là chuẩn mực sống của mọi người từ nhiều năm nay nên không tránh khỏi việc bị hỏi. Mình thường chỉ trả lời những câu cơ bản và mình hỏi ngược lại để mọi người chia sẻ nhiều hơn”.

Hỏi để học từ ông bà

“Thế hệ trước có nhiều cái hay để mình học hỏi lắm nên tranh thủ những ngày tụ họp ngắn ngủi, mình chủ động bắt chuyện để ông bà truyền dạy lại kinh nghiệm. Ví dụ như chuyện sống xanh chẳng hạn, bà mình kể thời của ông bà, mọi người đều xách một chiếc giỏ đi chợ để đựng được hết rau cá, ít dùng bịch nilon lắm, quần áo cũ thì sẽ dùng làm giẻ lau chứ không vứt đi ngay hoặc dùng hộp bánh tây để đựng kim chỉ. Những bí quyết này giờ người trẻ chúng mình áp dụng cũng rất hiệu quả luôn”, Dương Thị Minh Nga (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) chia sẻ.
Bên cạnh học lối sống xanh, Nga còn không bỏ lỡ dịp học hỏi về cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. “Thế hệ đi trước tỷ lệ ly hôn thấp lắm. Có thể vì đa số mọi người hy sinh, nhẫn nhịn hơn hoặc “lấy lớn bỏ nhỏ”, vị tha và kiên trì hơn. Khó mà so sánh tình yêu, hôn nhân trong bối cảnh xã hội khác nhau nhưng qua câu chuyện của ông bà thì mình cũng có những bài học kinh nghiệm cho bản thân”.

Nói chuyện ngày xưa để gần nhau hơn

Ngày nay, giới trẻ vui chơi, giải trí trong những trung tâm thương mại lớn, những rạp chiếu phim, quán cà phê, trà sữa. Chắc nhiều người cũng thắc mắc chẳng biết ngày xưa ông bà làm gì khi rảnh rỗi.
Trần Thanh Nam (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), chia sẻ: “Mỗi dịp tết khi họ hàng sum vầy, mình rất thích nghe người lớn kể chuyện ngày xưa. Nhờ vậy mà mình biết không khí, cảnh quan mấy chục năm về trước thế nào, cả xóm tập trung ở nhà ai để cùng xem phim mỗi tối, biết tết xưa mọi người ăn chơi thế nào trong suốt tháng giêng… Nhiều chuyện hay lắm, những câu chuyện thế này không chỉ giúp mình có thêm kiến thức, vốn sống mà còn giúp các thế hệ gần gũi nhau hơn”.
Trong những lần sum vầy ngày tết thì Đặng Thị Minh thích nghe ông bà kể về thời chiến tranh. “Được nghe ông bà kể về những khoảnh khắc lịch sử trên chiến trận, khoe chiến tích hào hùng mình cũng thấy tự hào lây”.

Kể chuyện của chính mình

Những câu chuyện sẽ rôm rả và trọn vẹn hơn khi cả hai phía đều được lắng nghe và chia sẻ. Vì thế mà bên cạnh việc nghe ông bà hỏi han, người trẻ cũng nói về cuộc sống của thế hệ mình.
Trương Văn Châu (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Thủy lợi cơ sở II, TP.HCM), cho biết “Muốn người lớn không hỏi những câu quen thuộc nữa thì thế hệ trẻ nên chủ động chia sẻ nhiều hơn về lối sống, suy nghĩ của thế hệ mình. Khi ông bà, họ hàng hiểu được sự khác biệt này, có thể họ sẽ giới hạn chủ đề, ít đụng đến những câu hỏi riêng tư, thay vào đó sẽ cùng nhau nói về sở thích, thói quen giải trí, thậm chí là vấn đề thời sự, xã hội”.
Văn Châu nói thêm: “Sẽ là không công bằng với người lớn khi chúng ta không nói mà muốn mọi người hiểu. Hãy chủ động chọn chủ đề mình thích để chia sẻ, như vậy những cuộc tụ họp gia đình có thể vui vẻ hơn nhiều. Đâu có dịp nào đông đủ sum vầy như tết nên cứ lựa chuyện vui mà nói thôi”.
Còn bạn thì sao, sum vầy ngày tết bạn chọn chuyện gì để nói với ông bà, bố mẹ? 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.