Du lịch rục rịch trở lại

06/03/2021 06:11 GMT+7

Sau những gam màu trầm từ liên tiếp các đợt cao điểm “việt vị” vì Covid-19 , ngành du lịch bắt đầu nhen nhóm sắc xuân muộn, thận trọng phục hồi.

Tái kích cầu nội địa

Ngay khi tình hình dịch bệnh được các tỉnh, thành nhanh chóng kiểm soát sau Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing Công ty TST Tourist, đã liên tục cập nhật trên trang Facebook cá nhân hình ảnh những đoàn khách đầu tiên “xông đất” doanh nghiệp (DN) này.

Là một nước được đánh giá cao và nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông ở nước ngoài về thành tích chống Covid-19, Việt Nam cần phải nằm trong danh sách các điểm đến được ưa chuộng nhất của đối tượng du khách này. Không nên chờ dịch hoàn toàn kết thúc mới tính chuyện mở lại du lịch quốc tế mà nên bắt đầu việc này từ những người đã được tiêm vắc xin.

TS Lương Hoài Nam (Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch)

Theo ông Mẫn, tính từ ngày 26 - 28.2, đoàn khách đầu tiên gồm 16 người của TST Tourist đã bắt đầu khởi động thị trường với hành trình khám phá Phú Quốc. Trong tháng 3, tháng 4, TST Tourist sẽ tổ chức hàng loạt đoàn khách số lượng lớn đến các tỉnh được đánh giá an toàn cho đến hiện nay.
“Thời gian khởi động lại thị trường du lịch lần này rơi vào tháng 3, 4, đồng thời là mùa thấp điểm. Vì vậy, xu hướng của du khách là sẽ tập trung đi theo nhóm gia đình vào dịp cuối tuần. Gói combo bao gồm các dịch vụ vé máy bay, khách sạn, ăn sáng sẽ hút khách. Sự linh hoạt của du khách gia đình cũng sẽ cao hơn. Đặc biệt, du khách vẫn có thiên hướng tìm và chọn lọc điểm đến ít người, không đông đúc ồn ào, xa trung tâm, có không gian xanh thoáng và biệt lập nhưng chất lượng dịch vụ phải cao cấp”, đại diện TST Tourist thông tin thêm.

Sáng 6.3: Việt Nam ghi nhận 7 ca Covid-19

Cùng chung tâm trạng hào hứng, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Phòng Tiếp thị - Truyền thông Công ty lữ hành Fiditour, không giấu nổi niềm vui thông báo: Khoảng 1 - 2 tuần trở lại đây, tình hình khách hỏi dịch vụ đã nhộn nhịp hơn, khách hỏi qua các kênh online và trực tiếp khá nhiều. Cũng giống như sau mỗi đợt dịch trước, khách hàng thường có nhu cầu đi du lịch trở lại thường chọn tour theo nhóm gia đình, bạn bè riêng. Các tuyến miền Trung, miền Tây đang là tuyến điểm “hot”, đặc biệt là Phú Yên, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phú Quốc. Phan Thiết, Vũng Tàu có nhiều nhóm khách gia đình đặt. Trong bối cảnh dịch bệnh còn rập rình, du khách thường sử dụng ô tô riêng để đảm bảo an toàn.
Du lịch rục rịch trở lại

Du khách tắm biển tại Bãi Sau, Vũng Tàu chụp chiều 5.3.2021

Ảnh: Nguyễn Long

Điểm đến cũ, sản phẩm mới

Trải qua hơn 1 năm sống chung với Covid-19, đa phần người dân, đặc biệt là các tín đồ du lịch đã biết cách tự bảo vệ bản thân, tìm ra cách thỏa mãn niềm đam mê khám phá nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Trên các nhóm mạng xã hội “check-in” điểm đến, kinh nghiệm du lịch, cứ vài phút lại có bài viết mới từ các cặp đôi, nhóm bạn, gia đình chia sẻ những chuyến du xuân muộn từ khắp mọi miền tỉnh, thành đang an toàn.
Hôm qua (5.3), Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng giao bộ này chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đánh giá đề xuất của TS Lương Hoài Nam về vấn đề mở cửa cho khách du lịch có chứng chỉ tiêm vắc xin Covid-19 để làm tiền đề nâng cao vị thế du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cần đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề trở ngại về cơ sở pháp lý và công nghệ đối với việc đưa “hộ chiếu vắc xin” vào thực tiễn.
“Không đến Vũng Tàu mùa này là phí nửa đời người”, “Hoa đào, hoa mận đang vào thời kỳ đẹp nhất ở Hà Giang”, “Về với Buôn Mê, hòa vào thiên nhiên hoang dại và muốn sống ảo kiểu gì cũng có”... những lời mời gọi hấp dẫn, mỗi bài viết có hàng chục ngàn lượt yêu thích, chia sẻ, hàng ngàn bình luận phía dưới mọi người í ới gọi nhau, “gầy độ” muốn lập tức xách ba lô lên và đi. Trước cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ, nỗi lo dịch bệnh dường như chẳng cản nổi bước chân lữ khách.
Không bỏ qua cơ hội thu hút du lịch, rất nhiều địa phương đã nhanh chóng xây dựng nhiều sản phẩm mới, triển khai nhiều chương trình quảng bá. Trên trang web chính thức của Tổng cục Du lịch, các bài viết giới thiệu điểm đến, sản phẩm mới của địa phương được cập nhật liên tục.
Đơn cử, sau thời gian dài mải mê tận dụng triệt để lợi thế trời cho từ những bãi biển tuyệt đẹp, Nha Trang đang dần chuyển mình, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm để thu hút du khách. Những ngày qua, hình ảnh bãi biển rêu xanh ở Nha Trang đang được người dân địa phương và nhiều du khách truyền tai nhau và tìm đến rất nhiều. Đoạn bãi biển này nằm phía bắc đường Trần Phú. Rêu dọc theo bờ cát, rêu bám chặt trên đá. Một bãi biển không phải là cát trắng mà như được phủ tấm thảm màu xanh. Từ 2 tháng nay, dọc theo bờ biển Nha Trang, mùa rêu biển đã quay trở lại. Mỗi ngày có hàng trăm người tìm đến bãi biển rêu xanh, hàng trăm tấm hình đăng tải trên các trang mạng. Cùng với đó, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng để đa dạng sản phẩm, chuẩn bị hút du khách mùa cao điểm tới.
Du lịch rục rịch trở lại

Khách du lịch nội địa tham quan tại Đường sách Nguyễn Văn Bình chiều 5.3

Ảnh: ngọc dương

Du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cũng đang là hướng đi mới của Đà Nẵng. Ngay sau kỳ nghỉ tết, Sở Du lịch TP đã có buổi trao đổi, thảo luận với đại diện các quận, huyện, đơn vị liên quan về định hướng sản phẩm du lịch nông nghiệp cộng đồng trên địa bàn TP. Đáng chú ý, chính quyền TP này vừa ban hành kế hoạch tổ chức thí điểm các hoạt động vui chơi, giải trí về đêm tại bãi biển Mỹ An, dự kiến diễn ra từ tháng 4.2021 - 4.2023 với tên gọi “Bãi biển đêm Mỹ An - My An Night Beach”. Hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ giải trí hấp dẫn, mới lạ đã lên kế hoạch sẵn sàng triển khai, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch mới, các loại hình dịch vụ đa dạng và tiện ích phục vụ cộng đồng nhằm thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương, DN cũng đã phối hợp “tung” thêm nhiều “chiêu” giảm giá, khuyến mãi để kích cầu, từng bước hồi phục thị trường như Huế miễn 100% vé tham quan các điểm di tích đối với công dân khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam trong các ngày từ 6 - 8.3; Nhiều khách sạn 5 sao tại trung tâm TP.HCM giữ mức giảm 50% giá vé đến hết quý 1; Ngay tại Hà Nội, nhiều di tích vẫn tạm đóng cửa nhưng đã sẵn sàng các điều kiện phòng dịch Covid-19 để đón khách trở lại. Nhiều khu, điểm du lịch được phép đón khách cũng bắt đầu giới thiệu chương trình mới, giá phòng lưu trú khách sạn 3 - 5 sao giảm sâu từ 50 - 80%; Hệ thống điểm nghỉ dưỡng, vui chơi của các tập đoàn lớn như Sungroup, Vingroup trên cả nước cũng triển khai nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi cho cả đối tác và du khách để chung tay khởi động du lịch trở lại…

Kỳ vọng khởi sắc từ vắc xin

Nhìn lại 1 năm kể từ khi dịch Covid-19 chính thức bùng phát và lan rộng tới nhiều quốc gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp, đầu tiên và nặng nề nhất. Liên tiếp những cơn bùng phát dịch bệnh diễn ra ngay trước thềm cao điểm khiến ngành du lịch Việt Nam từ những tiếng thở dài, nay đang dần thoi thóp. DN kiệt sức, thậm chí phá sản, người lao động bỏ nghề... Ngành du lịch tuy đã dần quen với những cơn bùng phát bất ngờ của dịch bệnh nhưng sức khỏe cũng đã dần cạn kiệt, không còn đủ sức để chống chọi thêm với nhiều cơn sóng nữa. Do đó, bên cạnh việc hào hứng tái khởi động sau mỗi đợt dịch được kiểm soát, các DN cũng không khỏi thấp thỏm, lo lắng vì chỉ cần thông tin 1 ca nhiễm mới ngoài cộng đồng đột ngột xuất hiện cũng có thể khiến cả thị trường đóng băng, toàn ngành bất động.

TP.HCM lập danh sách 44.000 người được ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn hoành hành bên ngoài biên giới, an toàn vẫn là yếu tố quyết định để phục hồi du lịch bền vững. Hiện nay, vắc xin đang được nhanh chóng phủ rộng, liều vắc xin đầu tiên cũng đã về tới Việt Nam. Đây là nỗ lực chung của Chính phủ đối với toàn dân trong việc phòng, chống dịch và sớm ổn định, phát triển kinh tế. Vắc xin chia theo nhiều nhóm đối tượng ưu tiên, trong đó có các ngành thiết yếu như lữ hành, du lịch… Đây là điều kiện tiền đề thuận lợi để nhanh chóng khôi phục du lịch, cũng như kết nối với các quốc gia, sớm mở lại các đường tour quốc tế. “Du khách cũng đang trông chờ vào kết quả của vắc xin để có thể an tâm tiêm phòng và triển khai toàn dân. Như vậy sẽ tạo nên hiệu quả lan tỏa rộng và mạnh mẽ hơn, mở đường cho những bước đi kết nối, mở lại bầu trời, khôi phục du lịch, ổn định kinh tế”, vị này nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.