Đây là thông tin tại Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại VN” diễn ra ngày 25.9 tại Hà Nội do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCXSH) và Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức.
Hơn 2 triệu hộ thoát nghèo
Theo báo cáo của NHCSXH, đến 31.8.2019, NHCSXH đang quản lý các chương trình tín dụng chính sách xã hội theo chỉ định của Chính phủ và một số dự án cho vay, tổng dư nợ đạt 199.823 tỉ đồng, với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS với dư nợ bình quân một hộ đạt 34 triệu đồng/bình quân chung là 30,4 triệu đồng.
Nguồn vốn này đã góp phần giúp hộ DTTS phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Cụ thể, có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động (trên 16.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ DTTS được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở...
Chia sẻ tại hội thảo, chị Triệu Thị Nga (dân tộc Dao, ở Bắc Kạn) cho biết, từ nguồn vốn vay ban đầu của NHCSXH là 5 triệu đồng, với sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng này, chị biết đến các chương trình cho vay khác. Sau khi trả nợ 5 triệu đồng, chị đã vay thêm 30 triệu đồng mua 2 con trâu sinh sản, từ đó gia tăng thu nhập. Trả nợ xong, chị vay thêm được 100 triệu cho các con ăn học từ chương trình cho vay đối với học sinh, sinh viên.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH, nhận định vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả. Giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng DTTS...
Tỷ lệ nghèo giảm mạnh
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, ngành ngân hàng đã và đang tiếp tục chú trọng đến phát triển tín dụng tiêu dùng, qua đó hỗ trợ bà con vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ngăn chặn đẩy lùi tín dụng đen.
|
Cụ thể, theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giai đoạn 2007 - 2015 giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%; giai đoạn 2016 - 2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,35%; đặc biệt là giảm nghèo trong khối đồng bào DTTS.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư, nhấn mạnh chính sách tín dụng đã có bước chuyển quan trọng, thay đổi được nhận thức của người dân, thay đổi sinh kế và thay đổi cuộc đời. Thay vì một chính sách bao cấp cho không, người dân đã có ý thức trả nợ. Nguồn lực này không chỉ cho vay mà còn gắn với việc chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ cho bà con sinh kế, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường, từ đó hiệu quả lớn, đời sống bà con được cải thiện nâng cao, thoát nghèo bền vững hơn.
Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đánh giá: “Chính sách tín dụng đối với khu vực miền núi, đồng bào DTTS có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đặc biệt là đảm bảo an sinh xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn. Góp phần giúp đồng bào các dân tộc thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cùng chung sức xây dựng, phát triển đất nước”.
Đưa dịch vụ tài chính đến với đồng bào DTTS
Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH, cho biết Ngân hàng Nhà nước cũng đã phối hợp các bộ ngành liên quan xây dựng Dự thảo Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó tập trung vào việc tăng khả năng tiếp cậnsản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, đặc biệt đồng bào DTTS. Thời gian tới, NHCSXH, các tổ chức tín dụng sẽ triển khai mạnh mẽ để đưa các dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS tốt hơn, chi phí thấp hơn dựa trên ứng dụng công nghệ mới.
Thống đốc cũng cho biết, thời gian tới, việc bố trí nguồn lực xã hội, phân bổ nguồn vốn đối với các chương trình tín dụng đặc thù, tăng nguồn lực cho NHCSXH là rất quan trọng để cung cấp tín dụng cho các chương trình tín dụng chính sách. Hiện nay, NHCSXH có vai trò quan trọng nhưng trách nhiệm, vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước cũng quan trọng không kém. Thống đốc nhấn mạnh, việc bố trí được nguồn lực cho NHCSXH thông qua vốn ngân sách, phát hành trái phiếu, qua kênh vốn ủy thác sẽ tăng nguồn lực cho NHCSXH, đóng góp quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo của quốc gia.
Bình luận (0)